- Nhà văn & Góc nhìn
- Nhà thơ Nguyên Hùng thao thức cùng xứ Nghệ
Nhà thơ Nguyên Hùng thao thức cùng xứ Nghệ
VÂN KHÁNH (thực hiện)
PV: Thưa nhà thơ Nguyên Hùng, điều gì khiến thơ ông nặng tình đến thế về quê hương mình?
NH: Với người sống xa quê, ai cũng luôn nhớ về quê cha đất tổ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Với người xứ Nghệ đi xa, điều này có thể thấy rõ nét hơn, có lẽ vì đất Nghệ vốn là nơi nghèo khó nhưng sâu nặng nghĩa tình. Tự bao đời nay cha ông chúng ta, dù thiếu thốn, dù bữa no bữa đói, nhưng vẫn luôn coi việc nuôi dạy con cái, lo cho chúng được ăn học nên người là điều ưu tiên hàng đầu. Ở quê tôi nói riêng và xứ Nghệ nói chung, không ít gia đình chỉ là nông dân, ngư dân nghèo, nhưng tất cả 6-7 đứa con đều được nuôi ăn học đầy đủ và thành đạt.
Người Nghệ đau đáu về quê hương, phần vì thương nhớ và biết ơn các bậc sinh thành và người thân, phần nữa vì những nỗi trăn trở thường trực trong họ. Vì sao người Nghệ nổi tiếng thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó, nhưng quê hương xứ Nghệ của ta mãi vẫn chưa thể cất cánh? Là người xứ Nghệ, thú thực tôi tự thấy rất có lỗi vì mình chưa đóng góp được gì thực sự đáng kể để giúp quê hương.
PV: Ông có thể kể những tác phẩm tâm đắc của mình viết về quê không?
NH: Tôi đang có dự định viết một trường ca về quê biển Cửa Lò – Cửa Hội, hy vọng tác phẩm này sẽ phác họa được một cách khái quát về vùng đất biển quê hương, qua đó có thể gửi gắm được nhiều hơn tình cảm của một người con làng biển. Trong 6 tập thơ in riêng đã xuất bản, có một số bài viết về quê được bạn bè và độc giả yêu thích, như Gửi dòng song câu ví: “Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm/Giá mỗi chiều được về quê ngụp lặn/Giữa trong xanh da diết một cánh buồm;
hay Miền Trung ơi, bao giờ…: “Ơi miền Trung đất quê hương/Khi mô nghèo khó mới buông lưng còng?/Ngàn đời chung kiếp long đong/Oằn vai gánh chịu bất công của trời”;
hoặc Cánh buồm tính ái: “Anh đã viết cả ngàn lần về biển/Vẫn đắm say trước mây nước nghìn trùng/Những câu thơ chứa đầy trải nghiệm/Vẫn cháy bỏng khát khao yêu đến tận cùng…//Biển ngủ rồi/ta chưa hết chòng chành/Con sóng giữa lòng ta cứ dâng trào lên mãi/Thuyền buông neo/người nằm im trên bãi/Mà cánh buồm tình ái vẫn ra khơi...”
PV: Có thể nói là những tác phẩm về xứ Nghệ của nhà thơ Nguyên Hùng rất có duyên với nhạc, những bài thơ của ông được nhạc sĩ Lê An Tuyên- cũng là một người con xứ Nghệ xa quê phổ rất thành công. Nhà thơ Nguyên Hùng có thể chia sẻ niềm vui này được không?
NH: Quả là thơ tôi may mắn được nhiều nhạc sĩ đồng cảm và đã viết ra hơn 80 ca khúc, trong đó không ít bài nhận được đồng thời hai, ba, thậm chí bốn bản nhạc phổ thơ khác nhau. Trong số hơn 80 ca khúc phồ thơ Nguyên Hùng cho tới giờ này, có tới 9 ca khúc của Lê An Tuyên, một nhạc sĩ cùng quê Nghi Hải, Cửa Lò. Có thể nói, giữa chúng tôi có duyên thơ nhạc rất đặc biệt; các sản phẩm chung trước khi được trình làng đều là những tác phẩm được đồng cảm sâu sắc, được phối hợp chặt chẽ, kỹ lưỡng về giai điệu và ca từ. Thường thì, trước tiên nhạc sĩ phác thảo giai điệu và hát qua điện thoại hoặc msg cho tôi nghe; tiếp theo là việc chúng tôi rà soát, tìm chọn phần ca từ tối ưu nhất cho những câu hát mà tại đây không thể sử dụng nguyên xi câu thơ gốc.
Cụ thể về cái sự “bếp núc” này, tôi xin chia sẻ đôi điều về ca khúc “Em và biển”. Đây là ca khúc mà nhạc sĩ Lê An Tuyên viết từ bài thơ “Cánh buồm tình ái” cùng một vài câu chọn từ vài bài thơ khác cùng của Nguyên Hùng và gửi cho tôi với tên “Biển và em”. Nhưng vì cái tựa này trùng với ca khúc đã có là “Biển và em” của Ngô Thụy Miên nên tôi đã đổi thành “Em và biển”. Về phần ca từ, khi rà soát lại, chúng tôi cũng đã kịp thời chỉnh sửa lại bài hát đã thu, vì chợt nhận ra câu “Biển mãi trong tim, lắng sóng ngăn nào cũng em” có tứ khá giống câu “Lắng sóng phương nào cũng em” của một tác giả khác trong một bài thơ về biển.
Ngược về hơn chục năm về trước, Lê An Tuyên đã từng muốn đặt tên “Biển và em” cho ca khúc phổ bài thơ “Biển và em” kết hợp một vài câu từ bài “Cửa Lò – Cửa Hội”, và khi nhận được bản thu từ ca sĩ Lê Anh Dũng, tôi cũng đã đổi thành “Sóng không từ biển”…
Về phong cách nhạc phổ thơ, tôi phải công nhận, nhạc sĩ Lê An Tuyên rất phóng khoáng. Chị không bị lệ thuộc quá nhiều vào câu chữ của bài thơ gốc mà luôn sáng tạo và rất giỏi trong việc chọn các câu thơ, ý thơ để đưa vào ca khúc.
Tôi rất vui vì được là đồng tác giả cùng Lê An Tuyên của chùm ca khúc được nhiều người yêu thích, như Sóng không từ biển, Bến xưa, Lời hẹn tình quê, Em và biển, Bảo Lộc – khúc tình ca, và mới đây nhất là Hoa muống biển… Các ca khúc này đã được nhiều đài truyền hình làm chương trình Tác giả - tác phẩm, Tác phẩm mới; được chọn tham gia các chương trình ca nhạc có THTT; được nhiều ca sĩ chọn làm MV, chọn đưa vào các albums riêng. Đặc biệt, Lời hẹn tình quê, một ca khúc được cố nhạc sĩ An Thuyên đặt tên, có không ít MV, clip nhiều triệu views trên Youtube và các trang nhạc online.
Qua đây, cho tôi được gửi lời cảm ơn tới nhạc sĩ Lê An Tuyên cùng các nhạc sĩ khác đã dành tình cảm đặc biệt cho thơ Nguyên Hùng và giúp tác phẩm của tôi đến được với nhiều người yêu thơ yêu nhạc hơn.
PV: Trong số các ca khúc được nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ thơ, nhà thơ Nguyên Hùng tâm đắc tác phẩm nào nhất? Nó gợi cho ông suy nghĩ điều gì về quê?
NH: Mỗi ca khúc Lê An Tuyên phổ thơ tôi đều có nét riêng và đều có cái hay. Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thích và khen nhất Sóng không từ biển và chính ca khúc này từng được VTV chọn đưa vào chương trình “Sóng không từ biển – những ca khúc phổ thơ được yêu thích” (cùng Thuyền và biển, Mơ về nơi xa lắm, Mùa hoa cải, Khúc hát sông quê…). Với tôi, về mảng nhạc nhẹ, tôi tâm đắc nhất ca khúc “Em và biển” được phổ từ bài thơ “Cánh buồm tình ái”. Còn về mảng dân ca – nhạc quê hương, tôi thích hơn cả là ca khúc “Bến xưa” được viết từ bài thơ “Gửi dòng sông câu ví”. Bởi lẽ, đây là một ca khúc mà chúng tôi đã gửi gắm tình cảm sâu nặng về dòng sông quê hương, về cuộc sống vất vả cực nhọc của các bậc sinh thành: “Tháng năm dài sống trong cách xa/Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ/Dù trôi đâu vẫn không vơi nhung nhớ/Thương những mái chèo sấp ngửa sớm khuya”
PV: Dự định trong năm 2021 của nhà thơ Nguyên Hùng là gì?
NH: Như trên đã nói, tôi có dự định viết một trường ca về quê biển Cửa Lò – Cửa Hội, và trong năm nay sẽ bắt tay vào thực hiện. Trước mắt, sẽ tiếp tục thực hiện tập 2 của cuốn “Những mảnh ghép văn nhân”, một dạng kỷ yếu nhà văn bằng thơ. Tập 1 đã xuất bản năm 2017 với 102 chân dung các nhà văn nhà thơ đương đại; tập 2 này tập trung viết về các gương mặt văn chương tiêu biểu từ sau 1945. So với cuốn thứ nhất, cuốn này tôi cố gắng viết chi tiết và sâu hơn với mong muốn các nhân vật của cuốn sách được hiện lên nét hơn, sắc sảo hơn. Tôi coi đây là cách mà một kẻ hậu sinh, một người ngoại đạo như tôi, bày tỏ lòng tri ân đối với các văn nhân đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho nền văn học của nước nhà.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyên Hùng về cuộc trò chuyện.
Nguồn: Báo Nghệ An Cuối tuần, thứ Bảy 06/02/2021
.
P/s: 1). "Như trên đã nói, tôi có dự định viết một trường ca về quê biển Cửa Lò – Cửa Hội, và trong năm nay sẽ bắt tay vào thực hiện" - Lại lỡ hẹn mất rồi!
2). Đến thời điểm này, đã có 99 ca khúc phổ thơ hoặc được viết từ phần lời ca của Nguyên Hùng.
Bình luận