- Nhà văn & Góc nhìn
- Nhà văn khoác áo lính “phức tạp nhất” và “đáng đọc nhất” hiện nay
Nhà văn khoác áo lính “phức tạp nhất” và “đáng đọc nhất” hiện nay
HẠNH ĐỖ
Được đánh giá là nhà văn đương đại hàng đầu Việt Nam hiện nay, văn chương của Nguyễn Bình Phương vẫn luôn là một bài toán khó với đa số độc giả. Nổi bật ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ, mỗi cuốn sách của Nguyễn Bình Phương xuất hiện đều trở thành một cơn cớ để khuấy động cộng đồng yêu văn chương.
Nhà văn “đáng đọc nhất”
Trong một cuộc hội thảo về cuốn tiểu thuyết đoạt giải Hội Nhà văn “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Phan Hoàng kể, khoảng hai chục năm trước khi ông hỏi nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong số những tác giả Việt Nam đương đại, nên đọc ai, thì Nguyễn Quang Sáng đề cử Nguyễn Bình Phương.
“Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đầy ám ảnh, tượng trưng. Đọc nó ta phải chuẩn bị tâm thế tự hỏi và tự đáp cái gì, vì sao”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định. Ông Nguyên cũng cho rằng: “Thơ Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt”.
Đó cũng là một trong những nguyên do khiến người ta có cảm giác văn Nguyễn Bình Phương khó hiểu. Một số độc giả chia sẻ họ không theo kịp lối viết phức tạp và đầy biến ảo của tác giả.
Một đơn cử, về cuốn tiểu thuyết được nhiều người đánh giá là “đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương”, “Mình và họ”. Công bằng mà nói, đây không phải là cuốn sách dễ đọc. Ngoài cấu trúc thời gian phi tuyến tính, nó còn khiến độc giả rối bời vì cách lồng ghép hai câu chuyện, đan xen giữa sống và chết, thực và hư, quá khứ và hiện tại. Giống như nhan đề, thế giới trong truyện cũng được phân tách thành hai nửa: mình và họ, lên và xuống (tên đầu tiên của tiểu thuyết là “Xe lên xe xuống”), trước và sau, bên trong và bên ngoài, bên này với bên kia... Mà đường biên của những sự phân tách này có khi chỉ mảnh như sợi tóc, rất khó phân định rạch ròi. Hơn nữa, tác giả cũng không đeo đuổi việc phân định: “làm sao để phân biệt được lên với xuống”, “làm sao để phân biệt được mình với họ?”.
Trong bối cảnh phức tạp, vặn xoắn ấy, giữa đan xen những số phận bé như hạt vừng, tác giả đặt ra những câu hỏi lớn về nguồn gốc của cái ác, của chiến tranh, “bên trong một cái cây ở vùng này là gì” và “bên trong một con người có cái gì”...? Điều thú vị là những nội dung đậm tính triết học này lại được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ mê dụ của một nhà thơ.
Một độc giả trẻ ở lứa tuổi 9X cảm nhận như thế này về “Mình và họ”: “Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 là một sự kiện mà có lẽ phải rất lâu sau này chúng ta mới thấy nó xuất hiện nhiều hơn trên các mặt báo hay trong các tác phẩm văn học. Trước đây, tôi đã từng mù tịt về sự kiện lịch sử quan trọng này nhưng nhờ cuốn sách “Mình và họ” của nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương, tôi có cảm hứng tìm hiểu về cuộc chiến tranh đã từng bị “lãng quên” trong quá khứ. Dĩ nhiên, tôi nghĩ tác phẩm này không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại cuộc chiến khốc liệt ấy… Những đám mây sẽ làm ta không quên được “Mình và họ”; có “đám mây cô đơn nhất”, là “đám mây ngũ sắc, có những tia sáng chói bắn tóe ra, giống chiếc nơm đang úp thẳng xuống” (tr. 8), có “đám mây trắng hình chữ nhật” (tr. 111) rồi chốc lát biến thành “con ngựa xám đang lồng lộn phi trên một rừng gươm nhọn hoắt” (tr. 112). Vào những thời điểm quan trọng trong các câu chuyện của “Mình và họ”, đều xuất hiện mây, khi lấp huyệt cho người anh (“bạch long phù” - tr. 239), khi Hiếu và người anh trai đánh nhau thì “đám mây xòe ra hệt như chiếc quạt giấy trắng phau” (tr. 203).
Trong một dịp ngồi riêng với Nguyễn Bình Phương, tôi có hỏi: Một trong những lý do người ta hay đổ cho cái sự khó đọc tác phẩm của anh là vì nó “nhiều u uất”, anh thấy sao? Phương trả lời: “Tâm hồn người ta luôn có một vùng tối. Nếu con người chỉ có mặt sáng thì sẽ là một loài rất đơn giản. Trong lúc ta bắt đầu buổi sáng thì ở một nửa bán cầu còn lại bắt đầu đêm tối. Có lúc nào loài người cùng hưởng một bình minh chung đâu? Lại nói cái vùng tối ấy ta không diệt hết được vì không chỉ nó có sẵn mà nó còn phát triển hàng ngày hàng giờ. Ta chỉ có thể dò dẫm, cố gắng tìm hiểu, phân tích nó, rồi tìm cách sống chung với nó. Tôi thì tôi cho rằng con người đi đâu rồi cũng gặp lại mình và loanh quanh khám phá cái vùng tối của chính mình thôi. Cuộc sống con người, “xét cho cùng, từ khởi nguồn đến giờ, chưa hề mất đi một cái gì, kể cả sự mông muội” (Mình và họ).
Tôi lại dẫn lời một nhà phê bình nói rằng, tiểu thuyết “Mình và họ” có u uất lắm đâu, vì nó có rất nhiều đám mây. Những đám mây bay ở bên trên cuộc chiến. Nguyễn Bình Phương kể: “Có nhiều người gặp tôi vỗ vai khen “viết về chiến tranh ác liệt thế”. Nhưng nếu nói “Mình và họ” viết về chiến tranh thì không đúng. Chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, một cái cớ để tôi nói những chuyện khác. Như chuyện về sự bàn quan giữa con người với con người, chuyện ác một cách hồn nhiên… Nhưng mà cũng chẳng sao. Việc hiểu lệch đi của người đọc sẽ kéo dài tuổi thọ cho một tác phẩm. Nếu người ta hiểu một phát đúng luôn thì thế là tác phẩm xong rồi”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Mình và họ” là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Tác giả đã tái hiện lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 như một sự kiện lịch sử bi tráng thông qua ký ức một người lính. Nhưng không chỉ có vậy. Cuộc chiến đó được nhà văn đặt trong khung cảnh con người hôm nay đang tìm về và tìm đi, đang trong những chuyến xe lên và xe xuống, nhằm thông qua đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Mình và Họ ai là ai. Mình và Họ không chỉ là bên này bên kia biên giới mà còn trong mỗi con người, như một vấn đề triết học của Hiện hữu và Tha nhân. Tác phẩm này đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, như vậy, là một tác phẩm buộc con người đối diện với vực sâu của đời sống và hố thẳm của chính mình trên những con đường quanh co của thực tại trong một thế giới của Mình và của Họ. Đây là một trong những tác phẩm văn học đáng đọc nhất hiện nay”. (Trích Nguyễn Bình Phương, những mê lộ nghệ thuật – NXB Hội nhà văn).
Còn đây là nhận định của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: “Mỗi truyện của Nguyễn Bình Phương đều có một khí hậu riêng, ma mị, quánh đặc, hấp dụ chúng ta phải đi theo đến cùng”.
Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” Bảo Ninh trước đó từng khen “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương là “tuyệt tác”, đến tiểu thuyết “Kể xong rồi đi”, ông tiếp tục khẳng định: văn Phương không những rất hay, còn rất khác thường, là đối tượng cho một nền phê bình mới, và “Nguyễn Bình Phương xứng đáng”. Bảo Ninh đánh giá các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đã vượt qua lối nghĩ của thế hệ ông. “Thế hệ tôi chỉ bàn chuyện đúng sai, phải trái, trong khi các bạn bây giờ chiêm nghiệm về sự phức tạp của nhân tính, về cái chết”.
Trước đó, khi Nguyễn Đình Chính tiên đoán “Sẽ chẳng có ma nào đọc “Ngồi” (tên một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương) thì thực tế diễn tiến hoàn toàn ngược lại. TS. Đỗ Hải Ninh công bố: “Theo quan sát của chúng tôi, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội có khoảng 40 luận văn, bài viết về Nguyễn Bình Phương được lưu trữ, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có khoảng 17 luận văn nghiên cứu Nguyễn Bình Phương hoặc so sánh Nguyễn Bình Phương với các nhà văn đương đại. Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương hầu như đều đã được tái bản 2-3 lần, điều đó cũng cho thấy nhu cầu đọc Nguyễn Bình Phương của công chúng không ít”.
Một tác giả “phức tạp” nhưng mê dụ
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khi nhận định về văn chương của Nguyễn Bình Phương đã cho rằng: tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường không quá dài, nhưng đó là những cấu trúc đa tầng, đầy thách thức. Chưa kể, Nguyễn Bình Phương có ý thức thúc đẩy quá trình liên văn bản để kết nối các bình diện văn hóa, tri thức, văn học, lịch sử. Tất cả những yếu tố này cấu thành chân dung Nguyễn Bình Phương như một ca phức tạp, không dễ nhìn thấu và mổ xẻ.
Nói thêm về sự phức tạp của tác giả sinh năm 1965: Nguyễn Bình Phương là tác giả duy nhất cho đến nay đoạt cả hai giải thưởng thơ và văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội: giải thơ cho tập “Buổi câu hờ hững” (2012) và giải văn xuôi cho tiểu thuyết “Mình và họ” (2015).
Tập thơ đoạt giải “Buổi câu hờ hững” của Nguyễn Bình Phương được Phạm Xuân Nguyên (khi đó đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đơn vị xét giải) đánh giá: “Đó là một thứ văn thơ không đơn giản, không rõ ràng theo kiểu thẳng đuột, dễ hiểu, mà có tính chất dẫn dụ, khơi gợi, đi vào bề sâu thực tại và tinh thần. Anh có ý cách tân thơ nhưng không ồn ào ở hình thức mà chú trọng ở cái nhìn, đem lại cho thơ một vẻ đẹp trầm tư”.
Chính vì đem tâm thế của một nhà thơ viết tiểu thuyết, trong giới, Nguyễn Bình Phương nổi tiếng là người kỹ chữ.
Trong câu chuyện hậu trường, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa tiết lộ, Nguyễn Bình Phương viết xong cuốn “Kể xong rồi đi” từ năm 2014, nhưng thời gian anh dành để chỉnh sửa nó là 3 năm, cho nên đến năm 2017, cuốn sách mới tới tay bạn đọc. Các bạn văn và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đều chia sẻ rằng: hiếm có người kỹ chữ như Nguyễn Bình Phương, anh cân lên đặt xuống từng từ, không tiếc thời gian cắt, gọt, đẽo cho đến kỳ ưng ý mới thôi. Nhà văn Uông Triều cũng cho biết: bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết có tên “Xuôi tay” là một phiên bản khác hẳn “Kể xong rồi đi”. Có nghĩa, trong khoảng thời gian ba năm sửa chữa, Nguyễn Bình Phương gần như đã dỡ tiểu thuyết ra viết lại.
Uông Triều còn kể thêm: “Nguyễn Bình Phương có thói quen tiết kiệm, bản thảo của anh thường sửa nhiều lần, mỗi lần dùng một màu mực khác nhau để đánh dấu. “Sửa nhoe nhoét” cho đến khi kín đặc trang giấy, cho nên ai xin bản thảo Nguyễn Bình Phương cũng không cho bởi anh ý thức rất cao về chữ của mình”.
Về điểm này, bản thân người viết đã từng được kiểm chứng. Trong một cuộc phỏng vấn, khi tôi hỏi, công việc viết văn hấp dẫn anh ở điểm nào, Nguyễn Bình Phương đã nói rằng: “Người ta có thể làm ra rất nhiều thứ mà sau đó những thứ ấy không thuộc về họ. Nhưng văn chương lại khác. Nhà văn viết ra chữ nào thì chữ ấy là của anh ta, chỉ của anh ta. Dù sau đó người ta đọc nó kiểu gì, khuấy đảo, nhào lên trộn xuống ra sao, hay tô son trát phấn, cũng vẫn không cướp được chữ của nhà văn”.
Cũng trong buổi tọa đàm về cuốn “Một ví dụ xoàng”, tính đến nay là trường hợp duy nhất Nguyễn Bình Phương có mặt khi những người khác bình phẩm về các sáng tác của anh, nhà văn nổi tiếng là “sợ đám đông” hiếm hoi hé lộ những trăn trở về việc viết: “Khi sáng tác thi thoảng tôi cũng đặt cho mình câu hỏi, viết là tìm thấy hay đánh mất? Đa phần tôi cho là tìm thấy, nhưng lắm khi tôi nghĩ viết cũng là đánh mất. Khi viết ra tác phẩm tức là chúng ta tiết lộ một phần bí mật của người viết, chúng ta cố định một khoảnh khắc, một phương án cho nhân vật. Bên cạnh đó chúng ta cũng làm mất đi các phương án tái sinh số phận của nhân vật mà ở thời điểm khác ta nghĩ có thể chọn khác đi. Hơi chủ quan, tôi cho rằng nhà văn khi công bố xong tác phẩm đều tiếc nuối âm thầm, rằng có thể có phương án khác tối ưu hơn. Cũng chính tiếc nuối âm thầm đó là động lực cho họ viết tiếp”.
“Tôi có viết gì thì cũng chỉ loanh quanh Thái Nguyên thôi”
Gần đây, tôi có dịp phỏng vấn Nguyễn Bình Phương sau khi anh trở về từ Palestine, một vùng đất thiêng mang số phận bị chiếm đóng. Như mọi khi, đây vẫn chỉ là cái cớ để anh nói đến những câu chuyện khác, xa xăm hơn: về văn học hay là những góc khác của sáng tạo.
Anh sẽ viết một tác phẩm của anh về Palestine chứ?
Tôi chưa định gì. Tôi có nói với nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng tôi phục những ông nhà văn mà đi đến đâu họ cũng có thể viết về vùng đất ấy. Trong khi tôi có đi về cõi khác thì có lẽ cũng chỉ viết về Trại Cau, Linh Sơn... (những địa danh ở Thái Nguyên, quê hương nhà văn Nguyễn Bình Phương). Văn chương nó cũng có tạng của nó.
Nhắc mới nhớ, vùng địa lý trong văn anh, đúng thật, chỉ toàn Thái Nguyên!
Khi kéo được mọi thứ về đấy thì tôi thấy tự tin. Trước tôi chỉ viết về chính nó, sau ý thức nó là tấc đất cắm dùi của mình thì nhặt nhạnh mọi thứ về đấy. Xét cho cùng thì vẫn là anh nhà quê, vẫn phải cậy nhà. Không được như một số đồng nghiệp khác, coi bốn bể là nhà. Thế là nhược tiểu đấy chứ không phải là gì đâu!
Anh có nhu cầu mở rộng cái địa giới hành chính ấy trong văn mình không?
Không. Cái mở rộng quan trọng nhất của nhà văn chính là vấn đề anh nghĩ, anh cảm nhận. Thái Nguyên giống như một người đàn ông được mượn làm biểu tượng tôn giáo của phụ nữ thôi. Thực ra mà nói, bây giờ, tôi về Thái Nguyên cũng xa lạ, cũng giống người dưng. Nó chỉ còn lại vài cái tên, kiểu Linh Sơn, Võ Nhai... Nó là quầng ám ảnh thôi, chứ không phải là nhận thức, ở Hà Nội mới là nhận thức. Nhưng nghệ thuật oái ăm ở chỗ, cái ám ảnh mới mạnh.
Tôi nhớ, ông nhà thơ người Đức, Rainer Maria Rilke trong “Thư gửi một thi sĩ trẻ”, có một câu tôi đọc lâu rồi nhưng nhớ mãi: “Đối với người làm thơ, chỉ cần mở mắt nhìn thế giới một lần anh có thể viết một đời không hết”. Ý ông Rilke tôi nghĩ là: anh giỏi anh có thể viết về một cái lá, cả đời không hết. Cái lá nó sẽ khác đi theo cái nhìn của anh, nhận thức của anh. Giống như Van Gogh một đời chỉ loanh quanh màu vàng, đi đến tận cùng mà không hết, mỗi bức tranh của ông ấy là một sắc thái vàng khác nhau.
Trong số những người viết trẻ hiện nay, người ta hay kêu về sự tán loạn, thiếu định hình của họ, cả về phong cách, ngôn ngữ lẫn vùng đất. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Tôi cho rằng sự định hình đối với người trẻ không quan trọng. Người trẻ cần phải tán loạn, phải đến một độ tuổi nào đó, 45-50 mới nên tụ dần. Trẻ thì được quyền khám phá, được quyền sai. Càng già phải càng hạn chế sai, vì không còn cơ hội sửa chữa. Để đúng về sau thì phải sai, phải mò mẫm trước đó. Tôi không lo lắm về cái việc người trẻ chưa hình thành phong cách, phong cách là cái rất khó trong quá trình tìm lối đi. Có khi nó nằm ở vô thức. Vì cái tạng của mình, mình không tự thấy đâu. Phải đi mãi đi mãi, đến lúc nhìn lại thấy mình có một cái vệt thì mới ý thức, rồi mới làm đậm cái vệt đó lên.
Tôi vẫn ủng hộ tuổi trẻ tán loạn, không cá tính, không bản sắc. Nhưng chỉ được một khoảng thôi. Đến một lúc nào đó thì anh phải tụ lại. Chứ cả đời vẫn tán loạn thì không ổn.
Nhớ lại tuổi trẻ của mình, anh thích Nguyễn Bình Phương khi ấy, hay hiện nay?
Mỗi tuổi có cái hay của nó. Giai đoạn đầu tôi viết có độ bay bổng, mạo hiểm, kèm theo là độ ăn may. Nhưng đến khi “cáo” rồi, độ chắc chắn gia tăng, tính ăn may mất dần đi, mặc dù trong nghệ thuật may rủi là yếu tố quan trọng. Trẻ có cái hay của trẻ, già có cái ma lanh của già, khó để biết cái này hơn cái kia.
Anh đã từng rơi vào tình trạng không còn muốn viết nữa?
Hơi ngạo mạn nhỉ, nhưng tôi chưa có cảm giác bất lực. Tôi vẫn thích được viết, mặc dù viết cũng mệt nhọc, nhưng nó vẫn là khoái cảm.
Khoái cảm lớn nhất mà việc viết mang lại với anh là gì?
Là tự do. Có lẽ viết có một khoái cảm khó tả lắm, cho nên khi nhà văn không viết được nữa nó buồn lắm. Dễ hiểu vì sao có nhà văn phải tự sát khi không viết được nữa, đại khái chí tiên sinh thì lớn nhưng tay tiên sinh thì yếu rồi không cầm được gươm nữa. Nhà văn có cái bi kịch ấy. Đến mức Heminway phải nã một phát súng, hay Yukio Mishima chết bằng cách mổ bụng... vì muốn viết mà không thể. Độ vênh giữa ý muốn và khả năng chính là bi kịch.
“Một ví dụ xoàng” của anh nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021, đến tận thời điểm này mới tái bản, tốc độ không thể nói là nhanh, anh có bi quan về sự đọc của người Việt?
Không. Có thể hơi vô trách nhiệm, nhưng tôi không quan tâm điều ấy. Độc giả cũng chính là đời sống, cũng thay đổi theo thời thế. Họ có nhu cầu tự sẽ đọc. Mình không thể nói anh không đọc tôi thì tôi thất vọng về anh. Không thể bắt người ta đọc. Cứ dúi sách vào tay mà người ta không thích thì cũng chịu. Ép nhau là không đúng.
Còn nhiệm vụ của nhà văn là phải viết. Chỉ cần trên thế gian còn một người duy nhất, thậm chí không còn ai nhưng anh vẫn phải viết, vì anh là nhà văn.
Nhu cầu viết thường đến với anh trong hoàn cảnh nào?
Viết hết một cuốn, thấy người rỗng rỗng. Sống linh tinh lang tang nó đầy lên, thì lại viết.
Khoảng cách trung bình giữa các cuốn là bao lâu?
Khoảng 4 năm gì đấy. Hôm thống kê lý lịch, tôi áng chừng bốn năm mình viết được một cuốn.
Với anh, càng viết càng khó khăn hơn hay dễ dàng hơn?
Tôi cảm giác càng ngày viết càng dễ hơn nhưng chậm hơn. Có thể là do mình kỹ hơn, thận trọng hơn, tính toán hơn. Cũng do sức khỏe, công việc nữa. Trước khỏe ngồi bốn tiếng không sao, giờ ngồi tiếng rưỡi là phải đứng dậy đấm lưng rồi.
Trong tay anh hiện đang có bản thảo nào chưa in không?
Chả có. Chỉ có tập thơ khoảng 70 bài mà không muốn in.
Vì anh chưa đủ thích những bài thơ ấy?
Văn xuôi có thể có cuốn tôi thích, cuốn không. Riêng với thơ thú thật là bài nào tôi cũng thích. Tôi thuộc những bài thơ mình làm từ đầu tiên đến giờ.
Thơ anh, nói thật là không dễ thuộc!
Ừ, nhưng mà tôi không quên bài nào. Cho nên, tôi rất lấy làm lạ khi có những nhà thơ không thuộc thơ mình. Với tôi, nếu tôi không nhớ bài thơ nào của mình, chỉ có thể giải thích là vì bài đó chưa phải máu thịt của tôi.
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV, nổi bật ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ. Cho đến nay, anh vẫn là tác giả duy nhất đoạt cả hai giải thưởng thơ và văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội: giải thơ cho tập “Buổi câu hờ hững” (2012) và giải văn xuôi cho tiểu thuyết “Mình và họ” (2015).
Kể từ khi những tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1991, trong hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương đã ra mắt: Vào cõi – 1991; Bả giời – 1991; Những đứa trẻ chết già – 1994; Người đi vắng – 1999; Trí nhớ suy tàn – 2000; Thoạt kì thủy – 2004; Ngồi – 2006; Xe lên xe xuống - 2011 (sau đổi tên thành: Mình và họ - 2014); Kể xong rồi đi – 2017; Một ví dụ xoàng - 2021.
Trong số hơn chục tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, “Mình và họ” có lẽ là cuốn sách gây tranh cãi nhiều nhất. Long đong trong hành trình xuất bản, nhưng khi vừa xuất hiện nó đã gây chấn động văn đàn. Được tái bản nhiều lần, giành nhiều giải thưởng quan trọng.
Năm 2015, “Mình và họ” đã đoạt giải Tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Hà Nội và năm 2020 nó được trao giải Nhất sáng tác về biên giới, biển đảo từ 1975 đến nay.
Khi mới ra đời, Mình và họ được Bảo Ninh gọi là "một kiệt tác khiến tôi ghen tị", còn nhà văn Uông Triều thì cho rằng nó xứng đáng được xếp ngang hàng với “Nỗi buồn chiến tranh”.
Tác phẩm đã được giới thiệu trong thế giới nói tiếng Anh, và cũng sẽ được xuất bản bằng tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Trung.
Cuối năm 2023, “Mình và họ” vừa được chuyển ngữ và ra mắt ở Hàn Quốc (NXB Asia).
Trước đó, hai tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương cũng đã được dịch và giới thiệu ở Pháp gồm: Thoạt kỳ thuỷ (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2014 và Trí nhớ suy tàn (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2019.
Năm 2021, tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2024, cuốn sách cũng vừa được Giải thưởng văn học ASEAN.