- Nhà văn & Góc nhìn
- Phải kiêu hãnh làm người!
Phải kiêu hãnh làm người!
Người Việt Nam chúng ta, ngay trong ngày hôm nay, nếu không có đủ tự tin kiêu hãnh làm người thì đừng nói có thể làm được bất kỳ điều gì, dù nhỏ nhất như tự bưng bát cơm ăn, tự mặc quần áo, tự giải quyết vấn đề cá nhân lặt vặt mà người khác giới hoặc lú lẫn, hoặc mới sơ sinh cần phải hỗ trợ như một lẽ tất nhiên.
Nhà văn Phùng Văn Khai
Tổ tiên chúng ta, nếu không kiêu hãnh làm người, đã không thể nào có Trưng Nữ Vương phận đàn bà con gái vùng lên đánh đuổi giặc phương Bắc, xưng vương lập quốc, sử sách lưu danh.
Cũng với tâm thế và hành động kiêu hãnh làm người, Triệu Trinh Nương khi vung gươm khởi nghĩa đánh quân Ngô đã từng nói: “Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.
Nếu không kiêu hãnh làm người, Lý Nam Đế đã cam tâm làm một Giám quân cho Thái thú phương Bắc đàn áp dân chúng Giao Châu một cách hà khắc, vô đạo. Nhưng do kiêu hãnh làm người mà Lý Nam Đế đã đứng lên cùng với vô vàn ngườikiêu hãnh làm người khác đánh đổ bạo quyền, giành độc lập dân tộc, lập nước Vạn Xuân, xây chùa Khai Quốc (tức chùa Trấn Quốc) còn đến ngày nay.
Nếu không kiêu hãnh làm người, Phùng Hưng cùng các nghĩa binh đã không dám trường kỳ kháng chiến hơn hai mươi năm đánh đổ ách đô hộ nhà Đường – một đế quốc phương Bắc cực mạnh, giành độc lập dân tộc, sau được dân chúng các đời, vua chúa các triều đại suy tôn, sắc phong Bố Cái Đại Vương.
Nếu không kiêu hãnh làm người, Lý Thường Kiệt đã không đem ba quân thủy bộ sang dạy cho người phương Bắc một bài học về nghệ thuật quân sự đã được đưa vào sử sách.
Nếu không kiêu hãnh làm người, Trần Quốc Tuấn đã không thong thả nói một câu thể hiện đầy đủ bản chất và bản lĩnh của người Việt trước giặc phương Bắc: “Bẩm hoàng thượng, năm nay đánh giặc nhàn”. Tức là người Việt chúng ta coi việc đánh giặc phương Bắc như là mùa vụ, đến hẹn lại lên, khi nhàn nhã khi vất vả, nhưng chúng ta đều đánh thắng vô cùng kiêu hãnh.
Không chỉ các vị vua chúa tướng soái, ngay cả những người cấp chức nhỏ như Trần Bình Trọng bị giặc bắt từng mắng chúng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!”. Quả là kiêu hãnh làm người lắm thay!
Sử sách của người Việt chúng ta, dẫu từng bị giặc phương Bắc, tiêu biểu là Minh triều làm càn đốt bỏ, đục bia, phá tượng, đốt sách, giết sư… nhưng với tinh thần kiêu hãnh làm người của Đại Việt ta, chúng ta đã vững vàng đứng lên, trùng trùng như sóng, để lại những thành tựu rực rỡ về văn hóa, về đạo lý, không chỉ biết dựng nền độc lập mà còn ung dung xây nền văn hiến trải mấy nghìn năm…
Tinh thầnkiêu hãnh làm người trong thời đại Hồ Chí Minh càng sáng rõ hơn bao giờ hết. Một đất nước lầm than chịu ách nô lệ trăm năm đã đứng lên giành độc lập dân tộc, vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm vừa tạo nên những dấu mốc thần kỳ chỉ có thể có ở những người kiêu hãnh nhất: Điện Biên Phủ (1954); Điện Biên Phủ trên không (1972); Đại thắng Mùa xuân (1975) khiến bạn bè quốc tế thêm phần cảm phục… Tiếp đó là những khó khăn chồng chất của thời quan liêu, bao cấp, ấu trĩ, giáo điều đến u mê, nhưng chúng ta đã kịp tỉnh ra để kiêu hãnh làm người. Từ cột mốc Đổi mới 1986, đến nay đã có được tầm vóc mới, vị thế mới, trưởng thành hơn, chững chạc hơn trong xã hội văn minh của loài người.
Cần phải nói dài dòng như thế, vì trong bài Kiêu hãnh làm người? của tác giả Nguyễn Văn Học đăng trên tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 649 đã dường như khinh khi, miệt thị, cao ngạo, hợm hĩnh, bừa bãi, ẩu tả khi phản biện bài viết Phạm Vĩnh Cư và niềm kiêu hãnh làm người của Lã Nguyên đăng trên báo Văn nghệ, số 21 ngày 22 tháng 5 năm 2021. Đó chính là một thái độ đáng buồn của người cầm bút. Đã không biết trân quý chính mình thì làm sao có thể nhìn thấy được sự tốt lành của người khác. Đã không biết trân trọng tri thức, kính trọng bề trên, hàm hồ, bất mãn, tỵ nạnh, ganh ghét, làm sao có thể bình tâm mà luận những điều tốt đẹp ở đời. Đã không có tâm lành trí thiện, sâu sắc kính nhường thì làm sao chạm đến được lòng trắc ẩn, niềm đam mê, sự tỉnh táo để giúp đỡ mọi người, nhất là để tham góp những ý kiến trên tinh thần xây dựng….
Hai bài báo của Lã Nguyên và Nguyễn Văn Học, độc giả có thể tìm kiếm, nghiên cứu, đối sánh và luận bàn tùy nghi. Đó cũng là lẽ công bằng của thời đại công nghệ thông tin, sự tiết kiệm thời gian cho chúng tôi. Vậy tại làm sao, chúng tôi vẫn phải nêu rõ một lần nữa rằng: Phải kiêu hãnh làm người! Làm người khó đến thế chăng? Hay nói như tác giả Nguyễn Văn Học: Hoa hậu H’Hen Niê và các cô gái người dân tộc Êđê có thể hãnh diện vì họ không còn là Mọi Kontum nữa. Người dân Sóc Trăng và ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể hãnh diện về người đồng bào đồng nghiệp ưu tú của họ – kỹ sư Hồ Quang Cua đã tạo ra được thứ gạo ngon nhất thế giới. Một em bé có thể rất hãnh diện về bộ quần áo mới hay tấm Bằng khen Học sinh giỏi v.v… Cuộc sống nó như thế. Nhưng kẻ sĩ thì không thể, không nên như thế. Bởi tầng lớp này là đại diện cho lương tri của một cộng đồng dân tộc, của một thời đại. Họ, trước hết phải lo nghĩ đến vận mệnh, số phận của dân chúng, của quốc gia dân tộc chứ không phải về ý nghĩa của đời mình, của cá nhân mình. Có thể kiêu hãnh về một thành tích cụ thể. Còn “kiêu hãnh làm người” thì hơi bị khó đấy!
Là một người viết văn, đặc biệt chuyên cần với lịch sử dân tộc Việt Nam, tôi thấy nhận định của Nguyễn Văn Học không chỉ bên ngoài có vỏ bọc tùy tiện mỹ miều mà bên trong nông cạn và độc ác, đánh tráo khái niệm, phán xét bừa bãi, nhất là ác ý khi vội vã giả vờ hồn nhiên, trịch thượng như trong bài viết.
Nguyễn Văn Học còn hằn học cài cắm: “Ở trong nước, chỉ sau mấy chục năm mở cửa cho thị trường tự do, môi sinh môi trường đã bị khai thác tàn phá như thế nào? Đến cả một ngành Khoa học nhân văn cực kỳ quan trọng như Giáo dục đã xuống cấp như thế nào?”… Hồn nhiên và tùy tiện hơn, bất chấp đạo đức, bất chất hiện thực, bất chấp công sức của thể chế, của xã hội, Nguyễn Văn Học cho rằng: Trong văn học gần đây đã nói lên tâm trạng bất an trong cuộc sống. Một bước ra khỏi nhà là bất an. Ăn một miếng uống một hộp là bất an. Không ăn không uống thì chết ngay. Mà ăn uống với thực phẩm không tin cậy thì chưa biết rồi sẽ ra sao. Ma túy ngày càng khủng khiếp. Những ma túy khác như cờ bạc, đề, hụi, cho vay không cần thế chấp, du lịch tâm linh, mại dâm trá hình…
Tại sao tôi lại cho rằng tùy tiện? Còn nhiều dấu hiệu bất chấp? Bởi tác giả đã bắt đầu lợi dụng những gì có thể lợi dụng như yếu kém của xã hội, nước thải của khu gia đình đem ra nâng cấp tưới tắm câu chuyện thị phi. Nói như tiền nhân là bỏ nặng tìm nhẹ, theo đóm ăn tàn, đem thùng nước cốc cùng hình nộm ra trước đại dương vừa tắm vừa quay video clip.
Đúng là tiếp đó, Nguyễn Văn Học đã khẳng định: “Đầu óc nô lệ, vọng ngoại của Lã Nguyên thể hiện rất rõ khi mượn lời của L. Tolstoi để ca ngợi đồng nghiệp của mình”, đồng thời trích của tác giả Lã Nguyên: “L. Tolstoi chia người có học thành ba loại: học giả, trí giả và thức giả. Ông gọi học giả là người đọc nhiều sách; trí giả là người hiểu nhiều tri thức của thời đại; thức giả là người hiểu rõ ý nghĩa của đời mình. Như mọi nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, Phạm Vĩnh Cư trước hết là một “học giả”, một “trí giả”. Đồng thời anh còn là một “thức giả” vượt lên trên mọi thói thường, không chịu để biến thành công cụ. Điểm khác biệt ở anh là niềm kiêu hãnh được “làm người”.
Đây chính là điểm mấu chốt để Nguyễn Văn Học bộc lộ bản chất phủ nhận và miệt thị trí thức, cụ thể là người được Lã Nguyên tôn vinh trong bài báo của mình – PGS.TS Phạm Vĩnh Cư.
Việc phản biện của giới trí thức là đặc biệt quan trọng. Song chỉ căn cứ vào vài câu chữ, tư duy, trích lục trong một bài báo rồi quy chụp, thậm chí mượn cả danh Đảng, Nhà nước để hạ bệ người trí thức thì không phải là phản biện và là một thái độ không chấp nhận được. Tôi xin trích sự xảo trá, ngụy biện hết sức tinh vi từ trích dẫn hoặc trà trộn trong trích dẫn của tác giả Nguyễn Văn Học: Chúng tôi nghĩ rằng, Đảng, Nhà nước, hệ thống (theo cách nói của Lã Nguyên. Bđd. Trg.12), có đầy những sai lầm thiếu sót trong công cuộc tổ chức đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước trong chiến tranh và sau chiến tranh. Các anh đều là hạt giống đỏ cùng được đào tạo ở Liên Xô cũ. Nếu Đảng, Nhà nước, hệ thống này sai lầm, bất cập như thế nào, các anh cứ nói thẳng ra, nỡ nào cứ “gieo tiếng dữ” cho rời bậu ra”.
Cay đắng nhưng cũng mở rộng hơn từ bài viết như của Nguyễn Văn Học đã cho tôi thêm điểm nhìn. Sự trí trá, ngụy biện, đổ thừa, càn rỡ, đỉa muỗi cũng là điều đang diễn ra trong cuộc sống mà chúng ta tiến về phía trước. Chúng ta càng thấy trân trọng hơn cống hiến của mỗi con người, dù không như tiền nhân khai thiên lập địa, lập quốc lập nước, lập chùa lập pháp, nhưng ít ra những con người ấy đã tạo nên niềm tin, lẽ sống. Niềm tin ấy dù nhỏ như một nét văn học Nga thông qua trang dịch, thông qua cung cách sống; dù nhỏ như sự độc lập, mới mẻ về tư duy, tiếng nói riêng; dù nhỏ như bài viết của người em Lã Nguyên với người anh Phạm Vĩnh Cư cũng là những giá trị mà chúng ta hôm nay đem theo hành trang, để kiêu hãnh làm người.
Còn như bất chấp mọi thứ, khinh khi, cao ngạo, càn rỡ, toan tính, gây sự, trí trá, ngụy biện, trốn tránh, lường gạt từ cái bút danh (người ký tên Nguyễn Văn Học ở bài báo Kiêu hãnh làm người? không phải nhà văn Nguyễn Văn Học công tác ở báo Nhân dân – đã có thư phản hồi vào Tòa soạn báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh), thì chắc chắn sẽ không có kết cục gì tốt đẹp.
P.V.K
Theo Văn nghệ số 30/2021
Bình luận