TIN TỨC
icon bar

Sau tất cả là một trái tim phụ nữ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-24 12:17:09
mail facebook google pos stwis
2583 lượt xem

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

NGUYÊN HÙNG

Các nhà thơ Huệ TriệuTrần Mai Hường vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải “Nhà văn nữ ấn tượng” năm 2021. Đây là giải thưởng lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục các giải thưởng của Hội Nhà văn nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực thiện nguyện của hai nhà thơ trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua và là “giải thưởng đẹp nhất của Hội Nhà văn Việt Nam”, theo lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi gặp mặt đầu năm 2022 của Ban Thường vụ Hội với các hội viên khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.


Các nhà thơ Huệ Triệu và Trần Mai Hường tại buổi nhận giải “Nhà văn nữ ấn tượng”

Với các chủ nhân giải thường “Nhà văn nữ ấn tượng”, họ không khỏi xúc động mỗi khi bạn bè, đồng nghiệp có lời chúc mừng giải thưởng đặc biệt này. Các chị vừa cảm kích sự quan tâm ghi nhận của lãnh đạo Hội Nhà văn, vừa bồi hồi nhớ lại thời gian ngặt nghèo nhất đối với người dân của thành phố đông dân nhất nước. Chia sẻ về những việc mà mình đã làm, nhà thơ Huệ Triệu chân thành bộc bạch:

Nhận được giải thưởng này của Hội Nhà văn Việt Nam, hai chị em chúng tôi rất xúc động. Từ lúc nẩy sinh ý tưởng đến lúc tiến hành công việc thiện nguyện trong những ngày dịch giã bủa vây, thực sự là chúng tôi cũng chỉ quan niệm đây là việc nên làm và cần làm để góp một tay giúp những người khó khăn, chứ không hề nghĩ gì khác. Bởi lẽ đây là việc mà các chị em, đồng nghiệp cũng đã từng làm như những lần quyên góp giúp bà con bị bão lụt miền Trung trước đây vậy thôi. Nay được Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận và trao giải “Nhà văn nữ ấn tượng”, tôi coi đây là sự động viên khích lệ rất kịp thời, nhất là sau những mất mát mà chúng tôi đã trải qua”. Nói đến đây, giọng nữ nhà thơ chùng xuống và mắt ứa lệ. Chúng tôi hiểu, chị luôn mang nặng trong lòng nỗi đau về người chồng đã mất vì nhiễm covid. Đó là một ngày đầu tháng 9 năm 2021, chồng chị, một sĩ quan công an về hưu hiền lành tốt bụng, đã bỏ lại chị lúc đó vẫn còn trong khu cách ly để ra đi mãi mãi. Còn nhớ, những ngày nhà thơ Huệ Triệu tất bật với những chuyến hàng, những bao gạo mớ rau cứu trợ, anh từng là trợ thủ đắc lực giúp chị và cũng là người luôn căn dặn chị phải cẩn thận để tránh bị lây nhiễm.
 

Các nhà thơ Trần Mai Hường – Huệ Triệu trong những chuyến thiện nguyện ủng hộ gạo cho chuỗi Quán Cơm Nụ Cười.

Nói về giải thưởng “Nhà văn nữ ấn tượng”, nhà thơ Trần Mai Hường chân thành tâm sự, các chị coi đây là phần thưởng chung dành cho lực lượng viết văn của thành phố mà mình chỉ là người vinh dự được đứng ra nhận thay; và các chị có trách nhiệm lưu giữ nó như lưu giữ tình cảm yêu thương, sẻ chia của các bạn bè, đồng nghiệp dành cho nhau và cho những cảnh đời khó khăn trong cơn hoạn nạn. Chị xúc động: “Thực tình dù chưa nhiều, nhưng chúng tôi đã tham gia công tác thiện nguyện đã từ mấy năm trước, và chủ yếu là kết nối, chia sẻ, giúp đỡ các đồng nghiệp, những người có hoàn cảnh khó khăn. Ban Nhà văn nữ chúng tôi đã kêu gọi, quyên góp và mang tiền quà đến tận nơi để chia sẻ khó khăn với một số gia đình đồng bào bị ảnh hưởng nặng bởi bão lụt ở miền Trung; đã có những hoạt động hỗ trợ các gia đình chiến sĩ không may bị vùi lấp mấy năm trước ở Huế và Quảng Trị. Lần này, khi bắt tay vào việc hỗ trợ người nghèo trong đại dịch, chúng tôi cũng chỉ có thể làm trong khả năng của mình là tương tác với các đồng nghiệp, bạn đọc hảo tâm ở trong và ngoài nước. Những người đến với chúng tôi thường không có điều kiện về kinh tế, và họ đóng góp trước hết vì cái tình. Lòng thơm thảo trong những thời khắc khó khăn là thứ không thể đong đếm bằng giá trị vật chất. Và thật hạnh phúc, trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi được gặp và đồng hành với rất nhiều người tốt, nhiều câu chuyện nhân ái cảm động. Chính lòng tốt, tình thương người với tinh thần lá lành đùm lá rách ấy đã truyền cảm hứng và lan tỏa rộng rãi trong xã hội”.

Trả lời đề nghị “cho biết vài câu chuyện khó quên trong những ngày chung tay cùng người nghèo vượt qua đại dịch”, nhà thơ Trần Mai Hường xúc động cho biết: “Trong quá trình thực hiện công việc này, tôi rất ấn tượng với em Trần Hạ Vi, một nhà thơ nữ sinh sống tại Canada mà tấm lòng luôn hướng về Việt Nam, em đã tiếp sức cho chúng tôi bằng cách đứng lên kêu gọi bạn bè, phần nhiều cũng là những người sáng tác văn chương cùng chung tay, và số lương thực mua được từ những đồng tiền ngoài nước ấy cũng không nhỏ. Hay trường hợp nhà văn khuyết tật Trần Hồng Giang ở Nam Định mà hẳn là các anh đều biết, em ấy là người có hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đây Giang từng có một thời gian sống ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), vào những ngày khó khăn ấy Giang đã liên hệ với tôi, nhờ mua gạo chuyển đến cho bà con nghèo ở vùng quê nhiều ân nghĩa. Dù tôi đã nói, em đang khó khăn, không cần phải gửi, nhưng em ấy vẫn nằng nặc nhờ tôi làm cho bằng được. Tiền chuyển đến, tôi mua gạo, đưa đến cho bà con đúng như mong muốn của Giang. Một người khác là anh Vũ Hoàng Minh Trọng, một bạn thơ, tôi biết rõ suốt mùa dịch anh luôn đồng hành cùng những tấm lòng vàng, chở nào gạo, nào mỳ gói, nào rau củ quả… đi đến đâu phát cho người nghèo đến đấy. Vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, cả nhà anh đều bị nhiễm covid-19, nhưng khi âm tính trở lại, anh lại tiếp tục công việc thiện nguyện ấy...”.

Trần Mai Hường còn kể nhiều về em Đào Minh Tâm, làm nghề buôn bán; về em Nguyễn Kiên, một thanh niên chạy xe ba gác chở hàng thuê; về các anh cán bộ khu phố…, những người luôn sẵn sàng giúp các chị liên hệ, đem tiền, hàng đến trao tận tay những người cần được hỗ trợ, bất kể ngày đêm. Nữ nhà thơ chân thành nói: “Về những tấm lòng thơm thảo, chúng tôi muốn nhắc lại không chỉ một lần để tự mình ghi nhớ. Trong thời gian cam go nhất, có bao tấm lòng vàng cùng chung tay, để giờ này Sài Gòn đang hồi sinh từng ngày, chúng ta không bao giờ quên ơn. Và cũng xin được nói lại, trong việc này chúng tôi chủ yếu chỉ làm công việc tổ chức, kết nối; tham gia hỗ trợ chúng tôi còn có rất nhiều bạn bè gần xa. Và trong giới văn chương, còn có những người làm công tác này cũng rất có tâm và rất giỏi, như nhà văn Phương Huyền, người một mình kêu gọi và tổ chức điều phối, phân phát hàng cứu trợ có giá trị hàng tỷ đồng”.

Nhà thơ Trần Mai Hường trong một lần tiếp nhận gạo đặt mua từ miền Tây trước khi chuyển đến các gia đình khó khăn ở Tân Bình, Tân Phú (TPHCM).

Các nhà thơ Huệ Triệu, Trần Mai Hường không nói về những việc “bếp núc” cho những chuyến cứu trợ nhưng chúng tôi biết rằng, để có những tấn gạo, rau giúp người nghèo, ngoài việc liên hệ, kết nối với bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc khắp nơi, các chị còn phải thức khuya dậy sớm nhiều đêm. Để nhắn tin hồi âm cảm ơn từng người; để cộng sổ, tính toán (nhiều trường hợp phải tự bỏ tiền tạm ứng cho bạn bè chưa kịp gửi tiền) và đặt mua gạo, mỳ; để tiếp nhận hàng, lên danh sách những người cần hỗ trợ và thuê mướn phương tiện phân phối… Tóm lại, một tay người phụ nữ - một người đàn bà làm thơ phải lo công việc mà mình lỡ đam mê.

Tất bật, nặng nhọc và nguy hiểm là thế nhưng các chị cảm thấy hạnh phúc vì trong hành trình thiện nguyện, họ được gặp và đồng hành với rất nhiều người tốt, giàu lòng nhân ái. Là người cầm bút, họ tự thấy mình vẫn còn nợ những con người thầm lặng ấy bằng những trang viết, những tác phẩm xứng đáng, bởi đằng sau tất cả những suy nghĩ, những hành động ấy của họ là một trái tim phụ nữ...

Mặc dù chỉ khiêm tốn nhận mình là những người “chủ yếu làm công tác tổ chức và kết nối”, nhưng những hành động đáng trân trọng của những “Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021” của Hội Nhà văn Việt Nam thực sự đã đem lại sự khâm phục và cảm mến của mọi người. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã phải ví những việc làm cao cả ấy của họ là việc làm để “viết nên những trang đời lộng lẫy”. Ông nói, “chính những người cầm bút như các nhà thơ Huệ Triệu, Mai Hường đã viết nên những trang đời lộng lẫy, viết nên một cuốn sách khác những cuốn mà ta đã biết, mang đến cho cuộc sống những điều tử tế. Những việc làm nhân văn của các chị đã lan tỏa mạnh mẽ và gây xúc động trong cộng đồng, góp phần điểm tô cho giới văn chương”.

Các nhà thơ Huệ Triệu và Trần Mai Hường là Trưởng và Phó ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Nếu Trần Mai Hường là người năng động, nồng nhiệt; ngoài sáng tác còn là một biên tập viên thơ, người làm công tác xuất bản sách và là một MC chủ lực của Hội Nhà văn với giọng đọc thơ giàu biểu cảm, lôi cuốn thì Huệ Triệu là một cô giáo mực thước, mô phạm. Cô giáo Huệ Triệu nguyên là Tổ trưởng Ngữ văn Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong với thành tích bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia trong 26 năm đứng lớp. Năm 2021 chị vinh dự là giáo viên duy nhất của TP. Hồ Chí Minh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến nhà thăm nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam.

Bài đăng báo Văn nghệ số 11 (ngày 12/3/2022) với bút danh Sơn Hùng.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm