- Nhà văn & Góc nhìn
- Tổ quốc giản dị, thiêng liêng…
Tổ quốc giản dị, thiêng liêng…
VĂN CÔNG HÙNG
Hồi còn học phổ thông, tôi thuộc lòng nhiều đoạn trong lý lịch của mẹ tôi. Hồi ấy hay phải khai lý lịch lắm, người lớn khai đã đành, học sinh phổ thông bé tí cũng phải khai. Có nhiều mục hồi đó phải khai nhưng nay đã bỏ, chẳng hạn như phần bố mẹ phải ghi rất rõ thành phần gia đình tới tận ông bà, cô dì chú bác… Mẹ tôi luôn khai nhấn mạnh từ cái mốc “Năm 1945 tham gia cướp chính quyền tại xã”. Sau này tôi đoán, chắc ngày ấy cả làng đã kéo lên đình làng để “cướp chính quyền”, ai có gì cầm nấy, đa phần là liềm, cuốc, gậy... Năm ấy, 2 triệu người chết đói.
Nhưng cái khác của mẹ tôi là ngay sau đấy thì bà được đi thoát ly, làm công nhân quân giới, cụ thể là hàng ngày đi quét phân dơi về làm thuốc súng. Bà kể là sinh sống trong hang, sáng sớm quét phân dơi, buổi chiều tham gia thử thuốc nổ. Giai đoạn buổi chiều mới nguy hiểm, hoàn toàn làm bằng thủ công, bị tai nạn cháy nổ, thương vong rất nhiều. Sau này đọc cuốn “Đi trốn” của nhà văn Bình Ca, rồi trực tiếp vào đấy mấy lần, tôi đồ chừng địa điểm đầu tiên mẹ tôi sống sau khi “thoát ly”, tức cái thời làm công nhân quân giới ấy, là ở vùng Tam Cốc Bích Động. Nó hợp lý vì quê mẹ tôi ở Ninh Mỹ, Ninh Bình, cách đấy không xa. Sau đấy mẹ tôi theo cơ quan di chuyển dần về phía Nam và dừng chân ở Thanh Hóa, để gặp ba tôi từ Huế ra. Và hai ông bà sinh ra chúng tôi...
Khi mẹ tôi mất, ban tổ chức lễ tang đưa tôi xem điếu văn họ viết về mẹ tôi, có đoạn “căm thù giặc sâu sắc, yêu nước thương nòi, ngay từ năm 1945 bà đã tham gia cách mạng”. Tôi bảo bỏ đoạn công thức ấy đi, thực tế mẹ tôi đi vì... đói quá, phải đi làm công nhân xưởng quân giới trong rừng mới có ăn. Nhà hàng chục miệng ăn, đi là bớt được một miệng, là cách giúp cả nhà, chỉ nghĩ đơn giản vậy, rồi đi...Sau này học xong đi làm, anh em tôi mời mẹ đi ăn đặc sản cơm niêu cá đồng canh cua cà muối… đã giấu tiệt cái phiếu tính tiền rồi, nhưng bà vẫn chép miệng: Thời mẹ, vì ăn cơm niêu nước lọ mà phải đi làm cách mạng. Giờ thế hệ chúng mày, lại vẫn... cơm niêu nước lọ?
Làm cách mạng, một thời, nó đơn giản thế. Và những người thế hệ của mẹ tôi, họ đã hoàn thành sứ mạng của mình, dù có người này người kia, việc này việc kia được đặt vào chữ “nếu”... Nhưng sự thực là từ những người như thế, thế hệ như thế, đã làm nên cách mạng tháng 8, đã có ngày Hai tháng Chín lịch sử.
Tôi nhớ, tới mấy năm, ngày này, dân mạng, đa phần là người trẻ, hô hào nhau thay hình nền bằng cờ Tổ quốc. Ngày Quốc khánh và các ngày lễ treo cờ thì là lẽ đương nhiên rồi. Những ngày này từ phố xá đến nông thôn đều đỏ rực cờ hoa, lòng người lòng trời đều phơi phới. Đi trong không khí ấy, thấy lòng tự hào dân tộc, tình yêu Tổ Quốc dâng trào. Cũng như thế, tôi rất yêu và kính phục những fans thể thao trên các khán đài. Người thì cầm một lá cờ nhỏ trên tay, người thì vẽ lên mặt, lên trán, người thì quấn cờ quanh người… Và đáng nể nhất là những người cầm những lá cờ rất lớn, liên tục phất. Mỏi tay lắm, chắc chắn thế, nhưng lòng tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc đã chiến thắng. Họ phất cờ, và chạy. Lá cờ cứ rừng rực giữa biển người làm ta cứ nao nao trong dạ… Rồi mỗi khi Quốc ca cất lên, muôn người như một đứng nghiêm tay đặt vào tim, cùng cất tiếng vang rền: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc... Hạnh phúc, lâng lâng, cay cay khoé mắt, thấy những điều nhỏ nhặt mất đi, còn lại những lớn lao của lý tưởng, của cuộc đời…
Thời đại @, người ta nói nhiều đến tuổi teen, đến đầu nhuộm, khoen tai, đến những buổi chat thâu đêm... Tôi cũng đã từng có những thành kiến như thế, cho đến sáng 2 tháng 9 ấy, vào mạng và tôi rưng rưng trước một màu đỏ rực của Quốc kỳ trên các Avatar của các blog, các forum và facebook cá nhân. Từ nhiều hôm trước, các bạn trẻ đã hẹn nhau thay Avatar bằng cờ Tổ quốc để thể hiện lòng yêu nước của mình. Và họ đã thực hiện như một nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, với một sự hứng khởi tự nguyện và đắm say đầy trách nhiệm của những công dân trẻ. Tôi, tất nhiên là không còn trẻ, và cũng tất nhiên là chưa biết làm thế nào để thay Avatar thì đã nhận được ngay một lời khích lệ kèm trách cứ của một bạn trẻ với cái nick rất ngộ nguoicodonyeuem: “Treo cờ lên đi bạn, bạn không yêu Tổ quốc Việt Nam à?”. Tự nhiên thấy mình trẻ trung thêm hẳn, yêu đời hơn hẳn!
Buổi chiều, chạy xe ra phố, qua một khách sạn lớn. Trời ạ, một rừng cờ. Mười mấy tầng, mỗi tầng mấy chục phòng. Mỗi phòng là một lá cờ, căng ngang cửa sổ, san sát, đỏ rực, đam mê, đắm say... Lần đầu tiên tôi thấy kiểu treo cờ như thế, mà lại ở một khách sạn tư nhân. Rất nhiều người đi qua đấy đã phải ngước lên nhìn, và tôi thấy trên môi họ đều có một nụ cười… Càng ngày, tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc càng trở thành một nỗi niềm thường trực trong lòng mỗi người dân đất Việt chúng ta. Kể ra nếu có một chủ trương chung là sáng thứ hai hàng tuần, tất cả các công sở chứ không chỉ trường học và các doanh trại như bây giờ, đều đồng loạt chào cờ Tổ Quốc thì tôi tin rằng sẽ được dư luận hết sức đồng tình. Những lá cờ trên Avatar, nhỏ thôi, nhưng cứ neo vào ta cái cảm giác thiêng liêng của công dân trước Tổ Quốc, của số phận cá nhân giữa cộng đồng, của từng cá thể đối với xã hội. Mới hay, lòng tự tôn dân tộc được đặt đúng chỗ sẽ là một sức mạnh vô biên, sẽ kết nối muôn người với nhau…
Lại thấy lạc lõng làm sao một bộ phận không nhỏ những kẻ mồm thì luôn hô hào yêu Tổ quốc, thậm chí lên diễn đàn răn dạy người khác về lòng yêu Tổ quốc, nhưng lại gặm nhấm, đục khoét Tổ quốc, tàn phá Tổ quốc bằng lòng tham và cả sự đốn mạt, ngu dốt…
Nguồn :Văn nghệ số 36+37
Bình luận