- Nhà văn & Góc nhìn
- Vì sao ông Abe Shinzo được người Việt Nam yêu mến?
Vì sao ông Abe Shinzo được người Việt Nam yêu mến?
Nếu tình cảm đặc biệt của ông Abe Shinzo dành cho Việt Nam xuất phát từ trái tim, thì sự tận tâm vun đắp mối quan hệ Việt – Nhật xuất phát từ tầm nhìn của ông.
Ông Abe Shinzo sinh năm 1954, xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị, đã trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản trước khi bị ám sát ở tuổi 68 tại thành phố Nara, Nhật Bản ngày 8.7.
Cố Thủ tướng Abe Shinzo vượt lên ở tầm nhìn và đọng lại trong tâm khảm của công chúng bởi nhân cách.
Ông Abe chết trong lúc đang cúc cung tận tụy phục vụ Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản. Hình ảnh một “ông già hưu trí” đang đứng trước đám đông để thuyết trình, vận động bầu cử cho các thành viên chính đảng của mình, bị ám sát khiến thế giới bàng hoàng.
Ông Abe Shinzo đã dành trọn đời mình cho lý tưởng chính trị là chấn hưng nước Nhật trong tầm nhìn châu Á – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phồn thịnh. Nếu tình cảm đặc biệt với Việt Nam xuất phát tự nhiên trong trái tim ông Abe thì những nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ Nhật – Việt, Nhật – ASEAN lại xuất phát từ viễn kiến của một chính khách lỗi lạc nhằm định hình cấu trúc an ninh quốc tế thế kỷ 21, để chống lại các mối đe dọa từ chính trị cường quyền.
“Không gì có thể chặn được sông Hồng nối dòng đến vịnh Tokyo”, phát biểu của ông Abe Shinzo trước các nhà báo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017, đã khiến nhiều người Việt Nam xúc động.
Không chỉ nhiều lần đến thăm Việt Nam, trong đó lần nhậm chức thứ 2 (năm 2013) ông đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để công du nước ngoài, ông Abe Shinzo còn nhiệt thành ủng hộ nhiều hoạt động có ý nghĩa của Việt Nam tại Nhật Bản.
Tháng 6-2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật, các cơ quan hợp tác kinh tế của hai bên đã tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, thu hút tới gần 2.000 quan khách. Ông Abe Shinzo đã bất ngờ xuất hiện, ông nói: “Tôi chưa từng dự một sự kiện xúc tiến đầu tư nào của nước ngoài tại Nhật Bản. Nhưng hôm nay tôi đến dự sự kiện này của Việt Nam và kêu gọi các doanh nhân Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”.
Cho đến thời điểm này, đó vẫn là lần đầu tiên và duy nhất thủ tướng Nhật Bản tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư của quốc gia khác và kêu gọi doanh nhân đầu tư vào nước bạn. Abe Shinzo xuất hiện tại hội nghị vào cuối buổi chiều, ông cho biết là vừa phải xin phép hạ viện kết thúc sớm cuộc chất vấn để đến cho kịp giờ…
Thủ tướng Abe Shinzo (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tokyo, tháng 9-2015 – Ảnh: Reuters
Tháng 9-2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản, trước đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật, ông nói: “Với nhân dân Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là một đối tác quan trọng, mà còn là người bạn lớn có vui cùng hưởng, gặp hoạn nạn cùng sẻ chia”.
Vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có nỗ lực của nhiều thế hệ, nhiều nhân vật, và ông Abe Shinzo đã để lại dấu ấn đặc biệt, góp công lao to lớn.
Với nhiều người Việt Nam, sự yêu mến dành cho ông Abe Shinzo không chỉ là do ông có tình cảm đặc biệt với chúng ta và đóng góp cho việc vun đắp mối quan hệ, mà còn bởi hình ảnh một mẫu hình lãnh đạo trong văn hóa Á – Đông: mạnh mẽ, bình dị, mẫu mực.
Dù có thời gian làm thủ tướng lâu nhất ở Nhật Bản, ông Abe được cho là một lãnh đạo không tham quyền cố vị. Cả hai lần ông từ chức thủ tướng đều có lý do sức khỏe không cho phép (ông mắc bệnh viêm loét đại tràng). Khi không giữ cương vị thủ tướng, ông đều lui về hậu trường, tận tụy phục vụ Đảng Dân chủ tự do.
Ông làm việc suốt đời. Một người bạn Nhật kể với tôi rằng, ông Abe Shinzo từng ủng hộ phong trào kêu gọi người Nhật bớt làm việc, mỗi tuần ít nhất hai ngày nghỉ đúng giờ, nhằm củng cố nền tảng gia đình, để mọi người có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cũng với mong muốn ngăn chặn đà giảm dân số ở Nhật Bản. “Nhưng thủ tướng chỉ “gương mẫu” được có mấy tuần, rồi người ta lại chứng kiến văn phòng của ông luôn sáng đèn đến 22h”, người bạn Nhật kể.
Dù sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt (ông ngoại làm thủ tướng, bố là ngoại trưởng), Abe Shizo đã chọn lối sống bình dị, gần gũi với công chúng. Những hình ảnh như bữa ăn giản dị của ông Abe hay khi ông cúi gập người chào cụ già trên đường làng đã được nhiều người Việt Nam chia sẻ, ngưỡng mộ.
Chính lối sống bình dị, sự “giữ gìn” của ông Abe đã bảo vệ sự nghiệp chính trị lẫy lừng của ông, chống lại các cáo buộc của đối thủ về việc gia đình ông có liên quan đến nhóm lợi ích hoặc tham nhũng.
Có lẽ, những điều ông Abe Shinzo còn tiếc nuối khi đột ngột từ biệt thế giới này là mong muốn sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản chưa được thực hiện, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải gác lại…
Nhiều người Việt Nam rất nhớ Abe Shinzo và cầu mong linh hồn ông được an nghỉ.
LÊ KIÊN (TuoitreOnline)
Bình luận