TIN TỨC
icon bar

Cung thứ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-02-02 12:19:07
mail facebook google pos stwis
393 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Muốn thành đạt, nổi tiếng, hãy theo một nghề. Do ham muốn phục vụ con người, nhà văn Nguyễn Thanh sử dụng mọi khả năng hiện có phù hợp với hoàn cảnh thực tế nên anh trở thành thi sĩ, nghệ sỹ, võ sỹ… trở thành người đa tài ngoài ý muốn.

Vào năm 1946, cậu bé Nguyễn Tấn Thành (Tên khai sinh của nhà văn Nguyễn Thanh) được 6 tuổi, vào học lớp sơ đẳng (tương đương lớp 1 bây giờ). Tây tàn phá xóm làng, càn đốt nhà cửa. Lúc đó, máy ảnh rất đắt tiền, không phải gia đình nào cũng có thể mua và bé con không được phép dùng, vả lại chỉ chụp được ảnh đen trắng. Cậu bé Nguyễn Tấn Thành muốn vẽ lại ấn tượng đọng trong ký ức mình. Các họa sỹ làng, thợ cắt tóc dạy cho Thành sử dụng bút mầu để vẽ tranh phong cảnh thôn quê: ngôi nhà, nhịp cầu tre lắt lẻo, trâu, bò ung dung gặm cỏ trên đồng… Những bức tranh về đồng quê yên tĩnh trước bão dông chiến tranh, em dành tặng các thầy và bà con lối xóm. Năm 1957, thầy giáo dạy mỹ thuật gửi bức tranh “Xuân Hạnh phúc” của em sang Nhật Bản dự thi và được trao giải cao.

Từ khi ra tỉnh học cho đến lúc bước chân ra trường đời, dù phải trải qua bao chìm nổi đắng cay trong cuộc sống đa đoan, chàng (Đan Thanh) vẫn thủy chung với bút cọ sắc màu như một cơ duyên tiền định”. [1]

Nguyễn Thanh là người nghệ sĩ yêu đa phương. Sau văn chương, anh yêu thiết tha mỹ thuật như hơi thở. Thời gian đi học Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, anh thụ giáo môn hội họa với giáo sư họa sĩ Nguyễn Cường (tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), lại học thêm kỹ thuật vẽ chân dung với hoạ sĩ Nguyễn Robert gần chùa Bửu Liên tự (chùa Cây Bàng) nằm trên một hẻm nhỏ chạy ngang qua hồ Xáng Thổi. Nguyễn Thanh thuộc lớp họa sĩ cùng thế hệ với các họa sĩ Nguyễn Trung nổi tiếng (nhóm Họa sĩ Trẻ Sài Gòn vào thập niên 1960, 1970); họa sĩ Lê Tấn Lộc (hội Mỹ thuật Việt Nam), hoạ sĩ Nguyễn Văn Ẩn (trường Phan Thanh Giản) ; nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm (trường Đoàn Thị Điểm, sau 1975 nổi tiếng về sáng tác tranh lụa...) Dù anh có đủ tư cách dạy Toán, Ngoại ngữ Anh, Pháp,.. hiệu trưởng vẫn phân công anh dạy Văn, Mỹ thuật và Thể dục...

Năm 1970, Nguyễn Thanh được tỉnh Vị Thanh trao giải nhất Mỹ thuật cho bức tranh sơn dầu “Cầu Đoàn kết” khi đang dạy Trung học tại đây. Cầu Đoàn kết (sơn dầu - 1970) - Giải nhất 1970 tại Vị Thanh; Thiên nhiên (màu gouache - 1970) - Bán với giá cao nhất 50.000 đồng; Nhà sàn (sơn dầu - 1970), Cầu tre lắt lẻo (bột màu - 1972), Xóm Chài (sơn dầu - 1973). ...Tất cả họa phẩm cũng đã bán hết với giá cao. Số tiền thu được, tác giả đầu tư vào sáng tác, in ấn.

Tranh sơn dầu Xóm Chài, chất liệu sơn dầu – tác giả Đan Thanh, sáng tác năm 1964.

Hòa bình lập lại, công tác ở cơ quan chính quyền, Nguyễn Thanh nhận thêm dịch vụ Mỹ thuật: vẽ chân dung, phong cảnh, Thiết kế và Trang trí cho báo chí, Nhà cửa, Đình chùa, quán cà phê nhạc... Đồng thời, Đan Thanh (bút danh Nguyễn Thanh dùng cho hội họa) cũng sáng tác, gửi tranh đi dự hơn 10 kỳ triển lãm ... tại địa phương và các tỉnh lân cận; tranh gửi sang Nhật và Đức. Trong các kỳ triển lãm, họa phẩm sơn dầu, bột màu.... của anh vẽ khổ (60 x 80)cm, (80 x 120)cm hoặc kích thước lớn hơn; được khách thưởng ngoạn nghệ thuật trong nước và hải ngoại đặc biệt quan tâm và mua hết với giá cao.

Tranh sơn dầu Thanh Bình, chất liệu sơn dầu - (80 x 120) cm,tác giả Đan Thanh, sáng tác năm 1975.

Điểm nhấn của bức tranh Thanh bình là số một (01): Một cánh đồng, một cây hoa gạo đang kỳ nở hoa, một đường chân trời nơi có một rặng trâm bầu dưới một rặng núi mây, điểm xuyết bằng một đàn chim vẫy cánh giữa đại ngàn mây trắng lô xô... Nổi lên giữa một đồng lúa là một chú mục đồng cầm trên tay một cây roi và cưỡi một bác trâu mộng. Bác trâu đang ngước mắt u sầu nhìn bầu trời thanh bình như hỏi chủ nó một câu muôn thuở: thời khắc yên bình này tồn tại được bao lâu ? !... Đó là tâm sự khắc khoải của tác giả, là mong ước làm sao kéo dài thời gian hòa bình cho quê hương, cho dân tộc Việt Nam để dựng xây đất nước. Làm sao tránh được việc cứ lặp đi lặp lại mãi khoảng thời gian hòa bình luôn ngắn ngủi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm là những cường quốc mạnh nhất thế giới trong mọi thời đại luôn rình rập, chờ khi dân tộc có sự rạn nứt trong khối đại đoàn kết, chúng lập tức kéo đến xé tan sự thanh bình... Bức tranh này, vẽ sơn dầu khổ (60 x 80)cm, được cô Sylvie, quốc tịch Pháp xem tại phòng vẽ số 43 Ngô Quyền thành phố Cần Thơ và mua ngay trong bảy bức tranh ra đời vào năm 1993.

Trong các bức tranh, sơn dầu, màu nước cả ký họa … của họa sỹ Đan Thanh, từ con người đến cảnh vật đều có chung nét buồn dịu dàng, trong sáng, không phai theo năm tháng được anh gửi gắm vào trong từng nét vẽ công phu. Nó như dòng sông êm đềm chở theo tâm trạng u hoài, với khát vọng níu kéo chút bình yên, nét thơ mộng của một thời; đến bến bờ tương lai, giao lại cho con cháu đời sau, những thế hệ sẽ phải tồn tại trong sự phát triển vũ bảo làm tha hóa dần bản sắc con người vốn sống hòa hợp, phóng khoáng với nhau giữa thiên nhiên rộng rãi, thoáng đãng, bao la; một miền trù phú đang mất dần nét văn hóa nông thôn, dân dã, chỉ còn lại chút hoang sơ…

Về nghệ thuật, xét ra có nhiều trường phái: cổ đại châu Phi, cổ điển, lãng mạn, hiện thực, lãng mạn, biểu hiện, tượng trưng, ấn tượng, dã thú, da -da, lập thể, hiện đại, hậu hiện đại... Họa sỹ Nguyễn Thanh không thiên về cách vẽ các dòng tranh trừu tượng… có tính cách đánh đố tư duy,  anh sử dụng tài năng hội họa cho công việc: minh họa các bài giảng, vẽ bìa sách, vẽ tranh cổ động … Anh đã từng có nhiều họa phẩm triển lãm các loại, tranh phong cảnh quê hương tranh thư pháp, ký họa và cả tạc tượng…

Tranh Thư pháp minh họa thơ “Thành phố mùa xuân” , 2016 – tác giả Nguyễn Thanh.

Bức tranh Thành phố mùa xuân, với góc nhìn này, cùng với Bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ trở thành biểu tượng Tây Đô thời hiện đại.

Nguyễn Thanh là nghệ sỹ nhiếp ảnh có tài. Anh công phu chờ đợi, ghi lại được khoảnh khắc ánh bình minh nhuộm hồng mây trời, sông nước, cỏ cây ướt đẫm sương đêm và cây cầu gỗ vươn ra sông dùng để cập xuồng, lấy nước, giặt giũ… thường thấy ở những bến sông xưa nơi nông thôn. Năm 1992, bức tranh được trao giải nhất trong một cuộc bình chọn ảnh đẹp của Sài Gòn. Nó được tác giả sử dụng làm ảnh bìa tập truyện ngắn BẾN TÂM HỒN – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in quí 2 năm 2022.

Bìa sách “Bến tâm hồn” – do chính tác giả Nguyễn Thanh vẽ bìa.

Là họa sỹ nên Nguyễn Thanh dùng tài năng hội họa vào vẽ bìa và trang trí sách của tác giả và sách do ông biên tập hoặc chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài. Đầu năm 2023, Nguyễn Thanh dịch 100 bài thơ Đường luật của nhà thơ Hoa Đăng, một nữ sĩ tài hoa của thành phố biển Vũng Tàu. Ngoài thiết kế bìa, viết lời bình cho tập thơ song ngữ Việt – Anh “Sống – Living”; ông bỏ công viết thư pháp cho 100 tựa đề bài thơ cả tựa tiếng Việt và tiếng Anh. Để định hướng độc giả trong và ngoài nước thưởng thức, mỗi bài thơ được ông chọn một bức ảnh hoặc bức tranh làm nền phù hợp với chủ đề tác phẩm. Độc giả có 100 bức tranh, bức ảnh đẹp nên thơ được họa bằng thơ. Đó thực sự là đột phá, cũng là sáng tạo để văn học tìm lại dư âm thời có vị trí hoàng kim, trong thời đại nghe nhìn phát triển nhanh chưa từng có, lấn át văn hóa đọc theo hướng nhìn đọc (nhìn toàn trang và sau đó đọc).

Bìa sách “Sống - Living” – tập thơ song ngữ Việt - Anh do Nguyễn Thanh dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2023.

Năm 2000, Nguyễn Thanh mở lại Cơ sở Mỹ Thuật Đan Thanh để mình cùng các sinh viên của anh, các nghệ sỹ có ngôi nhà chung sáng tác. Tại cơ sở, anh mở các lớp dạy vẽ, dạy viết thư pháp, dạy sáng tác văn thơ, dạy ngoại ngữ… gọi chung là dạy văn hóa và kết hợp vào đó ông truyền kinh nghiệm sống, đạo lý làm người, truyền ngọn lửa đam mê chân, thiện, mỹ cho lớp trẻ hôm nay và mai sau…

Nguyễn Thanh viết câu đối mùa Xuân 2012 trong khuôn viên phần mộ nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa, nhân Lễ Kỷ niệm Ngày sinh cụ Thủ hoa

***

Vì là con người bẩm sinh đa hệ, Nguyễn Thanh không chỉ mê chữ... mà anh còn đắm đuối với âm nhạc, đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Mang trong mình năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh và từ cha mẹ, khi còn học Trung học Phan Thanh Giản, anh đã chủ động đi học thêm tân nhạc với các nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc: Lương Vinh Sanh, Nguyễn Đức Minh, nhạc sĩ Tấn An. Anh học ca cổ từ nhỏ ở gia đình với cha và tự tìm tòi nghiền ngẫm thêm lý thuyết âm nhạc có trong sách vở.

Năm 1960, lúc dạy học tại Long Mỹ; dựa vào cuốn sách “Để sáng tác một bản nhạc phổ thông” của nhạc sĩ Hòang Thi Thơ, anh tập sáng tác ca khúc. Dạy học ở trường nào, ngoài bộ môn chính là Việt văn, mỹ thuật, Nguyễn Thanh bao giờ cũng được giao phụ trách Ban Văn nghệ - Báo chí của trường. Nhiều bản tân nhạc và bài ca cổ anh đã sáng tác từ khi còn học ở trường trung học.

Nguyễn Thanh ngày mới ra trường và sáng lập Ban nhạc Thanh Thanh.

Tập nhạc “Thương hoài” (Nguyễn Thanh - NXB Âm nhạc, 2013) gồm 35 ca khúc tuyển chọn từ những sáng tác của anh trong 20 năm (1960 - 1980) trong đó có: Thương hoài, Sao anh không nói, Thu xa ... là những tình khúc Nguyễn Thanh viết từ khi còn ở giảng đường đại học. Bản nhạc “Thành phố yêu thương” đoạt giải nhất trong 98 ca khúc ở cuộc thi viết ca khúc Chào mừng đất nước thống nhất do tỉnh Cần Thơ và sở Giáo dục Đào tạo Tây Đô tổ chức. Lễ tổng kết, long trọng trao giải tại Hội trường Trung học Tân Kiều (đại lộ Hòa Bình) vào mùa xuân năm 1976 với sự trình diễn báo cáo tác phẩm do anh vừa đánh đàn vừa hát trên sân khấu.

Ngoài tân nhạc, anh còn sáng tác, biểu diễn cổ nhạc với 20 bài tổ, trong đó có bản nhạc vua Dạ cổ hoài lang, dịch nghĩa: Tiếng trống khuya nhớ chồng - tiền thân bản Vọng cổ hôm nay… Bản Vọng cổ “Đài hoa dâng Đảng” anh sáng tác năm 1976 do các ca sĩ Ngọc Phượng, Thanh Cần... trình diễn trên sân khấu rạp hát Minh Châu đường Phan Đình Phùng.

Từ cuộc đời lận đận đến vẻ mặt u hoài muôn thuở của Nguyễn Thanh, anh em bè bạn và công chúng nghệ thuật liên tưởng đến nhạc anh sáng tác hầu hết đều phổ theo giai điệu buồn nao lòng của gam Thứ (Mineur). Như La thứ: bài Thành phố yêu thương, bài Thu xa ...; Mi thứ: bài Thương hoài...

Nhạc của Nguyễn Thanh phản ánh tâm trạng buồn của người nghệ sĩ phong trần đã từng phải vương mang nhiều khổ lụy đau thương đến từ cuộc đời và mảnh đất đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với bao đau thương tang tóc...

Tập ca khúc Thương hòai của nhạc sỹ Nguyễn Thanh, Nhà xuất bản Âm nhạc in năm 2013.

Năm 1975, ở cương vị Tổng Thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thanh sáng tác ca khúc, kịch bản viết ca cổ... phục vụ phong trào và đạo diễn nghệ thuật, hướng dẫn võ thuật cho các nghệ sĩ diễn viên trên sân khấu. Không chỉ là nhạc sỹ, Nguyễn Thanh còn là ca sỹ, quản lý ban nhạc, đạo diễn cho nghệ sĩ biểu diễn, mở các lớp dạy nhạc, sáng tác ca khúc, dạy đàn, ca, dạy ngâm thơ.. đem âm nhạc trở thành sản phẩm phục vụ con người...

***

Sinh ra ở miền Đất võ giáo phái Cái Vồn nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, ngay từ tuổi thơ khi còn học sơ đẳng trường làng, Nguyễn Thanh đã được gia đình cho thụ giáo võ Thiếu Lâm với võ sư nổi tiếng Ba Thanh lúc bấy giờ làm nghề bán thuốc cao đơn hòan tán. Những đêm trăng lúc gia đình có đám tiệc, tại sân phơi trước nhà, bé Thành thường biểu diễn các đường roi, đường quyền linh họat bay bướm cho anh em bà con trong họ xem. Dáng người gầy ốm thư sinh, tưởng như trói gà không chặt, nhưng khi ra tỉnh học Trung học, Nguyễn Thanh đã sớm có một chỗ đứng trong làng võ Đồng bằng sông Cửu Long. Khi bắt đầu đi dạy học, Nguyễn Thanh đạt trình độ võ sư đồng môn đai đen cùng một thế hệ với võ sư huyền đai đệ bát đẳng Nguyễn Văn Chơi và võ sư huyền đai đệ thất đẳng Ung Phụng Võ. Cả ba cùng thụ giáo với võ sư nổi tiếng huyền đai đệ nhị đảng Phạm Đăng Cao từ Pháp hồi hương về làm việc tại Cần Thơ. Tuổi thanh xuân, với sức lực sung mãn, thể lực khỏe mạnh, võ sinh Nguyễn Thanh đánh hay các thế võ. Anh tung mình trong các thế võ nhảy xa, nhảy cao làm nên hình ảnh đẹp trong chiến đấu trên sân khấu hoăc võ đài. Mỗi lần xuất tỉnh đi biểu diễn hoặc thi đấu, võ sư Phạm Đăng Cao đêu cho võ sinh Nguyễn Thanh theo biểu diễn. Vóc người gọn có da thịt, Nguyễn Thanh sở trường các bài kiếm, côn và quyền của võ phái Thiếu Lâm. Anh sử dụng võ Ju-đo với các tuyệt chiêu sở trường : đòn hông số 3 (Troisième Jambe) và đòn hy sinh (Sutemi). Trong những lần thi đấu để lên đai, Nguyễn Thanh đã sử dụng thành thạo các đòn thế tuyệt chiêu này để giành điểm lên đai trước đối thủ.

Thời thanh xuân, với cấp bậc huyền đai Judo. Để trở thành thầy giáo dạy võ thuật, Nguyễn Thanh phải khổ công tìm học, tham khảo các thế võ của một số trường trường phái: Thiếu lâm, Nga mi, Côn lôn, Việt võ đạo, Judo, karatedo, Jiu Jitsu, võ tự do, Aikido... cùng các đòn hiểm khác. Các thế: kim kê độc lập, lưỡng long tranh châu, bẽ cổ, khóa tay… Anh từng là võ sư huấn luyện viên các khóa Võ thuật khai giảng tại Long Mỹ năm 1959, Vị Thanh năm 1969 và Cần Thơ năm 1975. Riêng khóa “Nữ giới tự vệ” được coi là dấu ấn tuyệt chiêu của huấn luyện viên võ thuật Nguyễn Thanh. Với những đóng góp của mình, anh được nhiều người đặt cho danh hiệu: Nguyễn Thanh là “một con người văn võ song toàn” (nhà văn Đào Duy Hòa).

 Ảnh Khóa Võ thuật của Nguyễn Thanh tại Long Mỹ năm 1959; Nguyễn Thanh ngồi ở bìa trái.

Nguyễn Thanh là võ sư, nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ… nên ông dễ dàng cảm thụ, phân tích đánh giá Văn Cao. Với một tấm lòng trân quý, trong 4002 ký tự, Nguyễn Thanh đã dựng được chân dung khá đầy đủ, chân thực và sống động người nhạc sỹ, nhà thơ, họa sỹ và người chiến sỹ cách  mạng. Nhưng vốn là thầy dạy võ cốt để học sinh có sức khỏe và tự vệ nên khi sáng tác văn chương nghệ thuật, ông ít khi đưa kiến thức và các hư cấu liên quan đến võ thuật. Nguyễn Thanh sáng tác văn chương và nghệ thuật, sử dụng các lĩnh vực khác nhau để phục vụ con người; ông muốn dùng các giá trị Chân -Thiện- Mỹ để góp phần vun đắp cuộc sống. Do ham muốn phục vụ con người, nhà văn Nguyễn Thanh sử dụng mọi khả năng hiện có phù hợp với hoàn cảnh thực tế nên anh mặc nhiên trở thành thi sỹ, nghệ sỹ, võ sỹ… trở thành người đa tài ngoài mong muốn.

Sài Gòn, ngày 14 tháng 11 năm 2023
LTH.

Ghi chú: Các chữ viết xiên là trích nguyên văn một đoạn trong tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Thanh.


[1] Truyện ngắn YÊU CHỈ MỘT LẦN - trang 21 - tập truyện ngắn YÊU CHỈ MỘT LẦN – tác giả Nguyễn Thanh - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2020.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm