TIN TỨC
icon bar

Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-26 11:39:23
mail facebook google pos stwis
635 lượt xem

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau già nửa tuần trăng. Tưởng nhớ tới ông, Cánh buồm thao thức xin phép giới thiệu chân dung ông qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
 

NGUYỄN QUANG LẬP

Anh Tường (Hoàng phủ Ngọc Tường) đã đỡ, đã ra viện, đang nằm một mình, miệng lẩm bẩm gì đó. Thấy mình, anh mắt trợn tay khua, nói ua chầu Lập Lập. Cơ mặt anh bị liệt không còn biểu hiện được cảm xúc, nhưng mình biết anh mừng lắm, xúc động nữa.

Tính anh hiếu khách, ai đến nhà đều tiếp đón nhiệt tình, bất kể đó là ông xích lô hay là ông bộ trưởng. Năm 1976, mình chỉ là thằng cu con 20 tuổi, vốn liếng chỉ dăm bài thơ in báo, lần đầu vào nhà anh, khi đó anh đã nổi như cồn cả văn trường lẫn chính trường, nghĩ bụng được anh cho bắt tay cũng phúc phận lắm rồi, ai ngờ anh tiếp đón y chang tiếp đón kẻ sĩ ngang cơ, nói năng nhất mực mình mình Lập Lập, tuyệt không một gram khinh thị.

Mấy ông văn say Phương Xích Lô, Dương Thành Vũ hễ rượu vào là nói năng văng mạng, đi đứng nghênh ngang, quí thì vẫn quí nhưng hễ thấy chúng nó đến nhà trong trạng thái say thì ai cũng sợ. Anh Tường thì không, thậm chí anh còn thấy vui. Mẹ chị Dạ (Lâm Mỹ Dạ) thấy hai ông này thì sợ lắm, nói ua chầu chầu văn thơ chi mà sớn sác rứa hè. Anh nói mạ nói chi rứa mạ, bạn con đó, họ tôốk lắm tôốk lắm. Mẹ chị Dạ thở hắt ra, nói ua trời, ai đến nhà, ông Tường cũng kêu tôốk lắm tôốk lắm.

Hồi ở Huế, nhà anh Tường là nhà duy nhất mình có thể đến bất kì giờ nào, kể cả ba bốn giờ sáng, cũng được niềm nở đón tiếp. Người hiếu khách như thế mà phải nằm một mình trên căn phòng gác hai, một mình đối diện với bốn bức tường trắng lạnh, hết nghe ti vi nói lại nghe chính mình nói thì thật đáng sợ.

Con cái đi làm ăn xa, chị Dạ cũng phải tần tảo kiếm sống, mẹ chị Dạ đã già, suốt ngày lúi húi việc vặt ở gác một, giả có muốn nói chuyện với anh cũng chẳng biết nói chuyện gì, nhiều hôm anh cứ nằm lẩm bẩm nói chuyện một mình. Anh Ngô Minh kể có hôm anh Tường gọi điện, nói Ngô Minh ơi, mình thèm tiếng người, nghe ứa nước mắt.

Mình cũng què, không sao kéo anh ngồi dậy được, hai anh em kẻ nằm người ngồi, nhìn nhau rưng rưng. Mệnh trời đã định chẳng biết làm thế nào. Anh Tường đối với mình vừa là người thầy vừa là người anh. Có thể nói quá nửa phần văn hoá mình có được là nhờ anh dạy dỗ.

Mình học Bách Khoa, tốt nghiệp đại học rồi trình độ lịch sử cũng chỉ biết ba lần đánh thắng quân Nguyên, cố lắm cũng biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm hết. Trình độ triết học cũng chỉ đủ để phân biệt Mác - Lê Nin là hai ông, ngoài ra chẳng biết ông nào ra ông nào.

Anh Tường học rất giỏi, thủa nhỏ đã khét tiếng cả miền Nam, mình vẫn trêu anh là cháu ngoan bác Diệm. Anh lại có trí nhớ phi phàm, đầu anh là cả một thư viện khổng lồ cả triết học, văn học, lịch sử và văn hoá.

Có đến hàng mấy trăm buổi, đêm cũng như ngày, hai anh em với chai rượu trắng nắm nem Huế, anh uống và nói, mình uống và nghe, cứ thế cứ thế mưa dầm thấm đất, dần dần đầu óc mình sáng sủa dần lên, bốn năm ở Huế mình xơi tái cả tủ sách quí của anh, thế là thành người tài, he he.

Anh Tường viết quá chậm vì quá kĩ, một cái bút kí vài ngàn từ có khi anh viết cả tháng. Đụng phải một từ nào anh cảm thấy không chắc, không bao giờ anh cứ viết ào đi như mình, anh dừng lại tra hết cuốn này sang cuốn khác. Mỗi lần anh viết là y như anh ngồi giữa một đống đủ loại từ điển Việt, Anh, Pháp, Hán.. hoa cả mắt.

Có hôm mình đến thấy anh ngồi tra từ điển tiếng Việt một cái từ rất bình thường. Mình nói cái từ đó anh biết rồi mà nhớ rồi mà, anh nói một nguyên tắc để nhớ lâu là không được phép tin vào trí nhớ của mình. Mình kêu trời, nói anh viết rứa có mà bốc cám mà ăn, anh cười, nói mình ăn cám rồi, ngoong ngoong...

Rồi anh nói Lập nên nhớ khi viết phải cảnh giác hai loại người đọc, loại thứ nhất ngưỡng mộ mình, nghĩ mình như thánh chữ, nhỡ mình viết sai, họ cứ vậy mà đinh ninh... rứa có chết không. Loại thứ hai giỏi hơn mình,  đứng sau lưng mình rình chữ mình viết sai để mà biêu riếu... rứa có chết không.

Anh Phùng Quán ngồi cạnh cười khì khì, nói tôi với thằng Lập viết lách được là nhờ lấy liều mạng làm căn bản, chứ cứ ngồi sợ như ông thì ăn cứt từ lâu rồi, đừng nói có cám mà bốc. Anh cười, nói mình chỉ liều mạng đánh Mỹ thôi, hồi ở rừng đã có khi mơ giá ông Bụt hiện lên nói mi ăn hết rổ cứt ni rồi tao cho đất nước hoà bình thì mình ăn liền. Nhưng làm văn hoá thì không thể lấy liều mạng làm căn bản, rứa là hỏng hỏng.

Gần gũi anh Tường tròn ba chục năm mình chưa nghe ai trong nước nói xấu về anh, chỉ một vài ông hải ngoại, chẳng rõ vì sao cứ đeo lấy anh nói dai như đỉa, kẻ bảo anh cơ hội, người nói anh ác nhân, thật chẳng ra làm sao.

Tiện đây nói luôn, tết Mậu Thân (1968) anh Tường ở lại căn cứ trên rừng, không về Huế. Người ta thu băng lời kêu gọi của anh cho phát loa trên xe chạy khắp thành phố, nên nhiều người tưởng anh về Huế thôi. Chuyện này còn cả tấn người đang sống làm chứng, ít nhất có Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, ai không tin về Huế mà hỏi.

Ba mươi năm gần anh, quả thật mình không thấy anh Tường có nhược điểm nào đáng kể, ngoài cái tật hay nói. Hôm nào anh Tường không nói thì cầm chắc là anh ốm. Một hôm mình đến nhà, hỏi mẹ chị Dạ anh Tường đâu rồi bà, bà nhăn răng cười, nói ông Tường lại đi nói rồi.

Nhưng anh nói rất hay, bất kì chuyện gì anh cũng có những phát kiến văn hoá cực hay. Anh Phùng Quán nói ông Tường tài, ngườì ta nói rượu vào thì lời ra, ông Tường nước lọc vào lời cũng ra, lại toàn lời vàng ngọc.

Từ khi anh bị nạn, nói rất khó nghe, cố gắng lắm mới nghe được đôi câu, anh Tạo (Nguyễn Trọng Tạo) chép miệng tiếc rẻ, nói giá ngày xưa ông Tường nói gì mình ghi âm lại, có phải bây giờ có vài vạn trang sách quí cho tụi trẻ chúng nó đọc không.

Anh Quán vẫn trêu anh Tường nói hay cày dở, là nói chuyện gái gẩm, chuyện này thì anh Tường cực quê. Cũng như anh Sơn (Trịnh công Sơn), anh Tường không biết cơ man các em xinh đẹp mê đắm, rốt cuộc cũng chỉ trăng gió vu vơ thôi, chẳng đâu vào đâu.

Có hôm hai anh em nằm với nhau, mình nói anh làm việc ấy thế nào, anh cười nói thì cũng rứa thôi, mình hỏi anh có thế này không... có thế này không, anh trợn mắt há mồm, nói phải làm rứa a... phải làm rứa a. Mình nói chứ sao, anh phải thế này... phải thế này, anh nói rứa a rứa a... tởm tởm.

Mình nói anh ơi cái lưỡi không phải là thứ chỉ để lùa ngôn ngữ ra đâu, nhiều công dụng cực kì. Riêng việc này anh phải học tập anh Hoàng Ngọc Hiến, anh Hiến giỏi câu giờ lắm, đã yếu kém thì phải biết câu giờ. Anh nằm trầm ngâm, tay mân mê cái nốt ruồi to đùng dưới cằm, nói làm chi rứa hè… tởm tởm. Phải giữ thể diện văn hoá chơ... ai lại rứa. Mình nói anh ơi giường chiếu có văn hoá của giường chiếu, anh lắc đầu, nói không, tởm tởm. Mình cười rũ.

Bây giờ anh ngồi đấy, tay mân mê cái nốt ruồi to, nhìn ra trời Huế mưa giăng đầy, mắt chớp chớp rưng rưng, nói Lập có biết mình đang nghĩ gì không? Mình nói anh đang nghĩ gì, anh nói mình đang nhớ lại những bài học giường chiếu Lập đã nói mà mình không chịu nghe theo.... đúng là giường chiếu có văn hoá của giường chiếu.

Mình định trêu anh một câu nhưng không dám. Chợt nhớ có lần buồn chị Dạ chuyện gì đó, anh ngồi lặng lẽ dí điếu thuốc đang cháy vào gan bàn tay, mặc kệ chị Dạ la hét, anh vẫn cứ để điếu thuốc lún sâu vào gan bàn tay... sáng sau cả bàn tay phồng rộp như cái bát úp, nghĩ mà sợ quá.

Anh Tường nói Lập lấy rượu uống đi, rót cho mình một chén. Mình nói chị Dạ bảo không được để anh uống rượu. Anh nói ngồi với Lập không uống còn ra cái chi.

 Mình rót rượu, hai anh em ngồi uống, anh uống một hơi cạn chén, dằn nhẹ cái chén, nói Lập có biết mình ước gì không...Mình ước được yêu vợ cho tới bến, ước được một trận say, được nói một câu tròn vành rõ chữ... thậm chí ước được đi ỉa một mình không người săn sóc... chỉ ước có rứa thôi mà trời kiên quyết không cho...

Mình nhìn anh, cười như mếu, chẳng biết nói gì.

Rút từ Bạn văn 1

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm
Bắt đầu từ một người lính
Nguồn Văn nghệ số 21/2023
Xem thêm