- Nhà văn & Góc nhìn
- “Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. Song theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện nay, cán cân “xuất - nhập khẩu” trong lĩnh vực xuất bản nói chung và văn học nói riêng vẫn đang nghiêng về “nhập siêu”. Điều này dẫn đến hệ quả là dù công cuộc hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ song sách Việt Nam tiếp tục thiếu vắng trên các kệ sách của độc giả nước ngoài.
Nhóm nữ dịch giả Hà Nội: Nhà văn Kieu Bich Hau, nhà văn Phạm Vân Anh, nhà văn Khánh Phương, nhà thơ Đỗ Mai Hòa và nhà thơ Võ Thị Như Mai.
Câu chuyện này nhiều năm nay đã trở thành mối trăn trở của không chỉ các cơ quan chức năng mà còn là sự mong mỏi của các tác giả, dịch giả trong và ngoài nước. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, một số đầu sách văn học của Việt Nam đã được xuất bản ở một số nước trên thế giới như Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tập nghìn năm văn hiến, tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Bảo Ninh, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Mai Văn Phấn, Nguyễn Ngọc Tư... Song đó vẫn chỉ là kết quả khá khiêm tốn, chưa kể tính kết nối giữa các tác giả Việt Nam với các nhà văn nước ngoài cũng như việc đăng tải các sáng tác trên các tạp chí, trang văn học điện tử của các nước còn hạn chế. Có thể thấy rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chúng ta thiếu một cơ quan chuyên trách thực hiện việc kết nối, quảng bá văn học Việt Nam với các đối tác nước ngoài; thiếu kinh phí cho công tác quảng bá, chưa tìm được những người tình nguyện làm “cầu nối” trong và ngoài nước và những dịch giả có khả năng chuyển ngữ tác phẩm văn học từ tiếng Việt sang các thứ tiếng phổ biến trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… cũng không nhiều.
Do đó, trong thời gian một số tác giả, dịch giả Việt Nam và các học giả nước ngoài nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã qua các “kênh” khác nhau tìm kiếm con đường để đưa văn học Việt Nam ra với thế giới. Họ thông qua công việc của bản thân, tận dụng các mối giao kết cá nhân, cũng như ảnh hưởng của mình để giới thiệu một cách có hiệu quả nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ra nước ngoài. Họ trở thành “những con ngựa thồ văn hóa” như cách nói của đại thi hào Puskin về những người dịch thuật và xác định mục tiêu là làm thế nào để tác phẩm văn học Việt Nam được bạn đọc thế giới biết đến nhiều hơn? Làm thế nào để tâm hồn người Việt, thông qua tác phẩm văn học, được thế giới thấu hiểu?
Song con đường “xuất khẩu văn chương” là không dễ đi và làm “con ngựa thồ văn hóa” vô cùng nhọc nhằn, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất đến từ việc dịch thuật, chuyển ngữ tác phẩm. Chuyển ngữ văn xuôi vất vả bởi khối lượng chữ lớn, còn chuyển ngữ thơ thì càng khó khăn hơn bởi cần nhiều thời gian tư duy và cảm nhận ý tưởng, câu thơ của các tác giả. Thơ Việt Nam thường có nhiều ý biểu đạt khác nhau và đôi khi dịch giả (hoặc nhóm dịch giả) sẽ phải chọn một ý trọng tâm nhất để chuyển ngữ do tiếng Anh không có nhiều từ đồng âm khác nghĩa hoặc phép ẩn dụ như tiếng Việt. Việc dịch thuật này cần có sự hỗ trợ của các bạn văn nước ngoài, một số Việt kiều yêu thích văn học để hiệu đính lại bản dịch, đảm bảo sát đúng hơn và có thêm nhiều từ mới phong phú, vần điệu nhịp nhàng hơn.
Khi khó khăn thứ nhất qua đi, thì khó khăn thứ hai ập đến. Có được bản dịch đạt yêu cầu đã khó, song để được đăng tải trên các tạp chí, trang văn học của các nước trên thế giới còn khó gấp bội. Số lượng các tạp chí văn chương của một số nước không nhiều. Các tạp chí này thường ưu ái đăng tải tác phẩm của các nhà văn bản xứ. Do đó, để các tác phẩm Việt có thể “chiếm đất” là một hành trình kết nối lâu bền, mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Để phía bạn đăng tác phẩm của ta, phía ta phải có “động thái”, phải dịch, đăng tác phẩm của tác giả nước bạn trước, đem lại niềm vui cũng như tạo dựng thiện cảm đối với họ. Tuy nhiên việc này hiện nay cũng gặp những trở ngại nhất định do các báo, tạp chí văn học của ta hiện có quá ít hoặc không có trang cho văn học nước ngoài, dẫn đến việc dịch khá nhiều nhưng và trong nhiều trường hợp là không có “đất” để đăng cho bạn. Song song với việc tích cực đăng cho bạn là kiên trì, tích cực vận động phía bạn hỗ trợ, giới thiệu, kết nối để có thể đăng tải tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trên các ấn phẩm văn học tại đất nước họ hoặc các nền tảng văn chương quốc tế. Ngay việc lựa chọn tác phẩm nào, đề tài gì, gửi đăng tạp chí nào cũng cần cân nhắc kĩ bởi mỗi nước có xu hướng văn học khác nhau, phong cách sáng tác và vấn đề độc giả quan tâm cũng khác nhau.
Khó khăn thứ ba đến từ những yếu tố khách quan của nhiều dịch giả, nhóm dịch giả. Nhiều dịch giả, nhóm dịch giả không thể dành trọn vẹn thời gian để làm công việc “vác tù và hàng tổng” này. Thời buổi xã hội hiện đại, ai cũng có những công việc riêng cần giải quyết: người bận việc gia đình, người bận lo kinh tế, người tập trung vào hoàn thành sáng tác tác phẩm đã đạt độ chín về ý tưởng… Bên cạnh đó, nhiều dịch giả, nhóm dịch giả còn có lúc cảm thấy nản lòng, thối chí khi “vấp phải” bởi nhiều ý kiến dò xét, thắc mắc, thậm chí công kích ác ý của một số người không hiểu chuyện.
Ngoài ra vấn đề kinh phí để duy trì các hoạt động giao lưu, đón tiếp các nhà văn nước ngoài đến thăm Việt Nam, dịch và xuất bản sách cho các tác giả nước ngoài tại Việt Nam hay các hoạt động truyền thông khác cũng là câu chuyện đáng bàn. Không có kinh phí, hay kinh phí hạn hẹp thì làm gì cũng khó trong thời buổi hiện nay. Rất nhiều những kế hoạch, dự định hoạt động của nhiều dịch giả, nhóm dịch giả đã phải tạm dừng vì vướng vấn đề “đầu tiên”. Đây là điều thực sự đáng tiếc.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, bức tranh giới thiệu, quảng bá văn học Việt ra nước ngoài vẫn có những điểm sáng nhất định. Về kinh phí, tuy không mấy “xông xênh”, nhưng một số dịch giả, nhóm dịch giả vẫn có khả năng “tự chủ tài chính”. Mặt khác, các hoạt động giới thiệu, quảng bá có được sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm nên vẫn có thể duy trì. Về dịch thuật, đáng mừng là hoạt động này gần đây có sự tham gia ngày càng nhiều của các bạn trẻ giỏi ngoại ngữ, đam mê văn chương và các dịch giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Do đó, tốc độ dịch, hiệu đính bản thảo cũng nhanh hơn, chỉn chu hơn. Đối với việc xuất bản sách, hiện có hai cách làm đang được nhiều nhóm dịch giả áp dụng. Thứ nhất, hỗ trợ các nhà văn trong nước tự đầu tư kinh phí dịch thuật và xuất bản tác phẩm qua hệ thống một số nhà xuất bản của Mĩ, Canada, Nga, Hàn Quốc, Hungary, Rumani… Một hướng khác là nhóm dịch giả tự đóng góp một quỹ riêng dành cho việc xuất bản các tác phẩm nước ngoài do các thành viên trong nhóm dịch và tổ chức bán sách để thu hồi vốn in, hoàn toàn không có bồi dưỡng công dịch. Phía bạn cũng sẽ có trách nhiệm dịch và xuất bản một cuốn sách của một tác giả Việt Nam hoặc một tuyển tập của các tác giả Việt Nam. Cách làm này đã được nhóm nữ dịch giả Hà Nội tiến hành rất hiệu quả. Nhóm đã trao đổi được 3 cặp tác phẩm của 6 nhà văn trong hai năm qua.
Để đa dạng hóa và tạo nhiều hoạt động trao đổi văn hóa, các dịch giả không ngại tìm hướng hoạt động như tham gia và hỗ trợ các nhà văn Việt Nam tham gia các sự kiện văn học của các nước; dịch và hỗ trợ các nhà văn gửi tác phẩm tham gia các dự án văn học song phương và đa phương; tổ chức các chương trình giao lưu văn học trực tuyến. Có thể kể ra đây một số hoạt động, chương trình giao lưu rất thiết thực như việc xuất bản hợp tuyển Hừng đông song ngữ Nga - Việt với sự góp mặt của 50 tác giả đến từ hai nước, cuộc giao lưu “Nê va - Hồng Hà, đôi dòng kết nối” với Nga thực hiện tháng 7/2022 và vào tháng 1/2023 tới đây sẽ là “Đa nuýp - Hồng Hà đôi dòng kết nối” với Hungary…
Thực tiễn cho thấy, muốn đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài không chỉ cần tới nỗ lực của một số tổ chức hay sự tích cực của một vài cá nhân. Việc xuất bản sách không chỉ đơn thuần là giá trị kinh tế của vài bản hợp đồng được kí mà còn là hình ảnh, thương hiệu quốc gia, là sự lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, là sự khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế, là tranh thủ thiện cảm, sự ủng hộ của bạn quốc tế với Việt Nam. Đồng thời cũng không nên bỏ qua việc giới thiệu, quảng bá trên các báo, tạp chí văn học truyền thống và “sân chơi” mới là các trang văn học điện tử, các nền tảng mạng xã hội trong nước và nước ngoài để tạo tương tác qua lại trong trao đổi văn hóa. Khi chúng ta làm tốt được các khâu thì con đường “xuất khẩu” văn học ra với thế giới mới thật sự được khai thông.
P.V.A
Bài liên quan: Ngũ sắc ánh sáng góp phần lan tỏa văn chương Việt
Bình luận