- Nhà văn & Góc nhìn
- Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam. Ông là tác giả của hàng ngàn bức tranh và tượng, còn lưu giữ ở Bảo tàng trong nước và thế giới: Liên Xô, Ấn Độ, Tiệp Khắc…
Trong số những tác phẩm tranh tượng được trưng bày trong 30 cuộc triển lãm, chỉ riêng về đề tài Bác Hồ, họa sĩ đã có trên 200 bức. Tiêu biểu những tác phẩm nổi tiếng của ông có: Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc (tranh lụa, vẽ bằng máu-1947), Bác Hồ câu cá ở Việt Bắc (sơn dầu), Võ Thị Sáu (tượng), Lòng người miến Nam (tượng), Phú Lợi (tượng), Hương sen (tượng), Bác Hồ ở Việt Bắc (tượng đồng-1990), Tượng đài Bác Hồ (bằng đá hoa cương, cao 8m, nặng 180 tấn, 1993), dựng tại TP.HCM năm 1997, là tượng chân dung lớn nhất Việt Nam, Tượng đài Trương Định (đá hoa cương, cao 8m, nặng 80 tấn), Tượng Bác Hồ bên suối Lê-nin bằng thạch cao và tượng Bác Hồ với thiếu nhi (bằng đồng). Nghệ sĩ Diệp Minh Châu được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I-1996).
Trong lịch sử mỹ thuật cũng như quá trình đấu tranh đuổi giặc giữ nước của nhân dân Nam bộ, tỉnh Bến Tre được coi là một vùng đất mạch rồng nhân kiệt địa linh, đã cống hiến cho đất nước nhiều nhân vật ưu việt: các nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nữ tướng rừng dừa Nguyễn Thị Định (1920-1992), nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo (1922-1965), họa sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966), nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015),… Trong số những danh nhân xuất hiện như trăm hoa đua nở tươi thắm rực rỡ đó, có một ấn tượng khó quên là trường hợp họa sĩ – nhà điêu khắc gia Diệp Minh Châu, đã từng lấy máu của mình để vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng Bác Hồ với thiếu nhi (bằng đồng)
Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc (tranh lụa, vẽ bằng máu-1947)
Diệp Minh Châu sinh ra trong một gia đình nông dân lam lũ, tại làng chiếu xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cũng như họa sĩ trứ danh Tây Ban Nha Picasso (1881-1973), Diệp Minh Châu ngay từ thuở nhỏ đã say mê hội họa và đã nổi tiếng vẽ giỏi nên được các bạn bè gọi là Châu vẽ. Lên bảy, cậu bé Châu có thể họa giống hệt lại những đồ vật đặt làm mẫu trên bàn ở trước mặt. Năm mười lăm tuổi, khi đang ở tại nhà giúp cha mẹ công việc ruộng nương, cậu bé Châu may mắn gặp được gặp họa sĩ Hoàng Tuyển, tác giả bức tranh Tứ Thời, một cơ hội tốt làm nung nấu thêm lòng đam mê hội họa của mình. Năm 1939, Diệp Minh Châu, với hai bàn tay trắng, lên toa hạng bét xe lửa chạy than, liều mình ra Hà Nội. Với quần áo lấm lem như người thợ thụt ống khói nhà máy, anh bươn bả đến thẳng nhà họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân, xin gặp thầy với một số bài anh đã vẽ từ trước, để xin ý kiến. Thầy Tô Ngọc Vân, mặt vui vẻ, nhanh nhẹn chìa tay bắt nhưng người học trò phương xa còn ngần ngại vì bàn tay còn dính bụi than. Họa sĩ Tô Ngọc Vân siết chặt tay anh: “Không đâu! Bàn tay này đáng bắt lắm!... Tôi đã dạy mười năm nay, chưa thấy học trò nào có tinh thần ham học và vẽ được như anh. Chưa dám nói trước, nhưng anh thật xứng đáng, hy vọng sẽ đỗ cao”. Rồi thầy Vân quay vào, cho người mẫu nghỉ, để tiếp người học trò từ Nam bộ xa xôi ra! Đó là cô gái làm người mẫu cho bức họa “Thiếu nữ với hoa sen” nổi tiếng còn lưu lại trong Bào tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thế là Điệp Minh Châu vừa theo học lớp Dự bị trường Mỹ thuật Đông Dương, vừa phải vất vả đi làm thêm để kiếm sống. Học được một năm, chàng sinh viên họ Diệp trở lại quê nhà sau khi được thầy Tô Ngọc Vân bắt tay từ giả và động viên. Trở về Nam bộ quê nhà, hằng ngày, Tư Châu làm lụng công việc vườn tược giúp cha mẹ nhưng trong lòng vẫn trông tin tức về ngày thi từ trường Mỹ thuật. Năm 1940, có cuộc thi tuyển vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương, ông trở ra Hà Nội tham gia thi và đỗ thủ khoa. Nhưng cuộc sống của một sinh viên xa nhà vẫn thiếu thốn. Để có tiền đóng học phí, Diệp Minh Châu phải tiếp tục đi làm thêm nghề vẽ phông màn cho các gánh hát ở Hà Nội. Hai năm sau (1942), những bức tranh Trăng thu, Nhớ mong, Hương sắc …đã bắt đầu gây được sự chú ý của giới làm tranh và người thưởng ngoạn mỹ thuật. Các giải thưởng quý giá mang ý nghĩa động viên tinh thần chàng họa sĩ trẻ xứ Dừa liên tiếp đến với tác giả trong các lần Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, với những tác phẩm: Văn Miếu (Huy chương Đồng-1942), Cầu nguyện (Huy chương Bạc-1943). Cách mạng tháng Tám bùng nổ nhưng thực dân Pháp toan tính trở lại xâm chiếm miền Nam. Cùng với bao nhiêu sinh viên học sinh, thanh niên tiến bộ ba miền, Diệp Minh Châu tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Ông vừa hăng hái tham gia phong trào Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, vừa chăm lo vẽ bìa cho các bản hùng ca của Lưu Hữu Phước (1921-1989) và thiết kế mỹ thuật cho các đêm trình diễn của ban kịch Tổng hội Sinh viên Hà Nội. Do tình hình Nhật đảo chánh Pháp, Diệp Minh Châu không tốt nghiệp được từ trường Mỹ thuật. Sau đó, họa sĩ trở về quê nhà, tiếp tục sáng tác để tổ chức Triển lãm tại Bến Tre và Mỹ Tho với mục đích lấy tiền giúp nạn đói kinh hoàng ở miền Bắc vào năm Ất Dậu (1945). Dù là nghệ sĩ cầm cọ, trong hoàn cảnh chiến tranh, Diệp Minh Châu vẫn hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước và sát cánh theo từng bước đi của nhân dân trong cuộc đấu tranh trừ giặc giữ nước.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại miền Nam, Diệp Minh Châu đã hãnh diện được làm Trưởng ban Trừ gian huyện Châu Thành, Bến Tre - một đặc nhiệm như nhạc sĩ Văn Cao từng được phân công ở Bắc trong thời kỳ máu lửa ấy – “Hận dân tộc dâng cao trong tôi, tôi vào nhà xếp bút màu, gởi má tôi cất giùm, tôi xé giấy Thông hành, giấy Thuế thân rồi đi lãnh mọi công tác mà cách mạng giao phó” (Hồi Ký Diệp Minh Châu). Do nhu cầu chính trị, vào cuối năm 1946, Diệp Minh Châu được chuyển về Liên khu 8 để làm phóng viên. Họa sĩ đi theo Vệ Quốc đoàn tới nhiều nơi như : Gó Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười để sáng tác những bức tranh về cảnh lao động, sản xuất, chiến đấu như: Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Qua rừng lá, Du kích qua làng, Chiến sĩ rẽ lau… Thời gian này, bức tranh Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong (1947), được họa sĩ vẽ bằng chính máu của người hy sinh, sáng tác tại Vàm Nước Trong (Mõ Cày) và bức tranh Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung-Nam-Bắc (1947) vẽ trên lụa, bằng chính những giọt máu nóng quý báu của họa sĩ (hiện nay còn lưu tại viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam), được gọi là tranh huyết họa. Anh em làm mỹ thuật Nam bộ trong giai đoạn này, hay nhắc lại chuyện khai sinh ra bức tranh Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung-Nam-Bắc vẽ bằng máu hy hữu này của Họa sĩ Diệp Minh Châu. Đó là vào đêm 2/09/1947, tại chiến khu Nam bộ, trong giây phút xúc động vì tình cảm lãnh tụ, Diệp Minh Châu đã tự chích máu ở cánh tay và dùng máu của mình để vẽ lên bức tranh. Trên thế giới, trong những trường hợp thông báo khẩn thiết những yêu cầu tối quan trọng, người ta hay dùng những bức huyết thư, huyết kháng thư, huyết lệ thư… Ở Việt Nam, nhà cách mạng - nhà thơ Phan Bội Châu (1867-1940) cũng từng làm bài thơ “Hải ngoại huyết thư” từ nước ngoài gởi về cho chính quyền thực dân. Với Diệp Minh Châu, sau khi vẽ xong, họa sĩ đã gởi một bức thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong thư họa sĩ kính cẩn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng Cha) và viết trên bức tranh gởi kèm dòng chữ “Thay mặt giới văn nghệ kháng chiến Nam bộ, con xin kính dâng cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm đẹp nhất đời con” đồng thời chân thành bày tỏ nguyện vọng thiết tha, mong cho đất nước được hòa bình và thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bức thư do họa sĩ Diệp Minh Châu viết gởi cho Bác Hồ là lời nói hộ cho văn nghệ sĩ cách mạng ở miền Nam, lời tuyên thệ đinh ninh son sắt một lòng với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc: “Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh/ Kính Cha!/ Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ Quốc đoàn khu 8, Cách mạng Tháng tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con/ Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của Ngày Lễ Độc lập chưa từng có ở Nam bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và Lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn Thiếu nhi Nam bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em Bắc-Trung Nam đang chụm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch, chiếm lấy được ở trận Giồng Dừa hồi tháng Tư năm nay… Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu của con đâu. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi…/ Kính chào Cha/ Khu 8, 2/9 1947/ Con/ Diệp Minh Châu”. Bức tranh huyết họa do họa sĩ Diệp Minh Châu thực hiện được lưu giữ tại Viện Bào tàng Cách mạng Việt Nam. Về sau, có một phiên bản do họa sĩ Trần Thức công phu thực hiện rất đạt, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài bức tranh “Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung-Nam-Bắc”, với tấm lòng yêu kính lãnh tụ và cảm xúc nghệ thuật chân tình, Diệp Minh Châu còn nhiều lần vẽ thêm chân dung Bác Hồ trên vải lụa. Bức tranh “Bác Hồ câu cá ở suối Lê-nin” do họa sĩ vẽ trên chính tấm lụa mà chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tặng Bác Hồ và Bác đã tặng lại cho Điệp Minh Châu trong một lần họa sĩ từ miền Nam ra thăm Bác. Nhà báo Lê Phú Khải có nhắc lại một chuyện thật cảm động về nhân cách Diệp Minh Châu, trong thời gian họa sĩ du học ở Cộng hòa Séc (tên gọi trước là Tiệp Khắc), bị bệnh phải nằm viện để mổ bao tử. Phòng của Diệp Minh Châu có hai giường nằm bệnh nhân. Người bệnh kia sau một ca đại phẫu thuật không nói chuyện được. Họa sĩ nẩy ra một ý tưởng. Ông tìm giấy bút rồi bò sang giường ông bạn bệnh nhân đó: vẽ một cái bô, một cái ly nước, một cái dĩa…để khi y tá đến nếu cần gì thì người bệnh không nói được chỉ cần …chỉ vào hình vẽ. Và nhà báo cũng thật lòng bộc bạch: “Nếu có ai bảo tôi hãy chọn một người thật tiêu biểu cho tính cách Nam bộ thì tôi không cần phải suy nghĩ gì mà nói ngay: đó là họa sĩ Diệp Minh Châu. Do vậy, danh từ riêng Diệp Minh Châu bây giờ với tôi là đồng nghĩa với những tính từ: cởi mở, chân thành, hào hiệp và đạo nghĩa. Và nhà báo đã nói lên cảm nhận: Diệp Minh Châu là họa sĩ vẽ để vui sống, vẽ vì con người”. Thật cảm động với suy nghĩ sâu sắc của nhà báo giàu lòng ưu ái với nghệ sĩ.
Chân dung vợ chồng họa sĩ Đinh Quang Tỉnh.
Năm 1949, Diệp Minh Châu được chuyển về công tác tại Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ do Giáo sư Hoàng Xuân Nhị làm Giám đốc, đóng tại Khu 9. Giữa năm 1950, có lệnh từ Trung ương điều họa sĩ ra Việt Bắc để hận nhiêm vụ mới. Chuyến đi kéo dài hơn 8 tháng trời, ông đi từ Nam bộ qua Kampuchia, sang Thái Lan rồi phải xuống tàu vòng qua Trung Quốc mới đến Việt Bắc. Tại chiến khu, Diệp Minh Châu được may mắn sống gần Bác Hồ, ông nghiên cứu vẽ về Bác Hồ từ nhiều góc độ khác nhau và ký thác vào những tác phẩm tâm huyết đó tất cả tấm lòng kính yêu, trân trọng về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Hàng loạt họa phẩm mang dấu ấn lịch sử và lãng tụ ra đời, tinh kết tài hoa và nhân cách của một nghệ sĩ bậc thầy: Bố cục nhà Bác trên đồi (lụa - 1951), Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (sơn dầu - 1951), Bác câu cá bên bờ suối (sơn dầu - 1951), Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác (sơn dầu - 1951). Với tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng, trong một đêm tháng 5 năm 1951, nhân lúc rảnh rổi, ông ông ngỏ ý xin Bác ra nước ngoài học nghế tạc tượng để sau này về nước phục vụ nhân dân. Nguyện vọng được thỏa mãn, Diệp Minh Châu được sang học ngành Điêu khắc tại viện Hàn Lâm Mỹ thuật Tiệp Khắc. Trước khi về nước, ông còn sang Liên Xô và Ấn Độ nhiều tháng để nghiên cứu về nghệ thuật tượng đài. Là người con trung hiếu của đất Nam bộ thành đồng, khi ở nước ngoài hay làm việc trên miền Bắc, họa sĩ Diệp Minh Châu luôn hướng tâm hồn về quê hương miền Nam ruột thịt. Nhiều tranh, tượng phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của quê hương như: Võ Thị Sáu trước quân thù, Lòng người miền Nam, Căm thù Phú Lợi, Miền Nam bất khuất, Miền Nam thành đồng, Người mẹ Việt Nam… Sau ngày thống nhất nước nhà, nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và dành những thì giờ quý hiếm của tuổi cao để tiếp tục dìu dắt đào tạo những nghệ sĩ hậu duệ với tinh thần không hề biết mệt mỏi.
Suốt cả một đời chiến đấu vì đại nghĩa, vì dân tộc và một sự nghiệp lao động nghệ thuật kháng chiến không ngừng nghỉ của Diệp Minh Châu - nhà nghệ sĩ tài hoa và nhân cách rất đáng yêu, đã dùng chính những giọt máu hồng của mình để vẽ chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho thế hệ theo sau, kế tục con đường làm đẹp bằng nghệ thuật cho non sông hoa gấm được rạng rỡ mãi với màu xuân.
11. 11. 2024