- Nhà văn & Góc nhìn
- Một Nhà thơ – Thầy thuốc Nhân dân nặng lòng với chiến dịch phòng chống Covid tại TP.HCM
Một Nhà thơ – Thầy thuốc Nhân dân nặng lòng với chiến dịch phòng chống Covid tại TP.HCM
Trần Sĩ Tuấn – nói đến anh, người yêu thơ hiểu rằng đây là một nhà thơ có hàng chục năm gắn bó với thơ ca, có nhiều bài thơ hay, nhiều tập thơ đi vào lòng công chúng. Nói đến anh, nhiều dân chúng TP.HCM hiểu trằng đây là một bác sỹ giỏi, một thầy thuốc có tâm, có tài. Ông từng được phong danh hiệu cao quý ”Thầy thuốc Nhân dân”. Trên cương vị Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống, ông từng được Nhà nước trao tặng huân chương Lao đông hạng nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ Quốc.
Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn
Như mới hôm qua thôi, ngày 27/12/2019, tại Văn phòng Bộ Y tế đã diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch Nước cho Thầy thuốc Nhân dân bác sĩ Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống. Tôi vẫn nhớ như in lời PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế chúc mừng TTND.BS Trần Sĩ Tuấn: ”Đây là sự ghi nhận những đóng góp, công lao, thành tích mà đồng chí Trần Sĩ Tuấn đã cống hiến trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trong suốt 25 năm qua, đồng chí Trần Sĩ Tuấn đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các công việc hoạt động của ngành y tế, đến cả những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế tới đông đảo người dân. Qua đó giúp người dân cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia được những áp lực của một ngành có nhiều sự hy sinh”. Chia sẻ thêm về những hoạt động, đóng góp của Báo SK&ĐS – đặc biệt trong đó có dấu ấn cá nhân TTND Trần Sĩ Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bồi hồi nhớ lại thời điểm khi Thứ trưởng còn công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy, đã nhiều cơ hội kết hợp với Báo SK & ĐS và các đơn vị khác tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa, như: Vòng tay Nhân ái, Giai điệu Yêu thương, Vì Trái tim Trẻ em… Đây thực sự là những chương trình mang ý nghĩa từ thiện đối với cả nhân viên y tế và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nhắc nhớ lại những ký ức rất ấn tượng này, là để tôi muốn viết về ngày hôm nay của Nhà thơ- TTND Trần Sĩ Tuấn, dù đã về hưu tại TPHCM, nhưng vẫn hết sức nhiệt huyết với công việc của một thầy thuốc, một chuyên gia y tế với nhân dân và cuộc sống, đặc biệt trong những ngày cả nước căng mình chiến đấu với dịch bệnh Covid hiện nay.
Đoc trên facebook của ông, hay trên các báo chí TP.HCM, như báo Tuổi trẻ hôm nay, đông đảo bạn đọc hiểu những day dứt, những tâm tư, những suy tư của ông muốn đóng góp “Các bệnh viện tại TP.HCM đang căng sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bình Dương cũng đang chuẩn bị đến ngưỡng quá tải… Làm sao để giảm tải cho bệnh viện, bệnh viện có thời gian điều trị bệnh nhân nặng?”. Chuyên gia Trần Sĩ Tuấn đã dặt vấn đề và với kiến thức y khoa sâu rộng của mình, ông đã hiến kế những giải pháp tích cực ”Dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng F0 ngày càng tăng, mỗi ngày TP.HCM ghi nhận trên 2.000 ca và đang tiếp tục tăng, chưa có điểm dừng. Các bệnh viện đã bắt đầu quá tải, TP.HCM đã tính đến phương án những F0 không triệu chứng sẽ cách ly theo dõi tại nhà. Quả thực tôi rất băn khoăn lo lắng”.
Điều chuyên gia y tế này lo lắng là gì? ”Qua thực tế theo dõi và điều trị những ca F0 tại bệnh viện, các thầy thuốc nhận thấy có khoảng 5% không triệu chứng giả. Những trường hợp này phổi vẫn âm thầm bị tổn thương và chỉ trong thời gian ngắn đã phải thở máy, ECMO… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân khó có cơ hội được cứu sống. Cách ly F0 tại nhà nếu bệnh nhân diễn biến nặng, bất ngờ thì ta có xử trí kịp thời không, từ xe cứu thương, êkip bác sĩ, nhân viên y tế và trang thiết bị cấp cứu đi kèm? Số lượng bệnh nhân diễn biến nặng từ nhóm cách ly tại nhà nhiều, chúng ta có đủ lượng xe cứu thương để ngay lập tức có mặt kịp thời không là một thách thức rất lớn. TP.HCM đường ngang ngõ tắt nhiều, xe cứu thương không vào được, chưa kể đến số nhà, tên đường tìm rất khó.Bác sĩ có nhận biết và tiên lượng được diễn biến nặng của bệnh nhân không khi không trực tiếp thăm khám? Liệu có được bác sĩ tư vấn kịp thời không khi sẽ có hàng chục nghìn F0 được cách ly tại nhà và cần được tư vấn kịp thời, thường xuyên?…”
Và rồi cũng chính ông đã đưa ra 3 giải pháp: 1- Hiện tại chúng ta đã cho F1 cách ly tập trung tại nhà, khu cách ly tập trung đã trống chỗ. Ta nên đưa tất cả các F0 không triệu chứng vào đây để theo dõi, khi phát hiện diễn biến bất thường, trở nặng thì khẩn trương đưa vào bệnh viện cấp cứu và điều trị. 2- Khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu vực lân cận TP.HCM để chia lửa với TP.HCM (điều trị cho bệnh nhân cả TP.HCM và ở tỉnh). Lực lượng y tế chi viện cho TP.HCM sẽ vào các bệnh viện này. Tránh tập trung quá đông vào tâm dịch với rất nhiều bất cập. 3- Giảm thời gian nằm viện điều trị của bệnh nhân COVID-19 (điểm này Bộ Y tế mới thay đổi).
Cũng chính trên trang FB cá nhân được rất nhiều người truy cập, nguyên TBT báo Sức khỏe Đời sống theo rất sát diễn biến từng ngày từng giờ của TPHCM chống dịch, khi thẳng thắn phê bình những ai đó còn yếu kém, không bắt kịp tinh hình, khi lên tiếng ngợi ca những tấm gương y bác sỹ hết lòng vì công việc, chủ động nêu lên những vấn đề làm sao để chăm sóc cho đội ngũ y bác sỹ đang căng mình chiến đấu vì sự sống con người: ”Yên bái là một tỉnh ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, mặc dù là tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, vừa phải căng mình chống dịch, vừa phải đảm bảo cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong các làng bản ở rừng sâu núi thẳm. Trong các đợt dịch vừa qua nghành y tế Yên bái đã hỗ trợ trang thiết bị và cử đoàn y bác sĩ nhân viên y tế đến Bắc Giang hỗ trợ dập dịch. Trước tình hình dịch Tphcm bùng phát và diễn biến bất thường, Sở y tế đã cử đoàn y bác sĩ gồm 44 người vào tâm dịch củ chi tham gia chống dịch. Các bạn đi với quyết tâm , tấm lòng tất cả vì Nhân dân Tphcm yêu quí. Ngay ở tâm dịch cùng với các lực lượng tại chỗ các bạn đã căng mình chống dịch, không quản khó khăn gian khổ, làm việc ngày đêm. Nhưng nhìn bữa cơm hàng ngày của các bạn tôi không cầm được nước mắt chỉ một miếng đậu phụ, lơ thơ vài cọng đậu với cơm trắng. Vì điều kiện công việc cho nên thường xuyên phải ăn nguội . Với điều kiện ăn ở như thế,công việc vô cùng vất vả, liệu các bạn có đủ sức khỏe để có thể chống dịch lâu dài không? Dẫu biết rằng Tphcm đang rất khó khăn, với bộn bề lo toan,những thiếu thốn là không tránh khỏi. Nhưng thiết nghĩ với những lực lượng chi viện nên có sự quan tâm hơn vì từ nơi rất xa đến, mọi thứ đều mới mẻ, không có gia đình người thân để có thể tiếp tế, khó khăn hơn lực lượng tại chỗ rất nhiều .Mặc dù rất khó khăn, gian khổ nhưng các bạn không một lời than trách, chỉ có một quyết tâm làm việc, cống hiến hết sức mình để sự bình an nhanh đến với nhân dân Tphcm . Tôi rất xin lỗi các bạn đoàn Yên bái đã đưa vấn đề này lên khi chưa hỏi ý kiến các bạn, đưa vấn đề này lên không chỉ riêng với đoàn chi viện yên bái mà còn với tất cả đoàn khác đang ở trong tâm dịch . Rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cùng tphcm chia sẻ với các bạn trong lực lượng chi viện. Chúng ta cùng góp sức để các bạn có đủ sức khỏe để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh vì chúng ta . Nếu cá nhân, tổ chức nào hỗ trợ nấu thêm những bữa ăn có đủ chất dinh dưỡng, cho tôi được cùng đóng góp trong khả năng của mình!
Và:
”Em D.T.A sinh viên trường DH KT YTẾ Hải dương cùng đoàn tình nguyện của trường đang làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch Tp Hcm. Đêm 21-07 được tin bố của em qua đời tại quê nhà huyện Việt yên tỉnh Bắc Giang, vì điều kiện công việc em không thể về nhìn mặt cha lần cuối. Đây là sự hy sinh, mất mát rất lớn! Tôi xin được chia buồn sâu sắc với em cùng toàn thể gia đình, cũng xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với sự hy sinh rất lớn của em!
Điều đặc biệt là đã quá lâu em chưa được về thăm cha và gia đình vì sau khi được chi viện cho Bắc Giang chống dịch thành công, em lại tiếp tục tình nguyện vào TP.HCM, tham gia cùng các lực lượng Y tế khác chống dịch.
Cảm động trước tấm lòng, trước sự hy sinh mất mát của em một bạn là một cô giáo có đề nghị tôi chép tặng em bài thơ “Trái tim”. Bài thơ này tôi làm khi còn là sinh viên, bằng lứa tuổi của em bây giờ. Tôi xin tặng em với lòng biết ơn và kính trọng!
Trái tim
Khi học nghành Y em hiểu về Người
Em hiểu trái tim không phải chia làm ba phần tươi đỏ
Em hiểu cả những tế bào rất nhỏ
Giây phút bồi hồi khi đứng bên anh…
Em hiểu tim mình bên đỏ – bên đen
Máu chảy qua Tim hai dòng tĩnh – động
Em cũng hiểu vì sao em sống
Rạo rực bên này, sâu lắng bên kia..!
Bác sĩ – Thầy thuốc Nhân dân Trần Sĩ Tuấn. Ông là Thầy thuốc Nhân dân, là chuyên gia y tế, nhưng bao giờ trong ông cũng là một nhà thơ nhân ái và nhiệt huyết rất đáng trân trọng và ngợi ca..
Trương Nguyên Việt.
Bình luận