TIN TỨC
icon bar

Những bài hát đẹp của một kí ức đẹp

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-10 16:11:54
mail facebook google pos stwis
176 lượt xem

Nguồn: 

NGÔ THỤC KHUYÊN

Ngày 7/11/1917, V. I. Lênin và các đảng viên Bolshevik Nga đã lãnh đạo các Xô viết làm Cách mạng Tháng Mười, lập chính quyền Xô viết của công – nông – binh đầu tiên trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thời đại đối với lịch sử nhân loại. Sự kiện vĩ đại mà sau này đã ảnh hưởng to lớn tới các cuộc cách mạng XHCN và phong trào giải phóng dân tộc nhiều quốc gia, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, tới Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam.

Tròn một thế kỷ đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, tuy đời sống chính trị xã hội thế giới có những biến đổi sâu sắc (kể cả việc Liên Xô và một số nước XHCN ở châu Âu lâm vào khủng hoảng và tan rã đầu những năm 90 của thế kỷ XX), nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị đối với nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Liên Xô (Liên bang Nga hôm nay) là đất nước sở hữu một diện tích rộng lớn, tài nguyên phong phú, đồng thời cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh đau thương, nhiều biến động lịch sử sâu sắc mà những ngày này vẫn chưa trọn bình yên. Đây cũng là đất nước có một nền văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng rất đồ sộ, để lại cho nhân loại những kiệt tác truyền đời. Với người dân Việt Nam, hẳn sẽ có nhiều cảm xúc khi nói đến nước Nga, nói đến âm nhạc Nga. Nhân dịp Cách mạng Tháng Mười Nga, Tạp chí Sông Lam trân trọng gợi nhắc lại một số ca khúc đậm âm hưởng dân ca Nga đã và đang có một đời sống đặc biệt và lâu bền trong tâm hồn người dân Việt.


Một góc Mát-xcơ-va, Nga. Ảnh: Linh Duyên

Thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển nở rộ của nền văn học nghệ thuật Nga nói chung và âm nhạc nói riêng. Ngay từ năm 1830, nền âm nhạc của đất nước Nga đã được thế giới công nhận thông qua những sáng tác của Glinca và nửa tiếp theo của thế kỷ càng phong phú hơn bởi tác phẩm của Traicôpxki, Mussorgsky, Borodin và Rimsky-Korsakov… Họ đã khai thác những sáng tác dân gian, nâng cao phát triển trong cấu trúc, hình thức, phá cách tìm tòi trong các phương tiện biểu hiện như: giai điệu, hòa thanh, tiết tấu, ca từ và các thủ pháp sáng tác trong tư duy cổ điển, lãng mạn. Với những sự kiện lịch sử trong giai đoạn này, nền âm nhạc của đất nước Nga cũng chịu ảnh hưởng chung của các khuynh hướng xã hội, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của những người tháng Chạp đã tạo ra ranh giới sâu sắc trong lịch sử của nền nghệ thuật đất nước Nga.

Từ năm 1941 – 1945, chiến tranh Vệ quốc xẩy ra ác liệt. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Cùng lúc đó chiến tranh bắt đầu diễn ra khắp nơi như Ý, Phần Lan, Nhật Bản… Bằng tinh thần và nghị lực phi thường, bằng tình yêu tổ quốc mãnh liệt, nhân dân Xô viết cùng với những người lính Hồng quân đã chiến đấu kiên cường trên mỗi mảnh đất, trên mỗi làng quê, trên mỗi thành phố và họ đã chiến thắng vẻ vang trên thành phố Vonga anh hùng, giải phóng thành phố Lêningrat sau gần 900 ngày bị phong tỏa. Ngày 08 tháng 5 năm 1945, cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Xô viết đã kết thúc thắng lợi.

Một quá trình lịch sử như vậy tất sẽ có những tác phẩm nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, đặc biệt là ca khúc mang đậm dấu ấn lịch sử và nhịp sống thời đại, được thể hiện trong mọi góc cạnh, tập trung nhất vẫn là: tình yêu Tổ quốc Nga, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, tình yêu đôi lứa thủy chung… Xuyên suốt đó là tính anh hùng ca, chất trữ tình, lãng mạn chính là hồn sống của của các ca khúc. Những  giai điệu sâu lắng, nồng nàn, chan chứa cảm xúc, những bài ca yêu nước, cách mạng hào hùng đã trở thành những kỷ niệm không dễ phai mờ trong trái tim hàng triệu người Việt Nam.

Với tinh thần đó, ca khúc “Chiều hải cảng”, nhạc: V. Xlaviôp Xêđôi; lời A. Truôckin; lời Việt: Tân Huyền đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân nhân Xô viết nói chung và những người lính Hồng quân Liên Xô nói riêng, họ đi vào cuộc chiến như một lẽ tự nhiên. Ca khúc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó vào ngay thời điểm lịch sử quan trọng đó, không những thế mà còn là dư âm, luôn luôn vang lên trong mỗi người dân Liên bang Xô viết và cả những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới trong đó có nhân dân Việt Nam.

"Nào hỡi bạn của tôi… chúng ta sẽ lên đường vào chiến dịch”.

Ca khúc “Kachiusa” của nhạc sĩ M.Blante, một ca khúc nổi tiếng trong chiến tranh Vệ quốc. Với lối tiến hành giai điệu mộc mạc, hòa thanh cổ điển nhưng phổ cập, dễ nhớ, dễ thuộc đã đi sâu vào tâm tư tình cảm của mọi người:

“Dòng sông xưa rừng táo trắng hoa nở đôi bờ…”

Ở mọi cuộc thi văn nghệ của các em thiếu nhi Việt Nam thường xuất hiện bài hát này. Đây là ca khúc dựa theo chất liệu dân gian Nga rõ nét, nhất là giai điệu như những điệu vũ của người dân Nga thường tổ chức vào những ngày lễ hội ngoài ruộng đồng, khi đã thu hoạch xong mùa vụ, khi đi giã ngoại, đốt lửa, cắm trại ven những khu rừng, trên thảo nguyên hoặc kỷ niệm những ngày đại lễ của dân tộc.


Hồ Baikal – hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, tỉnh Irkutsk. Ảnh: Linh Duyên

Về chủ đề tình yêu lứa đôi ở Việt nam có lẽ không ai lại không biết đến ca khúc “Đôi bờ”, nhạc: A. Espai, lời: G. Pôgiênhian. Tên gốc ca khúc là: “Bài hát của Ma-sa” trong phim “Khát”. Với tình yêu thủy chung, sự đợi chờ và một niềm tin không giới hạn: “…Đời em riêng biết có yêu anh, với tình yêu thiết tha…”. Ca khúc mang âm hưởng gần gũi với phong cách dân ca Nga, giai điệu mượt mà, tình cảm tạo nên sự êm đềm, thanh bình của một vùng quê Nga. Ca từ cũng như cấu trúc thế, chỉ giản đơn vậy thôi, nhưng bài hát đã vượt không gian và thời gian đến và sống mãi trong lòng chúng ta.

Hay như với ca khúc “Triệu triệu bông hồng” nhạc của R. Pauls, lời: Voznhexenxki. Một tình yêu lãng mạn, cao thượng, anh chàng họa sĩ đã không ngần ngại bán cả gia tài của mình chỉ để tặng người anh yêu “Triệu triệu bông hồng” và đó cũng chính là cả cuộc đời anh. Ca khúc được viết ở giong Rê thứ hòa âm, nhịp 2/2, hình thức hai đoạn đơn tương phản. Ca khúc có một đời sống lâu bền trong lòng công chúng, được minh chứng qua sự kiểm nghiệm khắt khe của thời gian, đã vượt qua được sự phức tạp hóa của nghệ thuật âm nhạc để đi đến sự đơn giản nhất, phù hợp với tâm tư, tình cảm của lớp lớp thanh niên qua nhiều thế hệ và điều quan trọng nhất chắc chắn rằng ca khúc được xuất phát từ tâm trạng thật, cảm xúc thật của trái tim nhạc sĩ khi đã đồng cảm với trái tim mọi người.


Màu thu vàng tuyệt đẹp ở Nga đã từng là nguồn cảm hứng và bước vào thế giới nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.  Ảnh: Linh Duyên

Thiên nhiên Nga với cây sồi già điểm những tán lá vàng trong gió, từng đàn cừu thong thả theo những sợi nắng chiều trên thảo nguyên mênh mông, đàn sếu bay giăng hàng trong sương trắng, là hàng thùy dương tỏa bóng bên sông và rất nhiều… nhiều nữa… những phong cảnh thiên nhiên đã làm nên một đất nước Nga có sức quyến rũ đến lạ lùng! Với phong cảnh hữu tình như vậy tại sao chúng ta lại không nhớ tới “Cây thùy dương”, nhạc: E. Rôđưghin, lời: M. Pilipencô là ca khúc “nằm lòng” trong rất nhiều thế hệ người Việt Nam.

“Chiều dần buông màu tím, vẳng trên sông lời hát êm đềm…”

Hay bạn cùng chúng tôi thả bộ dọc theo những vườn cây lúc chiều buông ở ngoại thành Maxcơva trong ca khúc “Chiều ngoại thành Maxcơva”, nhạc V. Xalaviôp Xêđôi, lời: M. Matuxôpxki, lời Việt: Vũ Tự Lân:

“Vườn cây lúc chiều buông không còn tiếng rì rào…”


“Vườn cây lúc chiều buông không còn tiếng rì rào…”. Ảnh: Linh Duyên

Chúng ta cảm giác được sự im ắng, thanh thản, được hòa quyện vào thiên nhiên hay nói đúng hơn được thăng hoa cùng thiên nhiên”…Chìm sâu trong im lắng dưới trăng sao…”, một sự tĩnh lặng hướng tâm hồn chúng ta được bay bổng thỏa thích trong cõi thiên nhiên vô tận đó! Thật là tuyệt vời với thế giới của riêng ta! Tác giả chủ yếu dựa vào chất liệu của âm nhạc truyền thống Nga và đặc biệt sang đoạn II từ “…Ôi thân thiết những chiều… lắng trong tim tôi bạn hỡi bao điều”, ở đây tác giả giãn trường độ ra đồng thời tăng bậc VI của giọng cm (Đô thứ giai điệu), đảo phách ở ô nhịp thứ 10 tạo nên cảm giác chơi vơi, mênh mang của một chiều ngoại thành với những con người đầy cá tính, đầy tâm trạng, đầy bỡ ngỡ trước thiên nhiên Nga chân thực và huyền ảo…


Làng quê yên bình tỉnh Irkutsk, Nga. Ảnh: Linh Duyên

Thiên nhiên, phong tục của con người Nga sẽ nẩy sinh tính chất âm nhạc Nga. Trong quá trình diễn biến lịch sử như vậy thì những ca khúc Nga mang đậm tính trữ tình, một nét buồn của cuộc chiến tranh, đó là tính anh hùng ca, là sự chia ly, sự chờ đợi và cả sự hy sinh… Các ca khúc Nga với giai điệu mềm mại, uyển chuyển, ca từ giàu chất văn học, chủ yếu dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, mênh mang, man mác buồn, chính xác là âm nhạc thảo nguyên, âm nhạc của những điệu vũ dân gian. Vì thế nên trong ca khúc Nga hầu như nằm ở điệu tính thứ. Con người Nga mộc mạc, đôn hậu thể hiện nên âm nhạc cũng rất đơn giản đến không còn có thể mộc và đơn giản hơn, nhưng lại đưa đến cái tầm như đã từng trải qua một sự phức tạp đến lúc cô đọng, tinh lọc lại để đạt nên hiệu quả rất cao.


Mùa đông Nga mang một vẻ đẹp đặc trưng với thiên nhiên phủ đầy tuyết trắng. Ảnh: Linh Duyên

Ca khúc của đất nước Nga đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của mỗi người dân, mỗi thế hệ trong nhiều trào lưu của văn hóa Nga và thường tập trung miêu tả thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình yêu tổ quốc, nhịp sống lao động dựng xây xã hội mới, niềm tự hào dân tộc, sự dịu dàng nhân ái của tâm hồn Nga, tính cách Nga đặc biệt là văn hóa Nga.

Mỗi khi âm hưởng của giai điệu Nga vang lên chúng ta thấy lòng mình nao nao đến lạ! Bỗng thấy mình thanh thản hơn trước ký ức đã qua, trước tương lai đang tới, trước tình yêu hiện hữu và vĩnh hằng!

Nguồn: 

Bài viết liên quan

Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”
Bài cảm nhận của nhà văn trẻ Tuấn Trần
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Bài của nhà văn nhà báo Trịnh Phương Trà trên báo Phú Yên cuối tuần
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn thế giới
Nhà văn Lê Thanh Huệ sưu tầm và biên soạn.
Xem thêm