TIN TỨC
icon bar

Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-15 15:40:50
mail facebook google pos stwis
1099 lượt xem

NGUYỄN THANH

Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị. Năm 1862, sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định (1962), nhà thơ lánh về làng Bình Cách, Tân An, sống bằng nghề dạy học. Sau khi ba tỉnh miền Đông và ba tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay Pháp, năm 1968, Phan Văn Trị về sống hẵn ở huyện Phong Điền, Cần Thơ cưới vợ là bà Đinh Thị Thanh, ngày ngày tiếp tục lo dạy học và làm thơ. Tác phẩm của Phan Văn Trị hiện giữ được: 10 bài thơ bút chiến với Tôn Thọ Tường, 10 bài cảm hoài và 19 bài đề tài tự do, trong đó có 10 bài vịnh loài vật. Cử Trị làm thơ phê phán quan lại xu nịnh, trách triều đình nhu nhược, gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân, thể hiện lòng yêu đất nước quê hương. Tại Giồng Trôm, Bến Tre nguyên quán của nhà thơ có nhà tưởng niệm Phan Văn Trị và tại Phong Điền, Cần Thơ, khu mộ nhà thơ xây dựng trang trọng, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia cùng lúc với nhiều trường học và con đường ở các tỉnh lớn được mang tên nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị từ trước 1975.
 


Mộ nhà thơ Phan Văn Trị

Phan Văn Trị sinh năm 1930 tại Bến Tre và lớn lên trong một gia đình lễ giáo Nho phong. Năm 1947, chàng thanh niên hiếu học họ Phan rời quê nhà lên học ở Gia Định (Sài Gòn). Nhân kỳ thi Hương tổ chức tại trường Gia Định năm 1949, Phan Văn Trị dự thi và đỗ Cử nhân nên được nhiều người gọi là Cử Trị. Sống trong thời “quốc phá gia vong”, dù đỗ đạt, Phan Văn Trị không ra làm quan mà tìm cách lui về sống đạm bạt bằng nghề dạy học tại Long An. Sau khi cả sáu tỉnh Nam Kỳ rơi  vào tay Pháp, ông tị địa về Vĩnh Long rồi lui về sống tại làng Nhân Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ.


Du khách thăm viếng tại Di tích quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Sự nghiệp văn chương của Phan Văn Trị bao gồm trong khoảng 100 bài thơ hầu hết làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật ngoài hai câu đối. Một câu tương truyền được nhà thơ làm nhân khi ra Huế: “Phú quý Trường An, rong quấn cổ/ Phong lưu kinh địa, chấy đầy đầu” ngụ ý cho biết công danh phú quý chỉ ràng buộc, gây cảnh mất tự do của con người. Câu còn lại do Phan Văn Trị sáng tác để bày tỏ lòng tiếc thương những nghĩa sĩ đả bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm tại Láng Hầm, cạnh Phong Điền : “Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết/ Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan” (nghĩa : Kiếm võ ngút trời, Ba Láng sông sâu, tràn huyết hận/ Sao văn sa đất, Trà Niềng thôn xóm thảy sâu mamg). Người ta hay nhắc đến giai thoại, có lần cùng bạn thân là đốc học Trưng đi bộ từ Cần Thơ đến Bình Thủy, dọc đường Phan Văn Trị vừa đi, vừa đái, vừa ngâm hai câu thơ thất ngôn: “Đứng lại làm chi phải mất công/ Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng” nhằm tỏ thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều đình vua chúa thối nát. Nhìn lại những bài thơ thuộc loại “Cảm hoài” và nhất là 10 bài thơ, làm theo thể ‘thập thủ liên hoàn’ họa lại thơ của Tôn Thọ Tường. Đọc lại những bài thơ luật giàu tính chiến đấu này của Phan Văn Trị, người đọc dễ xúc động trước tấm lòng sáng trong, cao đẹp như một vầng dương của một nhà thơ trí thức yêu nước mang lập trường dân tộc rõ nét. Phan Văn Trị không làm thơ hưởng thụ ngắm hoa thưởng nguyệt, theo kiểu ‘trà dư tửu hậu’ như một số người xưa nay. Nhà thơ luôn sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén, đấu tranh chống bọn tay sai mù quáng hám lợi, triều đình hủ bại yếu hèn và kẻ thù ngoại xâm tàn bạo của đồng bào.

Để tránh đụng chạm khi chê trách vua quan phong kiến nhà Nguyễn và tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, Phan Văn Trị đã khéo ví von, mượn hình ảnh loài vật và cây cỏ thay thế con người, giống như nhà thơ ngụ ngôn (fabuliste) Pháp La Fontaine (1621-1695) : Cây bần, Con cào cào, Con muỗi, Đá cá lia thia … Trước cảnh nhiểu nhương, loạn lạc của nước nhà, kẻ làm trai tài giỏi mà không biết nghĩa vụ quan trọng của mình thực là loài cây cỏ vô dụng đáng trách : “Cao lớn làm chi, bần hỡi bần/ Uổng sanh trong thế, đứng tần ngần !” (Cây bần). Nhà thơ chỉ trích bậc “dân chi phụ mẫu” (như : cha mẹ của dân) mà chỉ là đồ vô dụng, ăn hại như con muỗi, con rận hút máu của dân : “Béo miệng chẳng thương con trẻ dại/ Cành hông nào đoái chúng dân nghèo” (Con muỗi); “ Khéo sinh trong thế chi cho rộn/ Có có, không, không, cũng chẳng cầu” (Con rận). Với lũ quan hại dân hại nước đó, nhà thơ lên tiếng cảnh cáo: “Ngày nào miễn gặp cây xơ quất/ Xử tội nhà ngươi, mắt chẳng nheo” (Con ruồi). Với triều đình mụt nát yếu hèn, nhà thơ không thể bình thản dửng dưng. Những lúc cường độ phẩn uất vua Tự Đức gia tăng, nhà thơ không tránh khỏi có những lời thẳng thừng mạnh mẽ, thể hiện một thái độ quyết liệt không khoan nhượng: “Trảm càn đức chi đầu/ Ẩm càn đức chi huyết/ Phanh càn đức chi thi/ Thực càn đức chi nhục (Chém đầu càn đước/ Uống huyết càn đước/ Xé thây càn đước/ Ăn thịt càn đước). Lượng sức mình không xoay nổi thời thế, Phan Văn Trị đã hai lần tránh xa thực trạng chướng tai gai mắt. Một lần ông Cữ Trị né chốn quan trường, một lần khởi xướng phong trào “tỵ địa”, tránh xa , không sống chung với “lũ quỷ trắng” thực dân Pháp. Nhà văn Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế (1925-1996) đã nhận định chính xác về Phan Văn Trị : Phan chỉ chán lối hoạn trường. Nhưng với dân với nước, Phan luôn chú tâm theo dõi. Bằng chứng là Phan đã ngụ ở lòng mình bằng những bài thơ ký thác thiết tha, xuất phát từ một tâm hồn đã xao xuyến, rung động vì nhịp tiến của thời thế và bước đi của dân tộc.

Tâm hồn nhạy cảm của Phan Văn Trị đã nói lên trong thơ nỗi niềm đau đáu của người dân mất nước trong nhiều bài “Cảm hoài” man mác tâm sự của nhà thơ. Âm thanh tiếng kèn Tây xa lạ báo hiệu những đổi thay tang tóc hải hùng trên quê hương. Nhà thơ vừa xót xa cho tổ quốc bị thực dân tàn ác giày xéo, vừa thầm trách những quan lại vô trách nhiệm của triều đình phong kiến : “Tò le kèn thổi tiếng năm ba/ Nghe lọt vào tai, dạ xót xa”/…“Tan nhà cám nỗi câu ly hận/ Cắt đất thương thay cuộc giảng hoà/ Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ/ Ngậm cười hết nói nỗi quan ta” (Mất Vĩnh Long); “Nhìn Nam chạnh tủi cành hoa ủ/ Ngó Bắc ngùi thương đám bạch vân” (Cảm hoài- Bài 2). Nỗi đau bi thương khơi dậy trong thơ Cử Trị một hoài vọng tiếc nuối khôn nguôi về đất nước thanh bình ngày trước: “Non sông cảnh cũ, tình hoài vọng/ Tùng cúc vườn xưa, cảnh nhớ người” (Cảm hoài - Bài 8).

Không thể âm thầm gánh chịu đau thương một các tiêu cực, Phan Văn Trị thể hiện bằng hành động thức thời. Nhà thơ, với lập trường kiên định như sắt thép, dùng ngòi bút như một vũ khí sắc bén, đánh thẳng vào thực dân và nghiêm khắc tố cáo và lên án bọn tay sai xu thời như Tôn Thọ Tường. Phan Văn Trị làm thơ củng cố niềm tin ở nhân dân và động viên đồng bào vùng lên đấu tranh, đi đến ngày chiến thắng. Trước sự hèn nhát, đánh mất sĩ khí của một trí thức mù quáng vô liêm sĩ như Tôn Thọ Tường (1825-1877) đã xem thế lực vật chất của ngoại bang với “tàu đồng”, “giây thép”…là vô địch và coi người mình là non kém, đã có lời lẽ xúc phạm, coi thường người yêu nước: “Miệng cọp, hàm rồng chưa dễ chọc/ Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay”, Phan Văn Trị đã mạnh mẽ trả lời, xem Tôn là “thằng hoang”, “đứa ngu” như “ếch năm đáy giếng” : “Đáy giếng trông trời trơ mắt ếch”, “Đứa dại trót đời già cũng dại”, nhà thơ khẳng định tinh thần kiên quyết chiến đấu của mình và toàn thể nhân dân Nam bộ : “ Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá, há lung lay !”. Tôn làm việc cho giặc, lẫn tránh trách nhiệm của mình đối với tổ quốc lại hèn hạ, u mê đổ lỗi cho thời thế nên đành nhắm mắt đưa chân:

“Phải sao chịu vậy…/Nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng”. Việc lạ đời là đường đường một đấng “nam nhi chi chí” mà Tôn lại đem mình đi sánh với một liễu yếu đào tơ, mượn đạo lý Tam tòng của nhà Hán để biện bạch cho lý do mình họp tác với giặc : “Thà mất lòng anh đặng bụng chồng” (Tôn phu nhân quy Thục), nên bị ngòi bút nhọn của Phan Văn Trị đâm lại thẳng thừng và trúng đích : “Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng” (Bài họa Tôn phu nhân quy Thục). Khi Tôn làm bài “Từ Thứ quy Tào” để bênh vực cho mình theo một loại vần hiểm hóc để Phan Văn Trị không thể họa lại được : “ Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy/ Thân này xin gác ngoại vòng thoi !”. Nhưng nhà thơ họ Phan cũng đã đáp lễ lại cho người bạn thơ có lập trường tư tưởng đối địch bằng một bài thơ họa “Hát bội” vô cùng điêu luyện và sâu sắc : “Quá bị trên đầu nhát búa voi/ Kinh luân đâu nữa để khoe mòi” (Bài họa : Hát bội).

Với những bài thơ phê phán quan lại yếu hèn và triều đình phong kiến nhu nhược, dù không cầm gươm súng tham gia chiến đấu trực tiếp với kẻ thù xâm lược, Phan Văn Trị vẫn được coi là một nhà thơ chiến sĩ, đã dũng cảm đấu tranh mãnh liệt bằng ngòi bút thơ sắc bén của mình như một vũ khí tinh nhuệ. Cuộc xướng họa thi ca giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị đã tạo nên trận bút chiến nẩy lửa độc nhất vô nhị, làm dậy sóng văn đàn Nam bộ trong nửa sau thế kỷ 19. Phan Văn Trị, với tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc, nhà thơ đã không chiến đấu cô đơn trên mặt trận văn chương, mà luôn được sự hỗ trợ tán dương bởi nhân dân, sĩ phu, nghĩa sĩ và văn nghệ sĩ khác : Nguyễn Đình Chiểu (1852-1924), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Nguyễn Thông (1827-1894), Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882), Lê Quang Chiểu (1852-1924), …Nhớ lại vào năm 1972, trong một lần hướng dẫn một đoàn sinh viên học sinh Cần Thơ, vượt qua những chiếc cầu khỉ chông chênh, đi dã trại, tham quan phần mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị - phần mộ Cử Trị lúc ấy còn quá tiêu điều - tại rạch Trà Niềng (Phong Điền-Cần Thơ). Tôi có tranh thủ thuyết trình tại chỗ về thân thế và sự nghiệp văn chương mang ý nghĩa cao đẹp của nhà thơ Phan Văn Trị. Về nhà đêm ấy, trong lòng còn bồi hồi xúc động, tôi cảm hứng sáng tác bài thơ nội dung liên quan một thị trấn còn mang đậm dấu ấn lịch sử của liệt sĩ Lê Bình và nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị : “Ở Cái Răng mà nhớ Cái Răng/ Đêm đêm hồn ngập nỗi bâng khuâng/ Mang mang bìm bịp kêu con nước/ Trăng trắng phù sa rụng bãi bần/ Xào xạc chèo khuya khua chợ nổi/ Ngọt ngào ca cổ vọng sông trăng Phong Điền một dạo thăm quê đó/ Vời vợi hồn thơ, nhớ cụ Phan” (Nhớ Cái Răng).

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trí tuệ nhân tạo có tranh mất việc của nhà phê bình?
Bài in Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 31 (tháng 12/2024)
Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”
Bài cảm nhận của nhà văn trẻ Tuấn Trần
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm