TIN TỨC
icon bar

Sách nặng, hồn thanh nhẹ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-09 18:54:27
mail facebook google pos stwis
2566 lượt xem

PHẠM KHẢI

(Đọc "Quách Tấn - Tuyển tập thơ", Nxb Hội Nhà văn, 2006)

Có một hiện tượng tuy ít người nói ra song đã và đang trở nên phổ biến trong đời sống văn nghệ: ấy là việc một số tác giả rất được người đời biết tiếng nhưng khi hỏi đến tác phẩm thì đa phần lại chỉ nhớ… lơ mơ!

Tất nhiên, để xảy tình trạng này có nhiều lý do, trong đó có những lý do nằm ngoài phạm vi tài năng của chính tác giả.

Như bao người yêu thơ khác trên đời, tôi biết đến nhà thơ Quách Tấn chủ yếu nhờ vào phần được trích tuyển trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân. Từ bấy đến nay, đây đó trên báo chí tôi cũng được đọc thêm một số bài thơ nữa của ông, song xem ra sự tiếp xúc ấy cũng chỉ là “tạm bợ”.

Tôi hiểu, ngoài tôi còn không ít đồng nghiệp cũng chỉ biết về sự nghiệp thi ca của Quách Tấn một cách manh mún, hoàn toàn không tương xứng với sức nặng mà cái tên của ông đã gợi lên trong đời sống văn học mấy chục năm qua.

Cho đến một ngày, tôi và nhiều độc giả có được cuốn “Quách Tấn - tuyển tập thơ”…

Sinh thời, Quách Tấn bị xem là người “không có duyên trong việc xuất bản” nên việc phổ biến văn thơ của ông “rất hạn hẹp” (lời người biên soạn).

Bởi vậy, với độ dày ngót 800 trang in, tập hợp tới hơn 500 bài (tương đương với “Toàn tập thơ” của Xuân Diệu), lại được tuyển lựa từ tất cả các tập thơ đã hoàn tất của tác giả, ta có thể khẳng định ngay rằng, đây là hợp tuyển thơ đồ sộ nhất của Quách Tấn từ trước tới nay.

Bạn đọc tiếp tục được thưởng thức lại trong cuốn sách này những câu thơ hay, đầy mỹ cảm mà cả hai nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đã từng tấm tắc ngợi khen như “Gió vàng cợt sóng sông chau mặt/ Mây trắng vờn cây núi bạc đầu/ Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đấy/ Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu” (bài “Cảm thu”) và “Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ/ Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ/ Sầu mang theo lệ khôn rơi lệ/ Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ…” (bài “Trơ trọi”).

Đặc biệt, có những thi phẩm mà tác giả của “Nhà văn hiện đại” và “Thi nhân Việt Nam” chỉ bình, trích đôi câu, bạn đọc sẽ được tiếp cận trọn bài trong cuốn tuyển thơ này.

Các tập “Một tấm lòng”, “Mùa cổ điển” (từng làm nên thương hiệu của tác giả thời kỳ trước Cách mạng) và “Đọng bóng chiều”, “Mộng Ngân Sơn”, “Giọt trăng” (giúp nhà thơ neo đậu tên tuổi trong lòng bạn đọc những ngày hai miền cắt chia) cùng một vài tập thơ lẻ xuất bản cách đây ít năm sẽ góp cho bạn đọc một cách nhìn tương đối hoàn chỉnh về chân dung nhà thơ Quách Tấn.

So với những bạn thơ của nhóm “Bàn Thành tứ hữu” (có nghĩa là “Bốn người bạn ở đất Thành Bàn”- tức Quy Nhơn), gồm Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan và Hàn Mặc Tử thì Quách Tấn là người… thọ nhất (ông mất năm 1992, khi đã 83 tuổi).

Tuy nhiên, Quách Tấn cũng lại là người có phong cách ổn định, giọng thơ ít thay đổi hơn cả. Nếu như với Hàn Mặc Tử, từ những bài thơ Đường luật “ngay ngắn trang nghiêm” viết lúc còn thiếu niên đến những bài thơ đầy ngẫu hứng và tung phá trong “Máu thơm và hồn điên” là cả một diễn biến tâm lý phức tạp thì ở Quách Tấn không hề có hiện tượng như vậy.

Nếu như vào những năm ba mươi (của thế kỷ trước) ông từng viết: “Sương buông màn lượt phủ bao la/ Non nước chìm sâu trong giấc mơ/ Cung quế im lìm mây ấp nguyệt/ Song đào âu yếm gió hôn hoa” thì 50 năm sau, ông vẫn viết: “Sông sâu thắm đậm bóng non chiều/ Ăm ắp bờ lau ngập tiếng tiêu/ Thuyền ngược nước thu mây nặng nặng/ Sư về am vắng gió hiu hiu”.

Không ai nhìn thấy dấu vết thời gian giữa hai khổ thơ nói trên. Với Quách Tấn, thơ ca như một giấc mơ dài mà suốt cả một đời ông vẫn chưa qua hết.

Một đôi nhà phê bình cự phách đã nhận xét, trong việc làm thơ, Quách Tấn quá chú trọng tới việc gọt câu tỉa chữ. Họ cho rằng như vậy là “già nhân tạo, át thiên chân” và điều đó dẫn tới việc thơ Quách Tấn có thể “ngâm ngợi cho sướng tai” chứ ít có sức lay động tâm can.

Đọc “Quách Tấn - tuyển tập thơ”, tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến trên song cũng nhận thấy rằng, với những thể thơ cũ như ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt… (tác giả hầu hết chỉ dùng mấy thể thơ này) mà kéo dài cả tập tới 7-8 trăm trang quả là một sự “nắn gân” độc giả.

Tất nhiên, ta cũng cần phải hiểu, một nhà thơ dù tài ba đến đâu cũng khó mà trở thành “cây đàn muôn điệu” được. Khi sáng tác mỗi người một “tạng”. Vấn đề là làm sao khai thác được đến nơi đến chốn cái “tạng” của mình.

Trong “Quách Tấn - tuyển tập thơ”, còn có một phần rất có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu văn học sử, đó là những trích đoạn hồi ký của Quách Tấn cùng các bài tựa, bạt, đánh giá nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp đối với sự nghiệp thơ ca của ông (phần này chiếm tới non nửa cuốn sách).

Thật thú vị khi ta được tiếp cận với Tản Đà qua bài tựa “Một tấm lòng”, với Hàn Mặc Tử qua lời bạt (cũng dùng cho tập thơ nói trên); với Chế Lan Viên qua lời tựa cho “Mùa cổ điển”…

Tất cả đều thể hiện một thái độ tôn trọng đối với những nỗ lực “làm mới lại các thể thơ cổ điển” của tác giả khi ấy tuổi đời còn trẻ. Chỉ tiếc là cũng ở phần “đọc thêm” này, người đọc đã gặp phải những hạt sạn. Ấy là khi người biên soạn đưa vào tập sách bài viết có tiêu đề “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với Quách Tấn” của tác giả Phạm Công Thiện, với nhận định “Quách Tấn là thi hào vĩ đại nhất ở thế kỷ 20”.

Được biết, sinh thời Quách Tấn là người “biết người biết ta”, và ngay trong cuốn sách này ông cũng đã đưa ra tuyên bố: “Tôi được một chút địa vị tử tế trên đàn thơ là do “Mùa cổ điển” và nhờ công của Chế Lan Viên và Hoài Thanh”. Việc đặt những lời này của ông bên cạnh lời xưng tụng… bốc giời nói trên quả thật là hơi… phản cảm.

***
 

Nhà thơ Ngô Văn Phú: “Ông chơi thơ một cách sang trọng…”

- Là người có khuynh hướng… phục cổ, lại được tiếng “chịu đọc” các bậc tiền nhân, hẳn Quách Tấn cũng là trường hợp mà ông quan tâm?

+ Không chỉ quan tâm mà còn phải… học. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học (hồi đầu những năm 60) tôi vẫn nghe các thầy nhắc đến tên Quách Tấn trong giáo trình. “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh chẳng đã chọn của ông rất nhiều, tới 9 bài, hơn cả Chế Lan Viên và Nguyễn Bính. Trong thơ ông này, “Mùa cổ điển” là tập tôi thích nhất.

- Ông có thể nhắc đến một số bài mà ông tâm đắc?

+ Không! Thơ ấy hơi… cổ, phải giở sách ra tôi mới nhớ được. Nhưng nói đến đội ngũ làm thơ Đường luật, không mấy người bén gót được ông đâu. Ông là mẫu nhà thơ tài tử, thích mới làm. Ông chơi thơ một cách sang trọng chứ không phải chơi tạp…

- Với tư cách một người làm nghề, ông có thể nhận định như vậy. Nhưng với tư cách độc giả thì ông thấy thế nào? Vì xem chừng thơ của ông và thơ cụ Quách cũng lại thuộc hai dòng khác nhau?

+ Nói thật, với tư cách độc giả mình cũng không thích lắm đâu. Mình trọng ông, quý ông vì có những câu “tử vì đạo”, nhưng thơ… cổ thế, cũng khó mà thích mãi được thật. Ngay cũng làm thơ Đường luật nhưng thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử mình vẫn thích hơn vì nó mới hơn.

- Ông nghĩ thế nào về độ dày của tập sách. Theo người biên soạn cho biết, sắp tới sẽ xuất bản “Toàn tập thi ca Quách Tấn” gồm tới trên 2000 bài. Liệu số lượng như thế có hơi “quá” với sức tiếp nhận của độc giả không?

+ Ông Quách Giao, người biên soạn cuốn sách này là con trai cụ Quách Tấn nên ông muốn chọn cho thân phụ mình bao nhiêu bài là quyền của ông ấy, chúng ta nên tôn trọng. Nhưng theo tôi nghĩ nên khảo sát tâm lý độc giả để chọn lựa sao cho vừa. Nhất là với những người nổi tiếng như Quách Tấn thì việc chọn lựa càng phải kỹ càng hơn.
 

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định): “Đó là hồn xưa của Bình Định…”

- Là Chủ tịch Hội Văn nghệ của một tỉnh từng sản sinh ra các cây đại thụ của thi ca Việt Nam hiện đại như: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… ông có thể cho biết ảnh hưởng của Quách Tấn đối với anh em văn nghệ sĩ quê nhà và vị trí riêng biệt của ông so với các bậc cự phách nói trên?

+ Theo mình, tuy mỗi người mỗi vẻ nhưng đó đều là hồn xưa của Bình Định. Riêng với Quách Tấn, có thể nói đó là một nhân vật mà ở Bình Định nhắc tới là nhiều người biết. Ngoài thơ, ông còn được xem là một nhà văn hóa. Những cuốn biên khảo của ông như “Nước non Bình Định” là chiếc chìa khóa giúp du khách hiểu thêm về vùng đất này.

- Nhưng còn phần thơ? Liệu đến nay cụ Quách có rơi vào tình trạng để anh em trẻ phải “kính nhi viễn chi” không? Và cá nhân ông, ông có thường xuyên đọc lại thơ Quách Tấn và mỗi lần đọc có cảm thấy “mệt”?

+ Mình chưa bao giờ đọc thơ Quách Tấn mà cảm thấy mệt cả. Vả chăng, với thơ Quách Tấn, mình hiểu là không phải lúc nào đọc cũng “vào” và lúc nào cũng tiếp cận được. Nếu không có một tâm thế nào đấy thì không nên đọc lại.

Quách Tấn có đặc điểm là rất trung thành với một vài thể loại. Dường như ông chỉ viết cho chính mình mà ít để ý tới độc giả. Thơ Đường của ông hay nhưng mình cũng thích thơ lục bát của ông, như những câu sau: “Một mai ba tấc đất vùi/ Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa”.

- Hẳn cuốn “Quách Tấn – tuyển tập thơ” là cuốn hợp tuyển qui mô nhất về thơ Quách Tấn từ trước tới nay. Vậy ít nhiều Hội Văn nghệ Bình Định có hỗ trợ gì không?

+ Thú thật, tuy nhà thơ Quách Tấn là cậu đằng vợ mình, nhưng đến nay mình cũng chỉ nghe nói chứ đã có cuốn này đâu. Anh Quách Giao hiện ở Nha Trang, sách anh ấy tự làm lấy hết. Về mặt tư liệu mình rất tin anh Giao vì anh ấy vốn là nhà nghiên cứu. Những di cảo của cha, anh ấy giữ rất cẩn thận. Giống như cụ thân sinh, anh ấy cũng có “máu biên khảo” mà.

(Báo Văn nghệ Công an số 162, ngày 20-8-2007).

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”
Bài cảm nhận của nhà văn trẻ Tuấn Trần
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Bài của nhà văn nhà báo Trịnh Phương Trà trên báo Phú Yên cuối tuần
Xem thêm