TIN TỨC
icon bar

Vết sẹo | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-15 11:28:53
mail facebook google pos stwis
206 lượt xem

ĐẶNG ĐÌNH CUNG

I

“Ứ, ứ”. Không phải ứ mà là một âm thanh gì giống như thế phát ra từ cổ họng. Mà không phải từ cổ họng. Từ sâu trong lồng ngực, trong gan ruột, trong từng mạch máu, tế bào của ông.

Bao giờ cũng vậy. Những khi không bằng lòng hay nói đúng hơn là giận giữ đến mức không kiềm chế nổi là ông phát ra thứ âm thanh đó. Mặt ông tím tái méo xệch. Toàn thân người ông vặn vẹo và căng cứng. Dường như ông dồn toàn bộ sức lực còn lại của mình quyết thực hiện cho được động tác ấy. Chiếc bô đựng nước tiểu dành cho những người đàn ông nằm liệt giường cuối cùng cũng lăn ra giường, nước đổ tung toé. Người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ, vừa đau khổ, vừa ân hận, vừa bực bội, vừa nín nhịn đứng trân trân mặc cho mồ hôi hay nước mắt chảy ròng ròng. Trời nóng như thiêu, ngột ngạt vì độ ẩm cao mà không lấy nổi một ngọn gió, dù mảnh đất này nổi tiếng với món gió Lào.

Người đàn ông nằm liệt trên giường thân hình vẫn rất to lớn có khuôn mặt chữ điền đầy cứng rắn. Hẳn là ông đã có một thời oai hùng, sảng khoái. Đúng vậy. 18 tuổi ông đã là Đảng viên Đảng CSĐD rồi ngay sau khi cướp chính quyền đã là Bí thư Đoàn xã. Rồi ông trở thành Bí thư Đảng uỷ một xã to đến mức mà sau này người ta tách làm 3. Gần 25 năm công tác người dân đã quen với cái bóng dáng oai phong, thẳng thừng của người cán bộ đó đến mức ông được coi như vua trong xã. Còn oai vệ hơn vì thằng con trai đầu của ông là bộ đội Cụ Hồ, nghe đâu có cả "giò lợn" (súng lục) kè kè cùng với "xắc cốt" bên hông. Hồi đó bộ đội làm chức to mới được như thế. Dân nhiều người đi qua mà không dám ngước mắt nhìn ông. Cuối năm Tỵ thì ông cưới vợ cho con. Đứa con dâu là con nhà tử tế, cha làm nghề thuốc bắc chữ Tây chữ Tàu biết cả. Rồi thằng cháu nội ra đời. Cuộc đời ông cứ thế phơi phới đi lên. Trong thâm tâm ông thầm cảm ơn chế độ đã mang lại cho ông cuộc đời hạnh phúc. Ngày ngày trước khi ra cửa đi làm ông kính cẩn cúi chào loạt ảnh các lãng tụ ông treo ở vị trí cao nhất giữa nhà.

Đùng một cái, nửa năm Ất Mùi xã ông tưng bừng bởi một sự kiện trọng đại: đón đội cải cách ruộng đất, đội quân Trời long, Đất lở. Hôm đó ông ăn mặc chỉnh tề, ra tận đường cái đón Đội. Những cái bắt tay, nói cười cùng với những chén rượu mừng cải cách ruộng đất. Ai cũng hồ hởi và mong chờ. Cả xã rộn ràng suốt đêm không ngủ.

Sáng hôm sau khi ông đang kính cẩn cúi chào ảnh các vị treo trên cao giữa nhà trước khi đi làm như thường lệ thì ngoài sân rầm rập tiếng bước chân. Ông ngó ra và chưa kịp lên tiếng chào hỏi thì đã bị dân quân đè xuống và bị trói cánh khuỷu. Ngay lúc đó, vị cán bộ đội, người chiều qua còn cụng chén cười nói với ông rút ra một tờ giấy nâu và tuyên bố bắt tên phản động hại dân hại nước, tên địa chủ ác bá và cường hào có cái tên rất ý nghĩa: Nguyễn Tâm Đức. Đoạn tay cán bộ đội quát dân quân giải ông đi. Ông không kịp đi dép, chả kịp đội mũ. Cái xắc cốt của ông đã bị tay cán bộ vơ lấy từ lúc nào. Khi bà vợ hớt hơ hớt hải chạy từ chợ về thì chỉ thấy trong nhà ngoài ngõ tan hoang, mấy đứa con đang ôm nhau run cầm cập trong xó buồng. Thấy mẹ về chúng oà lên nức nở. Tiếng gào khóc giữa nắng hè ngột ngạt càng làm cho khung cảnh miền quê vốn đã héo khô vì nắng hạn thêm phần bi ai.

 

II

 -Tốt nhất là mày công nhận tội lỗi đi. Đừng ngoan cố nữa. Mày không biết đau à? Hay tao cho bọn dân quân tẩn cho mày một ít nữa hả?

-Tôi có tội gì?

-Tội làm Việt gian, phản động, chui vào Đảng phá hoại. Tội địa chủ cường hào áp bức bóc lột dã man nông dân. Mày không nhận sao hay còn giả vờ?

-Tôi không phải là Việt gian, phản động. Tôi là Đảng viên, tôi tuyệt đối trung thành với Đảng. Tôi không bóc lột, không phải là địa chủ.

Ục, ục. Những quả đấm thoi vào mặt ông từ tay đội trưởng tới tấp vung ra, cái nọ tiếp đến cái kia kèm theo những tiếng chửi tục tĩu. Khuôn mặt sưng vều, tím tái của ông lại nhoà máu, máu từ vết thương mới và vết thương cũ trộn vào nhau. Ông gục đầu xuống ngất xỉu, hai cánh tay bị trói cánh khuỷu vào cái xà gỗ cũng bị lấm tấm máu.

Đội trưởng thở hồng hộc. Không phải mệt mà là tức. Suốt chiều và đêm qua đội trưởng trổ tài hành hạ, đấm đá mà không thể khuất phục được người đàn ông bị trói chặt đang ngất đi kia. Không bắt ông ta thừa nhận là phản động, Việt gian có nghĩa là thất bại. Còn gì là oai phong của đội trưởng cải cách nữa. Ra quân trận đầu đánh vào tên bí thư đảng uỷ phản động mà đã không thành công thì thử hỏi sao đây! Chỉ tiêu trên giao phải tìm ra 5% địa chủ thực hiện bằng cách nào đây? Cái thằng cao to biết nói tiếng Pháp này cứng đầu quá!

Vơ lấy ca nước chè uống ừng ực, đội trưởng ngồi thừ ra. Cặp mắt tứ bạch, lòng trắng dã hằn lên những gân lửa đảo đi đảo lại. Đội trưởng có vẻ suy nghĩ lung lắm. Ông ta lấy bàn tay phải bóp chặt vào sống mũi có ngấn, cong ở giữa mỗi khi bí bách. Ông ta thường bảo làm thế để khi không thở được bộ óc sẽ phải làm việc. Đôi lông mày vốn len cả mí mắt cứ giật giật liên hồi.

Đội trưởng nhớ lại buổi chia tay bạn bè về thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng này. Cuối buổi tập huấn, sau khi đã được quán triệt mọi công việc thì có một người tìm đến đội trưởng. Ông ta cũng là đội trưởng cải cách tham gia tập huấn và là người cùng làng với người bí thư kia. Họ vốn là bạn bè nhưng rồi thù riêng đã làm cho họ xa nhau. Ông bí thư vốn đẹp trai, học hành tử tế, biết nói tiếng Pháp đã giành được người con gái đẹp nhất của làng. Nhìn ánh mắt của thằng bạn hôm cưới vợ người này vừa căm tức vừa ghen tỵ và hừng hực ý định trả thù. Nhưng mọi thứ không ủng hộ anh ta. Bạn anh ta có trình độ, có uy tín và chẳng mấy chốc đã lên chức bí thư Đảng uỷ xã đầy uy lực. Cứ mỗi lần nhìn bạn mình mang xà cột, đầu đội mũ cát màu trắng cưỡi trên chiếc xe đạp Xteclinh là anh ta lại có cảm giác sắp nổ hai con ngươi. Hãy chờ đấy!

Trả thù cũng là động cơ phấn đấu không mệt mỏi của anh ta khi bỏ làng ra đi. Anh ta cũng đã thành công, trở thành đội trưởng cải cách ruộng đất đầy quyền lực. Và đây là cơ hội trả thù.

Trong một ngôi nhà kín đáo nằm cách xa lộ giới hai người đội trưởng chén tạc chén thù với nhau. Khi rượu và thịt chó đã ngấm sâu từ cái dạ dày vào từng mao quản, ông đội trưởng thứ hai dùng hai tay nắm chặt tay của ông đội trưởng thứ nhất mà trịnh trọng:

-Chuyện của tôi chỉ có thế. Trăm sự nhờ ông tất cả. Có chút lễ mọn gọi là...

-Ông yên tâm. Chuyện đó dễ hơn ông nghĩ đấy. Ông chưa biết thằng này đó thôi.

Đội trưởng cười ngất ngây, môi trên trùm môi dưới, cho cái gói nhỏ vào túi ngực cẩn thận sau khi nắn nắn mấy cái khuyên cưng cứng bên trong và biết đó là gì. Cả hai khoác vai nhau lảo đảo đi qua lối rẽ nhỏ hẹp của toà nhà dẫn ra phía đằng sau. Ở đó, có hai người đàn bà yếm đỏ đang vặn nhỏ ngọn đèn dầu chờ họ. Bờ vai hai ả đàn bà trắng mịn trong đêm...

Dường như đội trưởng vừa nghĩ ra điều gì mà ông ta đang đăm chiêu, mắt nhiu nhíu bỗng đứng vọt dậy. Ông ta vẫy tay hai người dân quân nãy giờ vẫn đứng yên trong phòng giam ở gần cửa. Không biết ông ta nói gì vì hầu như không thành tiếng nhưng chắc rất hệ trọng vì sau khi ông ta nói, hai dân quân vội vã đi ngay vẻ mặt rất nghiêm trọng.

 

III

Ngồi trong phòng là một người đàn bà còn khá trẻ. Da trắng, hiền hậu, nhu mì. Đôi mắt chị luôn nhìn xuống và không dám nhìn trực diện vào ai cả khi nói. Chị có dáng dấp của người trên phố hay là con gái của một viên chức nhà lành hơn là nông dân. Tuy đã mấy lần ngồi cạnh chiếc bàn nhưng dường như chị vẫn còn lạ lắm với nơi đáng sợ này. Ánh mắt chị đầy run sợ và mấy ngón tay run rẩy bám vào cạnh bàn.

Đội trưởng bước vào. Người ta dễ nhận ra ông ta vì cái dáng đi đặc biệt: đầu gật như rắn. Sau khi lừ mắt cho hai dân quân cầm gậy gác ngoài sân đi chỗ khác, đội trưởng đóng sầm cửa lại thô lỗ và dứt khoát.

-Con lạy ông. Ông tha cho con. Con là gái có chồng. Chồng con mà về con biết nói năng sao!

-Ơ, chị này hay nhỉ, đội trưởng hạ giọng nhưng vẫn đầy quyền lực. Tôi là đội trưởng đội cải cách chứ có phải chó má đâu mà chị nói thế. Tôi đang bàn với chị chuyện nhà nước quan trọng. Chị có đồng ý đấu tố tên phản động kia không?

-Dạ, thưa ông. Con đã thưa với ông là con không thể làm như vậy được. Cha chồng con rất đáng kính, rất mực thước. Ông chưa bao giờ làm như vậy cả. Vả lại đạo lý...

-Chị vạch tai mà nghe cho rõ. Đạo với chả lý. Chị theo nông dân hay theo bọn địa chủ phản động? Đội trưởng thô bạo ngắt lời.

-Thưa ông...

-Không thưa gửi gì cả. Chị phải làm. Chỉ một câu nói thôi chứ khó khăn gì. Đoạn, đội trưởng ghé vào tai chị gằn giọng: Chị không nói thì chúng tôi sẽ có cách cho cả thằng chồng sĩ quan của chị trong quân đội bị sa thải và về chịu tội với bố. Con của địa chủ, Việt gian, phản động không thể để trong hàng ngũ quân đội!

Người đàn bà gục xuống bàn khó nức nở. Toàn thân chị run bắn lên, ướt đẫm mồ hôi và cả nước mắt. Đội trưởng khoanh tay đứng ngắm con mồi khẽ nhếch mép cười. "Mày nghĩ tao là ai mà gan lì! Tao chưa chịu thua ai đâu đấy". Đội trưởng thả sức ngắm người đàn bà trước mặt mình. Đẹp thật. Từng đường cong đâu ra đấy. Người đội trưởng bỗng nóng bừng nhưng vốn là tay già rơ ông biết chuyện gì sẽ đến ngay bây giờ. Ông ta biết cách dừng cơn thú tính của mình lại và nuốt vội miếng nước bọt đầy trong mồm. Đúng lúc đó người đàn bà ngẩng đầu lên đầy đau khổ và bất lực nói trong tiếng nấc: "Vâng, ông". Đội trưởng chỉ chờ có thế và nhanh chóng mở cửa và gọi hai người dân quân dẫn người phụ nữ ra khỏi nhà.

 

IV

Phiên đấu tố tên địa chủ tàn ác, tên Việt gian, phản động Nguyễn Tâm Đức có rất nhiều người tham gia, dễ như hầu hết người dân trong xã. Không gian được bố trí oai nghiêm: cờ, ảnh lãnh tụ, bục bàn ghế...đủ cả. Phía dưới có một vòng tròn quây bằng dây chão dành cho đối tượng bị đấu: ông bí thư. Ông bị trói hai tay ra đằng sau trong bộ đồ nâu chân đất, khuôn mặt đầy vết tím nhưng vẫn toát lên vẻ kiên cường, rắn rỏi và tự tin.

-Thưa bà con nông dân. Hôm nay chúng ta tập hợp tại đây để vạch trần tội ác của tên địa chủ, Việt gian, phản động Nguyễn Tâm Đức. Bà con hãy tố cáo tội ác của hắn. Có khổ nói khổ. Nông dân vùng lên. Đả đảo địa chủ cường hào Việt gian, phản động Nguyễn Tâm Đức.

Đội trưởng vừa dứt lời thì hai dân quân mang kiếm xốc nách người bị đấu tố đứng vào vòng căng dây, xung quanh là người dân trong xã. Trời còn sớm nhưng cái nắng đã chói chang, ngột ngạt cộng vào đó cả một biển người tập trung với nhau tạo nên một bầu không khí hừng hực khiến người ta khó thở. Ông bí thư ngước mắt nhìn người dân vây xung quanh, bình thản chờ đợi những lời chửi rủa, buộc tội mình.

Gần một tiếng đồng hồ trôi qua mà chỉ có vài người bước ra đấu tố bí thư với những tội nghe qua rất miễn cưỡng. Cứ đà này khó mà buộc tội nổi. Đội trưởng thoáng nghĩ. Ông ta nóng mặt nói lớn:

-Tên Việt gian phản động Nguyễn Tâm Đức đã mưu mô chui vào Đảng để hoạt động cho Pháp. Nó toàn báo cáo tình hình cho Pháp vì nó biết tiếng Pháp. Nó phạm tội làm Việt gian, phản động. Nguyễn Tâm Đức, mày có nhận tội không?

-Thưa ông đội, tôi xét thấy mình xứng đáng là Đảng viên Đảng LĐVN. Tôi không làm gì vi phạm cả.

-Già mồm. Mày không những là phản động mà còn hủ hoá cả với con dâu khi con trai vắng nhà. Mày có nhận tội không?

Gương mặt bí thư như đanh lại vì bị sỉ nhục. Từng tiếng xì xào to nhỏ lan trong người dân đứng xung quanh. Ngay lúc đó đội trưởng chớp thời cơ tấn công đối thủ:

-Chúng tao sẽ chứng minh người thật việc thật để mày còn chối cãi nữa hay không. Thưa bà con. Bà con đều biết đây là con dâu của tên địa chủ, Việt gian, phản động Nguyễn Tâm Đức. Chị ta sẽ chứng minh cho sự đồi bại đạo đức của tên đội lốt đảng viên này. Có phải tên Nguyễn Tâm Đức đã gạ gẫm ăn nằm với chị hay không? Chị chỉ cần nói có hay không là đủ. Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên!

Mặc dù có người trợ giúp nhưng người con dâu bí thư dường như sắp khuỵu xuống. Chị cúi đầu im lặng. "Có phải thế không? Có phải thế không?", tiếng đội trưởng giục dã. Bất chợt chị ngẩng đầu lên nói trong nước mắt: "Đúng thế ạ".

 

V

Bí thư ngã ngửa người xuống mặc dù có hai người dân quân đứng hai bên sau khi người con dâu cất tiếng. Ông nằm liệt giường từ đó tuy rằng cũng không bị quy là địa chủ, Việt gian, phản động nhờ sau đó ông được sửa sai.

Mọi việc rồi dần im ắng trở lại trong ngôi làng vốn rất bình yên. Trong nhà ông dường như cũng vậy. Sau cuộc đấu tố, con trai ông được về thăm cha mẹ, oai vệ với xắc cốt bên hông và "giò lợn" lủng lẳng. Người ta mong chờ anh sẽ trừng trị người con dâu bất hiếu với cha chồng và bỏ chị. Nhưng rồi chẳng có việc gì xảy ra. Người ta bàn tán xì xào. Người thì bảo sĩ quan quân đội không được bỏ vợ vì như thế sẽ khó tiến thân. Kẻ thì kể bà vợ ông bí thư ôm lấy con trai cầu xin không bỏ vợ. Có người bảo chính ông bí thư ra lệnh cho con ông như thế.

Đã mấy ngày ông bí thư không ăn uống được nữa. Nhà cũng đã chủ động chuẩn bị mọi thứ cho việc ông ra đi. Một buổi sáng khi người con dâu vắng nhà, bà vợ cầm tay ông nói trong nước mắt: "Ông ơi, ông sắp đi rồi. Cái hận bao năm về con dâu tôi rất hiểu. Chỉ xin ông mở lòng độ lượng. Nói cho cùng nó đâu là đứa bất lương". Nghe đến đây ông bí thư mặt tím lại rồi dùng hết sức bình sinh giật tay mình ra khỏi tay bà vợ nhìn trâng trâng lên trần nhà sau khi phát ra mấy tiếng ử, ử.

Rồi ông mất lặng lẽ vào buổi chiều hôm đó, khi chỉ có bà vợ và đứa con dâu ở nhà. Nghe nói khi hai mẹ con vào phòng ông đã tắt thở nhưng hai mắt vẫn mở trừng trừng. Bà mẹ chồng vội bảo con dâu vuốt mắt cho bố chồng. Chị ngần ngừ trong giây lát rồi lấy hết sức bình sinh đặt hai bàn tay mình lên hai mắt ông và khóc nấc lên: "Cha ơi, tội con to lắm". Khi nhấc tay ra chị không tin vào mắt mình: ông như đang ngủ say, nét mặt bình thản, mãn nguyện.

 

VĨ THANH

Đám tang ông bí thư vào loại to nhất xã. Mọi việc đâu vào đấy ngoài một chuyện bất ngờ. Khi mọi người trong gia đình đang quỳ làm lễ, bỗng bức ảnh thờ ông rơi xuống đập vào góc bàn làm vỡ miếng kính ở ngực trái khung ảnh. Miếng kính cắt một viết xước khá sâu ở mặt người con dâu khiến chị phải lấy tay ôm mặt. Khi nhặt tấm ảnh cha chồng lên vô tình chị làm máu thấm cả vào tấm ảnh chỗ kính vỡ. Tấm ảnh thờ của ông bí thư vẫn còn vệt máu cho đến ngày nay. Vết sẹo trên mặt người con dâu thì đã mờ đi nhiều. Chỉ ai thật chú ý thì mới nhận ra.

Đ.Đ.C.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm
Ân tình xứ Nghệ
Bài của Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam
Xem thêm