TIN TỨC
icon bar

Ẩn số ngôn từ trong tập thơ “Tìm trầm”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-21 12:11:12
mail facebook google pos stwis
2402 lượt xem

LÊ ĐÌNH HÒA

Nhà thơ Vân Anh (tên đầy đủ Nguyễn Thị Vân Anh), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viện Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An, nguyên là giáo viên dạy môn Văn Trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vnh, tỉnh Nghệ An.

“Tìm trầm” là tập thơ thứ 12 của chị. Dù chỉ 27 bài thơ nhưng là 27 bài thơ đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, 27 thông điệp về lẽ sống trên đời đang được nhiều bạn đọc quan tâm.

Mở đầu ta bắt gặp lời đề từ:

“Bóc dần vỏ bọc thời gian
Giữa đời ngậm ngải tìm trầm… Nghĩa Nhân”

Đó là tiêu chí, là hướng đích của “Tìm trầm”. Một “phu trầm” văn chương như chị thật đáng trân quý. Đi tìm ẩn số ngôn từ trong thơ chị là tìm cái hay, cái đẹp, là tìm hương thơm, tìm giá trị đích thực trong vận dụng ngôn từ của tác giả. Có điều ngôn từ bao giờ cũng phải nằm trong văn cảnh tức trong cấu trúc thi phẩm. Bàn về cấu trúc thơ, nhà ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam, cố PGS Phan Ngọc đã nêu rõ: “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản”. “Tìm trầm” đã minh chứng cho điều đó. Đọc thơ chị, ta cảm nhận sự đột phá mới vốn dĩ tác giả đã trút bỏ lối mòn trong văn chương. Đọc 27 bài thơ đều mang dấu ấn cho thơ cách tân – thơ đương đại. Tâm thế của nhà thơ mang tâm thức dòng chảy suy tư về mọi vấn đề của cuộc sống. Chị đã khoác lên mình những chất liệu tân hình thức để sẵn sàng cho những ngôn từ ẩn ý khi nhẹ nhàng, khi tung hứng khác người, bắt nhịp thị hiếu của công chúng đam mê văn chương thời hiện đại. Bản chất thơ là sáng tạo tìm cái Đẹp dâng Đời, nhất là khi cuộc sống thời hiện đại thì văn chương cũng phải cập nhật phong cách hiện đại. Âu cũng là quy luật muôn đời cho mọi lĩnh vực không chỉ riêng nghệ thuật. Đọc “Tìm trầm”, mỗi bài đều là những câu hỏi đang đánh thức trí não người đọc. Đó là những tín hiệu nghệ thuật, những ẩn số ngôn từ. Đọc “Tìm trầm” không dễ cho độc giả. Thơ phải có sự “thách đố” và khi giải mã được ngôn từ thơ bỗng cảm hứng của ta thăng hoa đồng sáng tạo cùng tác giả. Đó mới là Thơ và Thơ hay! Đó là một đòi hỏi dành cho người sáng tác từ người thưởng thức nghệ thuật của mọi thời đại.

Có người nói thơ chị là thơ “bác học”. Có lẽ nên nói thơ chị là thơ trí tuệ. Bởi lẽ thơ hay là thơ kết hợp hài hòa, sáng tạo, sắc bén, sâu xa giữa ngôn ngữ và tâm hồn, trí tuệ của Người Thơ.

“Tìm trầm” đã có những thành công về tính hình tượng và tính tổ chức cao (tính nghệ thuật). Thơ chị đa thanh – đa hình – đa dạng… trong hầu hết “Tìm trầm”.

Trong tập thơ có nhiều bài nổi trội. Ta hãy đọc kỹ bài “Xứ Nghệ”. Một công trình được tạo dựng bằng chất liệu tâm khảm thao thiết tự hào của người con xứ Nghệ và sự triết luận thông tuệ kết thành mật ngôn thách thức độc giả khám phá. “Xứ Nghệ” như một nốt luyến láy được tác giả đưa vào đầu 5 khổ thơ để tác giả khai thác triệt để thủ pháp “lạ hóa” nhằm ủ men cảm hứng cho mọi đối tượng. “Lạ hóa” tạo sự tò mò, suy ngẫm cho thơ. Thơ chị không theo một thể loại nào. Có những bài không vần lại giàu âm thanh, nhạc điệu. “Lạ hóa” từ cách chấm câu, ngắt nhịp. Nhiều câu thơ được đảo ngữ nghe lạ mà hay: “Dòng đời trong đục thắt ngang lở bồi”, “Miên viễn mùa xanh Nhân Kiệt”, “Sưởi ấm giấc mơ người đàn ông lực điền”, “Hình hài cong dấu hỏi”… Có khi chỉ một sự ví von dân dã: “Sông Lam dải lụa xanh” đủ giúp người đọc cảm nhận nước sông Lam trong xanh bốn mùa. Có khi còn lấy sự vật thiên nhiên để bỏ ngỏ niềm hào sảng về xứ Nghệ. “Sao thái âm” là âm tính mát lành để chỉ sông Lam. “Sao thái dương” là dương tính đầy sinh khí chỉ núi Hồng Lĩnh. Hai sự vật tượng trưng để nói về vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Ta bắt gặp luôn hai tín hiệu nghệ thuật đối nhau tạo nên sự nhịp nhàng, cân đối, tăng giá trị biểu cảm cho thơ. Điệp từ, điệp ngữ, nội quá là cách bày tỏ nội tâm và sự chịu thương, chịu khó, một thân “nuôi già, dạy trẻ, tần tảo đảm đang của người phụ nữ xứ Nghệ khi đất nước có chiến tranh, tự “chiến đấu” với cảnh cô đơn khi đôi lứa xa cách giữa thì xuân xanh: “đổ lúa ra xay, đổ trấu ra xay, xay cạn đêm”… Bài thơ có dụng ý tôn vinh hai nhà thơ lớn của xứ Nghệ, của Việt Nam: Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du, hai nhà cách mạng từng đi tìm đường cứu nước: Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Người đọc còn biết đến một xứ Nghệ từng là cái nôi thời kỳ nguyên sơ đồ đá: “Di chỉ cất bảo tàng/ Chiếc muôi múc canh bằng đá/ Vá nhọc nhằn tằn tiện của tiền nhân”. Phần cuối bài “Xứ Nghệ”, tác giả đã khéo dồn các từ ngữ vào những dòng thơ gần với thể văn biền ngẫu khi đọc lên ta nghe như những dòng thơ đối nhau. Câu kết khá nội tâm là người con ruột thịt xứ Nghệ “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về xứ Nghệ đầu thai”.

“Đàn bà và chiến tranh”, thi phẩm xoay quanh hình tượng “sợi thanh xuân”, biểu trưng cho nhan sắc, sức sống mãnh liệt của tuổi xuân mà phải hy sinh cuộc sống mái ấm lứa đôi để cho chồng vì nước vì dân ra trận. Tác giả sử dụng điệp từ “sợi” kèm theo sau những tính ngữ: khát khao, nhớ, chờ, buồn đã chạm khắc chân dung nội tâm người đàn bà thời chiến ở hậu phương. Thơ mang hơi ấm dân ca ví giặm càng tăng giá trị biểu cảm. Sự chịu đựng hy sinh của những người vợ càng đẹp hơn khi họ nuôi niềm tin chiến thắng ở chiến trường xa. Giọt nước mắt không chảy xuôi mà “lặn vào trong lóng lánh”. Nhớ, buồn mà không bi ai, sầu não! Trong “Giọt đau” nhiều câu không có chủ ngữ nhằm gây sự tò mò. Hai từ “Giọt đau” vừa là tựa đề vừa là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt tác phẩm, làm trung tâm cho ý tưởng bài thơ khi được dùng làm từ điệp. Tác giả lại dùng từ “giọt đau” vì đó là giọt đau thương chảy từ trái tim người thân của các liệt sĩ. Giọt đau “nức nở” khi mọi người đứng trước những nấm mồ hy sinh vì nghĩa lớn. Không chỉ chảy trên trần gian mà còn “chảy dưới những nấm mồ gió, đáy sông, đáy biển, đáy hồ…”. Còn gì mất mát đau thương hơn nữa! Và những từ điệp tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật xúc động tâm can độc giả, mà trước hết được vắt ra từ nội tâm nhà thơ “Giọt đau đong đầy/ Chảy vẹt bình minh/ Chảy mòn hoàng hôn”. Những từ chỉ thời gian nối tiếp gia tăng dòng chảy liên tục của nội tâm lẩy ra hình thức biểu đạt. Những bài thơ giàu hình tượng như  “Thơ tình mùa thu viết trước đền Chín Gian” chắc hẳn những người con dân tộc Thái quá ngưỡng mộ, quá tự hào với huyền thoại Tổ phụ Tào Lò Ỳ và người con gái của Trời – nàng Xỉ Đả. Những câu thơ tình ta nghe rủ rỉ, thoảng mơ hồ mà hút hồn khi đứng trước ngôi đền Chín Gian huyền thoại ở huyện Quế Phong – tiêu biểu cho mảnh đất nhiều danh lam thắng cảnh và con người cần cù, nhân hậu miền núi Tây Nghệ An.


Nhà thơ Vân Anh

Ở một không gian mênh mông biển cả ta lắng nghe nhà thơ đang “Độc thoại trước biển”. Một bài thơ độc thoại nội tâm của tác giả rất độc đáo. Thơ mang dòng ý thức tựa văn xuôi. Nhà thơ có tầm nhìn xa và sự liên tưởng logic khi nhìn biển không quên từ nguồn… Thủ pháp nhân hóa, tượng trưng đã biến những sự vật vô tri thành tâm tư con người. Những ngôn từ đầy “thi tính” kết hợp điệp từ được tác giả vun vén tạo nên những tín hiệu nghệ thuật đắt giá. Nếu như phần đầu tác giả với giọng điệu ngôn từ rủ rỉ, nhẹ nhàng thì ngược lại ở phần sau là giọng điệu gấp gáp, hứng khởi. Từ điệp “có” và “cho” theo sau là những từ gợi tả tạo sự dồn dập, nín thở cho những dòng nước từ nguồn đổ về xuôi. Không phải tự nhiên mà có biển. Mà từ “Thác dữ dội, cuồng say”, “Suối dịu dàng, lãng mạn”, “Sông nhẫn nại, từ tâm” mới có biển “Nhân hậu, bao dung nuôi lớn con người”. Mỗi sự vật là mỗi chủ thể được gắn cho những cử chỉ, động thái, đức tính sát thực, tác động vào thị giác, thính giác để từ trực cảm đến tâm cảm nhằm cuốn hút người đọc. Một bài thơ “có hậu” nhất là ở câu kết tác giả đã dùng từ “thanh lọc” trước cảnh tượng mênh mông nước là khá tinh tế. Lọc “nước đục” để có “nước trong”, từ đó rút ra triết lý sống: cuộc sống như là biển lớn – mỗi cuộc đời phải biết tự thanh lọc mình, biết “gạn đục khơi trong” dành cho mình sự “trầm lắng” như những viên ngọc trai của tâm hồn, trí tuệ và nhân cách cao đẹp dâng đời.

Chắc hẳn ta sẽ tâm đắc với “Trái tim thức giấc”, bài thơ mang theo mình bóng dáng vừa hiện thực vừa siêu thực cùng những vấn đề mà chị trăn trở. Đọc “Trái tim thức giấc”, ba tín hiệu điệp ngữ “Ta ngủ yên rồi…/ Ta ngủ yên…”. Một kết cấu hai vế khá hay: “Ta” đứng đầu ba khổ thơ “Ta ngủ yên rồi – Ta ngủ yên – Ta ngủ say. Và cặp thơ sau “Người” đứng đầu câu với lời hỏi “Sao” là cách đặt câu hỏi tu từ có giá trị khẳng định. Ta-người ví như một cặp lứa đôi trữ tình để chở tải sự đánh thức tiềm lực sáng tạo hoặc ngủ yên – hoặc bị trói buộc – hoặc tự an bài. Ta lại gặp một kết cấu hình tượng lạ, sáng tạo. Nỗi trăn trở có khi dằn vặt, bức xúc về một xã hội đang lên thì những ngang trái đáng báo động trong bài “Bóng âm”. Bóng âm là nhân vật chỉ những “đứa con lỗi gen tư duy”, “đi trước cản đường”. Nguy hiểm hơn nó trở thành vật cản bánh xe lịch sử đi lên phía trước. Bởi sự tàn bạo “vung gươm sát phạt” những thành quả của cuộc sống dân lành, khi “cái mới đang dâng hương sắc”, “đang dâng quả ngọt lành”… Và tác giả đã lên án đó là “khối u ác tính” âm thầm hủy hoại những “Trí tuệ – tâm hồn – nhân cách” của con người. Và nhà thơ đã đặt ra một câu hỏi lớn trước mọi thời đại về sự nương tay cái xấu, cái ác: “Sao nhân loại chần chừ? (!). Bài thơ “Trăn trở” như bỏ ngỏ bao điều mà mọi người cùng trăn trở… Tác phẩm có tính triết luận sâu sắc nên có khả năng khái quát cao về một thực trạng xã hội đáng báo động đỏ. Với “Trăn trở “, tác giả đã dùng một loạt hình ảnh ẩn dụ có giá trị biểu trưng: “Đó là thói kiêu ngạo, tự phụ qua so sánh “những ngọn núi lè tè tự phong là chót vót”, “những ao hồ tù đọng tự bão hòa”. Đó là sự giáo điều, rập khuôn trong tư duy “như những đường ray” đã “hoen rỉ tư duy định vị”, đó là những “vòng kim cô giáo điều tự ấn lên đầu làm khuôn mẫu”. Đó là những rô bốt người lắp ráp đồng loạt thiếu bản ngã trí tuệ, bản ngã tâm hồn và bản ngã nhân cách “Những phẩm cách dàn hàng ngang đồng phục/ Những dấu vân tay bản ngã nhạt nhòa”. Và đỉnh điểm của nỗi trăn trở biểu đạt trong 2 hình ảnh ẩn dụ đối lập để tác giả gửi thông điệp khẩn cấp cho bạn đọc: Sự sáo mòn sẽ “khai tử” mọi sự sáng tạo từ trong bào thai: “Gió sáng tạo mang hùng khí lạ/ Sợ thổi lạc loài giữa sa mạc sáo mòn”.

Cùng bộc lộ nội tâm trăn trở ấy nhưng ở những khía cạnh khác. Đó chính là trăn trở trong bản thể của mình khi độc thoại về nghiệp thi ca. Nhà thơ coi thi ca là nhu cầu tự thân để ký thác cách cảm, cách nghĩ, cách kiến giải những gì mình đã nếm trải, chiêm nghiệm. Làm thơ là bởi “Trong cuộc đời bao điều không thể nói/Đành ngồi cầm bút viết ra lời”. Nhưng trước khi là nhà thơ, chị là một nhà giáo, một trí thức chị không ảo tưởng về mình. “Chẳng dại dột nhận mình là thi sĩ của ngày mai” vì tác giả hiểu rõ “bởi xác tín điều này là… độc giả Tương Lai”. Tự nhận thức về bản thân là hành trình cam go của nhân loại. Sự sáng tạo nói chung và sự sáng tạo trong thi ca nói riêng thường là tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Và đây là một sự thẳng thắn đối diện và cũng là một sự khích lệ mình của nhà thơ: “Khi tuổi đời mùa thu mấp mé/ Sự Sáng Tạo là đứa con khó đẻ”.

Nhà thơ coi thi ca là nhu cầu tự thân để ký thác cách cảm, cách nghĩ, cách kiến giải những gì mình đã nếm trải, chiêm nghiệm. Làm thơ là bởi “Trong cuộc đời bao điều không thể nói/Đành ngồi cầm bút viết ra lời”.

Đi “Tìm trầm” – tìm Nghĩa Nhân trên đời với chị sao có thể quên công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Một bài thơ thật xúc động khi nói về cái nôi Phuống và công lao cha mẹ đã nuôi dưỡng mình từ thuở nằm nôi. “Mùa tuổi” đã nói thay cho chị. Mở đầu là Phuống – một địa danh quen thuộc và nổi tiếng bên bờ sông Lam. Thật thú vị khi tác giả mở đầu một câu thơ lạ: “Sông Lam chạy từ thượng nguồn mỏi chân dừng nghỉ”. Ờ, sao không tả con sông “chảy” mà lại là “chạy”?. “Chạy” mới hợp với “mỏi chân” và có “dừng nghỉ” mới “ngồi” từ đó ta hiểu mới có lắng đọng phù sa, từ đó mới hình thành bãi bồi lâu thành làng tên Phuống – nơi nữ sĩ “giấu núm ruột thơm hương cây trái” vào lòng đất mẹ. Những từ “đắt”: “Chạy”, “mỏi”, “dừng”, “ngồi” tạo nên một hệ thống hình ảnh “nhân hóa” tạo ra trường ngữ nghĩa tải thông điệp tình yêu gia đình, làng quê, cội nguồn của tình yêu tổ quốc… Làng Phuống đi vào bản đồ văn chương và nơi đó, nữ sĩ Vân Anh chào đời: “Chuồng hối gọi bầy gà/ Mẹ chộn rộn cơn đau/ Vỡ òa…Ta”. Từ bản đồ văn chương để hậu thế biết có địa danh thơ mộng hữu ngạn sông Lam, ghi ân nghĩa với một làng quê cổ kính, với công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha: “Sữa mẹ thơm mùi phù sa”, “Thơm vị nhút, tương, cà/ Thơm trí tuệ câu dân ca ví giặm”.

Câu thơ cuối “Mùa tuổi” cứ đọc lại cảm động khi nghĩ về cha mẹ nay khuất bóng nỗi tâm mình bỗng là “Từ ngày cha mẹ về trời/ Ta ngồi dệt áo mồ côi… bốn mùa”.

“Tìm trầm” – tập thơ hướng thiện, có giá trị nhân văn cao cả và sâu sắc. Đi tìm và ca ngợi tình người ở nhiều góc độ từ gia đình đến xã hội, đồng thời lên án những kẻ vô cảm không chút tình người đang chà đạp lên cuộc sống. Là khát vọng một cuộc sống bình yên đánh thức mọi tiềm năng dâng đời theo thời gian. Là nỗi trăn trở về những điều lỏng lẻo, trái khoáy trong kỷ cương phép nước trên nhiều bình diện. Tất cả cho con người, cho mọi thời đại. Đọc “Tìm trầm” là đọc triết lý cuộc sống thông qua văn chương. Là những thông điệp về lẽ sống và tình người bình dị mà cao đẹp.

“Tìm trầm” đã thành công lớn trong thi pháp ngôn từ. Tác giả đã mạnh dạn, táo bạo kiếm tìm trong kho từ vựng đồ sộ để thu vén, chắt lọc, sáng tạo nên kho ngôn từ của “Tìm trầm” cho riêng tác giả với sự đa dạng – đa thanh – đa chiều mang dấu ấn riêng. Đặc biệt mọi chất liệu nghệ thuật được ẩn dụ – tượng trưng – lối điệp – so sánh và đặc cách cho thủ pháp “lạ hóa” nhằm nâng tầm tính hình tượng – một đặc trưng cơ bản của thơ nhằm đánh thức trí não người đọc. “Tìm trầm” không lệ thuộc vào thể loại mà viết theo dòng cảm xúc. Thơ “Tìm trầm” không từ trực giác mà từ tâm thức. Thơ dòng ý thức – lối thơ mang dấu ấn thơ trình diện. Chất liệu tân hình thức và chất liệu nhảy vọt tạo cho tứ thơ lạ – bí ẩn. Thơ “Tìm trầm” hòa dòng chảy thơ đương đại mà đối tượng thưởng thức nghệ thuật ngày nay đang đòi hỏi. “Tìm trầm” đã phần nào đáp ứng kịp thời và bức thiết cho độc giả đương đại!

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, tháng 10/2022)

 

 

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm