- Thơ bạn thơ
- Bài thơ hay: Hoa sữa
Bài thơ hay: Hoa sữa
HOA SỮA
Biết nói gì về hoa Sữa đây em, khi hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo. Lúc thơm thảo hoa tận cùng thơm thảo, lúc phù du hoa dứt áo phù du…
Hoa Sữa làm nên một nửa mùa thu. Là tinh túy của nắng mùa xuân, gió mùa đông và mưa rào mùa hạ. Mỗi sáng dậy em thấy tình yêu bừng trên má, ấy chính là hương hoa Sữa vừa ghé thăm đêm qua…
Hương thơm như níu lòng người đi xa. Mười năm trời Hà Nội thức trong tôi có mùi hương hoa Sữa. Những chùm hoa mang hình chớp lửa, những cánh hoa hắt sáng đầu ruồi…
Nói thêm gì về hoa Sữa em ơi. Hoa cứ phát tán trong mắt người lúng liếng. Đã bao lần soi bóng mình bên suối, lại nhớ về hàng cây hoa Sữa, đứng nghiêng nghiêng xõa tóc gội đầu…
Bên hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau, cùng líu ríu chạy trốn cơn mưa dùng dằng mùa hạ. Hoa đuổi phía sau hôn đầy tóc, đầy vai, đầy má. Hoa chạy phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta…
Có một lần, lần ấy cũng đã xa. Tôi vẫn nhớ và chắc em vẫn nhớ. Ngày ấy cũng vào mùa hoa Sữa nở, trên chiếc thuyền con mình cùng ngắm Hồ Tây trong hoàng hôn man mác đỏ. Gió heo may se cả dáng em gầy… Lần đầu tiên tôi dám chạm vào tay. Lần đầu tiên em để mình run rẩy… Và con đường Thanh Niên chiều ấy, hương Sữa về thơm ngát môi em…
Nói thêm gì về hoa Sữa đi em. Ngày tôi về, những cánh hoa mỏng bay như chuồn chuồn bay thấp. Mắt em giấu những cơn giông mọng nước, cặp môi xinh tắc nghẽn tiếng ru hời… Và bàn tay chợt buông khỏi vành nôi. Mình nhìn nhau một lời không dám hỏi…
Tôi đã đi qua mười mùa hoa Đào, hoa Xoan, hoa Bưởi. Tôi đã đi qua trăm loài hoa có tên và không tên. Nhưng chỉ có hoa Sữa mới là của riêng tôi và em… Giờ hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo…
Lúc thơm thảo cứ tận cùng thơm thảo, rồi phù du lại dứt áo phù du.
Trên vai tôi là những nửa mùa thu.
Nhà thơ LƯƠNG NGỌC AN
Hoa sữa - Nhà thơ Lương Tử Miên (88t) đọc
Lời bình:
Tôi được đọc bài Hoa sữa của Lương Ngọc An trong tuyển tập “Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI”. Tôi xin được khẳng định rằng Hoa sữa là bài thơ hay nhất, thơ nhất trong tuyển tập dày hàng ngàn trang với hàng trăm tác giả. Có thể là tôi võ đoán nhưng tôi tin sự võ đoán của tôi sẽ nhận được sự đồng thuận của nhiều người nếu như họ được đọc tuyển tập. Một điều khẳng định nữa của tôi đây là bài thơ hay nhất và thơ nhất viết về hoa sữa.
Bài thơ Hoa sữa là cảm xúc của hơn mười năm trời nén lại chỉ cần một duyên cớ là nó tuôn trào thành dòng thác của ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ thấm đẫm hồn người, thứ ngôn ngữ biết sẻ chia với cõi người về vẻ đẹp thánh thiện của tình yêu, về vẻ đẹp vừa thơm thảo và cũng vừa phù du của hoa sữa. Duyên cớ ấy là sau mười năm chiến tranh người lính Lương Ngọc An trở về phải đối mặt với một sự thật phũ phàng. Người yêu anh đã đi lấy chồng giờ đang ngồi hát ru bên vành nôi của đứa con nhỏ:
“Ngày tôi về, những cánh hoa mỏng bay như chuồn chuồn bay thấp. Mắt em dấu những cơn giông mọng nước, cặp môi xinh tắc nghẽn tiếng ru hời… Và bàn tay chợt buông khỏi vành nôi. Mình nhìn nhau một lời không dám hỏi…”
Chỉ là khoảnh khắc thôi nhưng đã là tất cả. Người thiếu nữ anh yêu và cũng rất yêu anh không thể đợi chờ. Nỗi đau của chiến tranh đã được Lương Ngọc An khắc họa chỉ bằng một câu thơ mà cứ lắng lại. đọng mãi rồi cứa xót tim ta.
Chỉ cần thế thôi người lính đã hiểu tất cả nhưng không một lời trách móc. Nỗi đau này không phải do em mà nỗi đau này là do chiến tranh. Sau cái nhìn thảng thốt ấy của hai con người là những kỷ niệm về những mùa hoa Sữa, về tình yêu lứa đôi trỗi dậy. Ôi tình yêu của hai con người? Không đó chỉ có thể tình yêu thánh thiện của hai thiên thần:
“Có một lần, lần ấy cũng đã xa. Tôi vẫn nhớ và chắc em vẫn nhớ. Ngày ấy cũng vào mùa hoa Sữa nở, trên chiếc thuyền con mình cùng ngắm Hồ Tây trong hoàng hôn man mác đỏ. Gió heo may se cả dáng em gầy… Lần đầu tiên tôi dám chạm vào tay. Lần đầu tiên em để mình run rẩy… Và con đường Thanh Niên chiều ấy, hương Sữa về thơm ngát môi em…”
Câu thơ đã nói đủ đầy rồi lời bình luận sẽ trở nên thô thiển dư thừa. Lương Ngọc An chỉ dùng cụm từ “Hương sữa về thơm ngát môi em”. Nhưng đằng sau những con chữ ấy là nụ hôn đầu đời nồng nàn nhiều e ấp và cũng nhiều run rẩy. Không hôn em sao anh biết được hương sữa về thơm ngát môi em! Thật tài hoa, thật thánh thiện. Và rồi những kỷ niệm êm đềm khác nữa lại ùa về:
“Bên hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau, cùng líu ríu chạy trốn cơn mưa dùng dằng mùa hạ. Hoa đuổi phía sau hôn đầy tóc, đầy vai, đầy má. Hoa chạy phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta…”
Câu thơ đã cho ta thấy đối với Lương Ngọc An hoa sữa không chỉ có mùi hương nồng nàn đọng trên môi em mà hoa Sữa còn quấn quýt nâng niu cả bước chân em.
Thế nhưng! Vẫn còn một chữ nhưng có ai hỏi nếu tác giả cho phép tôi bỏ một câu thơ nào đó trong bài Hoa sữa, tôi không ngần ngại trả lời đó là câu: “những cánh hoa hắt sáng đầu ruồi”. Tôi chưa thật hiểu đây là câu thơ Lương Ngọc An phải viết hay muốn viết. Tôi thiên về Lương Ngọc An phải viết. Hoa sữa là một bài thơ ẩn chứa nhiều yếu tố phi lí nhưng sự phi lí của của câu thơ này không gây nên hiệu ứng tích cực của nghệ thuật và cảm xúc. Ngược lại nó gây nên một hiệu ứng phản cảm. Tôi cứ trăn trở hoa sữa của Lương Ngọc An đã gắn bó máu thịt với con người đến như thế này:
“Tôi đã đi qua mười mùa hoa Đào, hoa Xoan, hoa Bưởi. Tôi đã đi qua trăm loài hoa có tên và không tên. Nhưng chỉ có hoa Sữa mới là của riêng tôi và em… Giờ hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo…
Lúc thơm thảo cứ tận cùng thơm thảo, rồi phù du lại dứt áo phù du.
Trên vai tôi là những nửa mùa thu”
Thì làm sao nó lại có thể hắt sáng đầu ruồi? Làm cái việc hướng dẫn đường đạn trúng đích và cái đích đó là một sinh linh, một đồng loại máu đỏ da vàng? Nếu bỏ câu thơ ấy đi thì tôi nghĩ vẻ đẹp của hoa sữa sẽ không bị vấy máu, bài thơ vẫn giữ được vẻ đẹp kỳ diệu của nó!
Vĩ thanh: Thưa các bạn! Văn bản bài Hoa sữa mà tôi giới thiệu với các bạn được trích trong Tuyển tập “Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI”. Sau khi bình luận bài thơ, tôi sợ mình có đánh máy sai từ nào chăng nên đã truy cập để tìm bài Hoa sữa trên mạng thì có hai sự thay đổi. Trong tuyển tập bài thơ được in theo thể loại thơ văn xuôi còn trên mạng thì in theo thể loại thơ văn vần. Điều đặc biệt nhất và làm tôi vui mừng đó là câu thơ tôi phân vân, trăn trở “những cánh hoa hắt sang đầu ruồi” đã được chữa lại như sau: “ Những cánh hoa trắng ngát lưng trời”. Chắc rằng tác giả đã cảm nhận được sự phản cảm của câu thơ phải viết trước đây khi đã có độ lùi của lịch sử?
Dù đã có sự thay đổi nhưng bài thơ chỉ trôi nổi trên mạng. Còn tuyển tập thơ lại tồn tại mãi trong các thư viện và trong cõi người. Câu thơ đó đã biến nhà thơ từ một thiên thần trong tình yêu trở thành một người hiếu chiến, gắn cánh hoa sữa mảnh mai thơm thảo thành kẻ tội đồ. Chắc chắn hậu thế sẽ phán xét câu thơ đó như thế.
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Bình luận