TIN TỨC
icon bar

Biệt khúc nghĩa tình trong bài thơ “Có lẽ nào?”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-06 17:45:38
mail facebook google pos stwis
393 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

 

TUẤN TRẦN

Có lẽ nào? Là một tiếng sáo lòng, là câu hỏi không thể tỏ tường. Là cơn gió xiêu bạt làm đứt lìa một mối lương duyên nặng nghĩa. Là sự tuyệt vọng của người đàn ông trong những đổ vỡ. Và rồi cũng là tự trách mình và thứ tha cho cuộc đời hiện tồn những khổ đau.

Những tâm sự trong Có lẽ nào? Là viết cho một cuộc tình đã trọn vẹn, đôi lứa đã hạnh phúc chan hòa và rồi có những khúc ngoặt, lối rẽ khiến cho phận bèo nước chia cắt. Nhưng tác giả lại viết như cách viết cho ngày mới yêu nhau. “Có lẽ nào?” trong tác giả mãi là trinh nguyên cảm xúc của thưở “nụ hôn đầu”. Chủ thể trữ tình trong thơ viết không chỉ cho tâm sự lòng riêng mà cho nhiều những thân và phận khác trong cuộc yêu và cuộc hôn nhân chấm đứt. Hai mảnh sống bẻ làm đôi và luôn ở trạng thái chênh chao giữa nhịp đời phong phiêu: Em dứt bỏ anh không mảy may nuối tiếc/ Như vứt chẳng đắn đo mảnh áo cũ lỗi thời. Ca dao viết: “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”. Vật làm tin đó, hôm nay đã lỗi thời. Chắc do vật đổi sao dời, thế sự đổi thay, những vinh thăng của đời, những giá trị vô cùng vật chất và lạnh tanh của thời đại lên ngôi. Đã tạo ra những va chạm và nảy sinh những quan điểm bột phát đả phá cái trân trọng, chắt chiu, dung dị của hôm qua, chí ít đối với tình cảm con người. Hay hoặc là tác giả đang nói đến mối lương duyên ngẫu nhiên tương phùng giữa thơ và đời đã kết giọt mật hoa. Nhưng thơ thì ở lại để bảo toàn sự toàn thiện của chính mình, còn đời thì trôi không hẹn định theo những miền giải trí khoái hoạt ngắn ngủi… Hiểu sao cũng trọn, trọn tấm lòng của người thơ gửi tới người đời.

Theo lẽ thường là “em dứt áo ra đi” hoặc em lặng lẽ ra đi nhưng ở đây “nghịch thường”: “Anh thẫn thờ ra đi”. Ca dao viết: “Gió đưa hoa cải lên trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Người trai phụ rẫy để lại những trái ngang cho người nữ ở lại. Còn chủ thể trữ tình trong bài thơ Có lẽ nào?  lại đa mang một hình- tiếng khác của cái bi kịch tan vỡ hôn nhân. Anh ra đi, vì em đã đổi khác. Cuộc ra đi hôm đó nom có vẻ dứt khoát, ít có níu giữ, nâng đặt, cất nhắc nhưng khi anh hóa thân tâm sự trong thơ thì ủy mỵ biết bao cho những xót xa cuộc đời. Tác giả vẫn không tin, nên rên rỉ những biệt khúc trong thơ. Quả là phận bạc dẫu chẳng phải má hồng. Có bao nhiêu cuộc hôn nhân của người nghệ sĩ đổ vỡ? do đâu? đời hay thơ (nghệ thuật). Đó là bi kịch không của riêng ai, những tiếng lòng dự cảm, những trăn trở bút mực, những nén nỗi đau thương để đặng tồn tại và sao cho đẹp đẽ. Ở bất cứ thời buổi nào người nghệ sĩ cũng sẽ cảm thấy nhức nhối vô cùng. Gia đình, mưu cầu, danh phận, bổn phận người trai quá đỗi phàm phu so với cái vinh diệu của nghệ thuật. Nên có đôi lúc người thơ chưa thể trọn vẹn theo ý nguyện của người thường. Những vênh lệch đó đã tạo ra những bi kịch. Và âm thầm như một cơn bão, người thơ “thẫn thờ ra đi”. Đi như cách của sự hi sinh, thua thiệt của những nhẫn chịu, để nhờ thơ tự cất lời, tiếng việt tự cất lời. Có lẽ, hai quả tim đã không còn thấu hiểu nhau, cho nên có ngàn lần biện bạch cũng chẳng thể gắn hàn. Hơn ai hết, một tâm hồn tinh tế bẩm sinh, nhận ra ngay được kết cục của cuộc hội ngộ đã đến kì vĩnh ly. Chính vì thế, dứt khoát trước và day dứt sau. Dứt khoát ở hiện thực và day dứt trong thời/ không gian khác: Tâm tưởng.

Tác giả bài thơ đã yêu với tâm hồn mềm yếu, rất mong manh. Ai trong tình ái chẳng thế. Napoleon Ponabal dẫu là một mãnh tướng nơi chiến trường, nhưng trái tim ông vẫn nhỏ bé yếu mềm trong tình yêu. Và có thể nói quy luật cuộc sống là quy luật của tình yêu. “Yêu hơn cả những gì còn lại”. Câu thơ đã chứng tỏ người trai là một người luôn tha thiết yêu và yêu người yêu tha thiết. Anh luôn trân trọng người yêu mình và thủy chung son sắt cho thề nguyện buổi ban đầu. Nhưng lửa trong anh khó sưởi ấm được cho một hòn đá đã lạnh. Khi người đã đổi thay, càng ôm níu càng đắng cay. Như con thạch sùng, khi gặp nguy hiểm lập tức cắt đuôi. Chủ thể trữ tình cũng vậy, đã cắt đi cả tình lẫn nghĩa ở cõi thực. Nhưng quá trình mọc lại cái đuôi đó? hẳn là những oằn oại, đớn đau. róng riết mà chỉ có thể mượn thơ tỏ tường.

Khi nên hạnh ngộ, duyên vợ chồng, nghĩa phu thê. Đã là quá trình chăm sóc cần mẫn, những vun tém lựa lọc để nhìn, nhận và thấu hiểu nhau. Đã có rồi những giọt máu của chúng mình hòa quyện và tái sinh. Chính vì thế, một người luôn trân trọng từng khoảnh khắc mà chính mình đã kết tạo không thể dễ dàng chấp nhận cái định luật bất thành văn của ngày hôm nay khi đứt gánh giữa đường. Bao nỗi oán thán, hằn học, bao nén nỗi bi thương được điều hòa mà thở ra thơ một cách nhẹ nhàng hơn, cao thượng hơn. Đó là cách Nguyên Hùng diễn đạt cuộc sống. Để mọi thứ êm đềm theo dòng nước trôi về phía địa mộ thời gian. Nỗi niềm trong thơ luôn được nâng đỡ để dịu dàng, bớt phần chót gắt.

Hồ nghi luôn là trạng thái của nhà thơ. Và ở đây tác giả hồ nghi một cách cố chấp. Một sự thật đã diễn ra, một cái án đã thi hành tác giả vẫn đang trong trạng thái của hồ nghi. Đó là nỗi đớn đau của người đã trao gửi niềm tin. Tác giả đang trải qua quá trình kể lể những ngọt bùi, đắng cay từng chia sẻ: “Có lẽ nào khúc tình ca lụi tắt/ Giữa tim mình còn khao khát yêu thương?”. Cả bài thơ tác giả đã đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi đã có được câu trả lời. Nhưng cái cố chấp của một con người nặng tình, nặng nghĩa lại đa mang chuyện hồng trần đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái chấp sự. Sau tất cả thứ ở lại là hình bóng con thơ trong nỗi thảng thốt chưa nguôi về sự vụ én- nhạn lìa nhau. Đời luôn phũ phàng như thế lúc ngọt bùi mấy ai nhớ trọn vẹn đắng cay thưở hàn vi. Chúng ta đã đi qua bao truân chuyên của kiếp người. Tuồng đời lắm cảnh đáng ngâm, lắm hồi đáng hát, những đoạn đáng khóc, những chuyện đáng cười lần lượt đan xen nhau. Ta đã ôm trọn cùng nhau những khóc khóc, cười cười đó nhưng lại để mất nhau khi trời đã bắt đầu ngả về chiều. Thứ còn lại trong anh là “có lẽ nào?”. Câu hỏi không có lời đáp, dẫu ta có hỏi tới tận nơi linh thiêng màu nhiệm: “Mặt ngó mặt nghiêng mặt ngoảng sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời cao/ Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” (Huy Cận).

Có lẽ nào…

Có lẽ nào…

Em ơi!

Điệp khúc tiễn biệt nghẹn ngào đó làm tôi nhớ tới những câu thơ Nguyễn Bính: “Cánh buồm nâu/ cánh buồm nâu/ cánh buồm”. Khi còn trong tầm nhìn, tầm với ta vẫn thấy cánh buồm rõ màu nâu, xa hơn một chút ta vẫn còn nhận ra. Nhưng rồi xa dần, xa dần, ta chỉ còn nhìn thấy cánh buồm và tới lúc hoàn toàn im vắng. Mặt biển chỉ còn bọt sóng bì bọp, héo qoắt, sa xuống một kẻ đứng nhìn trong hoài vọng, cô liêu. Mở đầu bài thơ là “Em dứt bỏ anh…”. Cuối bài thơ cũng tiếng gọi “Em ơi!”. Tiếng gọi như can tràng tấc đoạn. Hình ảnh gọi em đã dâng lên một nỗi nghèn nghẹn cán qua bao hồi ức đẹp đẽ, thống ngự một nỗi ngậm ngùi lạc nhau. Gọi em chứ không phải gọi “vợ”, tác giả muốn nói yêu nặng hơn nói về nghĩa. Trong lòng vẫn nồng nàn hương vị ngày xanh chứ không hẳn là hương lửa phu thê từng bổn phận nuôi con.

Tiếng thơ Nguyên Hùng lúc nào cũng thế. Ngọt ngào, thấm lắng, nhân văn, duy tình mà đầy lý trí. Ở bài thơ này, pha chút đáng thương của kẻ bất lực trong việc “Chẳng biết cách giữ gìn, để mất em”. Thực ra, tất cả do số phận mà thôi. Ai chẳng muốn trọn vẹn với người đã thề nguyện bạc đầu trong niềm ấm áp tay ôm vai kề mỗi đêm.


CÓ LẼ NÀO?
 

Em dứt bỏ anh không mảy may tiếc nuối

Như vứt chẳng đắn đo mảnh áo cũ lỗi thời

Anh thẫn thờ ra đi, bước chìm bước nổi

Có lẽ nào ... em ơi!

 

Có lẽ nào đường ta phải rẽ đôi

Và hạnh phúc sao mỏng manh dường ấy:

Anh yêu em hơn những gì còn lại

Chẳng biết cách giữ gìn, để mất em!

 

Đến giờ này anh vẫn chẳng tin

Con tim em đã thuộc về kẻ khác

Và chẳng tin cái điều khiến lòng anh tan nát:

Nay với em, anh như kẻ qua đường.

 

Có lẽ nào không một chút vấn vương

Bao cay đắng ngọt bùi suốt một thời say đắm?

Bao nỗi khổ niềm vui những tháng ngày yên ấm?

Những đợi chờ khắc khoải lúc xa nhau?

 

Anh sẽ vĩnh viễn mất em - có lẽ nào

Khi trong anh vẫn đầy ắp bóng hình em

                                   với tiếng cười giọng hát?

Có lẽ nào khúc tình ca lụi tắt

Giữa tim mình còn khao khát yêu thương?

 

Có lẽ nào anh phải xa cách các con

Những giọt máu tình yêu của một thời

                                    cơm ăn còn chẳng đủ

Những hình hài nhỏ nhoi từng làm em

                                        xanh xao như lá úa

Những đứa bé ta yêu, chiều chuộng đến trọn đời?

 

Có lẽ nào...

Có lẽ nào...

Em ơi!
 

1994

Nguyên Hùng

_____________

Mời nghe ca khúc:

Có lẽ nào | thơ Nguyên Hùng, nhạc Minh Thu

Bài viết liên quan

Xem thêm
NSƯT Phan Thị Thu Lan, người chở đò thầm lặng
Nghệ sĩ Phan Thu Lan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007
Xem thêm
Diệp Minh Châu – Người nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ
Nghệ sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002), người Bến Tre, là một nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Xem thêm
Tạp chí Văn nghệ HTV - Mỗi tuần một nhân vật: Tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Tạp chí Văn nghệ HTV giới thiệu tác giả Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ
Xem thêm
Hương bưởi sau nhà
Bài của Nguyễn Thanh trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Nhìn lại bức tranh VHNT năm 2021 - Chân dung Nghệ sỹ, Đại tá Trần Minh Hân
Trích đoạn chuyên mục Chân dung nghệ sỹ của Truyền hình Hà Nội
Xem thêm
Đặc tình của A25?
Nguồn: FB nhà thơ Mai Nam Thắng
Xem thêm
Nguyên Hùng, một chữ duyên bén trăm ca khúc
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng giới thiệu tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên
Xem thêm
Một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Hoàng Cát là thế: Anh cứ yêu bằng trái tim thi sĩ
Bài viết của Vương Trọng & chùm thơ Nguyên Hùng
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng: Làm thơ như một cuộc chơi
Bài của nhà văn nhà báo Trịnh Phương Trà trên báo Phú Yên cuối tuần
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn thế giới
Nhà văn Lê Thanh Huệ sưu tầm và biên soạn.
Xem thêm