TIN TỨC
icon bar

Trên hành trình đi tìm mật mã thơ

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-02 16:11:36
mail facebook google pos stwis
934 lượt xem

Vào sáng ngày 04 tháng 01 năm 2023, Hội Nhà văn TPHCM sẽ tổ chức buổi Tọa đàm tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhân một năm ngày mất của ông. Tại buổi tọa đàm này, Hội cũng sẽ trao giải Cống hiến cho đại diện gia đình cố nhà thơ. Cánh buồm thao thức xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Văn nghệ số 53, ngày 31-12-2022, nhân sự kiện này.

DKT – NGUYÊN HÙNG

MỘT KIẾN VĂN RỘNG, CẦN CÙ, SAY MÊ ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG

Sinh thời, nhà thơ - nhà lý luận phê bình Nguyễn Vũ Tiềm là một cây bút cần mẫn, không hề biết mệt mỏi. Dường như ông đã không thể sống mà không tìm tòi, thử nghiệm bằng một tác phẩm hay một nghiên cứu học thuật nào đó. Đối với ông, viết là một nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, không thể thiếu. Không ngày nào ông bỏ bàn viết,  kể cả khi ông phải chịu đựng những cơn đau nhiều giờ liền, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo suốt 5 năm (từ 2017-2022). Đã quá cái tuổi “xưa nay hiếm”, nghỉ hưu đã 20 năm, nhưng hầu như ngày nào ông cũng ngồi vào bàn làm việc như khi đang công tác, vì lúc nào ông cũng có công việc dở dang chờ đợi, thôi thúc phải làm. Ông ngồi vào bàn với tâm trạng đầy hứng khởi, luôn cảm thấy thiếu thời gian. Cứ như thế, đều đều một ngày 7- 8 tiếng đồng hồ. Hầu như ngày nào ông cũng có những trang viết mới, hoặc nảy sinh ra tứ thơ mới,  những suy nghĩ, lý luận mới về thơ...

Trong những năm cuối trước khi đi xa, ông đã dốc sức làm việc và hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, với tốc độ đáng khâm phục, nhiều hơn hẳn những năm trước đó. Có thể tạm chia ra làm hai thời kỳ trong cuộc đời sáng tác của ông: Từ 1985 đến 2017 (32 năm), Nguyễn Vũ Tiềm cho xuất bản 19 tác phẩm; Và từ 2018 đến 2022 (04 năm), ông xuất bản 9 tác phẩm, trong đó 5 cuốn đã in và 4 cuốn khác đang chờ xuất bản.

Sau tập thơ “Minh triết đất đai” được giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2015, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tiếp tục cho ra đời các ấn phẩm mới: Hoàng Sa (tập thơ được Fahasa ký hợp đồng bao tiêu, 2018); Tiếp cận mật mã thơ (tập lý luận phê bình được Fahasa ký hợp đồng bao tiêu, 2019). Chỉ riêng trong năm 2020, ông hoàn thành bản thảo cho 4 cuốn tiểu tuyết (Thời hoa đỏ dại khờ, Không giới tuyến, Thầy Epto Phan, Kỳ nhân Bùi Giáng) và 1 tập thơ ngắn không đề (Phản biện đường chân trời).

Tiểu thuyết Thời hoa đỏ dại khờ có nhân vật chính được lấy nguyên mẫu là một nhà thơ nổi tiếng mà ông yêu mến cả người lẫn thơ. Trong tác phẩm ông trích khá nhiều thơ của nhà thơ này. Tiểu thuyết hoàn thành vào tháng 5 -2020 và đã được Nxb Hải Phòng cấp giấy phép, chỉ còn việc cuối cùng là in và phát hành. Tuy nhiên, sự việc sau đó không như ý muốn và nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã quyết định tạm ngưng việc in ấn cuốn tiểu thuyết này.  Ông đã trăn trở rất nhiều và đến tháng 10/2021, khi sức khỏe giảm sút nhanh, những cơn đau ngày càng kéo dài và dữ dội hơn, ông đã nhờ chúng tôi giúp chỉnh sửa một số chi tiết, đổi tên nhân vật chính, sửa tên một số nhân vật khác, đồng thời đặt lại cho tiểu thuyết một cái tên mới là Người tài hoa khờ dại rồi xin giấy phép của Nxb Hội Nhà văn để in gấp. Vì vậy, đây là tác phẩm qua hai lần xin giấy phép. Thật đáng tiếc, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã không còn đủ thời gian để được nhìn thấy đứa con tinh thần khi nó chào đời - Một tác phẩm mà ông đã dồn nén vào đó bao nhiêu tâm huyết, công sức, bao nhiêu tình cảm yêu mến bạn bè, đồng nghiệp... Khi sách về đến nhà thì cũng là lúc ông ra đi!

Tiểu thuyết Không giới tuyến (hơn 200 trang) nói về tình yêu thắm thiết của đôi trai gái  Nam – Bắc mà cha của họ đứng ở hai chiến tuyến khác nhau thời chống Mỹ. Tiểu thuyết thấm đẫm tính nhân văn và rất hấp dẫn; trong truyện có phản ánh tình trạng hoạt động của các Hội Nhà văn địa phương như nó vốn có.

Cuốn Thầy Epto Phan (hơn 150 trang) là tiểu thuyết viễn tưởng dành cho thiếu nhi, cũng có sự suy tưởng táo bạo rất hấp dẫn. Bản thào hai tiểu thuyết trên đây đã được gửi tới hai đơn vị để liên kết xuất bản nhưng chưa có quyết định in.

Tiểu thuyết Kỳ nhân Bùi Giáng ông cũng đã viết xong, chuẩn bị cho xuất bản, ông chỉ còn một ước muốn là khi bớt dịch sẽ đi tìm gặp gỡ thêm một vài người con cháu của nhà thơ Bùi Giáng ở đang ở thành phố Hồ Chí Minh để bổ sung cho phong phú thêm. Nhưng gặp mùa dịch covid, ông đã không làm được điều đó, đành khép lại để chờ sang năm 2021 cho xuất bản.

Tập Phản biện đường chân trời cũng đã được hoàn thành và sẵn sàng cho xuất bản; tập sách này gồm mấy trăm bài thơ ngắn không đề, rất minh triết, sâu sắc và  nhiều bài có tầm khái quát khái quát cao, rất hấp dẫn.

Như vậy trong năm 2020, vừa điều trị bệnh, vừa chống dịch Covid, ông đã hoàn thành 4 cuốn tiểu thuyết, 1 tập thơ, không kể các lời bình lời tựa cho bạn bè.

Năm 2021, khi sức khỏe giảm sút trông thấy vì phải truyền hóa chất và những cơn đau ngày càng dữ dội hơn, cùng với việc dịch bệnh bên ngoài càng tăng, ông  vẫn bình tĩnh và kiên nhẫn làm những việc mà ông cho là cần thiết. Hàng ngày ông thường tự kiểm tra xem công việc chỉnh sửa, biên tập sách này sách kia đã ổn chưa?  Bàn giao công việc cho những người thân và bạn bè, nói chung đầu óc ông luôn sáng suốt để chỉ đạo, xử lý từng mục việc đâu ra đấy... Kết quả là trong năm 2021 Nguyễn Vũ Tiềm đã tập trung chọn lọc, chỉnh sửa, sắp xếp để cho ra đời 4 cuốn sách: Xuất bản Trường ca văn đàn bi tráng & Thơ chọn lọc - đây là tập sách ông chú trọng nhất; Tái bản hai tập: Đi tìm mật mã thơTiếp cận mật mã thơ và Xuất bản Bùi Giáng thiên tài tự hủy (Tác phẩm có tên ban đầu là Kỳ nhân Bùi Giáng). Tập tiểu thuyết này đã được nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM, trực tiếp đến gia đình thăm ông và giúp đỡ tích cực để sách sớm được xuất bản và phát hành. Nhưng cũng như tiểu thuyết Người tài hoa khờ dại, sau khi ông ra đi được 3 tuần thì sách mới về đến nhà.

Bên cạnh những việc trên, nửa cuối năm 2021 nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn có dự án sưu tầm và biên soạn cuốn Thơ cách tân đổi mới. Chúng tôi được ông giao cho sưu tầm thơ đổi mới, và bản thân ông đã tập hợp, lựa chọn được một số bài. Nhưng để nhanh chóng có được số lượng lớn bài vở, ông đã thống kê danh sách hơn một trăm nhà thơ trong cả nước mà ông biết, gửi thư thông báo để “xin thơ cách tân đổi mới”, với đề nghị mỗi tác giả gửi cho 5 bài để ông tập hợp và chọn lọc. Nhận thấy công việc thu nhận thơ của nhiều người trong một thời gian ngắn sẽ gặp khó khăn, sợ không kịp nên ông đã liên hệ thêm một vài nhà thơ tại TP.HCM nhờ hỗ trợ nhận bài qua nhiều email cho nhanh, rồi tập hợp chọn lọc gửi lại cho ông, với mong muốn sớm xuất bản một tập Thơ cách tân do ông làm chủ biên. Nhưng công việc này chỉ được diễn ra trong một thời gian rất ngắn, một số nhà thơ đã gửi bài và ông đã tập hợp được một lượng bài vở nhất định. Xét thấy tính chất phức tạp của công việc cũng như tình hình sức khỏe và thời gian không cho phép, ông quyết định bỏ dở dự án nói trên và dự tính sau này nếu điều kiện sức khỏe tốt hơn thì ông sẽ chủ động tiếp tục thực hiện kế hoạch này, nhưng mong muốn của ông đã khép lại vĩnh viễn.

LUÔN TÌM TÒI CÁI MỚI

Ông là người quan tâm đến thơ đổi mới, thơ hiện đại cách tân, khuyến khích những ý tưởng sáng tác mới. Tuy lớn tuổi và thuộc thế hệ đi trước nhưng ông không hề bảo thủ mà luôn đọc nhiều, đọc rộng để tìm ra những cái mới của văn thơ hiện đại trong nước và ngoài nước, làm giầu thêm vốn hiểu biết của bản thân, vận dụng cho mình khi cần. Đặc diểm này được ông thể hiện trong cả lý luận và trong thực tiễn.

Trong lý luận, có lẽ nổi bật nhất là những tìm tòi sáng tạo trong tập Đi tìm mật mã thơ. Ở tập tiểu luận này ông đã phát hiện được nhiều điều mới mẻ về lý luận làm thơ, tứ thơ và biến những lý luận khó tiếp thu thành những công thức dễ hiểu mà nhiều người mới làm thơ có thể khai thác, áp dụng vào công việc sáng tác của mình.

Xin đơn cử một ví dụ: Tại trang 20 của cuốn sách nói trên, ông viết: “Thơ muốn “vượt vũ môn” là phải có: Xúc cảm khác thường, Suy nghĩ khác thường, Cách nói khác thường – Và chúng đi với nhau thành một công thức X-S-C. Công thức ngắn gọn nhưng rất khái quát và bổ ích cho những người mới làm thơ.

Trong  Đi tìm mật mã thơTiếp cận mật mã thơ ông đã đúc kết khá nhiều điều lý luận mới mẻ và tinh tế về thơ như: Tứ thơ là kết quả của một tìm tòi khám phá; Bốn hình thức cấu tứ; Cụ thể và khái quát trong thơ; Sự tinh tế trong thơ; Phân biệt thơ ca với tò vè, v.v.. mà nhiều người làm thơ có thể học tập và vận dụng.
Nhiều bạn thơ coi sách này là loại sách “gối đầu giường” và có nhiều bạn ở các nơi nhắn tin hỏi ông muốn mua cuốn sách thì cần tìm ở đâu? Bởi vậy, năm 2021 ông có ý định tái bản một lần nữa, nhưng công việc chưa xong thì ông đã ra đi.

Trong thực tiễn, ông là người luôn chú ý đến các bài thơ có tứ lạ, sâu sắc, đa nghĩa, thậm chí “khó hiểu” và đã bình rất hay những bài thơ dạng này, như: “Căn hộ biển” của Hữu Thỉnh, “Đừng ngốc thế em” của Khuất Quang Thụy, “Mở nút đêm” của Ly Hoàng Ly...

Ông luôn cổ vũ cho thơ hiện đại cách tân được đăng trên báo hoặc trong các tác phẩm. Chúng tôi còn nhớ vài năm trước, khi Báo Văn Nghệ mạnh dạn đăng một loạt thơ cách tân của các cây bút trẻ, dù có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng ông cảm thấy rất vui mừng và nhiệt thành ủng hộ, vì ông coi đó là tín hiệu đáng mừng cho Thơ. Điều đó cho thấy, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tuy lớn tuổi nhưng không hề bảo thủ, ông luôn hướng tới những cái mới và ủng hộ những nhân tố mới.

 

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn thế giới
Nhà văn Lê Thanh Huệ sưu tầm và biên soạn.
Xem thêm
Viễn Phương và cảm xúc lãnh tụ
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Cuộc trò chuyện đầu năm giữa nhà văn Nguyễn Trọng Tân với bạn văn ở TPHCM
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của các tiểu thuyết Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm, Thiên mệnh, Thiên thu huyết hệ, Phù sa máu…
Xem thêm
Những người bây giờ như Oanh ít lắm, hiếm lắm
Cánh buồm thao thức trân trọng giới thiệu bài viết “Nghệ nhân Nhân dân - Thi sĩ Nguyễn Hồng Oanh về miền mây trắng” của nhà thơ Lê Quốc Hán.
Xem thêm
Cung thứ
Bài viết của Lê Thanh Huệ về nhà văn đa tài Nguyễn Thanh,
Xem thêm
Người nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Thanh (Nguyễn Tấn Thành) là người nghệ sĩ đa tài vì anh sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu luận phê bình, dịch thuật, âm nhạc, biên dịch,…
Xem thêm
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu
Phan Văn Trị (1830-1910) , nguyên quán huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau lên Gia Định học và đỗ Cử nhân nên gọi là Cử Trị.
Xem thêm
Vui buồn “chuyển thể”
Nguồn: Văn nghệ số 1+2/2024
Xem thêm
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa
Bài đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết của nhà thơ Vương Trọng.
Xem thêm
Châu La Việt - Những con đường xanh mãi mỗi trang văn
Nguồn: Bài của Phùng Văn Khai trên Thời báo Văn học - Nghệ thuật.
Xem thêm
Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật
Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực”
Xem thêm
Giai điệu núi sông
Bài viết công phu của nhà văn nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh về Văn Cao
Xem thêm
Dự báo của nhà văn Nguyễn Trường
Khả năng dự báo đúng được khoa học vật lý định nghĩa là khả năng nhớ tương lai của một vài người, nó không giống như khả năng nhớ quá khứ mà ai cũng có được.
Xem thêm
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình | Nguyễn Duy
Ông Tường đi rồi/ Thế là thoá/Thoát nghèo/Thoát khổ.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn văn của Bọ Lập
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa tạ thế hôm kia, ngày 24/7/23, thọ 87 tuổi. Vậy là ông về Trời theo vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sau nửa tuần trăng.
Xem thêm
Nhớ Thu Bồn || Bạn văn của Bọ Lập
Rút từ Bạn văn 2 của Nguyễn Quang Lập
Xem thêm