TIN TỨC
icon bar

Hoa hậu - điệp viên Thu Trang (Công Thị Nghĩa) - kỳ 1

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-16 07:12:10
mail facebook google pos stwis
3772 lượt xem

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) vốn được công chúng biết đến là tác giả của bộ tranh chân dung rất ấn tượng về các văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng. Bên cạnh vẽ tranh, ông cũng có nhiều bài viết sinh động về bạn bè giới văn nghệ và nhiều truyện ký hấp dẫn bởi nguồn tư liệu phong phú của một nhà báo từng trải. Cánh buồm thao thức xin trân trọng giới thiệu truyện ký (gồm 3 kỳ) về người đẹp Thu Trang, hoa hậu Sài Gòn đầu tiên, mà ông vừa gửi cho chúng tôi.

Truyện ký của Đinh Quang Tỉnh

KỲ I (3 kỳ)

Thu Trang - hoa hậu Sài Gòn đầu tiên, nữ điệp viên, nữ ký giả, nhà thơ, họa sỹ và là nữ Tiến sĩ Sử học, bà từng là thành viên Đoàn Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nguyên Tổng Thư ký Hội Khoa học xã hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp, tên đầy đủ của bà là Công Thị Nghĩa.

Tổ tiên bà Công Thị Nghĩa là Ông Nghĩa Đạt, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), đỗ Bảng nhãn khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức, đời Lê Thánh Tông (1475), làm quan đến Phó Đô Ngự sử, được cử đi xứ sang nhà Minh. Bảng nhãn Ông Nghĩa Đạt còn có công chiêu dân khai hoang, mở rộng làng ra khu vực giáp Quán La, thuộc thôn Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) hiện nay, Ông được dân làng thờ ở đình Quán La và hiện có bia trong Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Con cháu về sau có đến 9 người đỗ Hương cống, Cử nhân. Thời Tự Đức (1848 - 1883), vua ra chiếu đổi họ Ông thành họ Công.

Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình tiểu tư sản. Cha là công chức chính quyền thuộc địa, mẹ ở nhà làm nội trợ, dưới bà còn có hai người em, một trai và một gái. Thuở nhỏ bà đã tỏ ra là một cô bé thông minh, ham học và có tính tự lập, nên cha bà đã gửi bà vào học trường phổ thông công lập Pháp - Việt, bà học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Pháp. Bà học hết lớp Sơ Đẳng và thi được bằng Sơ Học Yếu Lược.

Năm 1942, khi bà Nghĩa tròn 10 tuổi, cha được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình bồng bế nhau theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn. Sau khi gia đình ổn định nơi ăn chốn ở, cha bà lại được làm việc tại Sài Gòn, nên bà được học hành như bao thiếu nữ con công chức cùng trang lứa, điều khác biệt bà là một cô bé thông minh, xinh đẹp sắc nước hương trời: Làn da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú với đôi lông mày cong vút, mắt buồn, môi mọng và sống mũi thẳng tắp, cốt cách của một quý cô Hà Nội giữa lòng bạn bè Sài Gòn.

Bà được dự tuyển lên bậc Cao Đẳng tiểu Học. Rồi học hệ chính quy theo chương trình đào tạo riêng của Pháp nên bà đã đọc thông viết thạo tiếng Pháp. Sau đó bà học thêm tiếng Anh, và bắt đầu làm việc như là một ký giả, dưới nhiều bút danh: Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...

Cuộc sống gia đình đang bình an, thì mẹ bà bị bệnh hiểm nghèo, đột ngột qua đời. Nhưng may mắn là Công Thị Nghĩa sống tự lập từ bé nên bà đã không quản ngại vật lộn với cuộc sống mưu sinh để vừa đi học, vừa có tiền phụ giúp cha nuôi các em ăn học, trưởng thành.

NHÀ BÁO VÀ ĐIỆP VIÊN

Thu Trang hoạt động trong phong trào Học sinh - sinh viên Sài Gòn ngay từ hồi mới 15 tuổi, nhưng hăng say và sôi nổi nhất phải nói đến những năm 1949 - 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, đây là thành phần quan trọng trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Ngay từ khi phong trào ra đời, họ đã có những đóng góp xuất sắc trong phong trào giải phóng dân tộc.

Tại Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não và là Thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, phong trào yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ, nổi bật là phong trào của học sinh, sinh viên. Hòa mình vào phong trào chung của quần chúng nhân dân, họ đã thể hiện vai trò vừa là “ngòi pháo” vừa là lực lượng “chủ công” trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh chính trị ở đô thị. Chính bộ phận này, với nhiều hình thức đấu tranh đa dạng, sáng tạo và linh hoạt đã trở thành lực lượng xung kích trong việc gây rối loạn nội bộ chính quyền Sài Gòn và từng bước làm thất bại âm mưu của Mỹ trong cuộc chiến tranh chia cắt đất nước ở Việt Nam lâu dài.

Ở tuổi 18, Thu Trang có mặt trong các cuộc biểu tình tranh đấu đòi quyền lợi cho học sinh, sinh viên. Vào ngày 9/01/1950, ở Sài Gòn đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh, sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu Thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt. 13 giờ ngày hôm đó, Chính phủ của Thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp phong trào biểu tình, đem vòi rồng phun nước và dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ. Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước lớn tiếng tố cáo tội ác của chúng, đồng thời che chở cho các em nhỏ ở phía sau. Trong lúc khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất, Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn vào bụng. Cùng với các nạn nhân khác, anh được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên đã qua đời vào 15 giờ 30 phút chiều cùng ngày, khi đó, Trần Văn Ơn mới chưa đầy 19 tuổi. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.

Với sự kiện lịch sử này, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hằng năm là “Ngày truyền thống học sinh - sinh viên”.

Chỉ 5 tháng sau sự kiện Trần Văn Ơn, ngày 5/5/1950, nhà cầm quyền thực dân ra lệnh giải thể các lớp cấp 3 Trường Phước Kiến (nay là trường Trần Bội Cơ ở phường 3, Quận 5). Trước làn sóng đấu tranh của phụ huynh và học sinh, địch huy động cảnh sát đến đàn áp, bắt đi 100 học sinh, trong đó người đứng đầu là nữ học sinh Trần Bội Cơ, chúng dùng đủ mọi cực hình để tra tấn, hòng trấn áp tinh thần Trần Bội Cơ. Nhưng mọi thủ đoạn của địch đều thất bại trước ý chí ngoan cường, dũng cảm của nữ học sinh trẻ tuổi mà kiên cường. Ngày 12/5/1950, Trần Bội Cơ đã anh dũng hy sinh sau một tuần bị địch tra tấn dã man. Cuộc mít tinh truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ được tổ chức trọng thể, lôi cuốn hàng ngàn người tham dự đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo các giới đồng bào và các học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trải qua những năm tháng thử thách cam go trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thu Trang được tuyên truyền tham gia Việt Minh, với vai trò là thành viên của tổ Điệp báo hoạt động trong nội thành Sài Gòn - Gia Định với bí danh: Tư Nghĩa.

Tình hình chính trị lúc bấy giờ, ở miền Bắc, chiến dịch Tây Bắc (từ 14/10/1952 đến 10/12/1952) là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên hướng Tây Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng đối phương, giải phóng một bộ phận đất đai, làm thất bại ý đồ của thực dân Pháp trong việc lập "Xứ Thái tự trị". Năm 1952, tình hình nước Pháp rất rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3 năm 1952, nội các Pháp sụp đổ liên tiếp 3 lần. Tình hình chiến trường Đông Dương vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ Lâm thời. Tờ tuần báo Hành động (L’Action) số ra ngày 02/4/1952, ký giả Pháp Henri Clau viết: "Dư luận lên án Chính phủ Pháp đang theo đuổi cuộc chiến không lối thoát ở Đông Dương, nhân dân Pháp bất bình vì tình trạng bắt lính kéo dài".

Trong những năm 1950 -1952, nhằm dập tắt các cuộc biểu tình ở khắp các đô thị miền Nam, thực dân Pháp và bè lũ tay sai ráo riết lùng sục, bắt bớ, đàn áp phong trào yêu nước và những người kháng chiến cũ. Điệp viên Thu Trang trong vai trò là một nhà báo, bằng sự nhanh nhạy và mưu trí của nghề nghiệp, lại được sở hữu gương mặt xinh đẹp, khả ái nên đã tiếp cận được nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, thu thập được nhiều tin tức quan trọng, nhiều lần Thu Trang được ra căn cứ cách mạng để trực tiếp báo cáo, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cao cho tổ chức, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trên giao.

Vào khoảng tháng 7/1952, Thu Trang vừa đem tin đến hộp thư của một cơ sở bí mật, trên đường trở về Sài Gòn, bà bị mật thám nghi ngờ và bắt giam tại bót Catinat (nay là sở VH,TT&DL TP.HCM), nơi đây được xem là “địa ngục trần gian”. Bọn an ninh, mật vụ đã dùng thủ đoạn tra tấn với đủ mọi cực hình man rợ về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở bà. Bất lực trước ý chí sắt đá của nhà báo yêu nước Thu Trang, địch quay sang dùng “chính sách dụ dỗ” hòng lay chuyển tinh thần của bà nhưng vẫn không có kết quả. Sau gần một năm giam cầm, cơ quan an ninh của địch hoàn toàn bất lực, chúng đành chuyển bà sang Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP. HCM) để tiếp tục tra xét. Trong suốt thời gian ở trại giam bà luôn được tổ chức cách mạng bí mật liên lạc qua cơ sở nằm vùng để động viên và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Thu Trang vững lòng tin tưởng vào cách mạng.

Thất bại trước sự trung kiên và gan dạ của những người thanh niên yêu nước. Trước sức ép của công luận, nhà cầm quyền Sài Gòn buộc phải đưa vụ án ra xét xử công khai vào tháng 6 năm 1953. Với sự vận động và bố trí của tổ chức cách mạng, đã mời được luật sư nổi tiếng Nguyễn Hữu Thọ đảm nhận việc tranh tụng, bảo vệ và giải thoát được cho ba nữ thanh niên yêu nước trong phiên tòa đó là: Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), nhà báo Đỗ Duy Liên và nhà báo Thu Trang (Công Thị Nghĩa). Với tài hùng biện và chứng lý thuyết phục của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phiên tòa thành công vang dội, các bà được tuyên trắng án và được tha bổng ngay tại tòa. Trong giới học sinh, sinh viên lúc bấy giờ truyền tụng nhau về vụ án “Ba bông hồng vàng” nổi tiếng này, bởi cả ba người con gái đều thông minh, xinh đẹp và bất khuất, kiên trung.

Phiên tòa đã trở thành một cơ duyên để nhà báo Thu Trang làm quen và kết thân được với hai người chị hơn mình cả về tuổi đời lẫn thời gian tham gia cách mạng, đã giúp bà hiểu thêm về cách mạng, về Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu. Tiếp thêm sức mạnh cho Thu Trang tin tưởng vào cuộc dấn thân đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và thống nhất đất nước.

Nói thêm đôi nét về thân thế và cuộc đời hoạt động của hai nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình) và nhà báo Đỗ Duy Liên, những người đã tuyên truyền và dìu dắt nhà báo Thu Trang vững bước trên con đường đấu tranh cho lý tưởng hòa bình và giải phóng dân tộc;

Bà Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), sinh năm 1927, tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Nguyên quán ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ bà là Phan Thị Châu Lan (tục gọi là cô Mè), con gái thứ hai của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Bà Nguyễn Thị Châu Sa được gia đình cho ăn học tại trường Lycée Sisowath ở thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia. Là ngôi trường nổi tiếng Đông Dương thời Pháp thuộc. Bà được học tiếng Pháp cho hết tú tài I, bà luôn là một học sinh toàn diện, xuất sắc về nhiều mặt. Năm 1944, lúc bà mới 17 tuổi, mẹ bị bạo bệnh qua đời, bà theo gia đình trở về nước và bắt đầu tham gia các hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên, như: cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Cuối năm 1945, sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, cha bà ra chiến khu, còn bà ở lại để chăm sóc các em, vừa hoạt động bí mật cho phong trào Việt Minh khối học sinh, sinh viên, và phụ nữ, lấy bí danh là Yến Sa. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và tra khảo tại bót Catinat, sau đó giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi Khám Chí Hòa (1951 - 1953). Ra tù, bà tham gia phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Genève. Đến năm 1955, bà được ra Bắc tập kết để đào tạo theo chương trình bồi dưỡng cán bộ đặc biệt. Bà trở thành nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

Sau sự kiện 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà vinh dự được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá X. Tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Đỗ Duy Liên sinh tại Thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây (nay là Thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội). Bà theo cha sống và đi học ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Cha là bác sĩ thú y. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, với tấm lòng của một trí thức yêu nước được giác ngộ cách mạng, ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn hành nghề y để sinh sống.

Bà Đỗ Duy Liên là một người phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu, dịu dàng và năng nổ trong mọi công việc. Trong kháng chiến chống Pháp, bà cùng hoạt động với bà Nguyễn Thị Bình, Lê Thị Riêng, Uyển Thanh (Hai Thanh) và nhiều lãnh đạo phụ nữ miền Nam. Bà bị địch bắt lần thứ nhất vào năm 1952 đến tháng 6 năm 1953 bà ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng phụ trách công tác tuyên huấn.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập ngày 20/12/1960, bà được giao nhiệm vụ Tổng Biên tập tờ báo "Cờ Giải phóng" - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Thành phố Sài Gòn. Năm 1967, bà bị địch bắt lần thứ hai, chúng tra tấn hết sức dã man, tàn bạo, tẩm xăng đốt hai bàn tay bà như hai ngọn đuốc, hình ảnh đó đã được tái hiện trong vai chị Vân, phim Nổi gió của đạo diễn NSND. Huy Thành, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1966. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về Chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Phim đã giành được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất.

Năm 1968, bà ra tù và được bí mật chuyển ra miền Bắc Xã hội chủ nghĩa để chữa bệnh rồi tham gia Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Hội nghị Paris. Sau giải phóng, bà là Thành ủy viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách khối: Báo chí, văn hoá, xã hội, y tế, thương binh…

(*) Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu tham khảo: Sách “Một thời để nhớ”, Hồi ký của bà Thu Trang; Tư liệu phỏng vấn của Hoàng Phước đăng trên “Kịch Ảnh” năm 1957 và một số tư liệu của đồng nghiệp.

(Mời đón xem Kỳ II)

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Bài viết của Kiều Bích Hậu về quán ăn từ thiện Mãn Tự chay
Xem thêm
“Hoa đào năm ấy” và chùm thơ Lạng Sơn tháng 2/1979 của Nguyễn Duy
Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng! / lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
Xem thêm