TIN TỨC
icon bar

Những tay chơi Hà Thành

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-29 17:33:41
mail facebook google pos stwis
3206 lượt xem

HUỆ HƯƠNG HOÀNG

Thỉnh thoảng tôi ra Hà Nội, lại gọi cho Phạm Loan - nguyên phó tổng biên tập báo Người Hà Nội. Loan là gái Hà Nội gốc, chỉ sau tôi 1 tuổi, là bà hưu trí rồi nhưng làn da còn trắng mịn, không nếp nhăn, đúng là làn da của con gái Hà thành. Tính nhu mì hiền lành, nết ăn chơi cũng hiền hiền như vậy. Thỉnh thoảng cô ấy lại đề nghị tôi ngồi sau chiếc xe tay ga của cô, để cô chở ra tít tận hồ Tây. Tôi ngồi sau Loan, ôm tấm lưng đậm đà của cô, rồi hai đứa vèo xe quanh hồ đủ một vòng. Sau đó tìm một quán cà phê, nhâm nhi, ngắm mây nước mênh mang. Có hôm tìm quán phở ăn xong, lại tìm ra hồ sen, ngồi tận chiều mới ra về. Loan nói: Tớ từ nhỏ đã biết Hồ tây, suốt ngày ngắm Hồ Tây mà chả bao giờ chán.

Hôm trước tôi có nói với cô, muốn lướt sông Hồng một bữa. Chiều hôm qua cô gọi lại nói, cô có người bạn họa sĩ, bạn của bác ấy có thuyền sẵn sàng cho chúng ta thưởng thức sóng sông Hồng. Vậy là đi.

Chúng tôi đến 90 Lê Văn Hưu lúc 2 giờ chiều. Vào quán cà phê ngồi chờ khoảng 30 phút thì một bác cao lênh khênh, râu bạc phơ tóc cũng bạc phơ túm đuôi bước vào. Tôi bật cười, biết ngay là ông họa sĩ bạn Loan. Bác nói: Giờ ta đi xem triển lãm ở Giảng Võ nhé. Triển lãm về thơ Hồ Xuân Hương hay lắm. Cũng là để bớt nắng. Loan thì hăm hở muốn ra sông ngay, nhưng tôi lại đồng tình. Vì cô cháu Tô Ngạn vốn là họa sĩ trẻ, đây là một dịp cho nó học hỏi.

Bốn anh em bác cháu lên đường đến khu triển lãm. Tôi ngồi sau bé Tô Ngạn, nhìn ông họa sĩ mà không khỏi mỉm cười: ông chả thèm đội mũ, phi như bay giữa đường phố Hà Nội đông đúc nắng nôi.

Đến nơi thì triển lãm Hồ Xuân Hương nghe nói đã bị an ninh văn hóa bắt dỡ vì lý do “dung tục hóa bà chúa thơ Nôm”. Lý do này khiến tôi thêm tiếc rẻ vì đoán chắc là họa sĩ phải phiêu lắm thì mới đụng sự với an ninh văn hóa. Nghĩ thầm “Ông họa sĩ này nên kết nối với dân họ Hồ, bữa nào vào triển lãm ở làng Đôi một chuyến”. Tuy vậy, chúng tôi cũng chụp được mấy bức ảnh đẹp. Đặc biệt chẳng hiểu sao lại có một bức vẽ cái loa phường, đang là “nhân vật” chính của nhiều stt trên Fb hiện nay.

Theo ý kiến của họa sĩ Trung Việt (bác vẫn ngại nắng), ba cô cháu chị em sang cửa hàng kem Tràng tiền. Đúng là “Hương vị của thời gian”. Cái kem que ngọt ngào mát rượi trên lưỡi và những đoàn người vào ra, đứng ngồi xung quanh tường nhà. phía sau là những bức tranh tường rất đẹp gợi tôi nhớ một Hà Nội bao cấp nhưng vẫn còn trong trẻo ngây ngô xưa.

Rồi cuối cùng ông họa sĩ cũng chịu ra bến sông. Chúng tôi chỉ việc đi theo ông. Quanh co ngoắt ngoéo một lúc thì đến một dãy phố. Ông dừng lại trước một ngôi nhà mái tôn, phía trên có đề: BẾN THỦY SÔNG HỒNG. Mua một ít bia và đồ nhắm, chúng tôi bước vào ngôi nhà. Tôi ngỡ ngàng: hóa ra đây là cái cổng đi ra sông. Và cái khu phố sầm uất này thực ra chỉ là một dãy phố mỏng manh, ngay sau dãy quán xá ken kín là bờ sông Hồng dốc đứng và dòng nước bao la miên man chảy.

Bác bảo vệ ngồi bên bàn. Biếu bác lon bia mà bác không chịu nhận, chúng tôi bước xuống cái cầu thang bằng sắt dài chừng gần ba chục mét. Tôi tự hỏi: cái cầu thang sắt nâu xỉn này đã bao nhiêu tuổi rồi vậy? Hết cầu thang sắt lại đến một cái cầu tàu cũng bằng sắt, dẫn ra một con thuyền du lịch vẻ cồng kềnh. Một chị tuổi trung niên nhưng khuôn mặt còn rất tươi đang rửa rau dưới sông. Chị cười nói với chúng tôi một câu giọng Nghệ: “các anh chị đi lên thuyền của ai?” Tôi hỏi: Chị làm gì ở đây? Tôi trước nấu cơm trên tàu. Giờ lớn tuổi rổi không nấu nữa, trồng rau bờ sông bán. Họa sĩ nói: “gái Nghệ đẹp ha”. Khoát tay một vòng để chỉ cả khúc sông, anh nói:

Cái bến sông này không mấy ai biết đâu. Người ta cứ đi lại hàng ngày trên phố nhưng không biết phía sau có một cái bến sông như này.

Họa sĩ dẫn chúng tôi đi men theo bờ sông.

Con đường ven sông quá chật hẹp, lại nghiêng nghiêng lồi lõm đất thịt, len lỏi giữa một bên là bờ sông dốc đứng, cây cỏ mọc chen chúc nào chuối nào rau muống, nhiều nhất là lá lốt, một bên là dòng nước đỏ au phù sa. Lỡ trượt chân cái là chưa biết đến đâu. Thỉnh thoảng, những dòng nước chảy ri rỉ từ trong cái bờ kè bằng những bao đất trắng, làm con đường đôi chỗ ướt át khiến tôi thấy gai gai. Tôi nói:

Anh Việt à. Con đường này có vẻ bẩn bẩn nhỉ?

Không đâu. Em cứ đi đi, sẽ thấy nó cực kỳ sạch. Anh nói.

Và quả thật, sau đó vì phải trở ra để lấy mấy thứ quên trên xe máy, mà tôi có dịp chiêm nghiệm thấy, con đường nhìn vậy chứ rất sạch. Kể cả mấy cái thanh sắt to đùng đoàng ngã lỏng chỏng vắt ngang đường khiến chúng tôi phải chui qua cũng rất sạch.

Đi chừng vài trăm mét, chúng tôi nhìn thấy một con thuyền nhỏ và một cái ‘xà lan” nhỏ kèm bên. Trên thuyền, một người đàn ông đang lúi húi sửa chữa dưới lòng thuyền. Anh đứng dậy tươi cười mời chúng tôi lên. Một anh chàng đẹp trai khác cầm tay giúp tôi bước qua cái cầu bằng tre bập bềnh trên mấy cái thùng phi. Rồi anh chào về luôn:

Em chào các bác nhé. Vườn của em có đủ: ngô, rau muống, rau khoai... Đặc biệt lá lốt, bác nào thích ăn món lá lốt cuốn thịt thì cứ hái về nhà nhé.

Anh chủ thuyền được anh Việt giới thiệu là anh Trường nói:

Cậu ấy là doanh nghiệp. Cứ chiều chiều thì ra đây trồng cây, thư giãn thay thể dục.

Tôi nhìn con đường. Nó chui giữa những mảnh vườn con xanh mướt, dẫn ra xa tít tắp nơi những cái trụ bê tông đồ sộ nhô ra giữa dòng, nguyên xưa là cầu cảng của Pháp xây dựng. Cái bờ rào bằng nứa kẻ những đường trắng trên nền xanh của cây lá trông như một bức họa.

Giữa “xà lan” có một bộ bàn ghế salon. Chúng tôi ngồi vào bàn. Khi đó tôi mới được biết là chiều nay sẽ không được đi thuyền mà chỉ được… ngồi thuyền. Anh Trường nói giọng áy náy:

Các bạn thông cảm nhé. Vì cái anh họa sĩ này không báo trước nên anh đã cho mượn thuyền mất rồi. Mấy thằng em mượn để chở một anh Tây đi khảo sát bờ sông Hồng. Chốc nữa họ đến lấy. Hẹn các em hôm sau nhé.

Tôi nhìn dòng sông mênh mông chảy cuồn cuộn. Nhìn bờ sông bên này cao vút, cây cối um tùm rậm rạp, bờ sông bên kia bãi đồng bát ngát, phía trước cầu Nhật Tân hùng vĩ bắc ngang chân trời rạng rỡ hoàng hôn, dưới chân nước chảy dạt dào và cái ghế mây tôi đang ngồi cứ bồng bềnh lắc lư. Cảm thấy vô cùng hưng phấn, tôi nói:

Không không sao anh ơi. Chỉ cần ngồi trên thuyền như thế này là chúng em cũng cảm thấy sung sướng lắm rồi.

Chúng tôi mở bia chúc tụng nhau. Một lát sau anh doanh nghiệp lại quay lại. Hỏi han nhau mấy câu thì hóa ra cả ba anh em đều là lính từng tham gia chiến trường biên giới phía bắc. Những câu chuyện sôi nổi về kỷ niệm chiến trường, về thời bao cấp nở như ngô bung. Anh Trường chạy sang con thuyền buồm mở cái đài. Tiếng Minh Quân thì thào:…ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than… Anh cười mỉm, nói nhỏ nhỏ trong miệng: sông Hồng thì cả ngàn năm sau vẫn thở than thôi.

Câu chuyện chuyển sang phong thủy địa lý. Anh Trường lại nói:

Đất Hà Nội là long chầu hổ tụ nhé. Nên các triều vua mà chọn nơi khác làm kinh đô là chả bền được. Kinh đô Việt Nam không thể khác là Hà Nội.

Tôi hỏi:

Anh Trường ơi. Anh mua con thuyền này từ khi nào?

Anh chỉ con thuyền nhỏ bên cạnh, kể:

Cách đây ba năm, anh thường xuống sông bơi lội rồi quen với một cậu vạn chài. Con thuyền nhỏ này là của nó. Nó vẫn lái đi đánh cá hàng ngày. Anh thích con thuyền lắm, gạ nó bán nó không bán. Cho đến một hôm, có người cho nó con thuyền cũ, thế là nó bán cho anh con thuyền này. Nó sửa lại con thuyền kia để hành nghề. Còn phần anh, anh bảo: cái gì trên thuyền mà mày thích, mày cứ cầm hết đi. Để lại con thuyền và cái động cơ cho anh là được. Thế rồi, với con thuyền chỉ có cái động cơ và một cái mái trên đầu, anh đã đi ngược dòng lên tận Sơn la. Đến khúc sông có thủy điện Sơn La, anh phải thuê một chiếc xe cẩu chở thuyền lên trên lòng hồ, rồi lại đi tiếp.

Ủa. Anh đi đâu vậy ạ?

Anh đi tìm xem có ai biết về thuyền buồm không.

Vậy anh đi hết bao nhiêu ngày để lên tới Sơn La?

Anh đi hết 10 ngày mới lên tới Sơn la. Không tìm được một ai biết về thuyền buồm cả. Anh lại quay về. Xuôi mãi tận Hà Nam thì tìm được một người biết về kỹ thuật làm thuyền buồm. Tiếp thu được một ít từ ông ấy, anh còn phải học hỏi thêm trên mạng. Thế là con thuyền này trở thành thuyền buồm như các bạn thấy. Nhìn nó thế thôi, chứ căng buồm lên là oai lắm đấy.

Tôi nói:

Ừ nhỉ. Nghe anh nói thì em mới sực nhớ ra là đã lâu lắm không nhìn thấy chiếc thuyền buồm nào. Giờ toàn tàu thuyền chạy bằng động cơ điện. Làm thuyền buồm khó vậy ha anh?

Ừ. Thuyền buồm rất khó làm. Lái nó cũng khó. Nhưng nó giúp tiết kiệm xăng rất nhiều. Thuyền buồm cũng có thể đi ngược chiều gió.

Tôi cười:

Có lẽ trên buồm có gắn cờ đỏ sao vàng ha?

Có chứ. Anh cho khoét một khoảng rồi gắn vào đó là cờ đỏ sao vàng thêu. Bữa nào cho các em đi, anh căng buồm cho mà thấy. Rực rỡ lắm.

Tôi ngắm con thuyền: cái cột buồm cao với những dây buồm chằng chéo. Một lá buồm trắng toát cuộn vào cột buồm. Như trong phim.

Rít điếu thuốc lá, anh nói tiếp:

Anh cứ trang bị dần cho con thuyền. Các em nhìn thấy cái máy phát điện kia, cổ xưa lắm đấy. Dưới lòng thuyền có đủ cho những chuyến dài hơi nhé, Trên đỉnh cái mái thuyền kia, anh bắt một cái flycam. Mỗi khi thuyền đi là nó quay. Nên mỗi chặng đường của con thuyền đều được ghi lại.

Loan hỏi:

Anh ơi. Thế anh lấy gì để nuôi con thuyền này, cùng với những chuyến đi của anh?

Anh là dân trên phố này. Nhà anh ở đây đã nhiều đời lắm rồi. Đi bộ đội một chặp, rồi chuyển nghề y. Về hưu, anh mở cái phòng khám. Nên cũng có đồng ra đồng vào. Lúc đầu chỉ có mỗi cái thuyền buồm thôi. Sau anh làm thêm cái xà lan này kèm một bên để đi cho an toàn, cũng rộng rãi diện tích.

Tôi ố ra:

Hóa ra không phải anh sắm thuyền để làm du lịch sao?

Không. Anh chỉ làm vì thú vui thôi. Rồi thỉnh thoảng cho bạn bè mượn.

Họa sĩ Trung Việt chỉ vào anh:

Nhìn kìa. Như lim ngâm nước trăm năm. Không thể nào mối mọt được.

Tôi nhìn anh: mái tóc hoa râm dài bao quanh gương mặt đỏ ong. Lồng ngực để trần vồng lên cũng đỏ ong. Hai cánh tay cuồn cuộn cơ bắp. Một tay chơi sông nước đích thực. Bên cạnh anh là Họa sĩ Trung Việt cao lêu đêu, tóc bạc túm sau ót, lãng đãng đọc bài thơ của chính mình:

Mùa thu ngang qua tôi từng cơn gió lạ

Mùa đông ngang qua tôi nồng nàn hơi ấm

Mùa hạ qua tôi những đôi bàn chân xinh

Còn có nơi nào mà tôi chưa đi…

Còn có nơi nào mà tôi chưa qua…

là nơi đáy tim em, là nơi đáy tim em.

Đọc thơ xong, anh chỉ mấy cái ụ bê tông ở bên bờ, nói:

Mấy cái cầu cảng từ thời Pháp thuộc giờ vẫn sừng sững chả suy suyển. Các bạn nhìn đằng kia, trên cầu Nhật Tân có thấy hai cái cần cẩu không? Người ta đang chuẩn bị làm thêm một nhịp cầu nữa.

Tôi nhìn ra trước: phía sau cầu Nhật Tân là cầu Chương Dương. Quay lại phía sau, một cái cầu khác cũng lừng lững bắc ngang trời chiều: cầu Long Biên. Phía bên kia sông, nơi chân cầu Nhật Tân, một bãi cát trắng lố nhố người. Anh Việt nói:

Nhìn thế chứ cả mấy trăm người đấy. Họ ra tắm, ăn uống, xả hơi sau một ngày nóng nực vất vả.

Bỗng, một, rồi hai, rồi bốn năm cái động cơ rú lên cùng với sóng tung trắng xóa mặt nước: một đoàn thanh niên trên những chiếc mô tô nước lướt như bay. Anh Trường nói:

Loại hình ăn chơi này tốn kém lắm. Năm chục lít xăng cho một giờ phi đấy.

Tôi nhẩm tính: Xăng giờ giảm “cực sâu” cũng vẫn còn 30 ngàn/lít. Mấy cháu này chơi 1 giờ hết một triệu rưỡi. Rồi cười thầm: Mình tìm ra sông Hồng chiều nay là để tìm hiểu đời sống của những người dân chài sống bằng nghề thả lưới mò ngao. Lại được mục sở thị một lát cắt của cuộc sống những con nhà thượng lưu.

Hai anh bạn của anh Trường tới. Mấy con chó chạy theo sủa ran, nhảy theo cả lên thuyền vẫy đuôi xin ăn. Họ đến để lấy chiếc thuyền như đã hẹn. Nhờ đó tôi chụp được bức ảnh con thuyền đi một mình trên sông.

Mặt trời đã lặn từ khi nào. Sóng sông Hồng trở nên trầm lắng hơn. Chợt một đám rác lớn trôi qua. Trên đó hai cây chuối như hai anh em ruột mọc lên, đứng bên nhau vững chãi. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Đám rác lớn trôi trên mặt sông mang theo sự sống mơn mởn gợi tôi liên tưởng đến trái đất này đang trôi trong không gian. Mong manh quá đi.

Chúng tôi ra về. Một căn nhà phía ngay trên bến vừa mở cửa sau, một cái đầu thanh niên lóe ánh điện thò ra. Anh Việt nói nhỏ:

Những hộ dân này từ nơi khác đến đây thời bao cấp đấy. Gọi là nhảy dù. Bây giờ thành dân Hà Nội rồi.

Một buổi chiều ngắn thôi mà cảm thấy như mình đã sống thật nhiều.

Bài viết cùng tác giả:

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc nóp quê hương
Tùy bút của NGUYỄN THANH, Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Xem thêm
Thư pháp của thầy giáo Lê Nhân
Thầy giáo Lê Nhân dạy toán đã nhiều năm. Đã xác lập được uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, ít nhất ở địa phương. Con người đó về việc rèn nghề, khỏi cần bàn tới: chỉn chu, thấu đáo và chuyên sâu.
Xem thêm
Tử tế – Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Khi anh tỉnh dậy thì trời đã sáng hẳn. Anh gọi nàng nhưng không có ai trả lời. Anh gọi điện xuống lễ tân khách sạn thì được biết nàng đã đi từ tờ mờ sáng và tiền phòng nàng cũng đã thanh toán.
Xem thêm
Đừng quay lưng với những dòng sông
Bài đăng VietNamNet (Cuộc thi Chuyện của những dòng sông)
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 01/6/2024
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa - Truyện ngắn Nguyễn Xuân Vượng
Một câu chuyện xúc động về tình yêu thời chiến
Xem thêm
Nhớ bác sĩ khả kính
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Xem thêm
Sống mãi với hồn xuân
Tạp bút của Nguyễn Thanh
Xem thêm
Bềnh bồng chợ nổi thị trấn Cầm Thi
Miền đất mới phương Nam khu biệt ở vùng Tây Nam bộ với sông ngòi giăng mắc chằng chịt như một mảng lưới kênh rạch sông nước ngút ngàn.
Xem thêm
Con đường của Hạ - Truyện ngắn giải nhất của Phương Trà
Tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn”, nhà văn Phương Trà đã đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Con đường của Hạ”
Xem thêm
Đất nước mùa xuân || Tùy bút của Nguyễn Thanh
Hằng năm, không phải đợi đến hoa đào hoa mai đua nhau khoe sắc hay đàn chim én lũ lượt ríu rít bay về trong làn gió đông se lạnh, Nàng Xuân rực rỡ vẫn hiện diện bốn mùa trong trời đất như một biểu tượng cho tuổi thanh xuân sung mãn
Xem thêm
Mùa nước nổi quê tôi | Ký của Nguyễn Thanh
Đồng quê biển nước mênh mang/ Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng.
Xem thêm
Ám ảnh | Ký của LS Nguyễn Minh Tâm
Trích từ tập ký PHẬN NGƯỜI của Ls Nguyễn Minh Tâm
Xem thêm
Nhà không có đàn ông
Truyện ngắn của Đào Phương Lan
Xem thêm