TIN TỨC
icon bar

Hoàng Quỳnh Anh: Viết về bạn bè, nhưng anh lại nói đúng con người mình!

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-29 16:30:48
mail facebook google pos stwis
2941 lượt xem

BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG

HUỆ HƯƠNG HOÀNG (TS Hoàng Quỳnh Anh)

Tôi biết Nguyên Hùng mới 3 năm. Nhưng như người ta nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Một lần vô tình tôi nghe được bài hát Bến xưa. Mê quá. Truy tìm tung tích thì biết cả hai tác giả: tác giả nhạc Lê An Tuyên và tác giả lời Nguyên Hùng đều là người quê mình rồi thân thiết luôn.


Nguyên Hùng có gương mặt đẹp. Gặp là tôi yêu mến ngay anh thi sĩ người Nghệ, tốt nghiệp đại học rồi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Xa quê mấy chục năm, vẫn giữ cái giọng ồ ồ lên bổng xuống trầm ngộ ngộ của người vùng biển Nghi Lộc. Anh viết nhiều. Thơ anh có duyên với âm nhạc.

Đặc biệt những bài thơ của anh, kết hợp với chất nhạc mang âm hưởng dân ca ví giặm của nữ nhạc sĩ Lê An Tuyên thì đều trở nên say đắm lòng người. Anh đã có mấy tuyển thơ được xuất bản. Nhiều lần tôi định viết về thơ anh, nhưng lại thấy mỗi tập thơ anh ra đều có nhiều bạn văn chương đã viết rồi nên lại thôi. Hôm trước nhận được tập thơ 102 mảnh ghép văn nhân của anh, tôi tự nhủ: Tập thơ viết về bạn bè, nhưng lại nói đúng con người của Nguyên Hùng - hào hiệp, ấm áp và đôn hậu

Đọc một lượt hết cuốn thơ. 102 bài thơ, 102 gương mặt. Qua con mắt của thi sĩ Nguyên Hùng, các chân dung văn nghệ sĩ hiện lên, ai cũng thật đáng yêu đáng quý. Với những người mà tôi chưa gặp bao giờ, tôi không biết anh vẽ có đúng không. Nhưng với những người, vốn là bạn của tôi, thì tôi thấy anh vẽ rất tài. Cái tài nữa là anh lại dùng chính tên các tác phẩm của bạn để vẽ nên gương mặt của chính họ mà vẫn sắc nét, chân thực.

Như khi anh viết về Lê Bá Dương: “Trọn đời thủy chung cùng đồng đội/Ai mất ai còn đều mãi mãi ngàn năm/Thạch Hãn thanh bình sóng xao ngày anh tới/Hoa cỏ vỗ về sông xoa dịu nỗi đau hằn”. Chỉ 4 câu thơ này thôi, đủ để nói lên một Lê Bá Dương với bài thơ xuất thần nổi tiếng được khắc trên bờ sông Thạch Hãn, nói lên cái tình cảm thủy chung son sắt chỉ giữa những người lính từng vào sinh ra tử với nhau mới có, nói những hy sinh mà mãi mãi ngàn năm sông núi còn ghi, nói cả câu chuyện của người Cựu chiến binh thủy chung cho đến bây giờ, hàng năm cứ đến mùa tháng 7 này, là lại tổ chức cho đồng đội cũ về lại dòng sông Thạch Hãn để dâng những đóa hoa tươi thắm lên dòng sông đã lưu giữ tuổi hai mươi của bao người đồng đội. 

Anh viết về Lê An Tuyên bằng chính việc điểm danh những tác phẩm của chị: “Mấy chục mùa thu sang nơi xứ lạnh/Không một ngày không nhớ bến xưa/Tiếng mẹ ru nâng lời ca tung cánh/Tiếng biển bồng bềnh gợi thủa võng đưa” mà rất đúng với cái tâm hồn dào dạt của Lê An Tuyên. Cặp mắt đen như nước, tiếng cười giòn tan không che dấu được những cảm xúc sôi nổi thăng trầm. 

Thơ, nhạc và con người Nguyễn Trọng Tạo dù được rất nhiều nhà văn, nhà phê bình phân tích mổ xẻ. Mặc dù vậy, Nguyên Hùng đã nói không giống ai mà lại rất đúng con người đào hoa mà phong trần của ông: “Tình yêu như thể chiến hào/ Tên bay đạn lạc phía nào… cũng em”. Anh nhìn rất rõ con người tưởng phong trần lãng đãng, thường ngật ngà trong men rượu, trong cô đơn, mà lại rất nặng lòng với nước, với quê: “Rượu trăng nhắm với môi mềm/Cô đơn dốc đến cạn men nỗi buồn/Nặng lòng vận nước, quê hương/ Thơ đi cùng với con đường nhân dân”. Và cuối cùng, cái mà Nguyễn Trọng Tạo lưu lại trong dòng thời gian: “Bốn mùa khúc hát sông quê/Dạt dào tiếng sóng bùa mê gọi người…” 

Với ông chú Nhà thơ Nguyễn Duy Năng, Nguyên Hùng có cái thân thiết ấm áp của những người bạn với nhau. Hiểu nhau rất sâu xa, và rất hóm hỉnh khi vẽ ông chú: “Sóng vỗ mãi chẳng phút giây dịu lắng/ Những trang thơ ngấm tình- biển- lạt mềm” . Là anh đang nói về một ông chú tính tình lãng đãng, say thơ, ham yêu nhưng vẫn suốt đời sống phụ thuộc vào một bà vợ mạnh mẽ tảo tần. Rồi “Người kẻ biển tình như muối mặn/ Những cái bá vai lây cả sang thuyền”. Câu này hay tuyệt. Ông chú người kẻ biển của anh, sống hào hiệp nổi tiếng, nên được bạn bè rất yêu quý. Nhưng những cái bá vai lây cả sang thuyền. Nhà anh có phước thế, mới có được bà thím tốt tính, không nề hà chuyện phiền nhiễu của những ông bạn văn chương mỗi khi ông chồng nổi hứng đàn đúm, kể cả thời còn bao cấp đến tận bây giờ. 

Còn với Nguyễn Thị Phước, chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An, qua phác thảo của anh, là một người đàn bà cá tính, gai góc, nhưng tự trong sâu thẳm là nỗi cô đơn lạnh buốt, cùng với cái nhân hậu của một tâm hồn đa cảm của người văn: “Gió mùa đi qua nhức buốt những phận người/… / những trang văn khóc đàn bà con gái/ Cũng tự ru mình- người tìm mật nối đêm/ Đêm dứt từ khi nghe cây khóc trước thềm/ Người đau, thơ vẫn cho đồng thơm gió…” 

Cho Thạch Quỳ thì anh có hai câu rất hay: “Đợi em giáp tết tới giờ/ Anh thành bức tượng xanh mờ bụi xuân”. Là anh nói về bài thơ nổi tiếng của Thạch Quỳ: Đợi em ngày giáp tết với bốn câu thơ đã trở thành đỉnh của thơ tứ tuyệt: “Trời đã tết khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”. Bạn đọc nếu ai đã đọc và thưởng thức bài thơ này của Thạch Quỳ, sẽ nhất trí với tôi rằng hai câu thơ trên của Nguyên Hùng, tuy giản dị nhưng lại đã vẽ lên được cái thần của cả bài thơ này. 

Hay với Vương Trọng, anh nói đúng cái tài, cái tâm của ông: “Dừng chân bên mộ Nguyễn Du/Tiếng thơ đánh thức ưu tư quan quyền…/ Với Kiều như thể lương duyên/ từng câu từng chữ anh ngiền ngẫm yêu”.

Tôi cũng may mắn được anh cho 8 câu. Ngoại trừ việc được anh ưu ái khen ngợi hơi quá, thì tôi cho rằng anh cũng đọc đúng những thuộc tính con người tôi. Cho dù anh em thỉnh thoảng chỉ gặp nhau năm vài lần qua bàn tiệc.

Đó là về những bạn văn chương cũng là bạn của tôi. Còn với những bạn văn tôi không được quen biết, tôi cũng bắt gặp những nét “cọ” rất đáng thán phục: 

Chân dung Chu Lai là một bức chân dung tuyệt đẹp: “Nắng đồng bằng sạm da lính trận/Đêm tháng hai quầng mắt văn nhân/Chạm “thất thập” thấy cuộc đời dài lắm/ Bục vinh quang không chỉ một lần…/ Ở phố nhà binh mơ bến sông xa/Người không chịu ăn mày dĩ vãng/Cơn mưa đỏ thức mùa hoa thưa vắng/ Cho bãi bờ hoang lạnh … ấm trang văn” . Tôi chưa gặp Chu Lai bao giờ. Cũng ít đọc ông. Biết ông chủ yếu vì ông quá nổi tiếng. Nhưng đọc bài thơ này của Nguyên Hùng, tôi nhìn thấy một nhà văn quân đội, sâu sắc, phong trần và tài hoa. Thấy muốn yêu mến ông luôn. 

Cho Đỗ Xuân Thu, anh có hai câu thơ thật trìu mến: “Lần theo hương bưởi sông Lô/ Chiều không tắt nắng Chõe Bò đi đâu?” 
Cho nhà thơ nữ Huệ Triệu, anh có những câu thơ năm chữ thật tươi xanh, cho ta thấy một gương mặt nhà văn nữ lành hiền nhân hậu: “Bao mùa cây thay lá/Vẫn thức một miền xanh/ Tuổi thơ đằm bóng cọ/Miền trung du mát lành” và “Với học trò thương yêu/Với bạn văn: chân thật/Thơ Huệ lành như đất/ Gọi những mùa thảo thơm”.

Với một nhà văn Kao Sơn mà tôi không quen biết khác, tôi thấy một anh chàng có phần lập dị, khó gần nhưng có lẽ cũng đầy thú vị: “Trông sắc nhọn như xương rồng trên cát/Mà dẻo dai một ngọn bút chưa tà” và “Dù đã qua nhiều dòng sông thời con gái/Cuộc phiêu lưu nay chỉ mới bắt đầu/ Quán hoang tưởng lão ngồi giữ cái/ Xúc xắc tung lên xin làm chú sẻ nâu”.

Nhà thơ nữ Nguyễn Binh Hồng Cầu, tôi cho là đã rất may mắn có được bức chân dung bốn câu thôi, nhưng đầy gợi tình, gợi ý: “Trăm năm đau đáu ngọn nguồn/ Bóng mình nhặt mãi mà buồn chẳng thưa/ Xuyên ngày thức với miền xưa/ Ca dao một nửa vẫn chưa tìm về”. 

Nhà thơ nữ khác, Nguyễn Thị Mai lại có một bức chân dung, gợi lên cả một tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, thế hệ thời bao cấp, khó khăn gian khổ. Nhưng đâu có vì thế mà tuổi thơ bớt đi những ký ức mộng mơ? “Đợi người nghiêng bến sông trưa/Nhà không có bố nắng mưa mấy tầng/ Thời hoa gạo cháy đỏ sân/ Tuổi thơ thay bố tảo tần gót khuya”.

… Còn rất nhiều những bài thơ, câu thơ khác. Nếu tôi còn tiếp tục thì sẽ không thể nói gì khác hơn nữa ngoài nhắc lại những gì Nguyên Hùng đã nói. Tôi chỉ điểm qua một số bài thơ trong tập để thấy Nguyên Hùng đã thành công trong việc phác họa những chân dung của các bạn văn chương. 

Những bức chân dung như đã được vẽ bởi một người ra đề khó tính: hãy vẽ giống, đúng nhân vật, chỉ bởi một số sắc màu được quy định bởi chính nhân vật ấy (Kiểu như câu chuyện đi 7 bước một bài thơ vậy). Tưởng sẽ khó thành công. Vậy mà, đọc lên chúng ta đều thấy chúng lấp lánh như những ngọn lửa nồng ấm, hay như những con suối trong lành. 

Đặc tính thơ Nguyên Hùng giống như tính cách của anh: giản dị, hồn hậu. Và cũng bởi thế mà sâu sắc, ấm áp. Và ai nói rằng, cứ thơ thì nhất thiết phải màu mè khó hiểu? Chính tình cảm chân thành của Nguyên Hùng dành cho bạn văn chương đã trở thành chất thơ đích thực của những câu thơ giản dị. 

Có câu danh ngôn tôi đọc được ở đâu đó: Hãy đối xử với bạn bè của mình như đối xử với những bức tranh mà bạn yêu thích. Nguyên Hùng đã đỗi đãi với bạn bè theo cách đó. Đây cũng chính là điều mà không dễ ai có được, nhất là trong giới văn chương…

Vài dịp hội ngộ ở Cửa Lò.

Nguồn: Người Hà Nội.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm