- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
TRIỆU KIM LOAN
Tiến sỹ, nhà thơ Nguyên Hùng sinh ra ở vùng đất Cửa Lò, Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, hiện sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với chiều dài của trải nghiệm, độ chín của một người yêu văn chương, Nguyên Hùng đã cho ra mắt bạn đọc 6 tập thơ dầy dặn: Cánh buồm thao thức (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2007), Sóng không từ biển (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009), Bay về phía bão (Thơ, NXB Văn học, 2013), Dấu chân Lục Bát (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014), 102 mảnh ghép văn nhân (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017), 108 đoản khúc thơ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019) và hơn 100 bài thơ được phổ nhạc.
Tình yêu và biển cả là đề tài đẹp và phong phú trong nhiều loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội hoa, sân khấu, điện ảnh và đặc biệt là thơ ca. Tuy nhiên, đây là đề tài có tính truyền thống đã được các nhà thơ thành danh Việt Nam khai thác như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Biển (Xuân Diệu), Sóng (Xuân Quỳnh), Biển (Lâm Thị Mỹ Dạ), Biển, núi, em và sóng (Đỗ Trung Quân)…Vì thế, viết thơ tình yêu gắn với biển cả là một thử thách với người cầm bút. Nếu không bản lĩnh làm chủ ngòi bút của mình sẽ dẫm lại vết chân của người đi trước và tứ thơ mờ nhạt. Thơ ca, đặc biệt là thơ tình yêu phải là những hạt ngọc kết tinh của ngôn từ và những niềm riêng của người cầm bút. Nói như Tô Hoài: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa từ từ ngữ. Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống trang bản thảo. Hạt ngọc mới nhất của mình tìm được do phong cách riêng của mình mà có”.
Sinh ra từ vùng quê gắn với nắng gió mặn mòi của biển cả, Nguyên Hùng có hẳn hai tập thơ Cánh buồm thao thức, Sóng không từ biển và một loạt những bài thơ viết về tình yêu và biển như Biển và em, Biển chiều, Biển đắng, Cánh buồm tình ái, Biển dâng, Sóng ngầm, Hà Tiên…, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng bài Biển cạn:
Đã có lúc anh làm con thuyền rạn
Chở mùa trăng trên biển tím là em
Mải say trăng gặp sóng bị đánh chìm
Anh sống sót nhờ bất ngờ biển cạn.
Bài thơ chỉ vọn vẹn bốn dòng được viết theo thể thơ tám chữ hiện đại phóng khoáng, giàu chất tự sự, trữ tình như một câu chuyện nhỏ về tình yêu chứa đầy trắc ẩn. Câu mở đầu khai tứ thật tự nhiên: “Đã có lúc anh làm con thuyền rạn”. Thuyền và biển là thi liệu quen thuộc trong thơ ca truyền thống và đương đại. Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng gửi gắm tình yêu đằm thắm, da diết của mình qua bài “Thuyền và biển”: Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau- rạn vỡ” . Vẫn là con thuyền rong ruổi trên biển cả tình yêu và cuộc đời nhưng con thuyền tình ái không lành lặn mà đã bị rạn nứt. Chữ “rạn” được dùng ngay ở dòng đầu thật đắt bởi nó mở ra trường liên tưởng thú vị về hoàn cảnh ngặt nghèo của số phận: tình yêu bị tổn thương, hôn nhân bị rạn nứt hay cuộc sống đời thường xô đẩy với biết bao bão giông và trở ngại. Nhưng nhân vật trữ tình thật bản lĩnh, dũng cảm dùng con thuyền tình yêu mãnh liệt để chở mùa trăng trên biển cả biếc tím là em:
Chở mùa trăng trên biển tím là em
Câu thơ lãng mạn, đẹp đến nao lòng. Bỗng nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Thuyền ai chở bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?” (Đây thôn Vĩ Dạ). Hàn Mặc Tử hóa thân vào con thuyền khao khát chở ánh trăng tình yêu cho một lần gặp cuối trong dự cảm về sự chia lìa vĩnh viễn vì bạo bệnh. Hai chữ “mùa trăng” vừa gợi mùa trăng rằm tròn đầy viên mãn của thiên nhiên vừa là mùa hạnh phúc, mùa của uyên ương nồng say của tình yêu đôi lứa. Nhân vật trữ tình anh say sưa với tình yêu “biển tím là em”. Hình ảnh “biển tím” là một ẩn dụ khá đắt khiến câu thơ giàu thi ảnh vừa mang ý nghĩa khẳng định: dẫu cuộc đời có trải qua nhiều sóng gió nhưng tình yêu của anh dành cho em vẫn một lòng, một dạ son sắt, thủy chung. Trong chùm thơ viết về biển, Nguyên Hùng nhiều lần bộc lộ nỗi nhớ vời vợi về tình yêu: “Em xa rồi, còn mình anh với biển/ Với muôn trùng sóng nhớ gọi tên em” (Trên bãi biển đêm rằm), “Ngày không em ngỡ dài vô tận/ Anh vật vờ cháy ruột chờ mong/ Em trốn đâu ảo mờ nhân ảnh/ Nơi anh dâng biển đắng khôn cùng...” (Biển đắng).
Hai câu cuối bài là lời tự sự, chia sẻ về những biến động đầy sóng gió của cuộc đời:
Mải say trăng gặp sóng bị đánh chìm
Anh sống sót nhờ bất ngờ biển cạn.
Say trăng, say tình yêu đến mức ngờ nghệch, chủ quan. Con sóng từ đâu dội đến đánh chìm con thuyền bị rạn. Biển cả rộng dài chứa đựng biết bao hiểm nguy rình rập. Những con sóng ngầm dưới lòng đại dương có thể trồi lên, cướp đi sinh mạng của biết bao con người. Tứ thơ mở rộng biên độ gợi sự đa nghĩa về những thăng trầm của tình yêu gắn với cuộc đời của mỗi người. Trong bài Biển chiều, nhà thơ từng trải lòng: “Biển chiều một cánh buồm nâu/ Muôn vàn con sóng bạc đầu bủa vây”, “Biển đẹp nhường này, em trốn đâu?/ Gọi em đến khản tiếng còi tàu/ Phải em hóa sóng ngầm đáy biển/ Bất chợt xô anh đến bạc đầu?” (Sóng ngầm). Tình yêu đẹp là thế nhưng cũng thật mong manh, dễ vỡ. Thái Hải Yến từng băn khoăn: “Biển ơi em không hiểu/ Muối mặn tự bao giờ/ Sóng vỗ bờ lao xao/ Cuộc đời chòng chành quá”, Đỗ Trung Quân khẳng định: “Anh đã thấy một điều mong manh nhất / Là tình yêu, tình yêu ngát hương” và Xuân Quỳnh từng thổ lộ: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi”. Câu kết đúng là một cú hích tạo nên sự bất ngờ: “Anh sống sót nhờ bất ngờ biển cạn”. Cuộc sống, tình yêu, sự nghiệp luôn đứng trước may và rủi, thất bại và thành công, cơ hội và thách thức. Tôi thích dòng thơ này bởi sự đúc kết giản dị và chân thành. Biển như người Mẹ quê hương vị tha và rộng mở. Biển cũng là em hiền dịu, bao dung đến vô cùng. Biển luôn tạo sự bất ngờ cũng như trong tình yêu, luôn tồn tại những thăng trầm, thành - bại, đau khổ - hạnh phúc. Niềm tin vào tình yêu nồng cháy, thủy chung chính là nền tảng cho sự bền vững của tòa tháp tình yêu.
Bài thơ khép lại trong những dư âm của sóng biển, dư vị ngọt ngào, trắc ẩn của tình yêu và nụ cười hóm hỉnh của người cầm bút. Xuyên suốt bài thơ là chủ thể trữ tình nhập vai nhân vật trữ tình bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc, có giây phút hạnh phúc của chàng lãng tử say đắm với tình yêu, có lúc âu lo trước những nghiệt ngã của đời sống, có lúc bản lĩnh, tự tin và lạc quan về tình yêu của chính mình. Bài thơ ngắn gọn nhưng tứ thơ chặt chẽ, lời thơ dung dị, không làm xiếc câu chữ mà vẫn chuyển tải tinh tế thông điệp về tình yêu và cuộc sống. Hình ảnh thiên nhiên, con người được sắp xếp hài hòa, giàu chất họa, chất nhạc trong thể thơ tám chữ hiện đại phóng khoáng.
Trên hành trình nhọc nhằn của thi nghiệp, Nguyên Hùng vẫn cần mẫn và có trách nhiệm với từng con chữ để gieo trồng những nốt nhạc xanh cho nghệ thuật. Đây cũng chính là lí do vì sao các nhạc sĩ đã bén duyên với thơ anh để làm nên hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc được yêu thích. Hóa thân thành từng hạt cát li ti, từng con sóng biển vỗ về bờ bãi, cái chất mặn mòi của vùng quê đất Nghệ nhiều nhân kiệt đã thổi hồn cho thơ Nguyên Hùng ngọt ngào và lãng mạn như thế. Xin chúc mừng nhà thơ Nguyên Hùng với những thành công vừa gặt hái và mong đón đợi những đứa con tinh thần tiếp theo của anh.
TP. Hồ Chí Minh, 28/5/2023
TKL.
Bình luận