TIN TỨC
icon bar

Võ Minh, trong cơn lốc xoáy

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-07-21 18:14:34
mail facebook google pos stwis
153 lượt xem

TRƯƠNG VĂN DÂN

Thật cảm động khi nhận được quyển sách mà nhà văn Võ Minh gửi tặng. Nhìn quyển sách dày gần 500 trang, hơi ái ngại song tôi nghĩ là sẽ đọc để đáp lại chút tình tri ngộ của tác giả.

Tôi và anh Võ Minh là bạn trên facebook, thỉnh thoảng có giao lưu nhưng không nhiều, biết về nhau rất ít. Nhưng khi cầm trên tay cuốn Lốc xoáy, tôi biết từ bạn “ảo” chúng tôi đã thành bạn “thật”. Bằng tuổi nhau nhưng chúng tôi có hoàn cảnh và trải nghiệm Nam, Bắc khác nhau. Trong khi tôi học ở miền Nam và nhiều năm sống ở trời Âu thì anh khoác áo lính từ tuổi thanh xuân, trải qua nhiều trận ở chiến trường ác liệt và trở về khi là thương binh nặng… Sau khi rời quân ngũ, anh ra Hà Nội điều trị vết thương rồi thi vào học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Có lẽ điểm chung lớn nhất của chúng tôi đều là dân kỹ thuật nhưng gắn kết vì tình yêu văn chương, xem chữ nghĩa là máu thịt.

Tính đến nay, Võ Minh đã xuất bản 03 đầu sách: cuốn đầu là hồi ký Có một thời như thế (Nxb Thanh Niên, 2007), cuốn thứ hai là tập truyện ngắn Nghị quyết cây khế (Nxb Hội Nhà văn, 2014), cuốn thứ ba là tiểu thuyết Lốc xoáy (Nxb Phụ nữ 2022).

Lốc xoáy là tác phẩm viết về đề tài cải cách ruộng đất, về hợp tác xã nông nghiệp và các hệ lụy sâu xa như một vết thương âm ỉ trong lòng người. Tác giả như vẽ lại trước mắt ta cái thời mà xã hội bị cuốn vào tư duy máy móc, giáo điều và mê muội.

Ai cũng biết, đây là một đề tài không mới và cũng đã nhiều người viết, từ đấu tranh cho độc lập đến “cuộc cách mạng” vì tự do và cơm no, áo ấm. Trên lý thuyết là mang đến công bằng, nhưng thực tế là đi chệch hướng, có những kẻ mà cái “tôi” lớn như ông trời đã biến những sứ mệnh cao cả thành biển máu và nước mắt. Người dân không chỉ là những cái bóng mờ, cam chịu và ngoan ngoãn làm nạn nhân vì những tiếng gào của họ không có chút âm vang nào. Bởi kẻ điếc nặng nhất là kẻ chẳng thèm nghe.

Lốc xoáy viết về cái thời mà mạng người như cỏ rác: “Cả xã mà chỉ có bốn tên tử hình thôi ư? Thôi được! Hôm nay tôi cho đồng chí nợ! Nhưng sang đầu tháng sau phải có thêm một số tên địa chủ đưa ra xét xử tử hình nữa nhé!”. Đó là lời vàng ngọc của một cán bộ đội cải cách, “Đừng có chủ quan mà nghĩ: mình không có tội gì thì không sợ”. Không có tội thì gắn tội vào. Cái thời mà chánh án chỉ dừng xe đạp, không cần đọc báo cáo mà ký xoẹt một cái là hoàn tất bản án tử hình.

Vâng, Lốc xoáy là câu chuyện về một vùng quê nghèo, thanh bình bỗng cơn lốc ập đến như trận cuồng phong để mở màn cho cái ác lên ngôi. Nó “xoáy” đến đâu mọi thứ đều bị đánh sập, hủy diệt tình làng nghĩa xóm và biến con người thành ác thú. Lốc cuốn bay tất cả những gì lương thiện, phơi bày mọi ti tiện, tật xấu và lòng tham, người với người cư xử với nhau lươn lẹo và xảo trá tận cùng.

Sách vừa ra mắt không bao lâu thì đã có nhiều dư luận nên có thể nói là tác giả đã thành công. Tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, còn có buổi tọa đàm do Tạp chí Sông Lam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Chi hội Văn học Nghệ thuật địa phương đồng tổ chức. Kỷ yếu buổi tọa đàm đã tập hợp 13 bài viết của nhiều tác giả, chưa kể các bài viết trên báo Văn nghệ, Nghệ An Cuối tuần, tạp chí Sông Lam…).
Tác giả chia Lốc xoáy làm ba phần: “Trời long đất lở”; “Ma quỷ cõi người” và “Luật đời nhân quả”.

Nếu xét kỹ thì ta thấy 02 cơn lốc đầu nhiều người đã viết nhưng phần lớn đều là kể lể chuyện xưa còn cơn lốc thứ 03, xoáy trong thời hiện đại thường ít ai chạm đến. Có lẽ tính hiện thực đã tạo nên sự khác biệt của Lốc xoáy so với các tác phẩm trước, góp phần nâng giá trị tác phẩm và cuốn hút người đọc. Trong phần này, không gian truyện được mở rộng, nhiều tình tiết lấy từ thực tế và khép lại theo luật NHÂN QUẢ.

Có thể xem luật đời nhân quả là phần nối dài, là những trang viết về những tháng năm sau chiến tranh, thời “đổi mới” dè dặt chấp nhận kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực của nó. Nhân vật trong giai đoạn này thuộc thế hệ kế tiếp được lồng trong hoàn cảnh sống và tranh giành khốc liệt. Họ xem đồng tiền là sức mạnh nên làm mọi giá trị đạo đức đảo lộn, ai cũng mong làm giàu bằng mọi giá, sẵn sàng lừa lọc bạn bè hay thậm chí giết nhau bằng thủ đoạn.

Đoạn văn ngắn và thú vị sau đây chứng tỏ tác giả khá am hiểu môi trường kinh doanh. Công ty Tĩnh An xuất khống mực khô để có doanh thu xuất ảo làm nguồn vốn đối ứng nhằm (lừa) cơ quan chức năng cấp hạn ngạch xe máy để nhập về bán kiếm lời. Nhưng mực khô kiếm ở đâu mà xuất với số lượng lớn? Mưu kế là đây: “Cứ sau mỗi lần hàng xuất sang Lào, Láng lại thuê người bản địa xuyên rừng vượt qua biên giới chuyển từng thùng mực khô quay ngược về Việt Nam. Sau đó anh gom hết số mực này, chuyển đến cửa khẩu để xuất sang Lào lần nữa, dù không bán cho ai nhưng để có hóa đơn của đối tác nhập hàng. Lãng chỉ cần biếu một ít tiền cho các ông chủ người Lào là có tất, để về bịt mắt các cơ quan chức năng trong nước.

Trong phần 2 – “Ma quỷ cõi người”, Lốc xoáy cho ta thấy sự bất công khi bọn lưu manh có quyền xét lý lịch. Nó không chỉ xảy ra ở miền Bắc mà sau năm 1975 cũng phổ biến ở miền Nam. Hãy nghe lời ông bí thư: “À, mày là thằng Tạo, tao biết rồi! Mày đến đây để hỏi về cái giấy báo nhập học ở Trường Bách khoa Hà Nội chứ gì? Chúng tao đã nhận được từ mấy tuần nay nhưng chuyện được đi học chỉ ưu tiên cho con em giai cấp bần nông thôi nhá!… Còn loại như mầy, con cháu địa chủ bóc lột được ở nhà làm ruộng là may lắm rồi. Mày học nhiều chữ hơn tao thì càng biết chứ! Nhà nước, chính quyền này là của chúng tao… Thôi mày về đi! Đừng có lên đây quấy rối nữa!

Ở một chương khác, tác giả còn lột tả hết bản chất giả dối, tàn bạo, trâng tráo của bọn lưu manh tiểu nhân đắc ý khi có chút quyền hành. Đây là đoạn đối thoại của đội trưởng đội cải cách ruộng đất và đàn em khi chuẩn bị kết án tử bốn tên địa chủ: “Ngoài việc phải tiên phong có mặt sớm nhất vào sáng mai… các đồng chí còn có nhiệm vụ tối quan trọng nữa là xâm nhập đến quần chúng để phát động họ tố giác, đấu tố tội ác. Thấy ai đứng ì không đấu tố được thì phải đem những tờ giấy đã viết sẵn nhét vào tay họ để cầm lên mà đọc. Nếu ai không biết chữ thì các đồng chí phải đứng nhắc lời cho họ. Nói với họ rằng, tất cả những quả thực thu được trong các nhà địa chủ đang để ở đây, sẽ chia theo từng mức, tùy thuộc vào sự hăng hái, tích cực và số lần họ tham gia đấu tố những tên địa chủ này…”

Một bức tranh đen tối và hãi hùng làm người đọc có cảm giác nặng nề và u ám nhưng đan xen với những tình tiết khốc liệt ấy Võ Minh đã tinh tế đưa vào những chuyện kể như một scene bi hài để giảm độ “căng” của tình tiết:
Trong cuộc họp của đảng ủy xét xử con mụ “Lan rượu” không chồng mà chửa:
– “Cô kia, đã ăn nằm với ai mà để tòi ra cái bụng này. Ông Bí thư Đảng ủy kiên trì thúc ép mụ khai ra thủ phạm.
Mụ Lan vẫn bỏm bẻm nhai trầu, khinh khỉnh nhìn cái lũ đạo đức giả, ngày nào cũng thậm thà thậm thụt mò đến nhà mụ, lấy cớ mua rượu để nịnh nọt, tán tỉnh… xin được ăn nằm với mụ. Sau khi “xơi” được còn khen mụ hết lời “thế mới là đàn bà!” rồi tặng quà cảm tạ.
Khi ấy lũ đàn ông cúi gầm mặt, tâm thần bấn loạn.
Bỗng một lão vớ tay cầm chiếc điếu cày, châm thuốc vào nõ, rít rèn rẹt một hơi dài, phun khói bay mù mịt như để che cái nhìn sắc lẹm của mụ Lan. Rồi 5,6 thằng đàn ông khác cũng thay nhau ôm chiếc điếu vào người. Đợi khói tan, mụ Lan nghẻo đầu sang một bên phun miếng bã trầu đỏ choét vào chân tường:
– Thưa ông bí thư xã, tôi đã nói là không thể biết được ai là cha đứa con trong bụng này mà ông cứ tra hỏi mãi. Liếc mắt nhìn cánh đàn ông chuyền tay nhau rít thuốc, mụ nhếch mép cười nhạt rồi tiếp: các ông có biết không? Thực ra cái của tôi cũng như cái điếu cày ủy ban mà các ông đang hút đó thôi…
– Ơ! con này láo! Mày dám ví cái của mày như cái điếu cày của chúng tao à?
– Dạ.. tôi đâu dám vô lễ. Đây là tôi nói cái điếu cày là của chung. Từ sáng đến giờ ai cũng cho cái mồm của mình vào cái ống điếu chung để rít… ”
Đọc đoạn này chắc không ai nhịn được cười. Nó bất ngờ vỡ ra để giải thoát những căng thẳng. Tác giả như một họa sĩ tài hoa, kéo một nét màu xanh dương dịu mát vắt ngang qua bức tranh toàn màu đen nâu u ám.

Cầm trên tay quyển sách tôi tự hỏi, anh đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành? Nhưng mất bao lâu chắc cũng không quan trọng vì theo tôi, anh viết để giải thoát khỏi những ám ảnh quá khứ. Chắc chắn, những trải nghiệm tuổi thơ đau đớn và ê chề ở cái làng quê Lộc Thọ cùng những điều đã nghe hay chứng kiến đã hằn sâu vào tâm hồn nhạy cảm xưa nay luôn âm ỉ nhói đau mà anh cần loại bỏ.

Bị thương trong chiến trận, trở về với đời thường, anh tiếp tục học để trở thành một kỹ sư giỏi và có tài, nhưng anh không chọn con đường tiến thân để làm kinh tế mà chỉ cặm cụi viết. Tôi quý anh vì lẽ đó và biết Võ Minh viết trước hết là cho mình, những câu chữ của anh giống như những giọt nước mắt nhỏ xuống cho những phận người, cho những bạn bè hay cho làng xã quê hương rách nát của anh.

Anh viết như một liều thuốc giảm đau để khỏi phải nổ tung vì phẫn uất, đau buồn. Có lẽ nhờ thế mà những trang viết của anh vừa thực vừa thấm thía với những tình tiết phũ phàng. Văn Võ Minh tuy nhẹ nhàng song không hề khoan nhượng. Cũng có lúc không kìm được phẫn nộ, anh gọi bọn lưu manh là ma quỷ đội lốt người.

Đọc xong Lốc xoáy, tôi nghĩ đó là tác phẩm tâm huyết của Võ Minh. Nó cuốn hút độc giả bởi tính chân thực, góc nhìn riêng, khác với những gì thường gặp khi đọc về cải cách ruộng đất. Anh viết để phản ảnh những bất toàn và tố cáo những bất công trong xã hội. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng đối với một người cầm bút và cũng là thước đo nhân cách của người trí thức.

Sau Lốc xoáy, tôi tin rằng nhà văn Võ Minh sẽ còn viết tiếp. Những cơn lốc trong lòng anh sẽ còn xoáy sâu hơn nữa. Tôi mong rằng, anh sẽ viết về đời sống mới quay cuồng, về những phận người lạc lõng, mở mắt không thấy tương lai, có thể vì họ không thích ứng kịp với vòng quay điên cuồng của thời đại hay do gánh nặng quá khứ còn nằm sâu trong tim óc.

Tôi và độc giả sẽ chờ những tác phẩm mới của anh!

Nguồn: Tạp chí Sông Lam

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông
Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh.
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Tiếng sáo của chàng trai chăn dê năm ấy
Về cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách
Xem thêm