TIN TỨC
icon bar

Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-08 15:54:34
mail facebook google pos stwis
918 lượt xem

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát. Ở hai tập mới này, “Mẹ” (36 bài), “Đồng sen tàn” (108 bài, trong đó 36 bài viết về đồng sen tàn, 36 bài viết về mùa sấu rụng và 36 bài viết về tháng Sáu). Như vậy, trong 5 năm vừa qua Nguyễn Phúc Lộc Thành là người làm thơ lục bát vào loại tập trung nhất, nhiều nhất của thơ Việt.


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Tự nhiên mà thể thơ dân tộc này đã ám hồn tác giả. Từng in truyện ngắn và tiểu thuyết từ năm 1994, sau ngót 30 năm tạm ngừng văn chương theo việc kinh doanh, Thành đã trở lại văn đàn gây một cú sửng sốt cho giới văn chương và độc giả với bộ tiểu thuyết trường thiên 8 tập “Cõi nhân gian” và các thi tập lục bát như nói trên. Dường như có sự bừng ngộ nào đó trong tâm trí tâm thức tâm cảm của con người này khiến Nguyễn Phúc Lộc Thành viết như lên đồng, như nhập đồng. Kỳ lạ là văn xuôi đã cuốn Thành đi ào ạt kiểu nước lũ thì thơ lục bát lại ru Thành kiểu dòng trôi, hai kiểu viết tương mâu thuẫn nhưng thống nhất trong một tâm hồn, một con người.

Đọc thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành ta thấy gì?

Trước hết phải nói cái sự dũng cảm của tác giả. Giữa thời buổi còn rất ít nhà thơ dám viết lục bát vì sợ không phá nổi cái khuôn truyền thống cố định sáu tám với vần điệu nhịp điệu bằng trắc trói buộc thì Thành hăm hở xông vào. Anh không sợ khó. Mà anh còn tự đặt mình vào thế khó để thử thách mình: viết về cùng một đề tài, mỗi đề tài viết 36 bài. Viết thế dễ lặp, dễ nhàm, dễ đơn điều lắm chứ. Với ai thì có thể, với Thành thì chưa thể. Tôi nói anh liều, nhưng là cái sự liều mình chứ không phải liều mạng. Người liều mình là người biết việc mình làm, bất chấp mọi sự, quyết xông pha để cố làm được cái việc ấy. Kẻ liều mạng là chỉ làm lấy được. Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn đang hăm hở cầm câu sáu câu tám làm hai bơi chèo con thuyền thơ của mình lướt đi trên dòng sông thơ Việt. Và anh mời bạn đọc cùng anh lên thuyền thả thơ.

Lục bát của Thành có dư vị ca dao truyền thống.

Đôi ta như bánh đã rền

Như da đã mật như men đã đầy (Mùa sấu rụng-4, tr. 90)

Người thơm ánh mắt cũng thơm

Tôi buồn đến cả cọng rơm cũng buồn (Đồng sen tàn-12, tr. 30)

Có những từ vương vấn xưa cũ.

Tôi ngồi lau lệ vàng rơi

Gặp vân tay cũ bời bời trên da. (ĐST-17, tr. 40)

Mẹ về. Dúm đất là nhà

Cổ khâu làm áo tha ma ngút ngàn (Mẹ-13, tr. 35).

Ai đã đọc “Cung oán ngâm khúc” (Nguyễn Gia Thiều) thì nhớ câu “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”.

Lục bát biến thể cũng được anh dùng.

Chân em đã vội rũ bùn

Bỏ đồng sen buồn về bến làng Mơ. (ĐST-6, tr. 19)

Tôi thẹn còn em thì cười

Áo khoe hương trời. Da thật thà đêm. (ĐST-32, tr. 70)

Môi em nở, tắt trời sao

Mầm thời gian nào đang tích tắc non. (Tháng Sáu-35, tr. 226)

Nhưng ở đây đã có thể nhận thấy, cũng như ở mấy câu trên, lối chấm câu ở giữa dòng thơ đã là của hiện đại từ thời Thơ Mới. Nguyễn Phúc Lộc Thành tiếp nhận hết những gì lục bát đã có từ xưa đến nay.

Như kiểu tiểu đối có từ thời Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”.

Ngón gầy bấm xuống nước non

Biển ri rỉ máu. Đảo mòn mòn đau. (M-18, tr. 47)

Đêm dài tự sợi bấc đèn

Đời lom đom lửa. Buồn len lén về. (ĐST-4, tr. 13)

Tay ôm chật đất chật trời

Ngày tìm long mạch. Đêm khơi nguồn tình. (MSR-5, tr. 92)

Em thơm tóc phố nâu trầm

Nghiêng nghiêng hàng sấu. Lâm thâm bóng hè. (MSR-13, tr. 107)

Trăng cong tựa miếng trầu têm

Già ngày mờ nguyệt. Non đêm dậy hằng. (MSR-24, tr. 129)

Em về mới một ngày đàng

Mà bình minh vỡ mà hoàng hôn rơi. (ĐST-26, tr. 59)

Anh kế thừa lối vắt dòng (enjambement) của Thơ Mới học thơ Pháp:

Một ngày, nắng vẫn còn đui

 trên đôi mắt ngậm ngùi thế gian. (M-28, tr. 70)

Cả cách lấy thiên nhiên ví cho con người chứ không phải ngược lại, điều bây giờ tưởng bình thường nhưng nhờ thơ Pháp thơ Việt mới có được từ hồi Thơ Mới.

Phập phồng tươi. Phập phồng non

Trăng như một miếng ngực non đang rằm

Trong những tìm kiếm của mình Nguyễn Phúc Lộc Thành đã gặp người trước.

Hương sấu thơm lừng trời trưa

Hình như cả tiếng mõ chùa cũng thơm. (MSR-7, tr. 96)

Nhà thơ Lê Thái Sơn (1949 – 2013) từng viết: “Những mùa hoa đại trắng/ Tiếng mõ chừng cũng thơm”.

Cho đến một cách làm mới lục bát mà Thành dùng khá nhiều trong thơ mình, thì vẫn đã có người làm. Đó là cách hiệp vần ở câu bát bằng những từ láy. Trước Thành, nhà thơ, giáo sư văn học Mã Giang Lân đã thử nghiệm điều này. Có thể Thành không biết thơ của người trước, anh chỉ theo cảm xúc của mình mà thành thơ, nhưng tôi dẫn ra để thấy lục bát khó đến thế nào.

Tôi đằm như nghiến như mun

Em – mồi rơm rạ trong hun hút mùa. (ĐST-6, tr. 18)

Quanh ta mưa trắng cả rồi

Giời thì thác loạn đất tơi tả sầu. (ĐST-33, tr. 72)

Mưa ướt làn da em trơn

Má em nhạt phấn môi ngơn ngớt hồng. (MSR-1, tr. 83)

Tiếng rao đêm như trách hờn

Ai mang não nuột mà mơn trớn mùa. (MSR-3, tr. 87)

Phố buồn vào giấc ngủ hờn

Đêm tôi tàn tạ, em mơn mởn ngày. (MSR-8, tr. 97)

Hình như em mới qua đây

Hàng mi em cũng mới đầy đặn mưa. (MSR-9, tr. 99)

Một đàn kiến gió đi hoang

Trên sợi gân lá đang ràng rạc xơ. (MSR-14, tr. 110)

Xác thân chưa kịp rũ bùn

Tình lên thanh sạch trong hun hút bờ. (MSR-16, tr. 114)

Đêm chưa đủ tối đã ngày

Tôi thì rười rượi em đây đẩy hờn. (MSR30, tr. 141)

Sông em khi lở khi bồi

Phù sa tôi cặn những hôi hổi sầu. (MSR-16, tr. 143)

Em tôi thề nguyệt thề hằng

Rồi chim giã bạn trong vằng vặc khuya. (MSR-31, tr. 144)

Những bờ tóc rối ngược xuôi

Ngủ trong ngực tối cứ rười rượi da. (MSR-36, tr. 153)

Chạng vạng trời đất cuồng say

Khuông da ứa mật mà ngầy ngậy nâu. (TS-4, tr. 164)

Em ơi tình rất vừa nhau

Đà Lạt đêm ấy vẫn thau tháu buồn… (TS-4, tr. 164)

Ta về hỏi mấy canh thâu

Làm sao quên được lúc thau tháu tình. (TS-8, tr. 171)

Em thì ngân ngấn mi ngày

Đêm giam tôi giữa buồn ngây ngất buồn. (TS-7, tr. 169)

Em ơi đêm xuống, bần thần

Nửa e ấp vạt nửa vân vê tà. (TS-8, tr. 171)

Đừng em, màu ngực hây hây

Đừng điên thêm nữa chiều bây bẩy hờn. (TS-10, tr. 175)

Những háu háu đến mòn ngày

Những đêm phồn đắm những đày đoạ thân. (TS-12, tr. 179)

Ta như vạt yếm đợi tay

Như vũng môi hạn chờ lầy lụt môi. (TS-16, tr. 187)

Thôi đừng ướt mắt mi thưa

Đừng run lên nữa lúc vừa vặn đêm. (TS-17, tr. 189)

Hôm nay đã lép bông gầy

Hôm qua mình vẫn còn mây mẩy đòng. (TS-29, tr. 213)

Trăng xưa em bảo không màu

Sao nay vàng vọt màu đau đáu buồn. (TS-24, tr. 203)

Việc đặt từ láy vào chỗ gieo vần này đã phá vỡ nhịp điệu quen thuộc 2/2 của lục bát truyền thống, tạo ra nhịp ngắt 1/2/1 ở câu bát, buộc người đọc có điểm dừng để nghĩ. Nhưng thống kê trên cũng cho thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành hữu thức (hay vô thức) vận dụng kiểu gieo vần này khá nhiều.

Từ đó anh làm mới lục bát theo cách của mình. Bằng cách tạo ra những thi ảnh khác lạ. Và tìm những từ ngữ khác lạ. Lấy thí dụ như mặt trăng tưởng đã cũ mèm trong thơ bao đời trở nên mới khác trong thơ Thành.

Trăng như trên giá hành hình

Đêm nay lặng lẽ gieo mình chín phương. (TS-9, tr. 174)

Trăng nằm bên lũ sao buồn

Cong như mẻ lưới ai buông xuống đời. (TS-28, tr. 212)

Hay như làn môi/đôi môi không thể thiếu trong thơ tình đến Thành cũng không còn là môi ấy nữa. Môi trong lục bát của Thành đã khác đến thèm thuồng.

Ngực non nay đã ngủ rồi

Hay phập phồng đón môi tôi ra ràng. (MSR-11, tr. 104)

Ta như vạt yếm đợi tay

Như vũng môi hạn chờ lầy lụt môi. (TS-16, tr. 187)

Ta về môi vẫn chạm môi

Thật từ bi để đãi bôi cuộc tình. (MSR-21, tr. 124)

Môi em là ngải của trời

Là hàng binh của những lời mật hoa

Và tươi hơn cả lụa là

Là miếng thính đêm đêm ma dụ người. (TS-22, tr. 199)

Môi tôi nhất quỷ nhì ma

Đêm nay làm thợ thuộc da môi người. (TS-32, tr. 220)

Mắt em trăng đắm bèo trôi

Ta cùng ôm lấy phao môi mà chìm… (TS-33, tr. 222)

Xưa môi nhau nhóm lửa điều

Hoá thân thành củi ta thiêu cháy tình (MSR-34, tr. 149)

Bỏ trăng tháng sáu mòn đêm

Để mơ một ngụm môi em ngọt ngào. (TS-17, tr. 190)

Vết môi tựa những mũi khâu

Trên da, vá đến ngàn sau chẳng lành. (TS-3, tr. 162)

Để nói về cái khác của thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành có thể đọc hai câu này.

Sớm nay chiếc tiểu bình minh

Chứa đầy tro nóng của hình hài nhau. (MSR-34, tr. 149)

Mà thực ra đọc vào hai tập thơ mới, cũng như cả năm tập thơ lục bát của Thành, có thể dẫn ra được nhiều câu lạ và mới của tác giả về ý, về tình, về cách viết.

Như thế có thể nói Nguyễn Phúc Lộc Thành đang gieo một hy vọng và niềm tin cho thể thơ truyền thống này của thi ca dân tộc. Anh không chỉ sáng tác mà còn muốn hành động để neo giữ và đẩy tới con thuyền thơ lục bát tới những bến bờ xa khác. Hy vọng nhiệt huyết và công sức của anh sẽ được đền đáp bằng những câu sáu tám thành thơ hay của chính anh và cả của nhiều người thơ khác.

Nguồn: https://vanvn.vn/luc-bat-nguyen-phuc-loc-thanh/

 

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm
Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
Bài viết của cô giáo nhà thơ Triệu Kim Loan
Xem thêm