- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Nguyễn Duy một ván chơi || Đỗ Lai Thúy
Nguyễn Duy một ván chơi || Đỗ Lai Thúy
ĐỖ LAI THÚY
Một mây một gió một màu
Một hiên ngang ngẩng mái đầu tuyết phơi
Một ngôi riêng một mé trời
Một ta sừng sững muôn đời. Một ta…
(Núi Phú Sỹ - Nguyễn Duy)
Giữa những năm 80, khi đã sắp cập tuổi tứ tuần, tôi mới tập tọng viết phê bình. Bắt đầu bằng đến với những bài thơ hay của Người Hà Nội chuyên mục do Tô Hà phụ trách. Trong những thử bút (và thử sức) ấy, tôi ưng nhất bài Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan và Khối vuông Rubic của Thanh Thảo. Một hôm Trúc Thông đưa tôi bài Đò Lèn của Nguyễn Duy và hối tôi viết. Đọc, xúc động và viết xong một tối. Lần này tôi đưa Đò Lèn và giải cổ tích hóa trong thơ Nguyễn Duy cho Văn Nghệ. Hôm đến lấy báo biếu, Trần Ninh Hồ, trưởng ban thơ, bảo: Tôi đã cứu cho ông một bàn thua trông thấy! Nhìn tôi nghệt mặt, Hồ giải thích: tôi là người bỏ đi cho ông chữ hóa trong cụm từ cổ tích hóa. Tôi kêu lên, ông Hồ ơi, ông Hồ ơi, ông giết tôi rồi! Giờ đến lượt Hồ mặt nghệt. Tôi giải thích: Các thời - đại - sau - cổ - tích thì không còn cổ tích nữa, mà chỉ có sự cổ tích hóa mà thôi. Suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ, bà ngoại Duy, bằng thân phận cực nhọc, bi đát của mình, phải chạy theo con tàu để bán trứng luộc. Điều ấy đã giải những cái mà người ta muốn cổ tích hóa.
Trước đó, khi ở lính, tôi đã đọc mấy bài thơ được Giải báo Văn Nghệ của Duy. Cũng là ca anh bộ đội cụ Hồ, nhưng khác với những cây bút chỉ nhìn thấy sự anh hùng, Duy đi tìm cái đẹp, cái thơ trong cái thường ngày ở những Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông… Lần này, với Đò Lèn, sau thời “trong suốt giữa hai bờ hư thực,” Duy chuyển sang thời giải thơ. Đúng hơn giải cái thi vị, cái huyền thoại. Duy làm tôi tò mò: Anh do đâu mà sớm có một nhận thức sâu sắc đến như vậy? Thế hệ Duy và tôi sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ, ít nhiều đều được/bị chương trình hóa. Có một con chíp nào đó cài đặt vào khiến chúng tôi suy nghĩ, cảm xúc, nói năng, ứng xử khá giống nhau. Vô hiệu hóa được sự quy định này của chíp họa chăng phải nhờ vào con chíp khác ấu thời, hay một chấn thương tâm lý chảy máu trong.
Mãi sau này, nhờ nhà lý luận phê bình Lã Nguyên/La Khắc Hòa, người cùng đồng đất và/là bạn học phổ thông của Duy, tôi mới biết: Mẹ mất sớm, Duy phải về làng quê Đò Lèn sống với bà ngoại. Mãi đến khi đi học, Duy mới trở lại thành phố sống với cha ở Cầu Bố. Thế là từ đó, tôi nội – ngoại suy, ở Duy có hai con người. Một người là nông dân chân chất, tình cảm, thậm chí duy tình, gắn bó với bà ngoại và những con cào cào, châu chấu.
Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua
(Tuổi thơ)
Con người kia là thị dân thông minh, láu lỉnh. Bây giờ vùng Cầu Bố là trung tâm thành phố Thanh Hóa, nhưng thuở ấu thời Duy thì còn là một ngoại ô thị xã. Mà người ven đô thì thường mang tính lưỡng thê để tồn sinh. Nguyễn Duy kể cha Duy trong kháng chiến chống Pháp đã từng “thồ lên Điện Biên,” nhưng có ai hỏi thì ông thủng thẳng để khi về có nấu rượu lậu thì người ta khỏi bắt. Bởi, quê Duy có thứ rượu rất ngon, và nhà anh sống bằng nghề nấu rượu. Vùng Nghĩa Đô ngoại ô đã làm nên tính cách của người và văn Tô Hoài. Ở Duy cũng vậy, sự va đập thường xuyên ngay từ ấu thời giữa chất nông dân cổ truyền và thị dân hiện đại đã làm tài thơ Duy chín sớm, sớm một cách tự nhiên, chín tới, chứ không phải chín ép, chín gượng, chín nẫu thành một thần đồng suốt đời.
Khi 9, 10 tuổi, cậu trò Duy đã viết:
Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng
tôi không chơi đáo vì không có tiền
có tiền tôi cũng không chơi
vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền
tung tăng tôi ngắm tôi nhìn
con sông có bóng con thuyền thả câu
(Trên sân trường)
Một đứa trẻ còn chưa bị thời cuộc quy phạm hóa thốt lên những lời nói tự nhiên, chân thành. Nhưng đoạn thơ này còn chứa một dự báo: tuổi thơ Duy vừa yên ả vừa xáo trộn, một nét đậm và một nhịp mạnh. Nghiên cứu con người trong con người, Freud chú trọng đến ấu thời. Thơ ấu, quả thực, với những chấn thương, cắm chốt và phức cảm của nó sẽ quy định toàn bộ cuộc đời mai hậu. Nguyễn Duy bằng cách nào đó thức nhận điều này. Nhưng, Duy gọi nó theo cách riêng của mình:
Con dấu chìm chạm trổ trong xương
thời thơ ấu không thể nào đánh đổi
trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
có một miền quê đi đứng nói cười
(Tuổi thơ)
Con dấu chìm ở/của Nguyễn Duy được khắc vào xương, phần không hư hoại trong cơ thể người, phần không thay đổi được trong suốt kiếp người, phần luôn sinh động (đi, đứng, nói, cười) trong mỗi phút sống. Con dấu chìm này sẽ đóng lên toàn bộ và từng bài thơ Duy. Chính nó tạo ra ở anh hai đường thơ riêng chạy song song, soi ngắm nhau như cát trắng và ánh trăng, như đường xa và đường về… Và, khi dòng sông và bầu trời gặp nhau, thì, như một chập điện, bùng lên tiếng nổ và tia lửa: ra đời những bài thơ xuất chúng. Như Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Nhớ lại, khi Nguyễn Duy bước chân vào làng, thì thơ Việt đang sử thi hóa cao độ. Đối tượng thơ lúc này là cái xã hội với những khái niệm khá trừu tượng như quần chúng, nhân dân, dân tộc, giai cấp, tiền tuyến, hậu phương. Rồi sau đó thơ nỗ lực chuyển từ cái xã hội sang cái con người, lấy con người làm hệ quy chiếu. Con người ấy, tuy nhiên, vẫn chỉ là con người xã hội, con người tập thể, con người hữu thức… Những sản phẩm của hoàn cảnh này, xét cho cùng, chỉ là phận vị, chức năng, dẫu là, thậm chí nhất là, anh hùng dũng sĩ. Thơ Duy đưa ra một tiếng nói khác, không về “nhân vật thời đại,” mà về người bình thường trong hoàn cảnh bình thường.
Nguyễn Duy, thoạt tiên, tìm ở họ những nết đẹp và nét thơ. Người lính không xuất hiện trong tư thế sử thi (chèn lưng cứu pháo, lấy thân làm giá súng hay lấp lỗ châu mai) mà ở cảnh huống bình thường. Ở rừng thì thấy mảnh võng mình nằm giống như vầng trăng đầu tháng (Võng trăng), còn chiếc tăng che võng là Bầu trời vuông. Trận địa của dân quân phục bắn máy bay ở những đồi sim Thanh Hóa được gọi là Trận địa tím, lớp học chữ của bộ đội nữ thông tin ở đường mòn Trường Sơn được gọi là Lớp học trong mây… Nhưng rồi Duy nhanh chóng vượt qua cái “bệnh ấu trĩ hữu khuynh” ấy là làm đẹp hóa, làm thơ hóa chiến tranh ( như Đường chúng ta đi – Nguyên Ngọc, Đường ra trận mùa này đẹp lắm – Phạm Tiến Duật, Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu). Điều dễ biến thành một kiểu khác của thơ tuyên truyền chiến tranh.
Khước từ nhân vật anh hùng của “cái thời lãng mạn ấy” (chữ Nguyễn Khải), Duy trở về với người bình thường, sự vật bình thường. Đó là người dân vạn đại, dân chưa được tô vẽ, đánh bóng. Trước hết là những người thân của Duy. Từ người bà mò cua xúc tép, bán trứng luộc ở ga Đò Lèn, đến người cha Cầu Bố hết thồ Điện Biên, lại thồ Tà Cơn, đường 9 Nam Lào, rồi người vợ tấm cám tần tảo để nuôi chồng và… nuôi thơ (Vợ ốm, Mời vợ uống rượu)… Khi văn học bị sử thi hóa thì nó không chấp nhận con người bình thường, không chấp nhận thời gian, không gian bình thường, không chấp nhận người viết đứng sát sàn sạt đối tượng. Khi con người cá nhân bị quy vào chủ nghĩa cá nhân, còn chủ nghĩa cá nhân bị đánh đồng với chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thì nhà văn không dám nói đến người thân của mình. Truyền thống làm thơ về cha mẹ, vợ con, bè bạn từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương bặt hẳn. Thơ Duy đã phục dựng lại cả hai nết thơ ấy: con người bình thường và/là người thân.
Nhà nhân học xã hội và văn hóa người Pháp G. Condominas, khi tiếp xúc với các tộc người Nguyên – Đông Dương ở Tây Nguyên đã tìm thấy “cái kỳ lạ trong cái thường ngày” (L’exotique est quotidien), còn Duy thấy cái khó hơn, cái thường ngày trong cái thường ngày. Một kiếm tìm cực nhọc, mà dễ bị hoạch họe trong cái thời buổi “ra ngõ gặp anh hùng”. Nhưng, tôi nghĩ, Duy đã làm được.
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
(Tre Việt Nam)
Tre rất quen thuộc với người dân Việt, cả với tôi, một cậu bé sống hết ấu thơ trong lũy tre làng, nhưng không ai nhìn khám phá như Duy. Qua tre thấy con người, qua tre thấy cả cái cộng đồng Việt. Cây tre vốn không chỉ có ở Việt Nam, nhưng tre Duy đích thực là Tre Việt Nam, biểu tượng của một đất nước nghèo khó, biết nương tựa vào nhau để sống sót và vươn lên. Và đây là lời của quả:
Mỗi ngày một tốt tươi thêm
cây cao bóng cả hãy tin quả này
quả không sa xuống từ mây
quả đi từ gốc lên cây lên cành
Cái nhìn đất-trung-tâm này là của cư dân nông nghiệp, và không chỉ cư dân nông nghiệp. Bởi, đất muôn đời không thay đổi, đất sinh ra tất cả. Mọi vật đều đi lên từ rễ đất. Một nhà thơ đích thực thường hay hướng về gốc rễ. Sự phong phú của cảm hứng và hình thức nghệ thuật cũng được sinh ra từ gốc rễ. Nơi rễ đất ấy nghệ thuật và triết lý gặp nhau. Đất, vì thế, còn thì tất cả còn, mất thì tất cả mất. Nhà thơ Đỗ Phủ viết: Quốc phá sơn hà tại. Thể chế thì có thể thay đổi, nhưng non sông thì không thể đổi thay. Non sông, vì thế, không chỉ là vật thể mà còn là phi vật thể, tức hồn nước. Giữ nguyên vẹn được non sông là mục đích tối hậu của mọi cuộc chiến tranh chống xâm lược. Còn mọi chuyện là ở phía sau. Không hề ngẫu nhiên, hay cạn cợt, khi xảy ra chiến tranh 1979 ở biên giới phía Bắc, Nguyễn Duy viết: A Quy túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua.
Cái bình thường trong cái bình thường của thơ Duy có thể đứng được là nhờ nó có giá trị tự thân, và giá tự t ấyhân là ở triết lý dân gian, mà dân gian ở Việt Nam đồng nghĩa với dân tộc, nhân loại. Triết lý dân gian không vón cục mà tan vào đời sống như không khí. Và, cũng như không khí, nó quen thuộc đến mức không ai để ý đến sự tồn tại của nó cho đến khi thiếu nó không thở được. Nguyễn Duy biết sáng tạo ra những trường hợp thơ yếm khí, yếm triết để đưa dưỡng khí triết lý dân gian vào. Người đọc, vì thế, thấy thơ Duy vừa quen vừa lạ. Quen vì hình như đã từng nghe, từng biết ở đâu đấy, lạ vì nó trình hiện trong hình âm vóc chữ thơ Duy.
Hình hài câu chữ thơ Duy, quả thực, mang tính dân gian. Từ thành ngữ, tục ngữ cổ truyền đến các khẩu ngữ, câu cửa miệng của lời nói đương đại. Nguyễn Duy có hẳn một tập Sáu/tám với rất nhiều cách tân ở hành vi ngôn ngữ. Một ví dụ: các bài thơ lục bát thường được mở đầu bằng động tác ngôn ngữ kính thưa, thưa, lời của, lời ru… như Lời ru trong bão, Lời ru con cò biển, Lời ru đồng nội, Lời ru từ Mũi Cà Mau, Lời của cây, Và lời của quả,… rồi Kính thưa Liền chị, Kính thưa Thị Nở, Kính thưa Thị Mầu, Kính thưa Thị Đốp, Kính thưa Thị Kính… Kính thưa là hình thức của diễn xướng dân gian trong các cuộc hát đối, hát giao duyên, hát ví, hát dặm, hát chèo đò… được Duy trưng dụng cho nội dung hiện đại. Và, sự trật khấc giữa vỏ và ruột này gây sự hài hước, giễu nhại kiểu như này: sáng kính thưa, trưa kính gửi, tối kính mời.
Thơ Duy được bạn đọc đủ các thành phần yêu thích, truyền nhau đọc và nghe. Nhiều bài thơ được phổ điệu hát xẩm. Đầu tiên là xẩm tiệc trong những cuộc nhậu bạn bè, nhậu văn nghệ sĩ. Rồi đến xẩm đại hội, hội nghị của “những người loạn họp” (thơ Maiakovsky). Sau đó, nhiều bài truyền ra dân gian thành xẩm chợ, xẩm nhà ga, bến tàu. Ở nghệ thuật mãi ca này, nghệ nhân thường là người mù vừa hát vừa gẩy đàn bầu, sáo nhị trước đám nghe. Bài xẩm có thể là một câu chuyện thương tâm, một hoàn cảnh éo le, một trường hợp nửa khóc nửa cười. Dưới thời Pháp thuộc đôi khi lời xẩm có ý nghĩa phẫn hận, tố cáo, châm lửa lòng yêu nước. Vào thời Cải cách Ruộng đất, theo các chị đi chợ phiên bán cua cá, nghe hát xẩm tôi đã khóc thương cho chính mình. Sau này ra Hà Nội, nhiều khi tôi bất giác theo chân đám hát xẩm đi hết ga tàu điện này đến ga tàu điện khác: Bờ hồ, Cửa Nam, Cầu Giấy, Yên Phụ, Hà Đông…
Phương Tây, từ thời Homère đã sản sinh ra những nhà thơ/ca sĩ hát rong, mà chính Homère với hai bản anh hùng ca Iliade và Odyssée là trường hợp tiêu biểu. Đến thời trung đại người hát rong được gọi là du ca. Họ mang tiếng nói không chính thức, ngoài lề của mình “hát cho đồng bào tôi nghe.” Người anh em của họ ở Trung Hoa là những người kể chuyện Đông Chu, Tam Quốc, Thủy Hử nơi những quán trà, quán rượu giúp cho người thị dân vượt qua những đông dài giá rét, còn ở Việt Nam là người hát xẩm ngồi giữa chợ phiên, giữa các buổi hội hè đình đám ở làng quê.
Nguyễn Duy là một thi sĩ du/ru ca, một nhà thơ – sẩm thời hiện đại. Ở Việt Nam từ xưa đến nay người hát xẩm chưa bao giờ được triều đình thừa nhận. Văn chương bác học Việt Nam, do đó, vắng bóng những anh hề, phu đào huyệt, vua Lear-điên như trong kịch Shakespeare để thốt ra những lời triết lý. Hoặc anh hề Đông Phương Sóc nói những lời ngớ ngẩn nhằm phê phán triều chính Trung Hoa như những sử quan. Thơ Duy giống xẩm ở phương diện phổ biến và truyền bá, nhưng khác xẩm ở phương diện tư tưởng hiện đại. Duy tự minh định cái giống và cái khác đó của thơ anh ở bài Xẩm ngọng.
Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
người cười nói xúc phạm người ngậm tăm
Siêng làm xúc phạm phàm ăn
kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng
Đàn kêu tưng tửng từng tưng
con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu
Bông hoa xúc phạm con sâu
con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà
Ông bụt xúc phạm con ma
lão say khướt xúc phạm bà tỉnh queo
Cái sang xúc phạm cái nghèo
cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh
Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh
cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm
Cõi dương xúc phạm cõi âm
cõi thiêng xúc phạm cõi trần tục gian
Đàn kêu tang tảng tàng tang
nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi
Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi
người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau
(Cuối năm 1991)
Bài xẩm ngứa nghề ngọng nghẹo này nhại lại khúc ca dao nói ngược: Bước sang tháng sáu giá chân/Tháng chạp mình trần bức đổ mồ hôi; Con chuột kéo cày lồi nhồi/Con trâu bốc gạo lại ngồi trong cong… Có điều cái ngược đời ở ca dao khá đơn giản, chỉ cần đảo vị các chủ từ tháng sáu/tháng chạp, con chuột/con trâu là thuận ngay. Còn cái ngọng nghẹo ở Duy thì đảo ngược không khiến cái nghịch lý thành thuận lý. Chung quy bởi động từ xúc phạm. A xúc phạm B bởi A (người cười, ông bụt, con trâu, cái sang, cõi dương, cõi thiêng...) là quyền uy kẻ mạnh, kẻ nắm được lẽ phải trong tay, còn B là cái yếu nhược (người ngậm tăm, con ma, dây thừng, cái nghèo, cõi âm, cõi trần...). Nhưng ngẫm nghĩ thì thấy lẽ phải đó chỉ là lẽ phải thông thường (le bon sens), nhìn sâu hơn sẽ thấy cái trật tự ấy có mâu thuẫn logic: xúc phạm trở thành động từ phản thân, quay lại chống chính kẻ xúc phạm.
Xẩm ngọng có một ý nghĩa chuyển đường, chuyển giọng của thơ Nguyễn Duy. Không chỉ vì nó có giá trị tự thân của một thơ hay, mà xẩm ngọng còn trở thành một khái niệm – chìa khóa, một ý niệm – động lực, một ký hiệu – biểu tượng. Thành tố xẩm nhiều người đã đụng đến, bởi thơ Duy, ở đường thơ thứ nhất đều nghiêng về phía dân gian. Duy phát ngôn với tư cách một người dân, đôi khi nông dân, với tình yêu đất đai, đồng ruộng, xóm làng. Và ý thức đầy đủ về tình yêu đó: Là ta, ta hát những lời của ta. Trong tiếng hát ấy có cả những cam chịu, phiền trách, phẫn nộ. Bởi vậy, Chu Sơn… đã gọi Duy là nhà thơ thảo dân, hẳn bấy giờ Bao Công Tàu đang làm cháy cả màn hình lẫn tâm tư người. Xưng thảo dân là cố tình biến mình thành dấu bèo để mong được đài gương soi thấu. Tư thế này không hợp với Duy. Còn Lã Nguyên gọi bạn mình nhà thơ chúng sinh. Ông trưng dụng chữ này trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là muốn nói rằng nhà thơ dưới mắt đỏ triều đình cũng chỉ là một trong mười loại dân đen. Lã Nguyên có lẽ muốn đối lập thứ nhà thơ quần chúng này với các nhà thơ chiến sĩ, nhà thơ cách mạng, những người được đem đặt cao hơn chúng sinh, của văn học dòng chính mang tính cung đình.
Như vậy, hai nhà lý luận [và] phê bình trên hẳn còn chưa chú ý đến thành tố thứ hai, ngọng, của từ - chìa khóa. Ngọng là phát âm không chuẩn do lỗi sinh học. Còn ngọng Nguyễn Duy trong Xẩm ngọng là tiếng nói không theo chuẩn, cả chuẩn xã hội lẫn chuẩn văn học. Trước Nguyễn Duy, đại lão thi sĩ Lê Đạt có thơ ngọng nói. Nói ngọng là lỗi, nhưng ngọng nói không phải là lỗi. Bởi, ở đây sự cố tình phạm chuẩn (từ vựng hoặc cú pháp) là nhằm đạt đến một ý đồ phong cách hoặc thẩm mỹ nào đó. Đạt – Dần, vì thế, thuộc dòng thơ vị chữ, chữ đi trước nghĩa, chữ đẻ ra nghĩa. Làm thơ với Dần là gây sự chữ, gây sự với grammaire, còn Đạt tự nhận mình là phu chữ. Dần – Đạt khác nhau ở chỗ, nếu Dần bắt mỗi chữ phải đẻ ra một nghĩa mới, nghĩa khác với nghĩa từ điển, thì Đạt buộc một chữ cùng lúc phát ra nhiều nghĩa. Thơ Đạt đi từ ngọng nói tới ngó lời (lời ngó ra từ bùn đất trong trắng như ngó sen) và nhịu tình. Chữ hiểu rộng còn là hình thức nghệ thuật, nghĩa (mới, nhiều nghĩa) là tư tưởng. Hình thức nghệ thuật đẻ ra tư tưởng Dần – Đạt, như vậy, đã làm một bước nhảy hệ hình: từ thơ tiền hiện đại (nghĩa → chữ) sang thơ hiện đại (chữ → nghĩa).
Thơ Duy không có những cách tân hình thức nghệ thuật quyết liệt như thơ vị chữ. Duy vẫn trưng dụng lại tất cả những vật liệu và chất liệu truyền thống như thể thơ lục bát, thơ 7, 8 chữ xếp thành khổ 4 câu (thơ luật mở rộng) của Thơ Mới, thơ tự do, cả vần điệu (âm nhạc bên ngoài) đến nhịp điệu (âm nhạc bên trong), cả những lối nói, cách nói,… thậm chí kể cả sau này Duy còn trình diễn thơ, xếp đặt thơ với những thúng mủng dần sàng. Nhưng, tư tưởng thơ Duy là tiếng nói phản biện xã hội. Sự không/chưa đồng bộ, hay “hồn Trương Ba da hàng thịt” này, khiến thơ Duy không đi lên hiện đại – hiện đại như Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, mà như Tô Thùy Yên rẽ ngang sang hiện đại – cổ điển.
Đến đây, tôi chuyển sang đường thơ thứ hai của Nguyễn Duy: tính hiện đại hay sự phản biện xã hội. Ở trên tôi đã nói Duy không phải là nhà thơ thảo dân hoặc nhà thơ chúng sinh, vì với các định danh này thì trước những bất công thơ chỉ có kêu than, kêu oan, “thắc mắc,” đề đạt nguyện vọng với bề trên, chứ chưa thể có phản biện xã hội. Bởi, phản biện là tiếng nói ngang hàng, bình đẳng của một người công dân trong xã hội dân sự, chứ không phải của thần dân trong các xã hội chuyên chế, toàn trị. Hơn nữa, người công dân đó phải là một cá nhân cá thể tự ý thức được giá trị bản thân. Tuy xã hội Việt Nam còn chưa có đủ những điều kiện của một xã hội công dân, nhưng nhờ những luồng gió thời đại thổi tới đã bắt đầu xuất hiện cá nhân công dân. Biết ông vua có tai lừa, họ có nhu cầu nói, và nhu cầu nói bằng thơ. Với ý nghĩa ấy, Nguyễn Duy là một nhà thơ công dân.
Trước đây, trong cơn cuồng hứng muốn xóa bỏ khoảng cách giữa nhà thơ và cách mạng, muốn trở thành nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy, Chế Lan Viên đã nêu ra Hai câu hỏi để rồi tự mình giành lấy câu trả lời:
Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.
Ta vì ai? Gió xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại vạn chồi xanh.
Nguyễn Duy có câu trả lời khác Chế. Duy muốn thôi trở thành một con người công cụ, ta vì ai, để trở thành con người bản thể, ta là ai. Biết mình là ai thì mới biết vì ai một cách đúng đắn. Và, quan trọng hơn, mới có phản biện đúng đắn. Chẳng hạn, vùng đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng thổ nhưỡng, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ đã tạo ra những con người đặc biệt: những ông đạo (đạo Dừa, đạo Nằm…) và những tôn giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Cao Đài). Đặc biệt những người nông dân – minh triết như Ông già sông Hậu. Một người biết mình và, do đó, biết người, biết sống một lối sống phù hợp với mình và địa văn hóa của mình. Một khí chất ngang tàng của anh Hai Nam bộ. Tự thân ông là một lời phản biện đối với những vấn đề kinh tế - xã hội, tôn giáo – văn hóa mới nảy sinh ở vùng đất này. Đặc biệt vấn đề sinh thái, nhất là sinh thái tư duy. Cũng vậy, toàn bộ con người Nguyễn Duy một phản biện, toàn bộ thơ Nguyễn Duy một phản biện. Và tính phản biện rõ nhất, sắc sảo nhất, tha thiết nhất ở những bài thơ Đánh thức tiềm lực (1987), Nhìn từ xa… Tổ quốc (1988) và đặc biệt Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (1992).
Nguyễn Duy ít làm thơ tự do, thể loại chuyên chở nhịp điệu hình ảnh (Nguyễn Đình Thi), nhịp điệu tư tưởng, nhịp điệu đô thị hiện đại (Thanh Tâm Tuyền) của thơ hiện đại. Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa… Tổ quốc là những bài thơ tự do theo thể tài phóng sự trữ tình, phóng sự - thơ. Thể loại phóng sự chỉ ra đời ở những giai đoạn xã hội có yếu tố dân sự như thời Mặt trận bình dân 1936-39 với các lang nhân phóng sự đất Bắc như Nhất Lang (Vũ Trọng Phụng), Tam Lang, Trọng Lang. Và thời Đổi mới 1986 với Trần Huy Quang, Trần Khắc, Phùng Gia Lộc. Phóng sự là một điều tra sự thật, lột mặt nạ giả dối. Tuy thể loại thơ trữ tình không có khả năng điều tra, nhưng với cái nhìn lật tẩy của Duy, tôi vẫn gọi hai bài tự do trên là thơ phóng sự. Đánh thức tiềm lực (1982) là phóng sự thơ nổi tiếng bấy giờ viết về hiện trạng kinh tế đất nước.
Sau 1975, nhiều quan chức lãnh đạo rơi vào hoang tưởng: Ta đã đánh thắng ba đế quốc to thì từ nay hẳn không kẻ nào dám bén mảng tới nữa. Ta đã thắng trong chiến tranh trường kỳ thì lo gì không thắng trong hòa bình xây dựng. Ta đã… Ta đã… Nhưng sống lâu trong chiến tranh, ta chưa thạo, hoặc chưa biết đến hòa bình học. Hơn nữa, kinh tế vận hành theo những quy luật khác mà ta chưa biết, thậm chí có lúc không thèm biết. Đất nước, bởi vậy, rơi vào nghịch cảnh đói nghèo. Và tệ hơn hỗn loạn. Nhà thơ muốn đánh thức tiềm lực của đất đai, của tiền rừng bạc bể và, nhất là, của/ở con người:
Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
rồi hãy đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn.
nhưng:
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
Nhà thơ lần giở lại những trang truyền thống của dân tộc: đồng đất màu mỡ phù sa sông Hồng, sông Cửu Long, con người cần cù lao động, chịu thương chịu khó. Ông cũng giải hoặc những huyền thoại “mèm cũ” về “những đồng lúa ma không trồng mà gặt/những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt/những ghểnh cẳng, vuốt râu mà làm chơi ăn thật…”, phê phán lối giáo dục vô trách nhiệm “Thầy giáo giảng rằng/nước ta giàu lắm!.../lớp lớp trẻ con cứ thế thuộc bài.” Trong khi đó thì đồng ruộng nghiện phân hóa học và thuốc trừ sâu. Thành phố thì “bạt ngàn quán nhậu/xe hơi chạy than rơi tóe lửa mặt đường.” Người lính già đầu bạc thì còn mải kể chuyện Nguyên Phong, còn đám lính trẻ thì ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc – Nam. Đất nước giàu tiềm lực, nhưng, tiềm lực, vì thế, còn ngủ yên! Nguyễn Duy cho người đọc một loạt các điệp khúc vừa như tiếng chuông báo động, vừa như một lý giải tại sao:
Tiềm lực còn ngủ yên
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
trong bộ óc mang khối u tự mãn
Tiềm lực còn ngủ yên
trong con mắt lờ đờ đục thủy tinh thể
Tiềm lực còn ngủ yên
trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ
Tiềm lực còn ngủ yên
trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm
Tiềm lực còn ngủ yên
trong lớp da biếng lười cảm giác
“Đánh thức tiềm lực” đã trở thành lời cửa miệng, lời kích động, hiệu triệu được áp dụng vào mọi lĩnh vực, mọi nơi mọi lúc. Nhà nghiên cứu phê bình Lã Nguyên đã gọi Đánh thức tiềm lực và Nhìn từ xa… Tổ quốc là “lời nói khai minh.” Tôi muốn chuyển cái định danh sáng láng và chuẩn xác đó của anh cho Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, nên chỉ gọi hai bài thơ trên là “lời phản biện xã hội.” Một phần vì lúc này báo chí Văn Nghệ, trong cơn cuồng hứng Đổi Mới, đã đưa ra nhiều phản biện xã hội, phản biện nghệ thuật, nhưng phần lớn vẫn chỉ nằm trong kênh chính trị, chính sách chứ chưa chuyển sang kênh thẩm mỹ. Và, xét cho cùng, vẫn ít nhiều có tính chất “đổi ngược” (chữ Nguyễn Đình Thi) hoặc “lộn trái” (chữ Chế Lan Viên) trong nội kênh, chứ không phải chuyển kênh. Mà đổi mới thực sự là chuyển kênh, đúng hơn chuyển đổi hệ hình. Phản biện xã hội của thơ Duy, tôi nhấn mạnh lần nữa, trên tư cách công dân trong xã hội dân sự, dẫu lúc này nó còn ở thì tương lai. Đó là tiếng nói tự do, bình đẳng và có tuệ tính. Trong hành trình rậm rịch chuyển kênh, Nguyễn Duy, đã bước trước nhiều nhà thơ cùng thời dẫu chỉ một bước.
Nhìn từ xa… Tổ quốc tiếp tục mạch Đánh thức tiềm lực. Nếu bài viết trước là cái nhìn gần hiện trạng đất nước, thì bài viết sau cái nhìn xa. Nếu bài trước cái nhìn chú mục, cụ thể, thì bài sau cái nhìn bao quát, tổng thể. Khoảng cách cho phép nhà thơ có cái nhìn mới đó. Năm 1988, Duy có dịp đi Moskva để Nhìn từ xa… Tổ quốc. Moskva – Hà Nội không chỉ là khoảng cách địa lý, mà còn là khoảng cách tư tưởng. Nước Nga – Perestroika bấy giờ đang là trung tâm cuộc cách mạng khác, cách mạng sự cách mạng. Nguyễn Duy, vì vậy, nhìn đất nước của mình sáng hơn, phát hiện các vũng tối ở con người dễ hơn. Để làm nổi bật tư tưởng nghệ thuật của mình, Duy đã sử dụng nguyên tắc đối lập song song, vừa như một phản chứng, vừa như một câu hỏi:
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng (…)
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh...
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài (…)
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh (…)
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương (…)
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn...
Một sáng tạo khác ở bài thơ này là nhà thơ tạo ra một nhân vật để đối thoại câm với mình. Có thể là bóng của Duy. Một Vết bầm đen luôn sau lưng anh, có đủ mọi biểu cảm, hành động trước các kịch cảnh mà Duy đưa ra. Tùy thuộc vào mức độ bi thảm mà nó đấm ngực, quều quào giơ tay, ngửa mặt lên trời, tọa thiền, cúi đầu lặng thinh, vò tai, nhún vai, rứt tóc và cuối cùng gập [người] vuông thước thợ. Cũng có thể là Người đen (черный человек), một nhân vật trong trường ca cùng tên của nhà thơ Nga Essénine, khi ông bị ám ảnh có người theo dõi, ám hại. Hoặc chính là bóng âm, phần sâu kín nhất bên trong mỗi người, kẻ vừa kiểm duyệt vừa thúc đẩy tự do sáng tạo.
Ai?
Ai?
Ai?
Không ai!
Tự vấn - mỏi
Vết bầm đen còng còng dấu hỏi
“Người anh hùng bất lực dài ngoãnh” này, theo Lã Nguyên, không chịu mất đi. Nó cứ tồn tại hoài để làm một cái “thây sống ngôn từ,” để lặp lại những diễn ngôn sáo nghĩa và dối trá về một “xứ sở phì nhiêu,” “xứ sở nhân tình,” “xứ sở từ bi,” “xứ sở linh thiêng,” xứ sở… Nhưng, dù có sao đi nữa thì cái xứ sở ấy vẫn là Tổ quốc. Đi xa để nhìn nó rõ hơn chứ không thể từ nó. Đây là một nghịch lý, một lẽ tồn tại, một cây thánh giá mà mỗi người dân Việt Nam phải vác lên núi Sọ.
Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân - vậy thì ta tồn tại.
Như vậy, hai đường thơ xẩm ngọng: nét đậm, không gian, tĩnh và thơ phản biện xã hội: nhịp mạnh, thời gian, động, hai tiếng thơ du/ru ca và Đổi mới/Mở cửa, hai cánh thơ âm bản (dân gian, truyền thống) và dương bản (phản biện, hiện đại) ấy đưa Duy bay đến một đỉnh cao khác có tầm triết lý Đông Tây Kim Cổ – là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm yếu tố, đúng hơn năm hành (số lẻ), cấu tạo nên mô hình vũ trụ. Phương Tây, thời Cổ Hy Lạp, cũng có một vũ trụ luận tương tự, nhưng chỉ được xây bằng bốn yếu tố (số chẵn): Đất, Nước, Lửa, Không khí. Hai yếu tố tĩnh và hai yếu tố động, nhưng cả tĩnh lẫn động đều nằm trong giới hạn của chính bản thân chúng. Trong khi đó, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những hành, tức sự vận động, tức quan hệ giữa chúng với nhau (tương sinh, tương khắc) và quan hệ với cả cái tổng thể. Mô hình Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, do đó, là một hệ thống mở. Một vũ trụ không chỉ tồn tại trong không gian, khách quan (phương hướng: bắc – thủy, nam – hỏa, đông – mộc, tây – kim và trung tâm – thổ), mà cả trong thời gian, chủ quan (thời tiết: đông – thủy, hạ – hỏa, mộc – xuân, thu – kim và khoảng giữa các mùa – thổ). Nhưng đặc biệt hơn, mô hình vũ trụ này còn có cả trong con người, biến con người thành một tiểu vũ trụ, tương thông với đại vũ trụ. Ta hình dung một anh chàng nào đó (nhân) dang tay đứng trên mặt đất (địa), đầu đội trời (thiên) thì đầu thuộc hành thủy, chân – hành hỏa, hai tay trái phải – mộc kim, còn thân – thổ.
Bài thơ Nguyễn Duy cũng được cấu trúc theo mô hình vũ trụ này. Bố cục gồm 9 đoạn, nhưng cấu trúc/bố cục sâu hoặc ngầm ẩn, thì chỉ có 5 chủ đề, tương ứng với ngũ hành. Cấu trúc tạo nên một thực tại mới. Như sáu quả núi ở Đà Nẵng tạo thành Ngũ Hành Sơn, trong đó hai quả được quy vào một hành cho khớp với mô hình: Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn. Trong cái thực tại văn bản mới này của thơ Duy, các ký hiệu – biểu tượng: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ không tự gom mình lại một chỗ để trở thành ký hiệu chết, biểu tượng đặc, mà chúng luôn tác động lẫn nhau, áp chế nhau, bắt chúng biến đổi theo quy luật tương sinh, tương khắc, làm phát lộ ra các vấn đề ở/của mỗi yếu tố và của cả hệ thống:
Quả đất nóng dần lên
tầng ôzôn có vấn đề gì đó
sâu rầy đang vấn đề cánh đồng
rừng cây vấn đề cháy và trụi
vấn đề nước cầm đầu lũ lụt
vấn đề lửa thủ phạm hỏa hoạn
Nhưng quan trọng nhất có lẽ là “vấn đề con người,” như một tiểu vũ trụ. Đầu: “sọ dừa gặp vấn đề trì trệ/tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra,” tai, mắt: “mắt vấn đề toét tai vấn đề ù/bất an vấn đề giấc ngủ,” bụng dạ, ruột gan: “lục bục bụng dạ sôi/ruột gan đang vấn đề gì đó/nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt/sida giác quan ung thư toàn thân…” Sự rối loạn cơ thể này dẫn đến các rối loạn tinh thần, con người thoái hóa nhân cách. Nhân vật ta/nhà thơ đã làm một cuộc trình duyệt sự méo mó nhân sinh. Đây là một vĩ nhân: “Ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá/khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kia.” Đó là lũ quan chức – thư lại: “Ta ngan ngán đám quan hoạn giả thiến giả đạo/vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào.” Kia là bọn con buôn: “những phường buôn cứt bán cho chó/nợ khó đòi thì làm gì nào? những bất ổn đầy rẫy/thì đã sao thì làm sao?” Cuối cùng: “Đại loạn thay cái thiên hạ rắc rối/vấn đề tầng ôzôn cả thôi.” Điệp ngữ vấn đề tầng ôzôn cả thôi! làm nhớ đến câu nói thời danh của Hoàng Ngọc Hiến cái nước mình nó thế!
Tâm lý buông xuôi theo “chủ nghĩa Mác-kê-nô” này phản ánh trước hết sự khủng hoảng sinh thái, từ sinh thái vũ trụ đến sinh thái nhân văn. Hành hỏa phát dương cực độ gây ra cháy rừng, hạn hán, lửa đạn, máu đỏ (chiến trận tuôn vấn đề đỏ lòm; vấn đề lửa thủ phạm hỏa hoạn)… Cũng vậy với hành kim là xe tăng thiết giáp, máy bay, tàu chiến, cầu sắt (những nhịp cầu chông chênh quá tải/vấn đề nay mai sập bất cứ lúc nào). Sự bành trướng thái quá của kim và hỏa đã chèn ép các hành khác như thủy, mộc, thổ, gây ra những bất thường. Thủy thì khi thái quá (nước cầm đầu lũ lụt) khi thì bất cập (có đứa thách ta nhổ vào mặt nó/ta bảo hết đờm rồi; ú ớ mồ hôi/chân lỡ nhảy phải nhảy cứ nhảy), từ đó gây rối loạn đầu óc: sọ dừa gặp vấn đề trì trệ/tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra. Mộc thì rừng cháy, cây chết khô, con người cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh; vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào. Thổ thì vừa là đất đai, đất nước vừa là thân thể. Đất canh tác bị nhiễm độc. Bờ xôi ruộng mật bị các công ty sân sau của quan chức nhà nước mua rẻ làm công xưởng, nhà máy, thậm chí phân lô bán nền. Lãnh thổ bị “bán từng phần rừng bể núi sông/từng miếng địa ốc, từng mẩu mặt bằng từng khúc ruột đất.” Thiếu đất sống, con người hô hào nhau “đi kinh tế mới vũ trụ/vượt tầng ôzôn đang có vấn đề.” Hoặc “cuốn gói hồn đi kinh tế mới vầng trăng/cấy lúa trồng khoai Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.”
Sự khủng hoảng sinh thái nhân văn này ảnh hưởng nặng nhất đến sinh thái tư duy. Mà tư duy thì lại góp phần kiến tạo thực tại. Nhu cầu tăng trưởng kinh tế gấp rút, bằng mọi giá để thoát nghèo, thoát lạc hậu, thoát tự ti làm lệch hướng phát triển đất nước. Môi trường sống bị hủy hoại, nhân cách con người suy đồi, chất lượng tư duy xuống cấp. Trong đó quan trọng hơn cả là tư duy thị trường. Kinh tế thị trường, nói chung, là một bước phát triển của nhân loại. Nó tạo ra cho các quốc gia một thị trường thống nhất, góp phần xây dựng một thế giới phẳng và công dân toàn cầu. Nhưng ở Việt Nam, kinh tế thị trường có một cái đuôi tiền hiện đại quá lớn. Trước đây, khi ví trí thức như cái đuôi chó, Mao Trạch Đông đã tuyên cái đuôi không bao giờ vẫy được con chó. Chân lý này hình như không áp dụng được vào cái đuôi của kinh tế thị trường Việt Nam.
Mặt trái của cái thị trường thời hoang dã này là mọi thứ đều có thể mua bán được, từ bằng cấp, chức vụ, học hàm học vị đến chổi cùn rế rách. Nguyễn Duy rao bán xác mình không chỉ là lối nói thậm xưng của nhà thơ. Có thể muốn chỉ hiện tượng mổ xác lấy nội tạng, một nghề béo bở trên thế giới hiện nay. Cũng có thể Duy muốn chỉ việc bán đất, bởi thân xác thuộc hành thổ.
thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn gói nước kia
có thể lập những liên doanh ma quỉ
những công ty bán nước từng phần
Trong khi nhiều quan chức gửi tiền, mua nhà, mua ngoại tịch nước ngoài, phòng khi trong nước hết nước, hết đất thậm chí hết cả không khí thì chuyển cư, thì nhà thơ chỉ mong thực hiện được giấc mơ đi kinh tế mới vũ trụ, dù phải vượt tầng ôzôn đang có vấn đề. Tỉnh mộng, anh ta rơi về thực tế trần trụi. Nhưng vẫn khát tự do sáng tạo, thứ hằng có ở động vật hoang dã và ở bé thơ: “Ta khao khát tiếng hát giun dế/không biên tập không kiểm duyệt; Ta ao ước cái bay chim chóc/không hộ chiếu không biên giới; chó già giữ xương mèo già hóa cáo/ta già hóa trẻ con.” Bởi, chỉ có động vật và trẻ con là còn biết chơi. Đặc biệt là chơi Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.
Thì ta thi tài với con nít lối xóm
cờ tướng cờ vua cờ ngựa cờ ô
và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì
ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ
năm ô cờ sắp xếp lại thiên hạ
ngồi xổm chơi hay ngồi bệt thì tùy
và nghêu ngao lõng thõng hò vè
giun dế du dương ễnh ương đắm đuối
và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội
lời trẻ con phấp phới Ngũ Hành Kỳ
Một thi phẩm lớn không bao giờ chỉ có một cấu trúc, điều dễ biến không gian thơ thành một không gian dẹt, nên phải có nhiều cấu trúc chồng lấn nhau, nhiều chiều kích lồng nhau, nhiều ánh sáng soi chiếu nhau. Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ của Duy, vì thế còn được xây dựng trên một cấu trúc khác nữa là nguyên lý âm dương. Toàn bộ bài thơ gồm những khổ đôi, song song không đối ngẫu. Câu trên/trước là âm, câu dưới/sau là dương. Bình thường nguyên lý âm dương hoạt động theo nguyên tắc đối ngẫu: khi âm vận động từ thiếu âm đến thái âm, thì ở chiều kia dương vận động từ thái dương đến thiếu dương. Sự không đối ngẫu của hai câu thơ song song thể hiện sự rối loạn của âm dương trong thái cực đồ. Sự loạn âm loạn dương này làm mọi thứ đều đảo lộn, không có một quy tắc nào cả.
Có khi có logic nhân quả:
Quả đất nóng dần lên
tầng ôzôn có vấn đề gì đó
Nhiều khi theo logic bù trừ:
khủng hoảng thiếu thần linh
khủng hoảng thừa yêu quái
Có khi chẳng có logic gì sất:
lại thừ nhớ những mối tình quan họ
những người tình không giao phối bao giờ
ta lững thững xách sọ dừa đi chợ
tìm chú vịt Tàu lai thím vịt Xiêm
quạ cũ kêu sương ươn ướt dĩ vãng
tiếng cú rạch trời rơi từng giọt bầm đêm
Cấu trúc không bình thường này đã kiến tạo nên một thực tại văn bản vừa giống vừa khác với thực tại nguyên thủy. Khác cả với cái thực tại được tạo ra bởi những đầu óc duy lý, giáo điều. Một vũ trụ đang được/bị giải cấu trúc. Thế giới ngôn từ hậu cấu trúc này, thoạt đọc thấy tối tăm, đầu cua tai nheo, vừa như lời xẩm ngọng vang vọng nơi đầu thôn cuối xóm, vừa như lời khai minh, lời phán xét nghiêm trọng nơi pháp đường. Lời người nửa tỉnh nửa mơ, lời đồng dao của đám anh nhi, lời của các bậc hiền giả quá ngu. Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, vì thế, là một liên văn bản phân mảnh, nghịch dị và đa hệ, đòi hỏi một lối đọc khác, đọc phi tuyến tính. Không ăn sẵn một văn bản, mà làm nổ tung văn bản đó rồi nhặt nhạnh những mảnh vỡ tái lập một hoặc nhiều văn bản mới thuận lý hơn, dĩ nhiên là một cái lý khác. Cái lý của trò chơi.
Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ này làm tôi chợt nhớ đến tôi xưa. Ở làng quê, mỗi độ Tết đến, thằng bé thường chúi đầu vào các trò đen đỏ: đánh đáo, thò lò, xóc đĩa, cua cá… Tôi đặc biệt thích trò kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chị tôi khuyên cậu mệnh thổ, đặt tiền vào ô thổ biết đâu dễ trúng hơn. Nhưng lần nào tôi cũng thua, hẳn vì đất trên nóc nhà (ốc thượng thổ) dẫu ít nhưng không thể lấy thêm được nữa. Có khi tôi bắt đền chị tôi… Chị củng đầu tôi mắng cho chết ai bảo ham cái ván âm dương ấy, rồi lặng lẽ dúi vào tay tôi mấy đồng hào lẻ. Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, như vậy, là một trò chơi mô phỏng trò chơi của vũ trụ, của nhân sinh, của văn chương nghệ thuật. Trước đây, Einstein nhiều lần bác lại các nhà vật lý hạ nguyên tử bằng câu nói nổi tiếng Thượng đế không chơi xóc đĩa. Có lẽ, nhà vật lý thiên văn này quá yêu sự hài hòa của âm nhạc Mozart nên không chấp nhận bất cứ một nghịch âm nào của vũ trụ. Ngày nay vũ trụ học vi mô và hỗn độn học đã chấp nhận vai trò của ngẫu nhiên và hỗn độn như trạng thái bình thường của vũ trụ vĩ mô và nhân thế. Thượng đế, cuối cùng, đã chơi xúc xắc ở khắp mọi nơi, mọi lúc.
Vũ trụ, như vậy, là một trò chơi, đời sống lại càng trò chơi. Ván chơi Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ mà giờ đây Nguyễn Duy trình hiện đã xa rời các nguyên lý cổ xưa của trò chơi. Sự cao thượng, tính hiệp sĩ không còn. Người chơi xưa lấy sự chơi, chơi đẹp, làm mục đích, chứ không chỉ chiến thắng bằng mọi cách. Sự vi phạm luật chơi, xấu chơi, đều có nguy cơ phá vỡ trò chơi. Tính chơi xưa hiện diện ở tất cả các lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực nghiêm túc như giáo dục, luật pháp, chiến tranh. Còn hiện nay, người chơi bẩn quá nhiều. Họ sẵn sàng phá luật chơi vì lợi ích của mình. Thậm chí, họ muốn chơi một trò chơi do họ làm chủ, vừa đá bóng vừa thổi còi. Đó thực chất chỉ là trò chơi vờ, trò chơi ngụy tạo. Thơ Duy đậm tính trò chơi, bản thể đích thực của nghệ thuật! Không chỉ thơ in trên lịch, thơ viết trên mẹt, trên lá cây; thơ sắp đặt cùng với đơm đó, cối giã gạo, cối xay lúa; thơ trình diễn với hát dân ca, xẩm, hầu đồng, mà tính chơi này còn nhảy múa ở cả hai đường thơ dân gian và hiện đại, nhất là ở “viên đá đỉnh vòm” Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Duy hình như muốn đem trò chơi thơ mình vãn hồi tính chơi đã mất của trò chơi nguyên thủy.
Năm 2010, Nguyễn Duy như muốn kết lại thơ anh cho đến thời điểm này vào một tuyển. Duy chia đường thơ mình thành bốn chặng: Đường làng, Đường nước, Đường xa, Đường về. Đây là vòng đời cũng như vòng thơ Duy. Trước đây Duy đã rất có ý đồ khi sắp xếp thơ anh theo chủ đề ở mỗi tập, như Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đường xa (1989), Sáu và tám (1994), Về (1994), Bụi (1997)… Cách sắp xếp lần này ở tuyển là dựng nên cấu trúc của cả thi nghiệp. Những bài thơ đã biết, quen thuộc được đưa vào cấu trúc mới sẽ ánh lên những ý nghĩa mới, khác lạ. Nguyễn Duy từ làng, từ tuổi thơ đi vào rồi ra khỏi cuộc chiến tranh, từ trong nước đi xa ra thế giới, rồi từ thế giới không quên đường về. Nhưng Duy không về làng, Đò Lèn hay Cầu Bố, như cha anh và bao người nông dân khác, để khép kín một vòng đời, mà ở lại Sài Gòn, quê mới của Duy. Một đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Tôi cũng chỉ mới quen Duy thời gian gần đây, khi có ý định viết về anh nhằm lắp một mắt xích cho hành trình thơ Việt hiện đại. Và hiểu anh cũng chủ yếu qua thơ. Tôi phân tích và tưởng tượng văn bản, cốt nắm được cái thần của chữ và khí chất của nhà thơ. Nếu nhà nghiên cứu đẩy đối tượng ra xa mình để xem xét một cách khách quan dựa vào những sự kiện xác thực, thì nhà phê bình kéo đối tượng lại gần để cùng mình thám mã nghệ thuật. Nếu nhà nghiên cứu, phần lớn đi tìm nghĩa chủ ý của tác giả, thì nhà phê bình chủ yếu sáng tạo nghĩa văn bản. Ở lãnh địa này phê bình có quyền được chủ quan làm phê bình bằng trực giác lý thuyết và từng trải nghệ thuật, tôi xây dựng cho mỗi nhà thơ một mô hình thẩm mỹ tương thích, vừa như một cách đi, vừa như một đích đến. Không phải ngẫu nhiên mà tôi thường dùng các định ngữ như Từ Chi trong mắt tôi hay Quang Dũng Xứ Đoài quê tôi, Nguyễn Duy ván chơi của tôi, nhằm thể hiện một cái nhìn riêng, khu biệt với người khác. Hoặc xác lập khái niệm định danh cho nhà thơ như Nguyễn Duy nhà thơ hiện-đại-cổ-điển.
Nguyễn Duy, quả thực, là nhà thơ hiện đại cổ điển. Việc phân tích ba bài thơ: Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa… Tổ quốc thuộc đường thơ thứ hai và Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, thi phẩm gặp gỡ tổng hòa cả hai, tôi thấy được tư duy nghệ thuật hiện đại thơ Duy. Còn hầu hết những bài thuộc đường thơ thứ nhất đều được Duy cho trình hiện trong bộ trang phục cổ điển, không phải cổ điển chủ nghĩa, một trào lưu văn học châu Âu thế kỷ XVIII, mà cổ điển như là những chuẩn mực nghệ thuật đã đi vào ổn định, hoặc chuẩn mực mới. Cổ điển theo nghĩa này đối lập với lãng mạn, cũng không phải lãng mạn chủ nghĩa, một trào lưu văn học ở châu Âu thế kỷ XIX, mà lãng mạn chỉ những phá vỡ chuẩn mực hiện hành. Như vậy, hai nguyên lý nghệ thuật này, cổ điển và lãng mạn, chuẩn và lệch chuẩn, tưởng như đối lập mà thống nhất, tìm thấy nhau ở tuyệt phẩm Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tạo ra một Nguyễn Duy nhà thơ hiện đại cổ điển.
Như vậy, Nguyễn Duy cùng với Phùng Cung và Tô Thùy Yên, trở thành một tam giác thơ hiện đại cổ điển Việt Nam. Hiện đại cổ điển mở một hướng đi mới, một lựa chọn mới cho tư duy nghệ thuật và tư duy đời sống của/ở Việt Nam. Không theo nguyên lý loại trừ (hoặc là… hoặc là…) đậm chất tiền hiện đại, tự chặt chân chặt tay mình, mà theo nguyên lý bổ sung (vừa là… vừa là…) mang tính hiện đại, vừa như ngựa mọc thêm cánh, vừa phù hợp với ngưỡng văn hóa và ngưỡng tâm thức Việt. Điều này giải thích vì sao Nguyễn Duy được yêu mến, trở thành nhà thơ toàn dân, đôi khi kể cả kẻ không phải dân, và cuối cùng, một đặc sản made in Viet Nam nhất trong các nhà thơ Việt Nam.
Chùa Thầy, 11 - 2022