- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Nguyên Hùng - Thao thức cùng cánh buồm sóng
Nguyên Hùng - Thao thức cùng cánh buồm sóng
BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
VŨ THANH HOA (https://vuthanhhoa.com/)
Nhà thơ Nguyên Hùng
- Tên thật: Nguyễn Nguyên Hùng
- Quê quán: Cửa Lò, Nghệ An
- Nghề nghiệp: Tiến sỹ công trình thủy
- Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban CLB Văn học, Hội Nhà văn TPHCM
- Thường trực website Văn chương TP. Hồ Chí Minh của Hội Nhà văn TPHCM
- Hiện sống và làm việc tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm xuất bản: Cánh buồm thao thức (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2007), Sóng không từ biển (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009), Bay về phía bão (Thơ, NXB Văn học, 2013), Dấu chân Lục Bát (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014), 102 mảnh ghép văn nhân (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017), 108 đoản khúc thơ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019); Có hơn 100 ca khúc phổ thơ, trong đó một số được VTV, VTC, HTV, NTV… chọn làm chương trình TGTP, tham gia các chương trình ca nhạc, THTT như “Sóng không từ biển”, “Bến xưa”, “Lời hẹn tình quê”, “Em và biển”, “Tình yêu Xuân về”...
Giải thưởng văn học: Giải A về biên khảo biên dịch Tạp chí Tài Hoa Trẻ, 2006.
1. Người quản trị trang vnweblogs
Tôi nhớ khi Vnweblog còn là một mạng xã hội trực tuyến văn học đình đám nhất Việt Nam (2006-2016), nhà thơ Nguyên Hùng là một quản trị viên và là người chủ nhiệm tậm tâm, nhiệt tình, thu hút được rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ… không chỉ ở trong nước mà ở khắp nơi như Đức, Pháp, Nhật, Canada, Mỹ… tham gia lập các blog trên trang này. Không ít những tên tuổi nổi tiếng đã trở thành những blogger thường nhật trên Vnweblogs như: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, Phạm Xuân Nguyên, Văn Công Hùng, Lê Khánh Mai…
Không chỉ rành về công nghệ, Nguyên Hùng còn “cấp tốc đào tạo blogger” cho rất nhiều VNS lần đầu làm quen với những thao tác như việc đăng bài trên mạng, đăng tranh vẽ, các bản nhạc… và phản hồi những nhận xét, bình luận rất sôi nổi, thú vị của các đồng nghiệp và bạn đọc khắp mọi nơi khi tác phẩm còn nóng hổi cảm xúc… Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng “phong” cho nhà thơ Nguyên Hùng là “Hiệp sĩ blog”!
Nhà thơ Nguyên Hùng cùng bạn bè Blogger của trang Vnweblogs hội ngộ: Nhà thơ Nguyên Hùng, nhà thơ Hoa Huyền, Vũ Thanh Hoa, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (TP. HCM 2009)
Mạng ảo nhưng tình thân là thật, từ trang Vnweblogs, bạn bè bốn phương đã được nhiều dịp hội ngộ, gặp gỡ vui vẻ, có những bạn đọc đã được tận mắt thấy VNS thần tượng của mình từ thời học trong SGK, đọc trong các cuốn sách dày dặn ở thư viện. Hình như lúc đó văn thơ chỉ là cái cớ, tình người mới là điều đọng lại lâu bền. Trang Vnweblogs sau này đã đóng lại vì mạng xã hội rộng mở ra nhiều cánh cửa khác nhưng nhiều người đã coi ở đó có những kí ức đẹp không bao giờ quên.
Nhà thơ Nguyên Hùng hiện nay là hội viên Hội Nhà văn VN, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, nhưng anh vẫn tích cực hoạt động mảng văn chương mạng, anh là chủ lực của trang website Nhà Văn TP.HCM, ngoài ra anh còn có trang web cá nhân Cánh buồm thao thức, các trang facebook quy tụ được đông đảo bạn bè văn nghệ cả nước hưởng ứng.
2. Nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc thành công
Tôi biết đến Nguyên Hùng trước hết là mảng thơ dịch Nga-Việt. Anh có một thời gian học tập ở Nga nên với vốn tiếng Nga am hiểu sâu sắc và khả năng thấu cảm của một nhà thơ, các tác phẩm chuyển ngữ Nga-Việt của anh luôn có một vẻ đẹp không lẫn với các dịch giả khác. Nhưng với các bài thơ thuần Việt, Nguyên Hùng lại dùng lối viết mộc mạc, giản dị thấm đẫm tình yêu quê hương, xứ sở. Có lẽ vì sự dung dị ấy mà khi các bài thơ của Nguyên Hùng được âm nhạc chắp cánh, đã lay động được trái tim người nghe, trở thành những ca khúc thành công, được công chúng yêu thích. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét về thơ Nguyên Hùng: “Thơ anh không cầu kỳ kiểu cách mà tràn đầy chất dân gian truyền thống. Nhiều ví von, ẩn dụ, nhiều thi ảnh thân thương gần gũi. Và đặc biệt là thơ anh rất giàu nhạc tính. Có lẽ vì thế mà nhiều nhạc sĩ đã tín chấp nhạc của mình vào thơ Nguyên Hùng”.
Một trong những ca khúc từ thơ Nguyên Hùng là Sóng không từ biển (ca khúc này được nhiều ca sĩ chọn hát, làm album) đã được VTV và các đài truyền hình chọn phát trong các chương trình THTT và được VTV chọn đưa vào chương trình “Sóng không từ biển – các ca khúc phổ thơ được yêu thích” (cùng Mùa hoa cải, Thuyền và biển, Mơ về nơi xa lắm, Khúc hát sông quê). Đến nay gia tài ca khúc phổ từ thơ Nguyên Hùng đã có đúng 100 bài! Thật là một con số đáng mơ ước với nhiều nhà thơ!
Mời bạn đọc thơ Nguyên Hùng và nghe các ca khúc phổ nhạc từ thơ của anh:
Thơ dịch
Bé nhỏ
Rozhdestvensky Robert
Nơi trái đất đáng thương bé nhỏ
Có một người nhỏ bé sống qua
Bằng việc làm bé nhỏ gọi là
Chiếc cặp bé cùng tiền lương bé nhỏ
Một buổi sáng đẹp trời, bỗng ùa vào trước cửa
Cuộc chiến tranh, dường như cũng nhỏ thôi
Anh được trao tiểu liên nhỏ bên người
Được phát ủng vừa đôi chân bé nhỏ
Chiếc áo choàng cho anh cùng cỡ
Chiếc mũ sắt đội đầu nhỏ bé như anh.
…Nhưng khi anh ngã xuống,
dù dáng nằm không đẹp
Tiếng thét xung phong làm méo miệng dễ thương
Thì cả trái đất này không đủ đá hoa cương
Để tạc trọn dáng hình anh bé nhỏ.
Ngải cứu
Olga Berggolts
Tôi lì lợm lặng thinh
Kìm nén mọi lời trong miệng
Những cây cỏ đắng
Vẫn miệt mài trổ hoa.
Chúng mình không thể chia xa
Nhưng cả hai đều giấu giếm
Chiếc khăn của tôi, anh chiếm
Giật tung cả đường viền...
Anh đã làm gì với khúc ren?
Anh làm gì với chiếc khăn đã rách?
Tôi cần gì trái tim tan nát
Dưới gót chân cuộc đời?
Tôi cần gì những lời đường mật
Từ những người xa lạ, không yêu tôi
Những cây ngải cứu đời tôi vẫn mọc đầy, đắng chát
Khắp mọi nẻo đường đấy thôi.
(Nguyên Hùng dịch)
Thơ Nguyên Hùng
ĐÔI KHI
Đôi khi chợt ước vu vơ
Được làm nụ súng hé chờ giọt sương.
Đôi khi ghen cả cánh chuồn
Nhởn nhơ tìm bạn không buồn không lo.
Đôi khi lỡ một chuyến đò
Cả đời vô vọng ngóng chờ qua sông.
Đôi khi lỡ chạm gai hồng
Giật mình chợt nhớ mình trồng phong lan!
Bình luận