- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Nhà thơ Trần Kim Dung bước chân lãng du qua muôn nỗi gần xa
Nhà thơ Trần Kim Dung bước chân lãng du qua muôn nỗi gần xa
XUÂN TRƯỜNG
Nhà thơ Trần Kim Dung đã thể hiện rõ trách nhiệm công dân qua những câu thơ viết trực diện về Covid-19. Đó là tiếng nói vọng lên từ trái tim nhân hậu.
Nhà thơ Trần Kim Dung.
Nhà thơ Trần Kim Dung chào đời vào năm Ất Dậu 1945. Chị đã lớn lên theo dặm dài gian nan của đất nước, chiến tranh tiếp nối chiến tranh. Rồi người con gái ấy đã trở thành một kỹ sư tâm hồn, đi gieo chữ nghĩa trên cánh đồng tương lai. Mỗi bước đi là một nhịp đời trăn trở, một kết nối yêu thương, một tấm lòng rộng mở.
Có lẽ trời Nam đất Bắc đã tạo ra cho nhà thơ Trần Kim Dung sức bền để đi và đến, suốt một hành trình giữa áo cơm và thi ca. Chị đã tìm ra lẽ sống từ những gian truân, vất vả: “Tháng tư ấy/ tôi chào đời trong giông bão/ U ám mây đen khói lữa bốn bề/ Kho thóc Nhật chất cao như núi/ Hai triệu người chết đói khắp làng quê/ Sông Lấp, Cầu Rào nép mình nín thở/ Nghe tiếng giày đinh và tiếng súng Nhật, Tây”. Cái ngày xưa ấy lại làm cho chị run sợ cho cái bây giờ “Tháng tư nay/ Qua bảy nhăm mùa gạo đỏ/ Gió bão tan mưa đá lại về/ Châu thổ khát đất chin rồng muối mặn/ Covid lan tràn cả thế giới tái tê”. Và rồi nhà thơ tự nhủ: “Sinh nhật đến/ không dám mong được bắt tay/ hoa tươi bánh trái/ Chỉ cầu chúc bình an cho tất cả mọi người”.
Bằng thơ, Trần Kim Dung đã vẽ nên một bức tranh quê hương sơn thủy hữu tình, mang đậm dấu ấn sử thi. Nhà thơ đã lồng ghép được cái cảnh cái tình con người và thiên nhiên. Với phép nhân cách hóa tài tình chị đã cho mỗi loài mỗi vật có một ngôn ngữ riêng. Có thể nói, tập thơ “Muôn nỗi gần xa” của chị là một khu vườn thi ca đầy ắp những tiếng chim vui, tiếng thì thầm cổ tích vọng từ ngàn xưa, là bản giao hưởng âm thanh hôm nay. Tôi đã lưu lạc vào không gian thơ của chị mà tha hồ ngắm cảnh non nước qua những điểm nhấn du lịch, bởi nơi nào chị đã đi qua đều để lại những vần thơ cháy bỏng và lưu luyến lòng người.
Tôi đã nghe dư ba từ những lời trái tim của chị, những được mất, vui buồn với nụ cười hoàng hôn trong trẻo đời mình. “Muôn nỗi gần xa” cũng là một thông điệp thanh bình, tao sự tĩnh lặng của tâm hồn: “Đây suối Gải Oan/ ranh giới đạo- đời ngàn năm trong vắt/ Thấp thoáng xa xưa bóng Mỹ nữ Cung tần/ Ai ngăn được bước chân người hành đạo/ Lên cõi thiền cao vút đỉnh Bạch Vân/ Đây một mái chùa treo trên vách đá/ Nữa ẩn hang sâu nữa lợp mây ngàn/ Suối rì rầm trang kinh người xưa để lại/ “Mai Lão” trước chùa thắp sáng cả thiền am”.
Theo chân nhà thơ Trần Kim Dung về Hoa Lư “bông lau trắng/ bạt ngàn lưng chùng núi/ như mây bay mỏng mảnh vắt ngang trời/ nghe đâu đây/ tiếng cờ lau đoàn quân tập trận/ Tiệc khao quân nghiêng ngã núi đồi”, lại theo chị vào tháp Tường Long gặp giấc chiêm bao Vua Lý “tôi đến Tường Long khi tháp vừa tỉnh dậy/ Bóc tờ lịch vạn niên mười thế kỷ qua rồi/ Nghe tháp kể/ Vua Lý qua đây ngự giá/ Bóng rồng vàng còn lấp lánh ngoài khơi/ Tháp soi mình vào tấm gương cổ tích/ Chín tầng bay lên cao vút trời xanh/ Chín mái cong cuộn đầy nắng gió/ Rồng phương bay theo chuông mõ bồng bềnh”.
Tập thơ "Muôn nỗi gần xa".
Và đây, tôi và độc giả lại được dừng chân với nhà thơ Trần Kim Dung tại một thắng cảnh, không biết có từ thời nào trong các thời kỳ địa chất, đã ban tặng cho đất nước ta “Lênh đênh giữa áng mây trời/ Qua miền cổ tích triệu đời hoang sơ/ Ai đêm hồng thủy xô bờ/ Làm nên hồ nước lặng lờ non cao” và “Ngọc xanh lạc giữa núi đồi/ Núi nghiêng tạo dáng mây trời soi gương/ Thuyền ai trên đỉnh mù sương/ Mái chèo khua mảnh trăng suông bềnh bồng”. Những câu thơ chị viết trên sợi tơ tằm quê ngoại, trên cổng làng quê nội, trên ngọn cỏ, dưới cung trăng, trong lời kinh tiếng kê, chùa chiền Phật pháp đều làm rung động lòng người.
Nhà thơ Trần Kim Dung đã thể hiện rõ trách nhiệm công dân qua những câu thơ viết trực diện về Covid-19. Đó là tiếng nói vọng lên từ trái tim nhân hậu, đầy ắp thương yêu trước sự bấp bênh của sự sống con người “bỗng dịch đến phương Nam tàn phá/ Sài Gòn Bình Dương lấn hết chín Rồng/ Người xấu số ra đi như lá rụng/ Hũ cốt chất chồng giữa cõi mênh mông”. Có lúc chị thảng thốt: “Covid vô hình mà ngăn cả núi sông trời biển/ Chặn giao lưu thân thiện tám tỷ người/ Nam, Bắc bên nhau vài giờ sải cánh/ Giờ bỗng ngàn trùng cách trở xa xôi/ Con cháu khai trường lặng yên trên bàn phím Dò bước chân theo “con chuột” đến trường/ Ngắm chị Hằng trung thu qua cửa sổ/ Nhớ đuốc đèn và bè bạn thân thương”.
Đúng vậy đại dich Covid-19 xuất hiện làm điêu linh con người, làm thay đổi mọi nếp sống và suy nghĩ của con người, đến nay con người vẫn hãi hùng kinh hoàng khiếp sợ. Nhà thơ Trần Kim Dung hiểu rằng, trách nhiệm của thi ca phải ghi vào ký ức những dữ dội, những điêu linh hiện tại để cho ngày mai có cái nhìn khách quan của nhân loại bình yên.
Tôi đã lặng thầm theo bước chân lãng du của nhà thơ Trần Kim Dung qua “Muôn nỗi gần xa”của chị, để chia sẻ một đôi điều về một dòng thơ uyển chuyển những câu thơ lục bát, lay gợi những câu thơ tự do. Chị có cách nói riêng, tâm tình riêng. Toàn tập thơ chị là một dòng chảy nhân hậu, của một người phụ nữ làm thơ bằng một tâm hồn trong sáng. Những nỗi buồn trong veo, những niềm vui bình thường đủ để cho cuộc sống lắng đọng.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/.
Bình luận