TIN TỨC
icon bar

Cảm nhận bài thơ “Về với em thôi” của nhà thơ Nguyễn Minh Tâm

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-02-26 09:18:23
mail facebook google pos stwis
1349 lượt xem

PHAN CHÍ THẮNG (PHAN CHI)

Trưa nay nhà thơ Nguyễn Minh Tâm từ TP. HCM ra mang theo tập thơ “Ấm lạnh pháp đình” của anh do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2022.

Tôi không có tham vọng giới thiệu cả tập thơ 104 bài của luật sư Nguyễn Minh Tâm. Nhiều người biết anh là một luật gia nổi tiếng, nguyên uỷ viên Ban Thường vụ, phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam. Nhưng thú thật, nhà thơ Nguyễn Minh Tâm chưa nổi tiếng bằng luật sư Nguyễn Minh Tâm, dù từng cho ra đời 3 tập thơ và 1 tập văn dày dặn.

Ấm lạnh pháp đình là tập thơ chủ yếu nói về nghề, một nghề tưởng nặng về lý, lý trên hết là nghề luật sư. Song chính những ngang trái, những bất cập thậm chí đôi khi cán cân công lý bị nghiêng ngả đã làm cho luật sư Nguyễn Minh Tâm đau xót, dằn vặt, đấu tranh cho công lý, và làm cho nhà thơ Nguyễn Minh Tâm phải cầm bút trải lòng thành nhiều bài thơ nói về nghề - trường hợp hiếm hoi trên thi đàn Việt Nam.

Tôi chưa đọc hết tập thơ nhưng trưa nay Nguyễn Minh Tâm đã trình bày mấy bài thơ của anh, trong đó có bài “Về với em thôi” mà anh đã đọc với một giọng ấm áp truyền cảm. Tôi thích bài thơ đó và ngay lập tức xin phép các lão văn nhân Văn Đình Chinh, Trung Trung Đỉnh, Trần Ngọc Vương, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Thành Phong, Phạm Xuân Nguyên cho tôi “xí phần” viết cảm nhận về nó.

Về với em thôi nằm trong số ít bài thơ không trực tiếp nói về nghề và môi trường pháp đình đầy nóng lạnh. Một chút chán chường, một chút bất lực của người cả cuộc đời cống hiến cho pháp đình, mong muốn nó tốt đẹp, để rồi “về với em thôi!”

Đó còn là cảm nhận có lỗi với người vợ vì bao nhiêu năm anh lao đầu vào công việc, chưa chăm sóc chị được nhiều chăng?

“Ta trả lại cái nỗi buồn thế sự

Vì đời ta cũng đã mãn chiều rồi

Và cũng ngán cái bàn chân lữ thứ

Thèm quay về với bếp của em thôi”

Người ta hay nói về hưu là “về vườn”, Nguyễn Minh Tâm “về với bếp của em”. Bếp là gia đình, là nơi ấm cúng nhất trong gia đình người Việt. Người Nga có câu ngạn ngữ “nhà tôi là thành luỹ của tôi”, nhà là nơi bất khả xâm phạm, là lãnh địa cuối cùng của tôi. Người Việt rất hay khi gọi vợ là “nhà tôi”, vợ là nguyên cả pháo đài thành lũy của tôi.

Từ ấm lạnh pháp đình về với hơi ấm gia đình, tác giả dùng hình ảnh cái bếp rất đắt.

Em sẽ nấu bát canh chua với con cá ta câu từ thuở thiếu thời rồi thả vào dòng hoang dã nay bắt về cho em nấu. Không thể không thích tứ thơ này. Có phải là con bống trong chuyện cổ tích, không biết, chỉ biết đó là thứ cặp tình nhân để dành bây giờ mới có dịp mang ra thưởng thức. Tất cả giữa hai người còn khôi nguyên, mới mẻ.

“Ta sẽ hát em nghe một điệu hò sông nước

Khi ta vui lượm được ở miệt vườn

Câu hát ấy ta ghi trong vạt áo

Áo giặt rồi câu hát vẫn còn vương”

Tình tứ quá, họ vẫn còn đủ lãng mạn “anh hát em nghe” song không phải là bài bolero sướt mướt mà là bài hát của sông nước quê hương. Động từ “nhặt được” ở miệt vườn cho ta thấy ai đó đã đánh rơi, đã lãng quên mất nó. Ta chép vào vạt áo, dễ thương quá. Áo giặt rồi câu hát vẫn còn vương - dễ thương được nâng lên một nấc mới.

Sau bữa cơm chiều, hai người ngồi thưởng trà, “trà em pha có vị trường xuân”. Tôi uống trà đã nhiều, chưa bao giờ nghe nói có vị trường xuân - xuân lâu dài. Chắc là chỉ có “trà em pha” mới có vị ấy. Từ ấm trà mạn tác giả chuyển sang thứ trà khác, rất khéo:

“Ta cùng nhấp đời nhau trong hương trà thơm phức

Cho em quên hết mọi tảo tần”

“Nhấp đời nhau” là cách nói lạ, đời người này là chất dinh dưỡng, cũng là thú hưởng thụ cho đời người kia. Ghi nhận và đánh giá được hết mọi tảo tần của vợ.

Khổ thơ cuối mới “chết người”:

“Và đêm xuống trăng vàng như rót mật

Tay ta đây em cứ gối đầu say

Ta sẽ biến lòng em thành mật thất

Để cho ta tu nốt kiếp đời này”

Lãng mạn quá, trăng vàng ngọt ngào, nàng tin cậy gối lên tay chàng ngủ, chàng thì biết “nhà tôi” không chỉ là “vợ tôi” mà còn là mật thất tôn nghiêm để tôi tu nốt kiếp đời.

Tu nốt nghĩa là đã từng tu chứ không phải giờ mới tính chuyện tu.

Nguyễn Minh Tâm dùng từ và hình ảnh rất đắt. Tôi cho rằng “Về với em thôi” là một bài thơ tình hay mặc dù không có một lời yêu hoa mỹ nào hết.

Có thể tôi chưa cảm nhận được hết những cái hay của bài thơ.

Giã bạn ra về tôi đi đón cháu rồi ngồi viết bài này, như một cách đồng cảm và tri ân Nguyễn Minh Tâm - luật sư, nhà thơ - người bạn trên Facebook đã lâu hôm nay mới gặp ngoài đời.

Bình luận

Để lại comment

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”
Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm