TIN TỨC
icon bar

Về một số cách thức bảo tồn và phát triển Dân ca Ví Giặm trong thời đại trí tuệ nhân tạo và số hoá

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-01 12:55:12
mail facebook google pos stwis
1485 lượt xem

NGÔ THỤC KHUYÊN

I. Sự biến đổi và sức sống của dân ca nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại

Trước tác động của giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thời đại của khoa học công nghệ thông tin, của kinh tế tri thức, nhiều biến động trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra từng giây, từng phút ở khắp mọi nơi. Do đó, xu hướng đô thị hóa của mọi làng quê như một tất yếu. Hội nhập toàn cầu sẽ là cơ hội cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng cũng dễ dẫn đến sự đồng hóa văn hóa, làm biến dạng, lệch chuẩn hoặc mất đi bản sắc văn hóa vốn có của nó. Toàn cầu hóa đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, bao gồm cả Văn học nghệ thuật. Chúng ta đang “chuyển đổi” sang thế giới chịu sự tác động của Internet mà trong đó, Chatbot AI (hội thoại trí tuệ nhân tạo) là chương trình kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và ngôn ngữ lập trình NLP (Neuro-linguistic programming) để tương tác với con người liệu có thay thế được trí tuệ con người. Các ngành công nghiệp giải trí đó đang lấn sâu vào trong đời sống âm nhạc, liệu dân ca Ví Giặm có còn đứng yên và giữ mãi bản sắc, tính chất vốn có của nó?

Dân ca nói chung, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng khi mới ra đời chỉ là những câu hát đơn giản, mộc mạc. Quá trình lưu truyền trong đời sống lao động, được bổ sung, hoàn thiện thành những làn điệu dân ca trữ tình, sâu lắng như ngày nay. Đến khi có sự tham gia của tầng lớp trí thức bình dân, nhà nho yêu nước thì bắt đầu có thêm chất trí tuệ, thâm thúy hơn. Sự thay đổi đó thể hiện trong nội dung, hình thức diễn xướng phù hợp với từng hoàn cảnh lao động, sinh hoạt đời sống. Dân ca là hiện thân của cuộc sống người lao động, cuộc sống thay đổi thì dân ca cũng thay đổi theo.

Đặc tính của dân ca là Truyền miệng, đặc điểm của truyền miệng là Dị bản. Tự bản thân các làn điệu còn lưu truyền lại đã hàm chứa đặc trưng biến thể, phát triển theo quy luật vận động của xã hội. Chúng ta đã chấp nhận sự mất đi những làn điệu hàng trăm năm trước và lại sinh ra những dị bản mới để phù hợp với cuộc sống đương thời. Môi trường xã hội mà âm nhạc truyền thống và dân ca hiện nay đang tồn tại khác nhiều so với môi trường ban đầu, trong nhiều trường hợp không còn thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nó. Âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân gian và các bài hát dân ca thường được tạo ra ở môi trường nông thôn, trong lao động sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Và bây giờ ở một môi trường hiện đại thì lớp trẻ (thật đáng lưu tâm) đang dần bỏ rơi âm nhạc dân gian và dân ca.

Không gian văn hóa cổ truyền và phương pháp bảo tồn không gian văn hóa cổ truyền là hai vấn đề “nóng” đang được giới nghiên cứu Văn hóa và giới nghiên cứu Âm nhạc Dân tộc học trong nước ngày nay bàn thảo nhiều. Hầu hết mọi người đều cho rằng phải bảo tồn được không gian văn hóa cổ truyền hoặc theo lối cổ truyền thì các hình thức sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật cổ truyền mới có điều kiện tồn tại, nếu không chúng sẽ bị biến dạng, hoặc bị lai tạp, méo mó.

Theo PGS Đặng Hoành Loan trong bài "Những bước chuyển đổi trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh", các hình thức nghệ thuật cổ truyền Việt Nam theo tiêu chí sinh hoạt đời sống của các hình thức nghệ thuật bây giờ có hai trong mấy điểm cần lưu ý:

- Thứ nhất, không gian dành cho các loại hình nghệ thuật trình diễn trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian thờ thần và trong các tôn giáo ít bị biến động và ít có khả năng biến mất, thậm chí nó còn tiếp tục phát triển. Nguyên nhân do nơi sinh hoạt, phương thức sinh hoạt, niềm tin nơi thần thánh của các tín ngưỡng và tôn giáo này đang được bảo toàn và mở rộng.

- Thứ hai, không gian dành cho nghệ thuật giải trí và lao động đang bị thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính làm ảnh hưởng trực tiếp tới những hình thức nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt giải trí cộng đồng với thực hành lao động xã hội, thì nguy cơ biến mất của các hình thức nghệ thuật này là rất lớn.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều hình thức nghệ thuật giải trí trong gia đình và cộng đồng đã và đang tiếp tục bị biến mất do không tranh chấp nổi với nhiều và rất nhiều các hình thức nghệ thuật giải trí trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện và nhất là trong hiện tại cả thế giới đang hào hứng vào cuộc với Chatbot AI, trí tuệ nhân tạo.

Còn các hình thức nghệ thuật sinh ra và gắn liền với thực hành lao động xã hội có nguy cơ biến mất. Trước hết do thay đổi phương thức sản xuất trong cơ cấu nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp… của xã hội hiện đại đã và đang có những thay đổi đáng kể (nếu không nói là hoàn toàn) so với ngày xưa. Đời sống của người nông dân, thương nhân, thợ thủ công đã biến đổi theo nhịp sống hiện đại. Thông tin đa phương tiện đã và đang biến họ thành lớp người hưởng thụ nghệ thuật chứ không tự sản sinh nghệ thuật như xưa nữa.

Vậy nếu cứ bảo tồn là buộc phải tôn trọng, hay phải bảo toàn không gian văn hóa nghệ thuật cổ truyền thì có chăng chúng ta chỉ có thể bảo toàn được các không gian trình diễn nghệ thuật tín ngưỡng, còn nghệ thuật trình diễn trong sinh hoạt giải trí ở gia đình và cộng đồng hay nghệ thuật trình diễn trong các không gian thực hành lao động xã hội thì việc bảo tồn sẽ trở nên bế tắc. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, trong những trường hợp cụ thể nên có một cái nhìn mở hơn, thoáng hơn, thậm chí phát triển hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không gian trình diễn không đồng nghĩa với việc làm méo mó nội dung âm nhạc, cấu trúc âm nhạc của dân ca và dân nhạc cổ truyền. Bên cạnh đó việc chấp nhận những sáng tạo (sáng tác) mới dựa trên lòng bản như thế nào để vẫn giữ được hồn cốt dân ca cổ nhưng lại phù hợp với xu hướng thời đại. Hiện nay, đại đa số có ý kiến cho rằng sáng tạo tức là giết chết Dân ca, giết chết Di sản?

Theo PGS Đặng Hoành Loan: “Không gian văn hóa cổ truyền để hát Ví Giặm theo lối xưa đã không còn tồn tại, song rất may sự biến mất ấy đã không kéo theo sự biến mất của làn điệu (tức nhạc) dân ca Ví Giặm vẫn tồn tại, tồn tại không lệ thuộc vào những không gian văn hóa, nơi khởi nguồn, nơi sinh ra và nuôi dưỡng Ví-Giặm, mà nó tồn tại do đã được cộng đồng Ví-Giặm chuyển đổi chức năng muôn thuở của nó: Chức năng thực hành lao động sang chức năng Ví Giặm giải trí và Ví Giặm sân khấu để nó phù hợp với tâm lí thưởng thức của con người đương thời”

Không gian trình diễn cổ truyền của dân ca Ví Giặm tuy không còn, song vẫn còn đó những làn điệu Ví Giặm, kho tàng lời ca Ví Giặm và cách thức sinh hoạt Ví Giặm giải trí. Phần còn lại này tuy không toàn vẹn ý nghĩa “văn hóa nghệ thuật cổ truyền” nhưng nó vẫn còn “nguyên vẹnnội dung âm nhạc Ví-Giặm cổ truyền. Chức năng mới cho dân ca Ví-Giặm từ nghệ thuật thực hành xã hội sang nghệ thuật giải trí cộng đồng. Sự chuyển đổi chức năng một cách tự nhiên và hợp lí này cũng đã cung cấp cho chúng ta một bài học quý giá để giải quyết bài toán khó về bảo tồn nghệ thuật cổ truyền trong sự biến động mãnh liệt của tổ chức xã hội hiện đại.

Hai loại hình nghệ thuật “khác biệt” này, sinh ra hai giới thực hành nghệ thuật có tên gọi khác nhau. Một bên được gọi là nghệ sỹ, một bên được gọi là nghệ nhân.

Trong trường kì lịch sử phát triển và tồn tại, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã trải qua hai lần chuyển đổi lớn. Xét về bản chất:

- Lần chuyển đổi thứ nhất chỉ chuyển đổi cách thức và địa điểm trình diễn, còn âm nhạc và lời ca Ví Giặm cổ truyền vẫn được bảo toàn, (chưa ai xác định chính xác về thời gian). Không gian Ví Giặm giải trí được chuyển đổi sớm nhất có lẽ là do các nghệ nhân hát rong. Những người yêu Ví Giặm cũng đã đặt ra muôn vàn lời ca có nội dung khác nhau, cách sắp xếp làn điệu khác nhau để biểu diễn trong cộng đồng

- Lần chuyển đổi thứ hai (khoảng giữa thế kỉ XX) đã biến dân ca Ví Giặm thành phương tiện thể hiện tình huống, tâm trạng nhân vật kịch của Sân khấu Ví Giặm. Do đó âm nhạc và lời ca Ví Giặm dân gian được thay thế bằng lời ca và âm nhạc phục vụ câu chuyện kịch, nhân vật kịch. Như vậy, rõ ràng dân ca Ví Gịăm không những được bảo tồn nguyên bản mà còn có những bước phát triển về chất, đó là sự chuyển hoá từ hình thức ca hát dân gian, đến ca nhạc chuyên nghiệp, rồi ca kịch sân khấu.

Và hiện tại có vẻ như đang hình thành lần chuyển đổi thứ 3, là sự tác động qua lại, tương hỗ ở hai giới thực hành nghệ thuật này sau gần mười năm từ khi Ví Giặm được UNESCO ghi danh (2014). Những làn điệu trên Sân khấu Kịch hát dân ca đã được người dân ứng dụng đưa vào các tiểu phẩm để phục vụ ở các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các cuộc liên hoan văn nghệ ở làng, xã, huyện, thị như Hát Khuyên, Tứ Hoa, Con cóc……Như vậy dù muốn hay không thì Ví Giặm cũng tiếp tục đi theo con đường của nó để thích ứng, phù hợp với xã hội đương đại, phát triển theo xu hướng của cuộc sống.

Chúng ta xem lại lịch sử về dân ca trên thế giới, dân ca trước mấy trăm năm thậm chí hàng nghìn năm, hiện nay đã mất, có một số chỉ bảo tồn lời hát, nhưng giai điệu không còn nữa. Hay như Ca trù của Việt Nam, Trà đạo, Kịch Nô của Nhật Bản, trước đây chỉ thuộc về một tầng lớp giàu có như Samurai, nay trở thành văn hóa của cộng đồng, không còn giới hạn trong phạm vi duy nhất nào nữa. Điều đó có thể chứng minh thời đại đang phát triển nhưng tính thích ứng của con người cũng thay đổi, không thể không biến hóa, chúng ta phải đi theo trào lưu, làm việc theo quy luật phát triển bằng sự vật và tư duy biện chứng. Thế hệ trẻ đã không thích dân ca cũ, mình bắt buộc họ thì không được, phải cải cách dân ca từ hình thức đến nội dung, từ giai điệu, tiết tấu đến lời hát họ thích nghe, dân ca cũ suy yếu, dân ca mới nảy nở ra có một số yếu tố dân ca cũ. Đây chính là quy luật phát triển sự vật, không theo ý chí của người nào.

Vấn đề đặt ra chúng ta sẽ sáng tạo như thế nào để Bảo tồn, giữ gìn, phát huy kế thừa dân ca nhưng phải theo kịp xu hướng trào lưu và quy luật phát triển của xã hội. Ngày nay, trong xã hội đương đại, sự biến đổi của dân ca nói chung, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, sáng tạo như thế nào để vẫn giữ nguyên hồn cốt mà vẫn theo kịp quy luật vận động của cuộc sống.
 

II. Làm mới dân ca Ví Giặm trên các làn điệu cổ

Vấn đề sáng tạo (sáng tác mới dựa theo phương pháp dân gian), cho đúng mạch của dân ca là khó, nhưng các nhà nghiên cứu, sưu tầm trước đây đã làm được. Sáng tạo mang hơi thở cuộc sống mới nhưng đã giữ được hồn cốt .

Chất liệu phải đậm đà âm hưởng dân ca Ví Giặm

Cấu trúc theo khúc thức dân gian

Biểu đạt được tâm trạng hoặc tính cách nhân vật

Ca từ dựa theo các thể thơ dân tộc.

Các tác giả trước đây đã làm rất tốt việc này này như các nhà nghiên cứu, nhạc sỹ Thanh Lưu, Lê Hàm, Vi Phong, Văn Thế… đặc biệt nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với làn hát "Giận mà thương", ‘Ví đò đưa sông Lam” đã mãi mãi đi vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ và cả nước. Không những thế, làn hát “Giận mà thương" đã được trình diễn khắp nơi trên thế giới với các nhạc sỹ nước ngoài soạn lại cho nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

“Giận mà thương” còn có tên “Ví Giặm”, “Ví Giận thương”... rút ra từ vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong. Câu đầu đã vận dụng từ “Ví đò đưa” lại có chút hao hao khi trở về “Ví phường vải”. Phần giữa được tác giả phát triển từ hát Giặm sau đó trở về kết ở Ví. Rất hay là làn điệu mới này không hẳn là Ví mà cũng không phải là Giặm, không rạch ròi, chỉ là chất liệu từ các làn điệu đó. Ông đã quyện giữa Ví và Giặm, đang ở Ví ông lại nhảy sang Giặm thật tài tình. Ông đã rất am hiểu sâu sắc để sáng tạo ra một làn điệu mới từ dân gian, là sự kế thừa từ cái cũ để ra cái mới, biến từ Ví, Giặm ra cái của mình, lấy cái tứ “Giận thương” theo nội dung của bài hát để đặt tên cho làn điệu này. Về lời ca, hai câu hát Ví đầu tiên lấy thơ lục bát làm gốc sau đó thì được mở rộng thêm.

Anh ơi khoan vội bực mình

Em xin kể lại phân minh tỏ tường

Ở hai câu mở đầu này, ông sử dụng nguyên câu “Ví đò đưa sông La”, đến chữ “tỏ” thì chuyển sang gần với phường vải và bắc cầu qua hai chữ “tỏ tường”đủ để chuyển về “Giặm Cửa quyền”. Đây là một điệu Giặm khá phóng khoáng, không vào khuôn khổ như các điệu Giặm 5 chữ.

Anh cứ nhủ rằng em không thương

Em đo lường thì rất cặn kẽ.

Chính thương anh nên em bàn với mẹ

Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường

Giận thì giận mà thương thì thương

Giận thì giận mà thương thì thương...

Đến câu điệp này, tác giả đã sử dụng thủ pháp với giai điệu đi lên gần như mô tiến của âm nhạc châu Âu (quãng 4 lên quãng 6) nhưng lại rất dân gian theo cách của Nguyễn Trung Phong (quãng 4 lên quãng 5) rất thuần Việt để thoát ra khỏi điệu Giặm thông thường.

Câu hát này đẩy bài hát lên cao trào, đỉnh điểm của sự thương và lắng để rồi trở về “Giặm Cửa quyền” cho đến “Trước tiên anh... phải tự trách ớ... mình” đã thoát ra khỏi hát Giặm, lại trở về với “Ví đò đưa” nửa đầu câu để rồi kết về gần với “Ví phường vải”. Quả là một sự sáng tạo thật tài tình, mang đầy tính học thuật nhưng lại rất dân gian. Với năng khiếu đặc biệt của một nghệ nhân, ông đã viết nó mộc mạc như củ khoai hạt lúa quê ông để câu hát tự nhiên đi vào lòng người, chạm đến trái tim của mọi người. Bài hát trở thành làn điệu dân ca và người ta đã không còn nhớ đến tác giả nữa.

Sức lan tỏa của “Giận mà thương” không chỉ trong tỉnh mà còn khắp mọi miền trên cả nước. Không chỉ người nghe nhầm đây là một bài dân ca mà rất nhiều các nhạc sỹ cũng đã nhầm lẫn khi lấy chất liệu từ bài này để viết cho các tác phẩm âm nhạc của mình. Trong tác phẩm “Trông cây lại nhớ đến người”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy gần như toàn bộ làn hát này và có một vài ly điệu theo lời bài hát. Nhạc sỹ Trần Hoàn cũng dựa trên làn hát này với ca khúc cùng tên “Giận mà thương” có những câu “Anh xa em nghe câu dân ca/ Giận mà thương sao mà da diết thế…”. Hay như bộ phim “Hồ chí Minh - Chân dung một con người” của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích sản xuất nhân dịp 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với âm nhạc chủ đạo trên nền làn hát “Giận mà thương”… Tất cả các hình thức sáng tạo trên đều mang tính kế thừa.

Như làn “Hát Khuyên” của Nhạc sỹ Thanh Lưu lấy chất liệu Ví phát triển lên với tiết tấu linh hoạt gần với Giặm, vừa tha thiết, sâu lắng nhưng cũng có thể hát nhanh, sôi nổi để có thể ứng dụng trong các tình huống trữ tình hay vui nhộn đều được. Với làn này đã không thể thiếu trong tất cả các tác phẩm của dân ca.

Rồi đến làn điệu ‘Tứ hoa” của Nghệ sỹ Đình Bảo, quả là một sáng tạo xuất sắc giữ được hồn cốt dân gian. Chủ đạo là thơ trung (lối ngâm thơ vùng Nghệ Tĩnh), âm vực xứ Nghệ kết hợp giữa vọng cổ, một chút chèo với thanh điệu Ví Giặm đã tạo nên một làn điệu mượt mà, đằm thắm trải được nỗi lòng, đẩy cao trào tình cảm lên đến đỉnh điểm kịch tính của nhân vật. Bởi vậy làn điệu này không thể thiếu trong những Diễn xướng, tiểu phẩm, các vở kịch trên sân khấu Ví Giặm.

Nhiều bài bản mới sáng tạo đều dựa trên các tiêu chí trên. Từ Dân ca đến Kịch hát là một dạng sáng tạo trên tinh thần bẻ làn nắn điệu cho Kịch hát dân ca. Nếu không có sáng tác thêm làn điệu thì sẽ không có Kịch hát. Các nhạc sỹ đã lấy những cấu trúc của chèo, bẻ làn, nắn điệu, dùng âm vực Nghệ, phương ngữ, cho ra các làn điệu thích ứng với những tình huống kịch để bây giờ chúng ta có đủ các hệ thống làn điệu phát triển dùng trong các tình huống kịch rất có hiệu quả sân khấu.

- Biểu đạt tâm trạng nhân vật có các bài bản: Giận mà thương, Hát khuyên, Đại thạch, Tứ hoa, Xẩm Nghệ, Khóc cha, Một nắng hai sương, Nghe lúa reo, Em giữ lời nguyền, Chim ơi, Cay đắng tủi sầu, Cuộc đời nổi trôi, Chỉ còn phút giây, Tình sâu nghĩa nặng ...

- Biểu đạt tính cách nhân vật có các điệu: Con cóc, Xoay xở, Lập lờ, Lập loè, Trời khuya, Lý xạo, Đi rao, Khen thầy tài, To gan, Ngang ngược, Uất ức, Quan khoe võ, Chồng chềnh, Sinh sự - sự sinh ...

- Hát tạo không khí có: Nổi trống lên, Gốc lúa quầng trăng, Dậy mà xem, Hò vượt sông, Đứng thẳng người lên, Hò bơi thuyền...

Tất cả những nỗ lực trên để phục vụ cho sân khấu Kịch hát và từ đó sẽ trở lại cộng đồng để thích ứng cho sự vận động phát triển theo xu hướng và quy luật của cuộc sống.
 

III. Cách thức bảo tồn và phát triển giá trị của dân ca Ví Giặm trong bối cảnh hiện nay

Từ trước đến nay, công tác tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, đưa dân ca vào trường học và dạy đàn hát dân ca trên Đài phát thanh truyền hình... đã thường xuyên liên tục nhưng cơ bản vẫn là lớp người có tuổi thực hành và thưởng thức. Sự tiếp nối giữa các thế hệ thông qua sự chuyển tiếp liền mạch, không ngắt quãng thì mới có được những thế hệ người thực hành trẻ, khán giả tiếp tục với các loại hình văn hóa truyền thống và đặc biệt cố gắng đổi mới, bứt phá mạnh để đưa Dân ca Ví Giặm vào thế hệ trẻ một cách tự nhiên.

UBND tỉnh Nghệ An đang thực hiện Đề án “Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025” là mở các lớp truyền dạy Dân ca Ví Giặm cho các em học sinh có năng khiếu ở các Huyện vào mỗi dịp hè.

Trung tâm Nghệ Thuật Truyền thống Nghệ An đã mở một sân chơi “Thầy gà, thầy bày - Không gian diễn xướng Dân ca Ví Giặm” ở Phố đi bộ, Thành phố Vinh vào cuối tuần đã thu hút rất đông khán thính giả tham dự cũng như các nhân sỹ trên cả nước gửi các câu đối đáp về cho chương trình. Đây là một cách khôi phục lại không gian diễn xướng của cha ông ta xưa để thích ứng với môi trường vui chơi giải trí của chúng ta hiện nay. Bên cạnh đó, hàng năm đều mở các lớp tập huấn cho các nghệ nhân trong tỉnh.

Các Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm trong Thành phố Vinh luôn tổ chức hát Dân ca Ví Giặm trên các phố đi bộ cuối tuần. Như vậy Dân ca Ví Giặm đã xuống phố, hòa cùng với thị hiếu thưởng thức văn hóa đường phố của người dân thành phố và các khách du lịch về đây.

Ngoại tỉnh thì có Nghệ sỹ Lê Thanh Phong cũng đang thực hành rất tốt Dân ca Nghệ Tĩnh bằng cách làm mới các làn hát dân ca kết hợp với những ca khúc quen thuộc bằng thể loại Tân cổ giao duyên -  Tứ hoa, Ví trên nền nhạc có tiết tấu…Không những Dân ca Nghệ Tĩnh mà các loại hình dân ca khác như Chèo, Cải lương… Nghệ sỹ Lê Thanh Phong đã được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Hay như nghệ sỹ  A Páo (Ngô Sỹ Ngọc) ở Hà Giang không những làm đẹp cho Cao nguyên Đá bằng những làn điệu dân ca vùng Tây Bắc mà còn lan tỏa Ví Giặm bằng những ca khúc mà chính xác hơn là cách làm mới Dân ca như “Hà Tĩnh quê ơi” “Tìm em câu ví sông Lam”…cập nhật lên YouTube thường xuyên.

Với cách làm này, các nhạc sỹ đương thời đã vận dụng rất nhiều từ Ví Giặm như Xa khơi - Nguyễn Tài Tuệ; Tiếng hò trên đất Nghệ An - Tân Huyền; Người con gái sông La - Doãn Nho; Trông cây lại nhớ đến Người - Đỗ Nhuận; Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Tý; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh - Trần Hoàn; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - An Thuyên… Mới đây là ca khúc “Về xứ Nghệ cùng em” của nhạc sỹ Xuân Hòa như là một ca khúc cải biên từ Ví Giặm nhưng bất cứ ai là người Nghệ cũng sẽ thuộc ít nhiều.

Nhạc sỹ Doãn Nho với ca khúc “Chiêc khăn Piêu”, (giai điệu, lời ca từ bài dân ca “Tăng A Tim” của dân tộc Xá nay là Khơ Mú). Những ca khúc của Nhạc sỹ Nguyễn Cường đại đa số lấy giai điệu từ dân ca Tây nguyên Êđê (với hai làn điệu chủ yếu K’ưt và Arei): “H’Zen lên rẫy”, “Ơi M’Đrắk”, “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk” “Thênh thênh oh ơi”, “Ly cà phê Ban Mê “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”… ; Dân ca J’rai để có “Đôi mắt Pleiku”, “Tình ca Đắk Bla”; Dân ca Bâhnar “Và ta đã thấy mặt trời rạo rực trên cao nguyên”…. Những ca khúc này nó không thoát ra khỏi dị bản, có những câu hát đã trở thành lời nói “cửa miệng” của người Tây Nguyên như “Ban Mê lộng gió, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa, Có cái nắng, có cái gió…

Tất cả đó đã minh chứng rằng những ca khúc này sẽ lại trở thành dân ca của dân tộc họ, sự sáng tạo và phát triển dân ca lại trở thành dân ca để nó tiếp tục sẽ là dị bản của chính họ ở thế kỷ XXII, XXIII…
 

VI- Kết luận

Từ những phân tích trên, có thể đi đến các kết luận dưới đây:

1. Sự biến đổi dân ca nói chung, dân ca Ví Giặm nói riêng, trong xã hội đương đại là tất yếu. Tự thân dân ca Ví Giặm đã có sức sống mạnh mẽ. Sự biến đổi linh hoạt của dân ca Ví Giặm là phương cách để dân ca Ví Giặm sống bền bỉ với thời gian.

2. Cách tốt nhất để giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật dân gian là bảo tồn nó trong đời sống nhân dân, bằng sức sáng tạo của nhân dân.

3. Cách bảo tồn Ví Giặm hiệu quả nhất là không ngừng phát triển dựa trên cột sống kế thừa. ‘Kế thừa’ là sự ‘di truyền’. Biến đổi mà kế thừa được tinh hoa sẽ làm cho Ví Giặm không chỉ tồn tại cùng thời đại mà còn phát triển rực rỡ hơn.

4. Biến đổi linh hoạt không chỉ về nội dung, mà còn ở môi trường thể hiện, không gian thể hiện, phương thức thể hiện, hình thức thể hiện.

5. Văn hóa truyền thống được tích tụ qua thời gian và không gian luôn là một giá trị mở, bao gồm cái bất biến và cái khả biến. Cái bất biến phải được trao truyền. Cái khả biến để đáp ứng với thời đại. Kết hợp cái bất biến với cái khả biến luôn tạo nên một giá trị mở, là căn nguyên sự tồn tại, là động lực của sự phát triển mở rộng và tiếp nối.

Sự phong phú và đa dạng của các loại hình dân ca nói chung, Ví Giặm nói riêng, là kết quả tài năng sáng tạo của người dân Việt từ đời này qua đời khác. Chúng tồn tại như một giá trị văn hóa truyền đời của dân tộc. Nhưng sự thăng trầm của chúng phụ thuộc vào nhiều nhân tố, mà vai trò của những người hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc, nghệ thuật, văn hoá là những viên gạch móng trên con đường phát triển của chúng. Riêng về dân ca Ví Giặm, thì sự tồn tại và sự phát triển của Ví Giặm phụ thuộc rất nhiều vào quê hương Nghệ Tĩnh, cội nguồn của Ví Giăm. Không ai có thể thay cho Nghệ Tĩnh; Nghệ Tĩnh, chứ không phải ai khác, mới là nhân tố quyết định sự phát triển rực rỡ của Ví Giặm.


Tài liệu tham khảo:

  • Ninh Viết Giao (1993), Hát Phường Vải, Xí nghiệp in Bộ Thương Mại, Hà Nội.
  • Ninh Viết Giao (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Hội VHDG Nghệ An, Nghệ An.
  • Đào Việt Hưng (1998), Hát ví Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  • Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Hội VHDG Nghệ An. Nghệ An.
  • Thanh Lưu (2019), Dân ca xứ Nghệ và sân khấu hóa dân ca, Nxb Nghệ An, Nghệ An.
  • Nhiều tác giả (1991), Từ dân ca đến kịch hát, Nxb Nghệ An, Nghệ An.
  • Nhiều tác giả Vùng văn hóa Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  • Vi Phong (1991), Dân ca Nghệ Tĩnh, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh, Nghệ An.
  • Thông tin Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc 1991: Dân ca Nghệ Tĩnh, Sở Văn hóa -
  • Sở VHTT& DL Nghệ An chủ biên, Nxb Nghệ An, 2014: Tuyển tập dân ca xứ Nghệ,
  • Đặng Hoành Loan: Những bước chuyển đổi trong Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh
  • Phạm Hồng Quý: Giữ gìn, bảo hộ, kế thừa dân ca phải đi theo xu hướng trào ưu và quy luật.
  • Nguyễn Xuân Đức Vấn đề bảo tồn dân ca Nghẹ Tĩnh.
  • Đặng Thanh Lưu: Tổng quan về Dân ca xứ Nghệ. Phương cách Bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản ấy

Nguồn: Tạp chí Sông Lam số 37 (tháng 8+9 năm 2023)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vũ trụ thi ca của Nguyên Hùng
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Văn nghệ điện tử
Xem thêm
Bài thơ sông núi
Bài viết của nhà văn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh
Xem thêm
Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành
Tính cả ba tập lục bát đã ra mắt năm 2018 là “Khúc hát sông Thương” (108 bài), “Chiều” (36 bài) và “Chân quê” (36 bài) thì đến nay Nguyễn Phúc Lộc Thành đã in 5 tập thơ lục bát.
Xem thêm
Tính triết lý trong “Vườn cũ”, một bài thơ của Chim Trắng
Chim Trắng là một người thơ hay nói về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín trong đờ của tác giả.
Xem thêm
Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 52 (30/12/2023).
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh.
Xem thêm
Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa ra mắt hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”và “Mẹ” vào những ngày mùa thu đang độ chín.
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
Cảm nhận về tập “Những dấu chân thơ” của cô giáo nhà thơ Trần Kim Dung.
Xem thêm
Những bước chân thơ không biết mỏi
Bài viết của nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm
Bay về phía bão
Ngoái phía nào cũng đau đáu thương yêu/ Phía trước mặt mẹ cha nằm dưới cỏ
Xem thêm
“Hai sắc hoa ti-gôn” - Một huyền thoại văn chương
Hơn tám mươi năm qua, bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của T.T.Kh vẫn là một hiện tượng văn học độc đáo đã làm tổn hao giấy mực, công sức người cầm bút và mối quan tâm đặc biệt của người yêu thơ.
Xem thêm
Đến với một áng thơ hay
Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau.
Xem thêm
Những đoản khúc thơ | Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 32, ngày 12/8/2023
Xem thêm
Như một lẵng hoa xinh | Phan Ngọc Quang
Bài viết về chùm thơ đăng Gia Lai Cuối tuần ngày 4-8-2023
Xem thêm
Tổ quốc trong thơ Trần Mạnh Hảo
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Tạp chí Sông Lam
Xem thêm
Ngược dòng Lam anh tìm lại chính mình
Cảm nhận bài thơ “Tìm em ngược dòng sông nhớ” đăng Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 24 ngày 17/6/2023 và báo Giáo dục & Thời đại số Tết Kỷ Hợi.
Xem thêm
Hồn đầy hoa cúc dại
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 38 (3005)
Xem thêm
Nguyên Hùng với 102 mảnh ghép văn nhân
Bài đăng báo Người Hà Nội
Xem thêm
Chất lãng mạn trong “Biển cạn” của Nguyên Hùng
Bài viết của cô giáo nhà thơ Triệu Kim Loan
Xem thêm