- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)
ĐỂ HỒN MÌNH NHẬP VÀO HỒN THI HỮU HAY LÀ NGHỆ THUẬT KÝ HỌA CHÂN DUNG BẰNG THƠ CỦA NGUYÊN HÙNG
PGS-TS HỒ THẾ HÀ
Nguyên Hùng là nhà thơ sáng tác cần mẫn, liên tục và tạo được chất lượng thi ca ngay từ thi phẩm/ thi tập đầu tiên. Đến nay, anh đã ấn hành 07 tập thơ và 01 tập nhạc được phổ từ hơn 100 bài thơ của anh. Đó là kết quả đem lại cho anh những giá trị cân bằng và tạo cho anh một địa chỉ tinh thần sang trọng được mọi người quan tâm thưởng thức và tiếp nhận đồng sáng tạo. Thơ anh thuộc mỹ học của cái đẹp và cái cao cả, chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người thông qua ngôn từ, hình tượng và thi tứ gần gũi, chân thực, nhưng có sức quyến rũ về nghiệm sinh, triết mỹ.
Diễn ngôn thơ Nguyên Hùng giàu nhạc tính dựa trên tiết tấu thi pháp ngữ điệu tiếng Việt, dễ nội cảm hoá trong lòng người đọc. Vì vậy mà thơ Nguyên Hùng được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc cũng là hệ quả tất yếu. Sự gặp gỡ giữa từ ngữ của thơ và giai điệu của nhạc đã tích hợp thành hợp chất thơ nhạc - nhạc thơ mới mẻ, bất ngờ. Tập thơ nhạc Trăm khúc hát một chữ duyên, Nxb Hội Nhà văn, 2024 là minh chứng cho sự gặp gỡ, chắp cánh nghệ thuật đó của thơ Nguyên Hùng và âm thanh của các nhạc sĩ. Bàn về thành công của tập ca khúc phổ thơ này, xin dành cho những nhà nghiên cứu lý luận và phê bình âm nhạc.
Trong bài viết ngắn này, tôi muốn đồng cảm và tiếp nhận tập Ký hoạ thơ (81 chân dung văn học) của Nguyên Hùng do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2024 để tìm hiểu và khẳng định sự thành công của anh qua nghệ thuật ký họa/ khắc hoạ chân dung văn học bằng thơ của một nhà thơ đối với thi hữu và văn hữu một cách chân thành, trách nhiệm và nhân ái.
Khắc hoạ chân dung các nhà thơ, nhà văn thời hiện đại và đương đại đối với Nguyên Hùng không phải là việc khó khăn lắm, bởi vì anh là người được sống cùng thời và nhiều người trong họ là bạn, là những người thân của anh, được hiểu và nếm trải vui buồn, ân nghĩa với họ trong từng không gian và thời gian cụ thể; có khi qua nhiều nguồn tài liệu sách vở và nhân chứng chân thật. Điều quan trọng là anh phải hiểu và thuộc tâm hồn, tính cách và quan trọng hơn cả là phải thuộc tác phẩm của họ, đặc biệt là những tác phẩm làm nên sinh mệnh đời và bản mệnh nghệ thuật của từng người để từ đó, khắc hoạ, khái quát thành chân dung của từng tác giả một cách mới mẻ, bất ngờ, hấp dẫn. Mỗi tác phẩm của họ bao giờ cũng thể hiện trực tiếp sự chiếm lĩnh hiện thực và cắt nghĩa cuộc sống, con người, kết tinh thành tình cảm và tư tưởng của tác giả, giúp người ký hoạ chân dung bằng thơ đúc kết thành những phẩm chất nghệ thuật và nhân cách cá nhân của họ một cách bản chất và trách nhiệm. Được như vây, mỗi bài thơ chân dung trở thành một siêu văn bản đem lại cho người đọc sự nhận thức mới và khẳng định thêm lòng ngưỡng mộ, yêu thương từng nhân cách, văn cách, thi cách cùng tác phẩm của họ. Và qua đó, người đọc tự thanh lọc tâm hồn mình. Đó là yêu cầu cao và có tính nguyên tắc căn nền của người viết/ vẽ chân dung văn học bằng ngôn từ thơ.
Tác phẩm Ký hoạ thơ (81 chân dung văn học) của Nguyên Hùng đã làm được yêu cầu đó một cách nghệ thuật và có văn hoá để hình thành thế giới ngôn từ - hình tượng - tư tưởng mới mẻ, chân thật mang lại giá trị nhận thức, thẩm mỹ và giá trị giao tiếp bất ngờ qua từng chân dung, làm hiện lên tính cách và văn cách/ thi cách của họ một cách xúc động và triết nghiệm.
Trong tập chân dung ký hoạ bằng thơ này, Nguyên Hùng dành khắc hoạ 07 chân dung nhà thơ xuất hiện từ thời Thơ mới, bao gồm Xuân Diệu, Văn Cao, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tế Hanh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, 08 tác giả thời chống Pháp, gồm Hoàng Cầm, Vũ Cao, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, 06 nhà thơ thế hệ sau 1975, gồm Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Nguyễn Bình Phương, Lê Minh Quốc, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Lê Thiếu Nhơn. Còn lại là 60 chân dung các nhà thơ, nhà văn tài danh thời chống Mỹ - thế hệ mà anh trân quí, ngưỡng mộ, gần gũi về không gian, thời gian và có nhiều cơ hội gặp gỡ, tâm sự, thân tình nên anh hiểu về họ một cách sâu sắc, có người là tri cảm, tri tâm, cao hơn là tri âm, tri kỷ nên anh dễ dàng đồng cảm và khái quát cuộc đời, tâm tính, nhân cách và tư tưởng tác phẩm của họ để viết/ vẽ nên những bài thơ chân dung có giá trị nhận thức tư tưởng và thẩm mỹ trong tiếp nhận của người đọc. Mỗi bài thơ là một kết cấu logic chỉnh thể, tạo thành giá trị nghệ thuật mới, gắn bó sâu nặng với cuộc đời và tác phẩm của từng tác giả. Đó là hiệu quả nghệ thuật tổng thể, là mô hình ký hoạ chân dung văn học mà Nguyên Hùng đã thao thức, tâm huyết để hình thành nên giá trị thi pháp cuả Ký hoạ thơ, bao gồm 81 chân dung tên tuổi của nền văn học hiện đại Việt Nam.
Trước khi trích những ký họa hay của Nguyên Hùng để minh chứng cho nhận định của mình, tội xin mở ngoặc nói thêm rằng mỗi bài thơ chân dung của Nguyên Hùng đều được anh cấu trúc thành một chỉnh thể tự trị mang tính kết tinh cao về ngôn từ, hình tượng và ý nghĩa để triển khai một tứ thơ trọn vẹn nhằm thể hiện đặc điểm, diện mạo của mỗi tác giả trải theo hành trình sáng tạo của họ (dựa vào tính cách và những sự kiện nổi bật của cuộc đời cùng những ý nghĩa của những tiêu đề và nội dung từng tác phẩm của mỗi tác giả để tạo thành bài thơ mới hoàn chỉnh về một chân dung. Mỗi bài thơ này tạo thành tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ mới với diễn ngôn mới cho từng cuộc đời và sự nghiệp, nhân cách của mỗi tác giả. Vì vậy, rất khó trích dẫn một vài câu hoăc một khổ mà chỉ ra được cái hay, cái đẹp chỉnh thể nội dunh - hình thức của một bài thơ. Vì vậy, chúng tôi phải trích những chân dung/ những bài thơ trọn vẹn. Muốn hiểu đầy đủ những chân dung trong thi tập này, người đọc phải tiếp cận từng bài thơ cụ thể mới mong thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ của mình.
Về thế hệ các nhà Thơ mới 1932-1945, tôi xin trích những ký hoạ mà tôi yêu thích để thấy tài liên kết và cấu trúc những chất liệu từ các đối tượng để tạo thành những bài thơ chân dung hay của Nguyên Hùng. Về Nguyễn Bính, Nguyên Hùng đã ký hoạ chân dung nhà thơ chân quê này trên từng hành trình thi ca và hành trình sự sống. Hình tượng, ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật của bài thơ được đồng hiện chân thật và cụ thể, làm hiện lên tình cảm và tư tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Bính gắn với từng sự kiện và nhân vật qua từng thi phẩm. Bài thơ nối kết, làm hiện lên chân dung Nguyễn Bính thông qua sự thể hiện nhuần nhuyễn thể thơ 7 chữ của Nguyên Hùng: “Mười chín thầm mơ cô hái mơ/ Tương tư đã biết bấm khuy chờ/ Chân quê đồng nội còn lưu dấu/ Chanh nở vườn chanh tím ngẩn ngơ”. Sự dịch chuyển không gian của Nguyễn Bính được đồng hiện qua từng tác phẩm: “Nam tiến ngày vương hương cố nhân/ Đêm nằm nghe tiếng trống đêm xuân/ Mười hai bến nước ai còn nhớ/ Một thuở trăm hoa nở mấy lần?” để rồi: “Trong bóng cờ bay nhớ đất Nam/ Chạnh thương chị Trúc lỡ sang ngang/ Một nghìn cửa sổ, đêm sao sáng/ Thi sĩ tìm gì giữa đêm hoang”. Cuối cùng là cuộc phân ly ngút trời thương nhớ: “Tết đến sao người nỡ vội đi/ Để lại niềm thương, gió dặn gì/ Ông lão mài gươm phun bã khói/ ‘Một mình làm cả cuộc phân ly’” (Nguyễn Bính).
Còn đây là chân dung Văn Cao, rất cụ thể và logic, làm sống lại những tình cảm một đi không trở lại từ những tác phẩm thơ và giai điệu âm thanh bất hủ của chính thi sĩ - nhạc sĩ tài danh Văn Cao: “Trai Hải Phòng trong một đêm Hà Nội/ Hồn mơ màng theo khúc Thiên Thai…/ Những bản tình ca như Suối Mơ mềm mại/ Như khói như sương như lá ra đời/…/ Cung đàn xưa gọi mời đàn chim Việt/ Cho làng tôi ríu rít những ngày mùa/ Trường ca Sông Lô thẳng tiến về Hà Nội/ Cùng triệu tim hồng hòa Tiến quân ca”. Nguyên Hùng đã làm sống lại những tác phẩm thơ và trường ca tiêu biểu cùng các tác phẩm âm nhạc bất hủ của Văn Cao:
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Càng ngẫm càng yêu khuôn mặt em
Càng thương những người trên cửa biển
Bạc đầu chờ mùa xuân đầu tiên.
Anh có nghe không những bài ca sống lại
Về bến xuân hát mãi không thôi?
Tự lúc nào trong âm thầm gác tối
Buồn tàn thu ám vận suốt một đời?
(Văn Cao)
Qua sự tái hiện mới này của Nguyên Hùng, người đọc không chỉ nghĩ về cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng vô cùng hệ lụy của người nhạc sĩ tài hoa, nhưng chịu nhiều bi kịch mà còn nghĩ về bao thăng trầm, vinh quang, gian khổ của Nhân dân và Đất nước trong từng biến thiên của lịch sử.
Tôi gọi kiểu viết ký chân dung của Nguyên Hùng là kiểu tái hiện hai cấp đọc văn chương. Bởi vì trước khi sáng tạo một bài thơ chân dung, anh phải đọc hiểu cuộc đời tác giả và đọc hiểu tác phẩm của chính họ, sau đó mới nhào nặn lại thành chỉnh thể bài thơ mới của mình một cách nghệ thuật. Không nhập vai vào hai đối tượng ấy một cách nhuần nhuyễn, tác giả sẽ không tạo nên một “siêu văn bản” mang giá trị tái hiện chân dung nhân vật văn chương một cách bản chất và sáng tạo. Sự tạo sinh nghĩa mới sẽ toát ra từ bên sau, bên sâu và bên xa của sự liên kết từ ngữ và liên kết tiêu đề những tác phẩm của tác giả ấy theo một logic mới, mang ý nghĩa nhân sinh, triết mỹ mới. 81 chân dung đều được Nguyên Hùng Ký họa theo thi pháp nói trên nên rất có giá trị nghệ thuật, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ theo từng tầm đón đợi của chính Nguyên Hùng và độc giả.
Nghĩ về Chế Lan Viên, Nguyên Hùng chỉ chấm phá chân dung nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam này như bức tranh thủy mạc bằng ngôn từ. Chỉ thông qua tiêu đề các tác phẩm của Chế Lan Viên cũng đã hiện lên thời gian sự sống và những biến động của từng giai đoạn lịch sử và mỗi phận người đi từ điêu tàn đến ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất được tái sinh kỳ diệu từ cuộc sống cách mạng:
Qua điêu tàn là ánh sáng phù sa
Là hào quang những bài thơ đánh giặc
Hoa trước Lăng và hoa hái theo mùa
Đều dâng Người đi tìm hình của nước…
Tìm hoa trên đá, ta gửi cho mình
Rồi tỉnh thức, nửa đời nhìn lại
Cố quên những tiệc bánh vẽ linh đình
Để ngày nào cũng là ngày vĩ đại...
(Chế Lan Viên)
Cũng theo thao tác trên, tái hiện chân dung thơ Tố Hữu, tác giả Nguyên Hùng chỉ liên kết những tác phẩm nổi tiếng trong hành trình sáng tạo gắn với những bước ngoặt chuyển mình của cuộc sống kháng chiến mà Tố Hữu đã chiếm lĩnh và tái hiện để hiện hữu một người thơ và hiệu quả thi ca của Tố Hữu: “Từ ấy người đi làm cách mạng/ Vần thơ ánh đỏ những hào quang/ Việt Bắc mãi ngời qua năm tháng/ Người về để lại nhớ mênh mang/…/Gió lộng trong lòng bao lứa đôi/ Ngày Bắc đêm Nam cảnh chia phôi/ Vững tin son sắt ngày ra trận/ Máu biến thành hoa nở thắm môi”. Và cuối cùng là nhân cách và khát vọng dâng hiến của Tố Hữu như từ ấy thuở hoa niên trong lòng ông bừng nắng hạ khi mặt trời chân lý chói qua tim trước khi ông về với thế giới vĩnh hằng: “Ta tiễn đưa người theo chân Bác/ Giữ lại cho đời ấm tiếng thơ/ Còn vẳng đâu đây lời anh nhắc:/ ‘Sống là cho và chết cũng là cho’” (Tố Hữu).
Về thế hệ những nhà thơ chống Pháp và chống Mỹ, Nguyên Hùng ưu tiên thể hiện những chân dung tác giả có đóng góp thành tựu nghệ thuật quan trọng vào nền văn học hiện đại Việt Nam; đồng thơi đó cũng là những tác giả mà anh tri cảm, tri tâm, có người là tri âm.
Tái hiện chân dung thi sĩ Hoàng Cầm, Nguyên Hùng ưu tiên khắc họa hình tượng không gian nghệ thuật từ thơ Hoàng Cầm để hiện hữu và minh chứng cho một hồn thơ hào hoa và lãng mạn, nhưng không bình lặng trước dòng thời gian nghiệt ngã của tình đời và tình sử: “Sinh ra ở bên kia sông Đuống/ Tình thơ bay không dừng bến sông Hồng/ Có Kiều Loan với bao niềm vui sướng/ Vẫn lên đường tìm mãi lá diêu bông”. Hành trình sống và hành trình thơ Hoàng Cầm cứ thể song hành: “Về cõi em để chịu hai lần chết/ Men đá vàng in dấu mắt thiên thu/ Gót chân xinh không theo về Kinh Bắc/ Bao tim yêu xin tự nguyện cầm tù”. Cho nên tình yêu trong thơ Hoàng Cầm vẫn nhức nhối và phiêu diêu cùng năm tháng:
Niềm đôi lứa vẫn phiêu diêu câu hát
Nỗi nước non vẳng lời hịch căm hờn:
Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm!
(Hoàng Cầm)
Còn với Quang Dũng - nhà thơ tài hoa nhưng hệ lụy, Nguyên Hùng ngưỡng mộ theo tâm thức riêng của mình. Bắt đầu là những ngày kháng chiến cùng đoàn quân Tây Tiến gian khổ mà anh dũng, kiêu hùng: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Ngày tan bóng giặc rừng về xuôi/ Mây đầu ô thêm xanh Hà Nội/ Thấp thoáng sau mưa vẫn nhà đồi”. Để từ chiến trường xa heo hút, Quang Dũng nhớ về quê cũ, ngùi thương nhớ bóng hình giai nhân và đôi mắt người Sơn Tây “u ẩn chiều lưu lạc”:
Đôi mắt người Sơn Tây thăm thẳm
Thấy đâu cũng rừng biển quê hương
Người Sơn Tây sống lặng thầm, thanh đạm
Chỉ quen làm khách quán bên đường.
Đã xa mấy chục mùa hoa gạo
Đoàn binh Tây Tiến dưới đường trăng
Còn đây một thi nhân vẽ tài hát giỏi
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng…
(Quang Dũng)
Còn với Nguyễn Đình Thi, thì Nguyên Hùng cảm nhận và thể hiện chân dung đa nhân cách với nhiều hệ hình nghệ thuật này theo hành trình sự sống mà các tác phẩm của ông là chứng chỉ thời gian bằng ngôn từ và bằng giai điệu để chứng thực ông là người nghệ sĩ đa tài, đa tình và đa thi pháp: “Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài/ Người chiến sĩ hành quân cùng Đất nước/ Lá đỏ đường rừng gợi nhớ bóng hình ai”. Nhập vai vào đối tượng để sống và cảm cùng đối tượng là biện pháp đi tìm thời gian đã mất của Nguyên Hùng để tái hiện tình cảm và sự kiện mà Nguyễn Đình Thi đã sống trải để làm nên những thế giới diễn ngôn đa dạng về hình tượng, thẩm mỹ và tư tưởng: “Thử xung kích cùng trang văn vào lửa/ Tiếng sóng vỡ bờ bừng tỉnh những giấc mơ/ Những con chữ người đàn bà hóa đá/ Hòn cuội dưới chân rạn vỡ tự bao giờ”. Và cuối cùng, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã về với thế giới của hương thơm, màu sắc và tình yêu sau khi ông đã hoan ca, tâm ca và bi ca trên cõi thế:
Quên con nai đen chết yểu dưới tay người
Quên Nguyễn Trãi ở Đông Quan không đất sống
Quên Mađơlen Riphô ở chốn xa vời
Quên hết cả, chỉ thấy trời xanh rộng
(Nguyễn Đình Thi)
Viết chân dung bằng thơ là một động thái không xa lạ trong các nền văn chương kim cổ Đông Tây, nhưng để tạo nên giá trị và cá tính nghệ thuật hấp dẫn thì lại tùy vào tài năng, vốn sống và vốn văn hóa, nghệ thuật của từng chủ thể sáng tạo. Muốn được như vậy, mỗi tác phẩm thơ chân dung phải được thỏa mãn nhu cầu tái hiện khái quát cuộc đời riêng và trải nghiệm nghệ thuật của từng tác giả thông qua chất liệu ngôn từ cũng bất ngờ, mới mẻ để tạo nên bài thơ mới mang tính chỉnh thể thể tự trị, có khả năng vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận để cùng tác giả làm đầy nghĩa sau mỗi lần đọc. Mỗi bài thơ chân dung phải chừa một khoảng trống của vô thức sáng tạo dành cho độc giả tiếp tục tạo sinh nghĩa cho tác phẩm. Có thế, bài thơ chân dung mới trở nên hấp dẫn trong tiếp nhận đồng sáng tạo, giúp người đọc suy nghĩ để hiểu tận cùng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của ngôn từ và hình tượng, giống như lý thuyết “tảng băng trôi” của E. Hemingway, hoặc như quan niệm về những khoảng lặng giữa các con chữ trong thơ. Có như thế, bài thơ chân dung sẽ giúp người đọc mở rộng nghĩa thông qua những chi tiết hiện hữu trên bề mặt câu thơ, khổ thơ để liên tưởng, suy tưởng nhằm hiểu sâu hơn, bất ngờ hơn về đối tượng được miêu tả. Điều này, có lẽ, phù hợp nhất đối với lĩnh vực thi ca - là thể loại mà nhà thơ cố gắng dùng cái hữu hạn và tiết kiệm ngôn ngữ đến tối đa để thể hiện cái tính cách chung của sự vật và từ đó làm cho sự vật/ đối tượng bộc lộ bản chất sâu xa của chúng một cách mới mẻ, thú vị. Tôi nghĩ, thơ ký họa chân dung thơ của Nguyên Hùng đã thỏa mãn được nhu cầu đó của bạn đọc, nhất là những người đọc chuyên nghiệp/ đồng sáng tạo, giúp họ hiểu sâu hơn về từng nhà thơ khi liên hệ với những chi tiết và yếu tố ngoài văn bản. Điều này, nếu hiểu theo nghĩa ngôn ngữ học, đặc biệt là ngôn ngữ học hiện đại, đó chính là cái không lời, cái dồn nén, cái không tỏ lộ, cái không nói hết, cái bỏ ngỏ của thơ.
Nghĩ về nhà văn đổi mới có nhiều thành tựu Nguyễn Minh Châu, Nguyên Hùng kiến trúc bài thơ theo kiểu thi pháp nói trên. Người đọc sẽ tự mình liên hệ, hiểu sâu thêm về một nhân cách văn chương đầy trách nhiệm với đời, với nghề : “Từ cửa sông, dấu chân người lính ấy/ Còn in hằn mảnh đất tình yêu/ Lửa từ những ngôi nhà nơi miền cháy/ Hừng sáng lên tận bến quê nghèo/…/ 30 năm chỉ cưỡi xe đạp nát/ Mà tung hoành những vùng trời khác nhau/ Từ “gã quê mùa” vụng về nhút nhát/ Từng trang văn thấm đẫm niềm đau/…/ Nào ai ngờ sau phiên chợ Giát/ Lão Khúng vội về bạn với cỏ lau/ Lời ai điếu cho một thời vừa tắt/ Khóc thương người, nhòe mắt đến ngày sau” (Nguyễn Minh Châu).
Với Nguyễn Khải cũng vậy, Nguyên Hùng khái quát chân dung nhà văn quân đội này một cách bản chất và sắc sảo để thức nhận không chỉ hành trình nghệ thuật mà chính là hành trình tư tưởng của một nhân cách văn chương được mọi người yêu quý: “Người viết rất hay về xung đột/ Gặp chuyện bất đồng chỉ tránh thôi/ Tóc xanh bước lạc trong mùa lạc/ Đến bạc đầu đi tìm cái tôi”. Cứ thế, mọi quan hệ giữa cuộc sống và con người hiện ra từ những trang viết của Nguyễn Khải rất cụ thể. Những vỉa tầng ý nghĩa sẽ hiện lên: “Khi cùng chiến sĩ ra đảo lửa/ Lúc một mình theo đường trong mây/ Luôn tự nhủ hãy đi xa hơn nữa/ Vòng sống đến vô cùng chính là đây”. Những nghiệm sinh, triết mỹ hiện lên: “Giữa một cõi nhân gian bé tí/ Đâu tiếc chi chút phấn của đời/ Cha và con và... hoan hỉ/ Nơi cao xanh thượng đế thì cười”. Cuối cùng là sự ý thức về thời gian của những người biết sống, trong đó, có Nguyễn Khải: “Thời gian của người rất vội/ Vẫn dùng dằng cuộc gặp gỡ cuối năm/ Để mãi nhớ một người Hà Nội/ Sống ở đời đau đáu chuyện nghề văn » (Nguyễn Khải).
Còn với Nguyễn Quang Sáng - nhà văn đặc sệt Nam Bộ, Nguyên Hùng lại nhìn nhận ông như một cá tính đậm chất địa văn hóa một vùng đất để khắc họa tính cách một nhà văn vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước được nhân dân yêu quý và gần gũi, sống và viết trên mảnh đất quê hương mình từ thời kháng chiến cho đến thời bình và kéo dài trong thời hậu chiến: “Bông cẩm thạch, chiếc lược ngà/ Điểm tên Nguyễn Sáng chói lòa năm xưa/ Từng mơ tôi thích làm vua/ Tỉnh làm chủ Hội ba mùa xênh xang/…/ Mùa gió chướng, cánh đồng hoang/ Dòng sông hát con chim vàng là đây/ Ông từ kênh rạch miền Tây/ Mỗi mùa nước nổi đơm đầy… huy chương”. Cuối cùng, ông là nhà văn được nhân dân quê mình yêu quý và gần gũi:
Dân làng đất lửa Mỹ Luông
Tự hào bởi người quê hương - văn tài
Ông là Năm Sáng - anh Hai
Viết nhanh nhưng nhậu lai rai
Vội gì!
(Nguyễn Quang Sáng)
Trở lại với những nhà thơ thời chống Mỹ, Nguyên Hùng dành những tình cảm và suy cảm rất trân trọng và đặc biệt về họ. Qua đó, anh nghiệm suy về nỗi mình và lẽ đời theo hệ qui chiếu của những người cùng thế hệ với mình “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Với Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ viết về Tổ quốc và triết luận về Tổ quốc rất hay, Nguyên Hùng xuất phát từ những tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm để minh định và minh chứng về ông, không cần luận giải dài dòng, nhưng người đọc sẽ tự mình nghĩ thêm về một nhà thơ luôn trên hành trình của mặt đường khát vọng: “Sinh ra từ đất ngoại ô/ Vượt qua cửa thép mà vô Hoàng Thành/ Mặt đường khát vọng nâng anh/ Đất dành chỗ đứng nước dành đường bơi”. Từ đó, hiện hữu một con người suốt đời sống có ích cho Dân, cho Đất nước:
Những năm ở tận cao vời
Bạn bè xưa cũ có người đã xa
Giờ về giữ ấm ngôi nhà
Không cho ngọn lửa thi ca nguội dần
Từ ngày trở lại làm dân
Thơ nơi cõi lặng trở trăn phận người
Viết gì, yêu ghét tùy thôi
Cho anh làm mới cuộc đời mình nghe!
(Nguyễn Khoa Điềm)
Với Nguyễn Duy thì Nguyên Hùng chú ý đến phong cách sáng tạo mang tính dân dã, bụi bặm, hoài niệm và truy tìm thời gian qua năm tháng thông qua việc liên kết từ ngữ từ tác phẩm của nhà thơ này. Từ đó, làm sống lại những miền không gian hoài niệm trong sự đối sánh với không gian hiện đại có nguy cơ làm mất đi những gì tốt đẹp của quá khứ, làm người ta hoảng hốt, giật mình: “Đi từ cát trắng tre xanh/ Ánh trăng ngày ấy long lanh Đò Lèn/ Đường xa nhớ mẹ và em/ Muốn tìm quà tặng, thiếu tiền mần răng?/ Nai lưng đãi cát tìm vàng/ Vợ ơi, bụi có tình tang không nào?/ Quê nhà ở phía ngôi sao/ Nhìn ra bể rộng trời cao mà về.../ Một đời tỉnh, nhớ và ghi/ Nhận ra tiềm lực từ khi mịt mờ/ Gõ chuông đánh thức sư mù/ Mòn dùi, thầy vẫn âm u tháng ngày/ Giận chùa, đi khắp đó đây/ Thơ đem làm lịch, thơ bày nong nia/ Thơ in giấy dó, khắc bia/ Đất hoang rau má xanh kìa… xứ Thanh!” (Nguyễn Duy).
Với nhà thơ Hoàng Cát - người có cuộc đời bi kịch, là một thương binh trong chiến trận và là người chịu thương tích trong văn chương, Nguyên Hùng chỉ khái quát thành 2 khổ thơ 4 câu thôi mà hiện lên chân dung một con người dai dẳng đau thương, vượt lên số phận để tồn tại như một nhân cách biết lựa chọn hành vi đạo đức theo phán đoán đúng: “Một chân mất bởi chiến tranh/ Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi/ Tháng giêng dai dẳng nghẹn lời/ Cầu ngôi sao biếc nhưng trời chẳng nghe/.../ Cám ơn mưa nắng vỉa hè/ Mùa thu nem chạo, bóng bì, chè tươi.../ Tưởng đâu thanh thản cuối đời/ Mà sao khổ nạn cõi người chưa buông” (Hoàng Cát).
Ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng có tinh nhân văn, mang thuộc tính văn hóa, trân trọng con người, đi tìm chất ngọc trong mỗi sự sống, không châm biếm, mỉa mai hoặc cố tình hạ bệ ai đó chỉ vì một vài khiếm khuyết thường tình. Tôi gọi đó là thơ nhân ái, bao dung, có tâm và có tình, có ích.
Với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, Nguyên Hùng cũng theo thao tác chấm phá quen thuộc, nhưng hồn cốt của nhà thơ này đã hiện lên qua từng hành trình sáng tạo. Người đọc sẽ hiểu và tạo sinh nghĩa cho bài thơ thông qua những chi tiết và tác phẩm nổi danh một thời của Trần Đăng Khoa: “Từ góc sân nhà em/ Chơi với Vàng với Vện/ Ăn hạt gạo làng ta/ Lớn lên thành lính biển/…/ Khúc hát người anh hùng/ Vẫn còn vang vọng mãi/ Yêu bạn, họa chân dung/ Quý tài, mời đối thoại”. Hành trình sống và hành trình thơ của Trần Đăng Khoa trải dài cùng những năm tháng không thể nào quên của chính anh cho đến thời hiện tại đang tiếp diễn hôm nay:
Những năm học Gorky
Luôn nhớ ngày trực chiến
Đợi mưa đảo Sinh Tồn
Hơn mong người yêu đến.
Thần đồng nay làm quan
Vẫn em em bác bác
Dáng củ lạc nông dân
Mà hoạt ngôn - hóm - sắc!
Nguyên Hùng cũng dành tình cảm chân thành của mình đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ thành danh sau ngày Đất nước thống nhất 1975, nhưng lại có sự nghiệp văn học đáng nể và tạo được những bước ngoặt nghệ thuật trên từng chặng đường từ xuất phát điểm cho đến ngày nay: “Từ ngôi nhà tuổi 17/ Mang theo khát vọng làng Chùa/ Ngọn lửa trong thơ mất ngủ/ Thương người gánh bóng sông trưa”. Thơ Nguyễn Quang Thiều mang khát vọng đánh thức tiềm lực hồn quê từ những hình tượng cổ mẫu gắn bó máu thịt với mình như Làng Chùa, dòng sông, cánh đồng và châu thổ để ông tự nguyện suốt đời nguyện gìn giữ Nỗi Buồn - báu vật cố hương ông:
Giận kẻ ám sát cánh đồng
Anh làm người lính tiên phong của làng
Chạm mùi ký ức hoang mang
Tiếng chim đêm vọng ngày đang trở mình
Thơ-văn- hoạ- dịch... đắm mình
Râu không buồn tỉa, ái tình biếng thăm
Trông trăng có thật trăng rằm
Để vòng nguyệt quế lặng thầm cô đơn?
Đến với Diệp Minh Tuyền, Nguyên Hùng thể hiện sự thương tiếc nhà thơ, nhạc sĩ một thời được tuổi trẻ yêu thích. Ông là tác giả của những bài thơ và ca khúc về tình yêu, về người lính và về thành phố của nỗi nhớ và hy vọng: “Con đường có lá me bay/ Là nơi anh với tháng ngày mộng mơ/ Xa rồi cái thưở ngây thơ/ Giã từ phượng vỹ - tình cờ gặp em/…/ Từ mùa nước nổi sông Tiền/ Thương mùa đông giá tận miền đảo mơ/ Miệt mài chính luận, bình thơ/ Một đêm châu thổ bất ngờ hòa âm”. Diệp Minh Tuyền sớm từ giã cõi đời nhưng sự nghiệp thi ca và âm nhạc mà ông gửi lại còn ngân mãi trong lòng người hâm mộ và yêu thích:
Bài ca người lính bổng trầm
Bài ca tạm biệt thì thầm lời yêu
Bài ca thành phố ban chiều…
Mỗi bài ca chở bao điều gửi trao
Tâm tài đang độ đỉnh cao
Tiếc thương anh - một ngôi sao sớm tàn
Nhưng người như lá mãi xanh
Cùng hát mãi khúc quân hành bên nhau.
(Diệp Minh Tuyền)
Trong lớp những nhà thơ quân đội trở về từ những cánh rừng, Nguyên Hùng có cảm mối cảm hoài sâu sắc, vì họ cùng thế hệ, cùng sống trong không gian và thời gian chiến tranh trước đây và cuộc sống hậu chiến sau ngày Đất nước thống nhất. Những vui buồn, ân nghĩa đó trở thành chất xúc tác để những người có tâm hồn nghệ sĩ gắn bó với nhau và hiểu nhau. Ký họa chân dung nhà thơ đồng hương Nguyễn Trọng Tạo, Nguyên Hùng tái hiện những tình cảm sâu nặng và tình nghĩa hơn thông qua những gì Nguyễn Trọng Tạo gửi gắm qua tác phẩm văn chương và âm nhạc: “Phải lòng quan họ quê tôi/ Câu thơ tản mạn một thời đồng dao/Tình yêu như thể chiến hào/Tên bay đạn lạc phía nào cũng… em”. Cả những quan hệ thẳm sâu mà ông gửi lại cõi tạm nương thân trần thế trước khi về với thế giới vĩnh hằng:
Rượu trăng nhắm với môi mềm
Cô đơn dốc đến cạn men nỗi buồn
Nặng lòng vận nước, quê hương
Thơ đi cùng với con đường nhân dân.
Không tìm danh vọng nương thân
Không theo điệu nhạc phù vân vỗ về
Bốn mùa khúc hát sông quê
Dạt dào tiếng sóng bùa mê gọi người...
(Nguyễn Trọng Tạo)
Trong 81 ký họa chân dung lần này, Nguyên Hùng dành tình cảm của mình cho 3 nữ thi sĩ thời chống Mỹ cứu nước. Đó là Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn và Lâm Thị Mỹ Dạ. Ba nhà thơ này đã sống trong không khí thời chiến, trực tiếp công tác ở chiến trường trong những năm lửa đạn gian khổ để tạo nên những tác phẩm làm mê đắm lòng người. Nghĩ về Xuân Quỳnh, là nghĩ về những gì cao đẹp nhất mà bà đã gửi lại cho đời và thi ca : “Chữ Xuân Quỳnh tự hát/ Như hương quỳnh tự thơm/ Lời ru trên mặt đất/ Ru chồi biếc xanh hơn/…/ Gió Lào và cát trắng/ Không làm héo xuân thì/ Để lòng người hoang vắng/ Sân ga chiều em đi”. Đời và Thơ của Xuân Quỳnh sẽ đi cùng năm tháng:
Bầu trời trong quả trứng
Che tuổi thơ một thời
Thuyền và biển và sóng
Mãi dạt dào không ngơi...
(Xuân Quỳnh)
Còn với Phan Thị Thanh Nhàn, tác giả chỉ chấm phá những nét điển hình thông qua những tác phẩm quen thuộc của bà cũng đã hiện lên chân dung gần gũi, trữ tình đầy nữ tính của tác gỉa Hương thầm từng làm say đắm tuổi trẻ một thời xếp bút nghiên lên đường ra trận:
Đã xa cái tuổi trăng rằm
Đã xa cái thuở hương thầm giêng hai
Xóm đê ngày ấy còn ai
Vẫn chưa bỏ trốn năm dài ngây thơ?
Nghiêng về anh những đợi chờ
Bông hoa không tặng héo khô mất rồi
Thôi đừng mơ hoa mặt trời
Đừng đi đường ấy với người khác em.
(Phan Thị Thanh Nhàn)
Người mà Nguyên Hùng dành những tình cảm thân thiết nữa là Lâm Thị Mỹ Dạ. Trước khi từ giã cõi đời, nữ sĩ đã để lại cho độc giả sự yêu quý sâu nặng bỡi chất thơ giàu nguyên lý Mẹ và nữ tính vĩnh hằng. Trái tim dại ngộ và tình yêu không năm tháng cùng hồn đầy hoa cúc của Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ tái sinh thành những giấc mơ để dâng tặng cho đời: “Trái tim sinh nở dịu dàng / Dáng mềm nghiêng ngả bao chàng tài hoa/ Cốm non thơm mãi đến giờ/ Hồn đầy hoa cúc dại khờ tuổi xanh/ Thương người quên tự thương mình/ Giàu lòng trắc ẩn, ân tình, bao dung/ Dang tay giúp cả người dưng/ Chở che cho cả kẻ từng ghen vơ”. Những bài thơ không năm tháng mãi còn đây như món quà tinh thần mà nữ sĩ gửi lại cho nhân gian, dù đời nữ sĩ gặp nhiều đắng cay, xót nghẹn:
Thả mây cho gió… đâu ngờ
Thơ không năm tháng mà giờ đã quên
Bạn bè không nhớ nổi tên
Mẹ và con chung nỗi niềm xót cha
Xưa người đề tặng giấc mơ
Đầy tay bất hạnh nay chờ gạt vơi
Trong hố bom có khoảng trời
Chị yêu cổ tích sao đời đắng cay?
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Vậy là tôi đã cùng Nguyên Hùng phóng lướt dọc theo hành trình tiếp nhận và thưởng thức những chân dung văn thi sĩ bằng thơ của anh trong tập Ký họa thơ (81 chân dung văn học). Trước đây, anh đã từng xuất bản tác phẩm 102 mảnh ghép văn nhân, Nxb Hội nhà văn, 2017. Ký họa thơ lần nay là sự nối tiếp và bổ sung để ngày càng giàu có hơn, hội tụ nhiều gương mặt văn chương mà anh yêu quý, ngưỡng mộ nhưng trước đây chưa có dịp ký họa như anh đã thổ lộ trong Lời ngỏ: “Đây chưa phải là tập hợp những gương mặt tiêu biểu được chọn mà chỉ gồm các phác hoạ về những tác giả thân quen hoặc những tên tuổi lớn mà tôi được đọc, ít nhiều hiểu về họ và đem lòng quý mến...”. Công việc này sẽ còn tiếp tục trong tương lai khi anh đã hiểu và thức nhận đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của từng văn thi sĩ khác của nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam mà anh yêu quý. Đây là nguyện ước đáng trân trọng với tấm lòng và tình cảm “văn nhân tương kính” của một người luôn khát khao đi tìm giá trị của cái đẹp trong văn chương.
***
Ký họa thơ (81 chân dung văn học) của Nguyên Hùng thật sự là tác phẩm ký họa bằng thơ về chân dung các văn thi sĩ hiện đại và đương đại Việt Nam có giá trị nhận thức và thẩm mỹ. Viết về bạn văn thân thiết, quen biết và cả những người không quen biết mà nhập được hồn mình vào hồn họ để thức nhận và nghiệm suy về lẽ đời, phận mình một cách nhân văn và triết mỹ thì quả thật Nguyên Hùng đã sống hết cái ta của mình với bằng hữu và nghệ thuật sau khi đã trải nghiệm hết cái tôi nghệ sĩ của mình qua từng cảm giác và nhận thức để cuối cùng chúng gặp nhau ở cái đẹp, cái cao cả và giá trị mỹ học của văn chương. Trên đây là cách tiếp nhận của riêng tôi, bạn đọc khác sẽ tiếp cận cụ thể qua từng bài thơ trong tập Ký họa thơ này của Nguyên Hùng mới có thể hiểu hết những tình cảm, tư tưởng và nghệ thuật vẽ chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng.
Vỹ Dạ, Huế, 10 – 2024
H. T. H