- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Sóng không từ biển, sóng từ lòng anh
Sóng không từ biển, sóng từ lòng anh
BẠN BÈ VIẾT VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
XUÂN THU
(Bài đăng Sài Gòn Giải Phóng)
Tôi chưa gặp Nguyên Hùng, chỉ được đọc anh trên trang blog. Phải nói rằng tôi rất có cảm tình với anh qua những con chữ, hình ảnh của trang blog "Cánh buồm thao thức" mà chủ nhân của nó chính là Nguyên Hùng. "Cánh buồm thao thức" đăng tải chủ yếu là những sáng tác thơ và những ca khúc phổ thơ Nguyên Hùng. Thơ và nhạc là hồn cốt, là nội dung chủ yếu làm nên Nguyên Hùng trong "Cánh buồm thao thức". Quả thực, đọc thơ anh, nghe nhạc phổ thơ anh để rổi cứ "thao thức" mãi, cứ tự hỏi mãi "cái lão này ngoài đời không biết thế nào sao mà blog lại đắm đuối, lại đam mê đến thế, đặc biệt là phụ nữ và biển? Chắc là phải yêu dữ dội như sóng biển nên mới thế!".
Cũng như tôi, Nguyên Hùng biết tôi cũng qua trang blog. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, comment với nhau, chia sẻ cùng nhau những sáng tác mới nhất của mình. Một hôm, anh điện thoại cho tôi nói rằng sẽ gửi tôi một tập thơ mới và dặn là "cố đọc thơ nhà quê" của anh. Tôi vừa mừng, vừa buồn cười cho cái lão này, sao lại rào trước đón sau như thế. "Thơ quê" hay "thơ tỉnh", "thơ phố" thì cũng là thơ, là tấm lòng của người sáng tác chứ sao. Với lại, thơ anh tôi đã đọc khá nhiều trên blog rồi, còn lạ gì nữa. Tuy chẳng phải là nhà lý luận nọ kia nhưng tôi cũng cảm nhận được thơ Nguyên Hùng. Lão này là dân xây dựng, cái nghề khô khan lắm nhưng mà thơ lão ấy sướt mướt đáo để, tình cảm lai láng ra trò, lắm bài có nhạc điệu ra phết. Chả thế mà khối tay nhạc sỹ đã "ăn sẵn" lời qua thơ Nguyên Hùng để làm nên ca khúc của họ đấy. Dễ có tới gần hai chục bài chứ ít gì. Một số bài như "Đường xưa áo trắng", "Anh chẳng thể quên đâu", "Biển và em" đều có tới hai nhạc sỹ cùng phổ nhạc cho mỗi bài thơ...
Điện hôm trước thì hôm sau tôi đã nhận được tập thơ "Sóng không từ biển" gửi từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Tôi vui lắm. Nhanh thật. Tôi cầm tập thơ trên tay ngắm nghía. Khá đẹp. Dày dặn nữa. Tận 104 trang cơ mà. Nhà xuất bản Hội Nhà văn hẳn hoi nhé. Chưa "xét" về nội dung, khoản hình thức thế này đã là oai, là không "quê" rồi.
Tôi giở lướt qua tập sách, đọc qua mấy bài thơ rồi vội vã điện cảm ơn anh. Công việc cuối năm bù đầu, tôi đành để tập thơ ở đầu giường để tối sẽ đọc. Tôi có thói quen là trước khi đi ngủ phải đọc dăm ba trang sách, rồi mở đài nghe "kể chuyện cổ tích và hát ru cho bé", rồi nghe "đọc truyện đêm khuya". Cứ thế, suốt một tuần tôi bơi trong "Sóng không từ biển" để gặp Nguyên Hùng. Rồi, dành trọn hai ngày nghỉ cuối tuần tôi ngụp lặn hẳn trong đó. Như đã nói ở trên, tôi không phải là nhà lý luận, phê bình văn học, chỉ là anh làm thơ nghiệp dư, yêu thơ hơn yêu vợ nên sau khi ra khỏi sóng của Nguyên Hùng tôi vội ghi vài cảm nhận của mình qua tập thơ của anh.
Cảm nhận đầu tiên của tôi qua "Sóng không từ biển" là Nguyên Hùng rất quảng giao, đi nhiều, quen biết nhiều và hình như... yêu cũng rất nhiều. Yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất mà anh đã từng qua. Hình như cứ đi đến đâu là anh có thơ đến đó. Không phải thơ "vịnh" như các cụ ngày xưa mà là thơ theo đúng nghĩa của nó. Điều này chứng tỏ anh rất nhạy cảm trước cảnh quan thiên nhiên thơ mộng qua con mắt đa cảm của mình.
Dắt nhau lên mở Cổng Trời
Ngoái nhìn bóng đổ: chơi vơi dốc dài.
Bên anh em tựa nắng mai
Chợ tình nhập nhoạng mặc ai lượn lờ
(Nắng mai)
"Mở Cổng Trời", "chơi vơi dốc dài" là giỏi. Đó là cái tài ngôn từ của nhà thơ. Có em bên anh rồi thì "ai lượn lờ" ở chợ tình cũng mặc. Ngỡ tưởng chung chiêng, chơi vơi như nhà thơ trước cái đẹp thế mà bên người yêu cũng kiên định ra phết.
"Đêm nằm heo hút xứ Mèo
Vạc từng nỗi nhớ, niềm yêu càng đầy.
Cao nguyên lạnh lẽo sương dầy
Anh như hoá đá những ngày xa em".
(Lạnh lẽo)
Một kiểu tách câu, chơi chữ Bút Tre rất hiệu quả. "Vạc từng nỗi nhớ" thì quá giỏi. Ai đã từng ngủ đêm mùa đông ở Mèo Vạc mới cảm nhận được cái rét tê tái, buồn tê tái khi xa vắng người yêu thì mới hiểu được "vạc từng nỗi nhớ" như thế nào. Đúng là "Sóng không từ biển" mà từ cõi lòng rồi.
Qua Tam Đảo ngắm "Em che một cặp bồng đào trắng trắng tươi", rồi anh tới Tràng An để "Dang tay làm một cánh diều/ Em cười nghiêng ngả mấy chiều không gian". Không gian có ba chiều, thế mà Nguyên Hùng để cho "em cười nghiêng ngả mấy chiều không gian" thì đa tình quá. Chỉ có Nguyên Hùng mới thế.
Tôi cứ nhẩn nha theo chân anh qua các miền dọc dài đất nước. Cửa Lò - Cửa Hội (quê anh), Đồng Lộc, Phong Nha, biển Sơn Trà, qua Huế, Tháp Chàm, Hòn Rơm, Mũi Né, lên Tây Nguyên, vào Cần Thơ, Cần Giờ, tới Bạc Liêu đất mũi, rồi ra đảo, sang Angkor Wat, đến Chùa Vàng Phnông Pênh...cứ tưởng mệt nhoài nhưng không, tôi vẫn tỉnh như sáo. Những câu thơ của anh cứ hút hồn tôi, dắt tôi đi trong cuộc hành trình.
"Nắng rang chín đỏ Tháp Chàm
Biển buồn Ninh Chữ nhuốm lam mặt người
Bất ngờ gặp một nụ cười
Chợt xanh dịu lại khoảng trời hanh hao"
(Nụ cười)
Chắc là phải nóng lắm, dữ dội lắm cái nắng nóng của miền Trung thì anh mới thấy "rang chín đỏ Tháp Chàm"? Để rồi, bắt gặp nụ cười cô gái nào đó Nguyên Hùng "chợt xanh dịu lại khoảng trời hanh hao". Không đi đến nơi ấy, gặp được cảnh ấy thì sao viết được những câu thơ như thế.
Đến địa danh nào anh cũng có thơ. Đã đành. Thơ bài nào cũng... có em. Thì thế mới là thi sĩ. Không có em thì có lẽ cảnh đẹp đến mấy cũng trở thành vô hồn cả.
Đến Huế:
"Dáng em mềm mại dòng Hương
Lung linh bóng nước - thiên đường của anh"
Lên Tây Nguyên:
"Đêm về sương xuống lạnh lùng
Em là ngọn lửa cháy bừng bờ môi"
Qua sông Tiền:
"Bên Em sóng sánh sông Tiền
Nhớ thời rồng rắn đợi phiên qua phà
Bến Em giờ chỉ mình ta
Độc quyền neo đậu. Cách xa hóa gần".
Về Cửa Hội:
Hòn Ngư, Hòn Mắt chung chiêng
Sóng không từ biển - từ miền em thôi
Ngồi đây ai cũng có đôi
Thương về phương ấy một trời một em"
Thế là đã rõ. "Sóng không từ biển" mà là "từ miền em thôi". Chả trách cồn cào thế, da diết và dữ dội đến thế!
Điểm nổi bật thứ hai trong tập thơ Nguyên Hùng là anh vẽ chân dung tác phẩm, tác giả bạn bè bằng thơ. Theo thống kê sơ bộ tôi thấy không dưới 15 tác giả cùng những tập thơ, câu thơ của họ được anh "tổng kết" qua một bài thơ mỗi người. Bắt đầu từ "Vũng Tàu ơi!" bài thơ anh gửi blggers Vũng Tàu đã manh nha, phát tín hiệu cho độc giả cái thông báo đó. Trong bài thơ này Nguyên Hùng đã "vẽ" Nguyễn Đức Đát với 4 tập thơ, Tùng Bách với tập thơ "Đi và nhặt", Lê Huy Mậu với "Cám ơn mưa phùn" và "Khúc hát sông quê", Đào Xuân Mai với "Phía ấy quê nhà", Đặng Xuân Mộc với "Hoa cúc dại", Vũ Thanh Hoa với "Nỗi đau của lá" và "Sóng thần". Ghép tên những bài thơ, tập thơ của các tác giả để thành bài thơ của mình, đó là cái tài của Nguyên Hùng.
"...Ta sẽ cùng em đi và nhặt
Phía ấy quê nhà cũng có rặng phi lao
Có khúc sông quê, có mưa phùn phương bắc
Ta sẽ hái tặng em chùm hoa cúc dại
Làm dịu nỗi đau của lá của hoa
Rồi sóng thần sẽ cuốn ta đi mãi
Cùng tình yêu còn mãi trong ta".
Cách viết này nếu không vững thì dễ khô khan, gò ép, lỏng tứ và rất dễ đổ vỡ nhưng Nguyên Hùng thì lại khác, rất thơ và rất "đúng vị", đúng chất của mỗi người. Tôi cũng chỉ "gặp" các nhà thơ, tác giả thơ mà Nguyên Hùng làm thơ về họ qua trang blog cá nhân của họ nhưng cảm thấy Nguyên Hùng "đọc" rất ra cái chất riêng của họ.
Bài "Trái tim tóc rối" anh "vẽ" Phương Phương - chủ nhân của blog "Ngày xưa ơi!" thật tài tình: "Có một thời/ Em là ngôi sao của biển/ Ánh mắt em/ Từng làm bao con tim/ Thao thức/ Em là quà tặng trời ban/ Có kẻ từng ngu ngơ đánh mất/ Nay về với biển trong vòng tay nâng niu, ấm áp/ Em vẫn mãi là em/ Với trái tim mong manh dễ vỡ/ Dù chỉ là người đến sau/ Em vẫn là người nổi nhất/ Bởi ký ức vui buồn, chân thực của ngày xưa/ Bởi sự đa đoan, nồng nhiệt của bây giờ..." (Những chữ in đậm là tựa các bài thơ của Phương Phương).
Tùng Bách, Lê Huy Mậu, Hoàng Đình Quang, Phương Hà, mỗi người "bị" lão Nguyên Hùng vẽ chân dung chỉ bằng 4 câu thơ nhưng rất ra cái chất của các vị này (những tác phẩm chủ yếu và tính cách của họ).
Với Phương Hà qua bài "Gã thần kinh": "Bạn tôi bút hiệu Phương Hà/ Chưa quen chưa gặp ngỡ bà nào xinh/ Hoá ra một gã "thần kinh"/ Đem chim thả giữa pháp đình kêu oan".
"Ba chàng ngự lâm" hiện lên ba "pháo thủ" làng văn do tài vẽ của Nguyên Hùng. Đây là Tùng Bách: "Nhặt chán rồi vứt, rồi lại nhặt/ Đi cả đời cũng về nơi cuối đất/ Ôm em nào cũng chỉ một tay/ Bách!". Còn đây là nhà thơ Lê Huy Mậu có vợ là nhà văn Hội An, Nguyên Hùng đã "múa" thế này: "Rối loạn tiền đình càng phải "nhậu"/ Lỡ đeo "di sản" nên cố giấu/ Úp mặt sông quê chỉ nhận được mưa phùn/ Mậu!". Còn đây là nhà văn Hoàng Đình Quang, Nguyên Hùng vẽ: "Trông xa: xơ xác cánh đồng hoang/ Lại gần: gân guốc tựa gốc bàng/ Khi buồn: đối thoại cùng đầu gối/ Quang!". Riêng Hoàng Đình Quang, Nguyên Hùng còn "vẽ" khá chi tiết qua bài thơ "Thử nói dùm bạn thơ" nữa.
Nhà thơ Ngô Minh, nhà văn Dương Hướng, nhà báo Võ Kim Ngân cũng "bị dính đòn" tứ tuyệt của Nguyên Hùng.
Theo chân Nguyên Hùng tôi còn được gặp Nguyễn Lâm Cúc, Huỳnh Mai, Đinh Đình Chiến, Hà Linh, Lâm Chiêu Đồng, Lê An Tuyên...Đúng là cuộc hội ngộ bè bạn trong tập thơ "Sóng không từ biển". Người nào qua thơ Nguyên Hùng tôi cũng thích, vừa đọc vừa tủm tỉm cười và... khoái. Phải hiểu nhau lắm, thân thiết lắm Nguyên Hùng mới viết được về họ như thế. Thì thế sóng mới không từ biển mà sóng đến từ cõi lòng nhau!
Phần II của tập thơ có tên là Đàn sếu. Phần này đăng 10 bài thơ nước Nga do Nguyên Hùng chuyển ngữ. Mục này thì "Choẽ bò" em chịu, không dám bàn luận. Suôt ngày em theo đít con bò và đọc thơ ta thì đâu dám ngó đến thơ tây mà luận với bàn. Thế mà lão ấy lại bảo thơ lão là thơ nhà quê. Có mà "quê tây" thì có. Kỹ sư xây dựng, làm thơ ta đã hay lại còn dịch được cả thơ tây nữa thì... quá giỏi. Bái phục.
Chỉ đọc phần I đã thấy sóng nổi lên từ trong lòng tôi rồi thi sĩ ạ. Cảm ơn Nguyên Hùng đã cho tôi những cảm xúc mới, dạt dào như sóng biển từ những bài thơ, câu thơ hay, từ những tình cảm mà anh đã dành cho bè bạn, đồng đội, đặc biệt là cho chị em phụ nữ. Chúc anh tiếp tục dội sóng để sáng tác được nhiều tác phẩm thơ mới hay hơn nữa.
Việt Trì, 2009.
Bình luận