TIN TỨC
icon bar

Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-22 10:01:35
mail facebook google pos stwis
491 lượt xem

TUẤN TRẦN

Sông Lam không đơn thuần là một thi phẩm viết về dòng sông, dòng chảy của một vùng văn hóa, xứ sở. Nó không chỉ tồn tại với sứ mệnh ca ngợi quê hương, hay nói về nét đẹp của một môi sinh. SÔNG LAM là linh hồn của một vùng sinh thái, là “trái tim” của một nền văn hóa. Là dòng chảy thanh tân làm dịu đi cái bức bối của vùng đất “nóng nung” tranh đấu để khởi dậy cuộc làm người từ trong quá khứ đến vị lai. Tìm kiếm một định nghĩa cho SÔNG LAM, Trần Mạnh Hảo đã kiến tạo một hình thái, sắc vóc đầy duy mỹ, nhân cảm.

“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh

Sông đi thành ví dặm trời xanh”


Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

SÔNG LAM là ngọn nguồn “văn minh” của miền đất nhân sĩ hiền triết. Nhà thơ dựng hệ hình dòng sông qua nhiều chiều kích: Rộng, dài, sâu với văn hóa, văn học, sinh địa, lịch sử, âm nhạc,… khiến cho dòng sông hiện tồn, chứa đựng trong mình cả một miền chân nhân cổ lão tự ngàn đời, đã tạo nên nét phong khí tinh hoa dưới trời trung.

Sông Lam đã chảy vào ví, dặm với những làn điệu “tấm tức” cõi lòng: “À ơi! rằng ai biết nước sông Lam rằng là trong răng là đục/ khi biết sống cuộc đời rằng là nhục, là vinh/ thuyền em lên thác xuống ghềnh/ nước non là bạn là tình mà ai ơi”. Và sông Lam đã đi vào thơ Trần Mạnh Hảo với sự thanh lặng trong cơn phóng khoáng, dạt dào, đa mang hồng trần như con sông chở đạo. Những dòng chảy dặm dài phương thế, truân chuyên đủ kiểu với trận đời sống chết.

Vạn vật đều tìm đến dòng nước để sinh tồn. Từ đó mà dựng nên nền nếp. Có bao nhiêu những nền văn minh ra đời bên dòng sông. Ở xứ Nghệ, con người nơi Lam giang luôn có những “nghịch thường” khác biệt với những lớp người nơi sông khác. Dòng sông thanh bình, yên ả đó đã chảy trong lòng những “đa đoan” để sinh ra những con người “đa sự”: Ngang bạo, can trường, gan góc. Dưới lòng sâu dòng chảy im vắng, lặng câm đó là những niềm cảm dũng ứa tràn và lúc cần thì cuộn trào mạnh mẽ. Cho nên Lam giang luôn chứa đựng những ẩn ức thấm đượm sau những mất mát đớn đau. Sông đứng là thế núi hoành vĩ, là Kinh đô Ngàn Hống. Hình tượng sông hóa núi có lẽ mới bắt gặp lần đầu trong thi ca. Đó là cái biểu tượng về một miền đất được tạo hình “dáng sông thế núi” từ những “cơn động địa” thiêng liêng…

Trần Mạnh Hảo không phải người con của Lam giang. Vậy vì sao? Ông thiết tha với dòng sông đó như thế? Có lẽ trong tâm thức từng tồn tại một mối liên biệt nào chăng? Từ tổ tiên, gia huy của dòng họ đã mang theo phù sa, dòng máu sông Lam. Dòng dõi “ăn sóng nói gió” (Trần Triều) đó cũng có nguồn gốc từ đây. Và chắc hẳn, những người, những người bạn thơ, đồng chí,  hay có thể là một người “em” đã từng để lại những dấu ấn nội tâm đẹp đẽ trong tâm linh nhà thơ là người xứ Nghệ. Để rồi kiệt tác SÔNG LAM ra đời như một sự nặng lòng tri ân.

Người ta thường đến Huế để viết về sông, nơi đó có nét đẹp của trầm tích, đài các, của sự kiêu sa diệu vợi trời nước. Còn xứ Nghệ cái đất cổi cỏ cằn, cái nơi con người gỗ đá, đày mình trong khốn đốn tận cùng đó thì ít có nhà thơ nào lấy sông ra mà biểu đạt con người. Thế nhưng, kẻ đứng bên lề, ngoài cuộc với cái mạch nguồn sông quê đất Nghệ đó lại viết nên một dòng sông tâm thức về văn hóa và con người xứ Nghệ động lòng đến nỗi làm nhói tim những người con nằm trong cái đớn đau chính thống đó.

Sông Lam được Tác Gia họa như một thực thể, hình tượng người mẹ bị những đứa con vét nhẵn vú tới còm cõi. Đám thổ nhưỡng nơi vùng đất gió lào cát trắng khô khốc, lạnh lùng. Để dưỡng nuôi cho cội cành nơi đó thì thực phải vắt kiệt lòng mình. Trần Mạnh Hảo đã hữu hình hóa cái biểu tượng hi sinh lớn lao, cái khắc khổ héo hắt mà dẻo dai nín chịu, nỗ lực sống sót để rồi tồn tại và đẹp đẽ của mảnh đất và con người nơi đó:

“Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát”

Ảnh tượng “sông xanh rớt mồng tơi” được tạo tác từ thành ngữ đậm chất Nghệ và có lẽ chỉ từ mảnh đất “siêu khổ” đó mới sinh ra những lời minh họa đắng đót, nghiệt ngã về những thân phận. Dòng sông mang số phận của cả vùng môi sinh, nơi con người khánh kiệt để chỉ còn lại chân lý: sự nỗ lực, cam nhẫn và “mặt dày mày dạn”.

“Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời

Con cò mặc áo tơi đi học

Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi”

Đoạn thơ này tác giả nói về đời sống bình dân, những sự vật được sông dưỡng nuôi. Trong vại cà, vại nhút muối mặn mòi từ nước sông, những củ khoai chứ đựng cả một vùng trời nước. Cánh cò, cánh vạc đi vào thơ ca với hình ảnh người mẹ, người phụ nữ tần tảo sớm hôm. Cánh cò, cánh vạc mang hình ảnh “thiếu nữ” trong “Như cánh vạc bay” (Trịnh ca). Và cánh cò, cánh vạc đi vào thơ Trần Mạnh Hảo hiện lên dáng hình những đứa trẻ cắp sách tới trường. Màu áo trắng nhuốm bụi đất, nhuốm phù sa bãi bồi, nhuốm cái rách nát bươm tơi của thân phận “khố rách áo ôm”.

Hình ảnh “Sông xanh rớt mồng tơi” và cá “còi cọc toát mồ hôi” gợi khổ và gọi khổ. Làm sống dậy cái đói tận lòng xương ống tủy. Cái thân phận cùn mòn, chua chát, như kẻ ép xác khô xạc ngựa gầy.

Lời thơ chuyển dần từ hình dung, minh họa, tượng trưng về sinh thái tới bản chất con người. Bốn câu thơ chia thành hai “phạm trù”. Biểu đạt, tôn vinh đất và người Nghệ Tĩnh. Đất càng khó, càng khổ, càng khánh tận bao nhiêu thì người càng phóng khoáng, đĩnh đạc, đàng hoàng và hào khí bấy nhiêu. Có thể nói đoạn thơ như một khúc tráng ca hát tận tường cái minh chính và cao đạo nơi đất Nghệ, người Nghệ. “Cá gỗ” là tích truyện nói về sự chắt chiu, tằn tiện tưởng như hèn đớn bần tiện. Cái đói có thể làm người ta tha hóa, một thời trong “Cao lương đỏ” con người đã từng ăn nhau để sống. Thế nhưng ở cái Ngạ Ngục xứ Nghệ đã từng đó, nhờ sự đảm đang, vén khéo, tần tảo, chắc lép của những người mẹ, người chị, người con gái “thương chồng đương đông buổi chợ”  mà những củ khoai hạt lúa đã được chia đến vụn vặt để nuôi lớn những vĩ nhân chí thép chân trần. Nhà thơ đã dựng phạm trù đối lập nhằm tán thán cái sự thật thiêng liêng của mảnh đất “hào sảng” đó:

“Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh

Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài

Trời hào phóng mây trắng

Đất tằn tiện ngô khoai”

Người Nghệ không chỉ can trường, uy dũng. Người Nghệ còn được biết đến trên mặt trận văn hóa. Đất học, đất nhân nghĩa, đất của cái có tình có lý. Trong xương máu đã thấm lắng đạo học. Từ cái sâu sắc, mộc mạc dân gian mà tạo ra cái chất bác học rất riêng của Nghệ Tĩnh:

“Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa

Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài”

Ảnh tượng nghệ thuật đồ Nghệ gợi nhớ về nhà lãnh tụ ái quốc. Người đã xuất thân từ một ông giáo nơi Lam giang mà đem sở học của mình “răn sửa” xứ người. Bác từng nói mình là “vong quốc nô” bạt sóng, bạt gió để trở về trong mang theo một hình hài mới cho dân tộc. Thưở đất nước còn trong thân phận tù đày, biết bao Đồ Nghệ gàn rở đã xếp nghiêm mực mà làm lãnh tụ của những vùng khởi nghĩa. Ở đâu có máu tươi diễm lệ ở đó chảy ra những giọt sông Lam.

Có lẽ như lời Người từng nói: “Có mất chỉ mất một kiếp khổ, được thì được cả thế giới”. Chính vì thế, nghệ nhân sống như trâu, róng riết, phi thường, trái lẽ tự nhiên. Gàn rở và kiên trinh, con người nơi đó bất chấp cả sự trừng phạt, rủa sả của thiên địa để dấy lên những hô hét đòi sống ngang bạo, ương ngạnh nhất: “Thằng trời đứng ra một bên/ Để cho thủy điện đứng lên thay trời (Ca dao).

“Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng

Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng

Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng

Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang”

Nơi đó gió lào, sông Lam chỉ chia cho người được mấy cái bánh đa và mấy hạt ngọc trời nhỏ nhoi. Nhưng hình hài đất nước đã nứt ra từ đó. Nước Xích Quỷ, Kinh Dương Vương đã khai minh cho vùng văn hóa, xứ sở từ đất Hồng Lĩnh. Để sống đặng tươi thơm, ngọt bùi con người phải dẫm đạp lên “thiên lý” lên “cú đùa ác” của trời đất, thiên tạo từng giáng lên đầu người những khắc nghiệt, đau thương.

Sau tất cả những sự vụ u sầu, những đấu tranh khởi sự và thịnh thế cái gia phong xứ Lam giang. Dòng sông đã trở mình yên bình, lặng lẽ. Nằm nghe những miền cổ lão vọng tiếng ru ngàn năm về đất người đã vươn dài cánh tay vạm vỡ, để tạo nên những con người lao động chất phác thuần túy. Đi đâu ta cũng nghe tiếng của độc lập sum vầy, của mộc mạc chân quê, của bề sâu văn vận. Của khúc hát Lam Giang, rú Quyết vẫn nằm đó chảy rờn xanh xuống dòng Lam giọt máu kiên cường, bất khuất.

“Sông thao thức sóng tràn bờ Bắc

Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ Nam

Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc

Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang

Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước

Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng”

Nhờ đất nghèo mà nên người giàu chăng! Ngàn năm đẹp đẽ khắc trên đồng thau cao nhã, về tiếng hình xứ Nghệ. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi càng cằn cỗi càng trồi sụt những mầm sống bất tử. Như sông Lam ăn cát ngậm ngùi cơn đói, uống nước trời xanh mà dạt dào những yêu thương. Trong đau khổ, thấu khổ mà quyết liệt hóa kiếp cho không chỉ riêng đất mình.

“Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát

Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn

Người giàu có nên đất nghèo khô khát”

Bài thơ kết thúc với hình ảnh đặc thù quen thuộc: Gió Lào, sông Lam, thốt lên tự hào tha thiết: Đó là bến bờ nơi chúng ta vươn tới. Là mảnh đất sáng mãi niềm tin, là biểu tượng của sự hồi sinh vĩ đại.

“Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…”

Mạnh Hảo nhà thơ đã vẽ một hình hài xứ sở vĩ đại trên nỗi đau khổ khôn tả. Chiến thắng của con người từ những cái chết uy phong, từ đất nghèo ngược gió vẫn phất, “luống dọc thích bò ngang”. Để ý chí sống được khẳng định muôn đời, thâu góp qua nhiều thế hệ. Để SÔNG LAM luôn chảy mãi lưu động dưới lòng sâu mạch nguồi sự sống thiêng liêng.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm
‘Ký họa thơ’ - Nhiều thông tin quý về bạn bè văn nghệ!
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập Ký họa thơ (81 Chân dung Văn học) của Nguyên Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
“Đạo” của nhà thơ
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Bài viết của nhà báo nhà thơ Phan Ngọc Quang
Xem thêm