TIN TỨC
icon bar

“Trăm khúc hát” ngân vang từ “một chữ duyên”

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-09 19:19:21
mail facebook google pos stwis
407 lượt xem

VỀ THƠ NGUYÊN HÙNG
(Mời click vào dòng chữ trên để truy cập chuyên mục)

NGUYỄN QUẾ

Tác giả Nguyễn Xuân Hương đã viết trong bài “Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng”: “Triết lý Nhà Phật có nói về chữ “duyên”: Duyên vốn là từ gốc chữ Hán có nghĩa là nguyên nhân, nguyên do, nguyên cớ phát sinh ra sự việc…”. Có lẽ, đó là lý do nhà thơ Nguyên Hùng sử dụng chữ duyên khi anh đặt tên cho tác phẩm của mình.
 

Tác giả Nguyễn Quế
 

Chữ duyên - cội nguồn “Trăm khúc hát” và nhiều thi phẩm khác của Nguyên Hùng - chính là sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng quê tuy gian khó nhưng đầy ắp tình người, giàu truyền thống cách mạng và thi ca; là lòng yêu thương vô bờ của tác giả đối với gia đình, những người xung quanh và cuộc đời này; là khát vọng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp để góp phần tô thắm cho đời… Hãy nghe Nguyên Hùng viết về vùng đất quê anh:

    “Quê tôi đồng khô ruộng cạn

     Lúa ít khoai nhiều

     Củ khoai lang hóa thành đặc sản

     Bạn bè xa nghe tiếng là yêu”

Vùng quê ấy không rộng lớn, trù phú nhưng gần gũi và thơ mộng biết bao:

    “Đồng biển quê tôi không thẳng cánh cò bay

     Những bãi cát chen nằm phơi nắng

     Những luống khoai nở bùng hoa trắng

     Biển sóng lô xô ru đảo cát vàng”

          (Lặng thầm một loài hoa)

Là người con của biển, từ nhỏ, Nguyên Hùng đã được biển cả đưa ngàn cánh võng,   ru những khúc nhạc du dương, trầm bổng đến bất tận. Trong trái tim anh, biển quê hương thật gần gũi, thiêng liêng và là cội nguồn của những hoài bão, ước mơ đẹp đẽ:

    “Biển mãi là máu thịt ông cha

     Nơi anh linh ngàn đời hòa sóng nước

     Biển thắp sáng tuổi thơ đầy mơ ước

     Lớn khôn rồi lại khát thuở thần tiên…”

        (Cho biển mãi xanh)

Cùng với biển và đồng đất quê hương, dòng sông quê luôn gắn bó với thi nhân những kỷ niệm không thể n:ào quên:

    “Ta sinh ra từ một dòng sông

     Sông dài rộng, con đò ngang thì bé

     Đạn rít bom gầm cày nát thời thơ trẻ

     Khói lửa vừa tan, mỗi đứa một phương trời”

Những tháng ngày cách xa, trong lòng nhà thơ vẫn vang vọng mãi những câu hát, điệu hò xứ sở. Anh mong mỏi một ngày được trở về ngụp lặn giữa bến sông yêu dấu:

    “Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa

     Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm

     Gía mỗi chiều được về quê ngụp lặn

     Giữa trong xanh da diết một cánh buồm…”

            (Gửi dòng sông câu ví)

Là người có trái tim sâu nặng nghĩa tình, Nguyên Hùng yêu quý và tự hào biết bao những người con của vùng đất quê hương mình. Trong tâm thức nhà thơ, họ là những con người bình dị, chân chất nhưng giàu lòng yêu nước, luôn anh hùng quả cảm trong chiến đấu và hăng hái trong lao động sản xuất:

    “Ta tự hào quê Cửa Lò Cửa Hội

     Người quê biển ăn sóng nói gió

     Phóng khoáng tài hoa nhờ mắm muối dưa cà

     Từ nhiều đời tiếp bước ông cha

     Cùng ra trận khi quân thù kéo đến

     Giặc cút rồi ta lại về với biển

     Theo những bạn chài tìm cá nơi xa

     Giữa sóng biển bao la con tàu nhỏ làm nhà

     Nuôi khát vọng đi lên từ đất biển”

Hòa giữa điệp trùng những người con của làng quê yêu dấu ấy là hình ảnh những người thân của nhà thơ. Thật cảm động khi ta đọc những câu thơ tác giả viết về người cha yêu kính của mình:

    “Cha là con của biển khơi

     Thay ông mất sớm, một đời nắng mưa

     Đời cha không có tuổi thơ

     Thuyền là trường học từ chưa biết vần”

Dẫu năm tháng trôi qua, dẫu cuộc đời đổi khác, nhưng lời nói, tiếng cười, bao nỗi vất vả, hy sinh cùng những mừng vui cha mang về, và nhất là nỗi mất mát đau thương khi cha không qua nổi cơn bạo bệnh mãi in đậm trong ký ức của tác giả:

    “Nhớ cha hồn hậu tiếng cười

     Nhớ cha bộc trực từng lời chân quê

     Thương cha đi sớm về khuya

     Qua bom qua bão mang về mừng vui

     Để cơn bạo bệnh cuối đời

     Cha không qua nổi.

     Nghẹn lời cháu con!

 

     Cha đi để lại bóng tròn

     Cánh buồm một thuở vẫn còn gió neo…”

            (Nhớ cha)

Càng nhớ thương người cha quá cố, Nguyên Hùng càng trân quý những phút giây được ở bên cạnh mẹ, được cùng gia đình vui xuân mừng tuổi mẹ và cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của mẹ bên cháu con:

    “Mừng mẹ xuân này tròn tám chục

     Đông đủ cháu con về bên mẹ sum vầy

     Cả cuộc đời lo toan, khó nhọc

     Hẳn mẹ rất vui có những phút này”

Ngước nhìn người mẹ hiền yêu dấu, nhà thơ cảm thấy lòng đầy tự hào trước hình ảnh cao đẹp của mẹ:

    “Tám mươi năm chất nặng vai gầy

     Mẹ vẫn thẳng lưng giữa đàn cháu nhỏ

     Xua thần chết từng mấy lần gõ cửa

     Mẹ lại ngồi đây chậm rãi nhai trầu”

          (Bên mẹ xuân này)

Chính cuộc đời tần tảo nhưng kiên cường vượt qua mọi gian khó và bạo bệnh của tuổi già, bình thản trước quy luật khắc nghiệt của tạo hóa nơi mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho các lớp cháu con, trong đó có nhà thơ, vươn lên trong cuộc sống.

Với Nguyên Hùng, bên cạnh hình bóng các bậc sinh thành, biển và quê hương luôn gắn liền với tình cảm anh dành cho người phụ nữ mà anh yêu dấu. Nhà thơ đã viết nên những câu thơ tình thật đẹp:

    “Anh lớn lên trên sóng

     Nên say hoài biển xanh

     Biển đưa ngàn cánh võng

     Ru bồng bềnh hồn anh.

    

     Em chỉ là giọt nhỏ

     Giữa dòng đời lặng trôi

     Mà trước em, anh ngỡ

     Trước muôn trùng biển khơi.”

          (Biển và em)

Từ nơi sinh ra ở cửa biển của dòng sông Lam thơ mộng thuộc phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An; từ vòng tay yêu thương của mẹ cùng tình cảm mặn nồng của cha và những người thân, Nguyên Hùng bước vào biển đời với tâm hồn rộng mở. Anh nặng lòng với quê hương, với những vùng quê mình đã đi qua, đã từng gắn bó những năm tháng của cuộc đời và cả những dải đất thiêng liêng của Tổ quốc anh chưa một lần đặt chân đến. Đó là Hà Nội, Thủ đô đong đầy nỗi nhớ; là Bảo Lộc thấm đẫm hương đất tình người; là Thủ Đức, thành phố trẻ bên sông; là Côn Đảo huyền thoại, là biển Sao Mai xinh đẹp của xứ Phú Yên; là vùng đất Tây Nguyên bừng sức sống mới… Anh trân quý những con người đã cống hiến sức lực, tài năng và tuổi thanh xuân, góp phần viết nên trang sử vàng cho đất nước. Đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của nhân dân; là nữ anh hùng – liệt sỹ Võ Thị Sáu; là những người chiến sỹ dũng cảm, mưu lược năm xưa, khi trở về cuộc sống thời bình vẫn phát tuy bản chất truyền thống cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ trên các lĩnh vực công tác và cuộc sống…

Cùng tấm lòng sâu nặng với quê hương, đất nước, con người, Nguyên Hùng luôn mang trong mình tình yêu say đắm với thi ca. Hình như hồn thơ luôn trú ngụ trong trái tim anh. Vì vậy, sau những năm tháng miệt mài với công việc giảng dạy của một tiến sỹ Công trình thủy, anh đã dành phần lớn thời gian, tâm sức còn lại cho hoạt động sáng tạo. Sức viết của anh thật đáng nể phục bởi chỉ trong thời gian khoảng 20 năm, anh đã cho ra đời tám tập thơ, trong đó có những tác phẩm gây tiếng vang. Thơ Nguyên Hùng mộc mạc, chân phương nhưng có nội lực, nói lên được tâm tư, tình cảm của nhiều người, lại giàu nhạc điệu. Đó là nguyên nhân thơ anh được nhiều nhạc sỹ chọn phổ nhạc. Có lẽ trong làng thơ Việt Nam, ít tác giả có số lượng lớn tác phẩm thơ được phổ nhạc, lại có nhiều “khúc hát” nổi tiếng như anh.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghệ thuật ký họa chân dung bằng thơ của Nguyên Hùng
Bài viết công phu của PGS-TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Bài của nhà văn Kao Sơn trên Văn nghệ Công an
Xem thêm
Vài nét về chữ Duyên trong thơ Nguyên Hùng
Cảm nhận sau khi đọc một số tập thơ, và đặc biệt tập thơ nhạc “Trăm khúc hát một chữ duyên” của Nguyên Hùng
Xem thêm
Nguyên Hùng và duyên thơ – nhạc
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng “yêu mãi hoài vẫn khát”
Bài của nhà giáo nhà thơ Trần Hà Yên, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Quê hương và biển hòa quyện trong nhau
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh về tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Xem thêm